Anh em lên đường vào trung tuần tháng 2-1948. Tôi tiễn anh em một đoạn. Trong giây phút chia tay, người đi, kẻ ở đều cảm thấy bùi ngùi, xúc động. Sau này, tôi được nghe anh Nguyễn Minh kể lại về chuyến đi rất gian khổ. Anh em phải đi bộ từ Việt Bắc vào Nghệ An qua Cửa Rào đến Mường Xén. Tiếp đó, xuyên qua rừng, chiến đấu với phỉ và thú dữ vượt Trường Sơn đến bờ sông Mê Công, rồi xuống thuyền sang Bùng Càn. Từ Bùng Càn, anh em đi Noọngkhai, Udon và Băng Cốc. Từ Băng Cốc, một số đồng chí sang Rănggun thuộc Miến Điện. Khi đi, anh em có mang theo cuốn sách ''Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch''. Anh em muốn tuyên truyền ra thế giới cuốn sách viết về Bác, để qua đó, bầu bạn hiểu được cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Lúc này ở Thủ đô Rănggun, ta đã tổ chức phòng thông tin Việt Nam do bác sĩ Trần Văn Luân, đại diện Chính phủ ta, phụ trách. Được sự giúp đỡ của Chính phủ Miến Điện, một chuyên gia tiếng Anh, người Ấn Độ, tên là Valendu, đã xin dịch cuốn sách sang tiếng Anh. Sách dịch khá tốt. Dịch xong, chuyển xuống nhà in ngay. Sách được phát hành với một khối lượng lớn. Nhân dân Miến Điện và những người nước ngoài ở Miến Điện, nhất là những sinh viên, thi nhau tìm cuốn sách để đọc. Nhiều sinh viên nói rằng, đọc cuốn sách hay như tiểu thuyết, nhưng lại là thật. Qua đó, họ thấy rõ tầm vóc của Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Hàng tuần, những tin tức về cuộc kháng chiến được gửi từ trong nước sang. Anh em biên tập lại rồi in thành tài liệu phân phát cho các nhà báo nước ngoài. Nhiều đồng chí còn trực tiếp đến nói chuyện tại các giảng đường trường đại học, các xí nghiệp và vùng nông thôn. Như vậy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, ta vẫn cố gắng tuyên truyền ra quốc tế về cuộc kháng chiến của ta, nhận được sự giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới đối với nhân dân Việt Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bộ phận ở Băng Cốc và bộ phận ở Rănggun cùng sang Trung Quốc, rồi sang Tiệp Khắc. Chuyến đi dài ngày của Đoàn mang lại kết quả tốt đẹp. Bác rất vui mừng về kết quả đó.
Ở Khuôn Dát đến khoảng cuối tháng 4-1948, Bác chuyển chỗ ở đến Nà Lọm, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Phú Đình là một xã lớn gồm hơn 20 xóm. Nhân dân sống ở đây, phần lớn là dân tộc Tày. Nhìn chung, đồng bào Tày rất hăng hái phục vụ cách mạng, cưu mang, đùm bọc cán bộ. Ruộng đất nơi đây tương đối tốt, nông dân cấy hai mùa lúa. Thóc thừa đều đem ủng hộ cách mạng. Bác rất quý và tin nhân dân địa phương. Bác yêu cầu cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện nghiêm chỉnh nếp sống kháng chiến, làm gương để nhân dân địa phương noi theo, điều cần nhớ phải hết sức tôn trọng phong tục tập quán tiến bộ, lành mạnh của nhân dân địa phương. Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết con người dở hay. Bà con địa phương ở lâu với cán bộ, Bộ đội Cụ Hồ, biết rõ cái chân chất, nghiêm túc của cán bộ, bộ đội, nên rất quý trọng họ.
Lúc này, tại khu vực Định Hoá, có nhiều thú dữ, nhất là hổ. Chính hổ đã vồ mất con ''tu-ma'' mà những anh em bảo vệ Bác đã nuôi nó từ những ngày đầu kháng chiến. Dân địa phương nói rằng, giống hổ thường sợ nứa nhọn. Vì vậy, các đồng chí bảo vệ đã đi chặt nứa để đan làm cửa nhà và rào giậu chung quanh nơi Bác ở. Vì có nhiều thú dữ và đề phòng khả năng địch tập kích bất ngờ, Cục bảo vệ quy định các cán bộ không được ngủ lẻ tẻ một mình và hạn chế việc ''đi lẻ'' về với gia đình. Chúng tôi làm việc, ăn nghỉ đều trong khu vực bảo vệ. Một hôm, tôi nằm ngủ cùng anh Lân, chiến sĩ cảnh vệ và anh Dư, bác sĩ quân y. Vì lâu ngày không được gặp vợ, nên nhớ. Đang đêm, khi các anh ngủ say, tôi ''bí mật'' lẻn ra ngoài, đi thẳng xuống chỗ nhà tôi. Một lát sau, các anh tỉnh giấc, không thấy tôi, liền vùng dậy đi tìm. Tìm mãi không thấy, các anh lo lắm, đành phải đến báo cáo với Bác. Nghe xong, Bác nói: ''Các chú xuống chỗ cô Bảy xem, nếu không có ở đấy, thì hổ vồ rồi”. Mấy hôm sau gặp Bác, Bác nhìn tôi mỉm cười: ''Chú Việt đánh “du kích” rất giỏi. Tôi phục chú đấy''. Tôi hơi ngượng, nói khẽ: ''Thưa Bác...''. Trước sự ấp úng của tôi, Bác cười to. Tôi cười theo. Sự đôn hậu của Bác sưởi ấm lòng tôi trong cái rét ngọt ngào của núi rừng Việt Bắc. Khi Bác thấy nhà tôi và chị Thuận, vợ anh Lê Văn Lương đều có mang. Bác nói: ''Cô nào sinh con trước, Bác đặt tên cho''. Nhà tôi sinh trước; được Bác đặt tên cho cháu là Hạ Chí Nhân.
Bác ở Nà Lọm đến khoảng đầu tháng 9-1948, chuyển đến Lũng Chẩu. Hôm ra đi, Bác hết sức giữ bí mật. Bà con dân bản không ai biết. Đến lúc biết, Bác đã đi rồi. Nhiều người rơi lệ vì nhớ Bác. Chỗ ở mới có phần rộng hơn chỗ ở cũ, nằm bên cạnh một con suối. Đêm đêm, nghe tiếng suối chảy rầm rì, tiếng gió bừng reo, gợi lên một cảnh sắc thiên nhiên đẹp. Dạo này, Bác rất bận. Có những hội nghị kéo dài suýt một tuần lễ, vậy mà Bác đến dự rất đều. Nhiều hôm đi họp về khuya, lại mưa to gió lớn, Bác vẫn xắn quần, tay chống gậy đi dưới mưa. Sức khoẻ của Bác dạo này tốt, nên Bác đi rất nhanh, chúng tôi vất vả lắm mới theo kịp.
Năm 1948 kết thúc với những chiến thắng rực rỡ trên nhiều chiến trường. Cuộc kháng chiến bước sang năm 1949. Đầu năm 1949, Trung ương họp Hội nghị cán bộ. Đảng và Bác chủ trương đánh mạnh hơn nữa vào hậu phương địch, vào các vị trí chiến lược, cắt các đường giao thông quan trọng từ chủ động chiến dịch đi đến chủ động chiến thuật, tiếp tục phá tan Chiến dịch Thu Đông của địch. Muốn vậy, công tác trọng tâm trước mắt là tiếp tục xây dựng bộ đội chủ lực, phát triển dân quân du kích, đào tạo cán bộ, kiện toàn cấp uỷ đảng, củng cố chính quyền. Bác đến nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị, nhấn mạnh những việc cần làm trong năm 1949 là đẩy tới quân sự, kháng chiến trên hết, quân sự trên hết, tất cả phải tập trung cho kháng chiến thắng lợi. Bác dành nhiều thời gian nói về Đảng, phê phán lối làm việc trong Đảng hiện tại mắc hai khuyết điểm. Đó là cán bộ cũ làm việc theo lối thủ công nghiệp, cán bộ mới làm việc theo lối khoa học, nhưng lại quá trớn, không phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến. Phải đòi hỏi cán bộ, đảng viên sửa chữa lối làm việc cho hợp lý, vừa với điều kiện của ta, sức ta, không nên câu nệ, máy móc, hình thức Bác nói: ''Trước mắt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ ''cộng sản'' mà ta được họ yêu mến''. Tôi rất thấm thía câu nói này của Bác. Lúc Hội nghị bế mạc, tôi tranh thủ gặp Bác để xin ý kiến về sự chỉ đạo công tác mặt trận là dân vận. Tôi nhớ lúc ấy còn có anh Tôn Đức Thắng đứng bên cạnh. Bác bảo chúng tôi: “Vấn đề hiện nay là cần củng cố Việt Minh, thống nhất Liên Việt. Chuẩn bị thật tốt mọi mặt để sau Đại hội Đảng, chúng ta có thể thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tạo thành một khối vững chắc làm hậu thuẫn cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi''. Bác dặn riêng tôi: ''Chú Việt, ngoài công việc cùng Bác Tôn lo thống nhất Việt Minh – Liên Việt, còn chuẩn bị vận động công nhân tiến tới Đại hội công đoàn''.
Những ý kiến chỉ đạo của Bác tại Hội nghị cán bộ cao cấp đầu năm 1949 đã được các ngành, các giới biến thành hành động cách mạng. Bộ đội ta làm theo lời Bác, liên tiếp mở nhiều chiến dịch lớn: Chiến dịch Lao Hà, tháng 2-1949; Chiến dịch Đông Bắc, tháng 3-1949; Chiến dịch Lê Lợi ở Hoà Bình; Chiến dịch Lê Lai ở Quảng Trị, v.v... Trong Chiến dịch Sông Thao ở Yên Bái, tháng 5-1949, bộ đội ta dùng mác đánh giáp lá cà, tiêu diệt nhiều tên địch, buộc chúng phải rút lui nhiều đồn bốt, phá vỡ từng mảng phòng tuyến sông Thao. Đặc biệt, trận Phố Ràng, ta đã tiêu diệt được cả một đại đội địch. Trận đánh Phố Ràng đã được nhà văn Trần Đăng mô tả bằng những cảnh sinh hoạt lạc quan và chuẩn bị chu đáo của bộ đội ta khi đánh đồn. Trong Chiến dịch Sông Lô, tháng 5-1949, bộ đội ta phá tan cuộc hành quân Pômôn (Pomone) của địch đánh lên Phú Thọ, Tuyên Quang. Chiến dịch gan góc suốt 7 ngày đêm trong hoàn cảnh đi chân đất, ăn cơm nắm muối vừng, bộ đội ta vẫn hăng hái đánh địch, thắng giòn giã những trận Tràng São, Lệ Mỹ, Núi Hét, Tiên Du (Phú Thọ). Bộ đội của trung đoàn 308 và trung đoàn 209 lần đầu tiên đánh vận động, bẻ gãy cuộc hành binh của địch, diệt 800 tên, thu nhiều vũ khí. Nhiều trận đánh khác diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ, nói lên sự trưởng thành của quân đội ta.
Thời gian này, tôi thấy nhiều nhà báo nước ngoài gửi thư sang Việt Nam, phỏng vấn Bác. Hãng thông tấn Anh Roitơ (Reuter) bắn tin sang thăm dò Bác về việc Bảo Đại trở về Việt Nam. Khi họ hỏi: ''Người ta có thể cứ coi cựu hoàng đế Bảo Đại vẫn giữ chức tối cao cố vấn của Chính phủ Việt Nam không?'', Bác trả lời một câu rất hay mà sau đó hãng Roitơ nhắc đi nhắc lại mãi: ''Ông ta đã tự cách chức ấy rồi''. Lại cũng chuyện Bảo Đại. Phóng viên báo Phrăngxơ Xoa (France Soir) hỏi Bác: ''Theo ý Chủ tịch giữa Chính phủ của Chủ tịch với Bảo Đại có thể có thoả ước hay không?''. Bác trả lời: ''Trong một nước, làm gì có thoả ước giữa một tư nhân công nhân với Chính phủ do toàn dân cử ra''. Nghe nói câu trả lời sắc nhọn của Bác đã làm cho Bảo Đại đau đầu. Bác có nhận xét đúng về Bảo Đại: Ông ta có lần đã trịnh trọng thề trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Chính phủ. Nếu ông ấy cam tâm buôn dân bán nước, ông ấy sẽ bị tội phản quốc như những kẻ phản quốc khác.
Phong trào thi đua tiền tuyến giết giặc lập công, hậu phương tăng gia sản xuất được dấy lên trong thời gian này.
Ngày nào, Bác cũng nhận được thư từ các nơi gửi đến báo cáo với Bác những thành tích của địa phương mình. Bác viết thư gửi các địa phương; thư gửi Đội Lão dân quân huyện Nam Đàn; thư gửi học viên Trường Y tá Liên khu I; Thư gửi các chiến sĩ Đường số 5, v.v... Bức thư nào Bác cũng nói rõ nhiệm vụ cần làm trong phong trào thi đua yêu nước. Có lần, Bác nhận được một thanh kiếm ''Quyết thắng'' do anh chị em công nhân xưởng Phan Bôi của Liên khu I gửi tặng. Khi đồng chí cảnh vệ mang kiếm vào dâng Bác, Bác hạ bút viết thư luôn cho Liên đoàn Lao động Liên khu I. Trong thư, Bác viết: ''Tôi đã nhân danh Liên đoàn Lao động Liên khu I gửi kiếm ấy làm giải thưởng cho bộ đội nào ở Nam Bộ lập chiến công to nhất trong năm nay'' (năm 1949). Hưởng ứng phong trào thi đua do Bác phát động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mở nhiều ''chiến dịch thi đua'' mang các tên: ''Tăng gia sản xuất vũ khí'', "Toàn dân thi đua ái quốc, tăng gia sản xuất, giết giặc, cứu nước'', ''Gây cơ sở, phá kỷ lục'', ''Tăng gia sản xuất, tự túc ăn mặc'' v.v... Tuy những tên gọi của các địa phương có khác nhau, nhưng nội dung chính tập trung vào việc vận động mọi người thi đua phát minh sáng chế, đổi mới cung cách làm việc, thợ khá dìu dắt thợ kém, tất cả nhằm phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất. Thi đua ở cơ quan rồi lại thi đua trong gia đình bằng việc tăng gia, tự túc tự cấp: Bản thân tôi thuộc loại ''chân yếu'', nhưng chiều nào cũng vác cuốc đi tăng gia. Có hôm cuốc đất tới lúc trời tối hẳn mới về. Sự cố gắng được đền bù bằng những luống rau xanh, bí, ngô, khoai. Tôi trồng được một vườn bí sai quả. Khi bí to, tôi hái vài quả, nhờ đồng chí thư ký mang sang biếu Bác. Bác nhận bí, rồi gửi lại đồng chí thư ký chuyển cho tôi bức thư. Trong thư, Bác đề vỏn vẹn có hai câu thơ:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Cám ơn chú Việt, bí này còn non''
Câu thơ của Bác nhắc nhở tôi đừng vội hái quả non, mọi cái phải đạt tới ''độ chín'' mới có giá trị. Cách nhắc nhở nhẹ nhàng của Bác làm tôi thấm sâu. Ngôn ngữ của Bác bao giờ cũng tế nhị, nhưng sâu sắc, chính vì thế mà Bác cảm hoá được nhiều người. Nghe nói, sau đó ít lâu, bên cơ quan Mặt trận, các đồng chí cũng trồng được ít bí, gửi sang biếu Bác mấy quả. Bác cũng bảo bí còn non và cũng gửi các cụ hai câu thơ tương tự như thơ Bác gửi cho tôi:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Cảm ơn các cụ, bí này còn non''.
Lúc này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trực tiếp xây dựng và điều hành một số xưởng như TKI, TK2, TK3. Riêng trong ngành sản xuất vũ khí có sự trưởng thành vượt bậc: Tổng Liên đoàn trực tiếp quản lý 8 xưởng gần 500 công nhân. Hệ thống quân giới có 89 xưởng, 12 công trường, 15 kíp sản xuất gần 16000 công nhân. Hệ thống dân quân có 46 xưởng, 1 công trường, 3 kíp sản xuất gồm 8000 công nhân. Tổng Liên đoàn cử các cán bộ xuống tận xí nghiệp nghiên cứu tình hình, đề xuất với Chính phủ những biện pháp nhằm tổ chức lại sản xuất, từng bước cải thiện đời sống cho công nhân viên chức. Rồi công đoàn cùng chính quyền tổ chức khám bệnh, phát thuốc thực hiện bảo hiểm xã hội đối với công nhân. Một đời sống tinh thần lành mạnh trong công nhân, viên chức được chăm chút, nâng niu trong hoàn cảnh vừa sản xuất, vừa phải ăn khoai, sắn, thậm chí phải ăn củ mài. Lúc bấy giờ, trong Tổng Liên đoàn, có đồng chí nêu ý kiến hãy tập trung vào kháng chiến, còn việc học hành, vui chơi giải trí chờ đến ngày hoà bình lập lại. Chúng tôi phản đối quan điểm này. Bác cũng đồng ý với chúng tôi và nói rằng, kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân, toàn diện, kháng chiến - kiến quốc, cớ sao chỉ có đánh giặc nơi trận tiền mà bỏ mất việc củng cố hậu phương. Tổng Liên đoàn chỉ thị cho công đoàn các cấp cần chú trọng huấn luyện về chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho công nhân. Những lớp văn hoá bắt buộc được tổ chức ngay bên bờ suối, nơi rừng sâu, núi cao, ai không học sẽ bị phạt. Nhờ vậy, mà chúng ta đã xoá nạn mù chữ cho nhiều người. Có đồng chí khi mới đi kháng chiến còn mù chữ. Vài năm sau viết thư về cho vợ nói những lời âu yếm làm người vợ rất ngạc nhiên khi nhận thư chồng. Tại một cơ quan, có đồng chí văn hoá mới chỉ i tờ nhưng cứ giấu mãi, lúc nào cũng tỏ ra mình biết chữ, nên không thèm đi học. Tôi biết thóp anh ta. Một lần, tôi mời anh đến, nhờ anh viết giúp cho một công văn nhắc các cơ sở gửi báo cáo thành tích thi đua về Trung ương. Anh ta vâng vâng dạ dạ, nói rằng sáng mai sẽ gửi cho tôi. Tôi yêu cầu anh viết tại chỗ có sự giám sát của tôi. Lúc ấy, anh lúng túng, bèn thú thật văn hoá của mình mới chỉ i tờ. Tôi yêu cầu bắt buộc anh phải cấp tốc học chữ. Hẹn trong 6 tháng phải đọc thông viết thạo, bằng không sẽ bị kỷ luật. Với biện pháp kiên quyết này, anh về học chữ ngày đêm. Sáu tháng sau, anh mang cuốn sách đến đọc cho tôi nghe lưu loát. Tôi bắt tay anh rất thắm thiết. Phải nói rằng, mặc dù sống trong hoàn cảnh kháng chiến, Bác rất quan tâm đến việc học văn hoá của cán bộ, chiến sĩ. Câu hỏi của Bác thường là: ''Đơn vị chú còn ai mù chữ không?''. Bác tâm sự với chúng tôi: ''Chúng ta có ba cái đáng lo, thứ nhất là giặc xâm lược, thứ nhì là giặc đói, thứ ba là giặc dốt. Nếu chúng ta nhanh chóng thanh toán giặc dốt, sẽ mau chóng giết hết được giặc xâm lược và đẩy lùi được giặc đói''. Nhờ có sự chỉ đạo chặt chẽ của Tổng Liên đoàn, hơn 1000 lớp học văn hoá đã ra đời trong hoàn cảnh kháng chiến, dạy cho hơn 25.500 học viên cấp I.
Phong trào thi đua phát triển, làm Bác vui lòng. Nhưng Bác lại rất buồn mỗi khi nhận được những báo cáo nói về sự lãng phí, thiếu trung thực ở một số nơi, một số người lợi dụng tài sản của Nhà nước, quân đội mà mưu cầu việc riêng. Một hôm, Bác mời anh Xuân Thuỷ đến, trao cho anh một tập bản thảo do tự tay Bác đánh máy, nhờ anh chuyển cho các đồng chí ở toà soạn báo Cứu quốc để đăng. Đó là cuốn sách ''Cần, kiệm, liêm, chính''. Trong cuốn sách, Bác nói rõ vì sao Bác đề ra khẩu hiệu: ''Cần, kiệm, liêm, chính''. Vì đó là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua yêu nước. Bác nói bốn mùa của trời là Xuân, Hạ, Thu, Đông; bốn phương của đất là Đông, Tây, Nam, Bắc; còn bốn đức của con người là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Bác viết:
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người.
Bác nói mục đích của chúng ta là làm cho con cháu mình sung sướng, gia đình no ấm, làng xóm mình thịnh vượng, nòi giống mình vẻ vang, nước mình giàu mạnh. Muốn vậy, người dân của nước đó phải có liêm sỉ, nghĩa cử, lòng trắc ẩn và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tôi còn nhớ có lần một đoàn cán bộ đến chúc mừng ngày sinh của Bác. Đồng chí trưởng đoàn thưa với Bác: ''Nhân dịp đến chúc thọ Cụ, xin Cụ cho một khẩu hiệu để chúng tôi có phương hướng hoạt động''. Bác vui vẻ nói ngay: ''Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư'', đồng chí không nói gì, mặt hơi cúi xuống. Thấy vậy, Bác nói: ''Đồng ý chứ?''.
Đồng chí trưởng đoàn rụt rè nói: ''Thưa Cụ, xin Cụ miễn thứ cho, nghe nó cổ cổ thế nào ấy''. Bác nói: ''Ơ hay, sao lại cổ. Cơm các cụ ăn, bây giờ chúng ta ăn cũng thấy ngon vậy có cổ không. Cái hay của tổ tiên ta thì ta học''. Câu Bác nói hết sức đơn giản, vậy mà thấm sâu.
Cuộc kháng chiến bước vào năm 1950 trong thế đứng vững của dân tộc. Kẻ địch tập trung binh lực vào đánh ta, cho nên tính chất của nó rất quyết liệt. Bác và Trung ương chủ trương gấp rút chuẩn bị mọi mặt để chuyển sang tổng phản công. Bác nói: ''Năm mới là một năm quyết định''. Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, vấn đề trọng tâm đặt ra cho Tổng Liên đoàn Lao động là gấp rút kiện toàn hệ thống tổ chức công đoàn các cấp, nhằm phục vụ kháng chiến ngày càng hiệu quả. Điều lệ Công đoàn cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn phải được bầu chính thức, không thể kéo dài tình trạng hoạt động lâm thời mãi. Chúng tôi thảo luận kỹ vấn đề này và đi tới thống nhất cần triệu tập Đại hội lần thứ nhất công đoàn Việt Nam. Tôi và anh Trần Danh Tuyên xin gặp Bác để trình bày, Bác góp thêm ý kiến: ''Cần tổ chức cho đoàn viên học tập nắm chắc nội dung thi đua trong tình hình mới, tất cả chuẩn bị cho tổng phản công. Đại hội phải hết sức tiết kiệm, tránh phô trương hình thức và phải thật sự dân chủ, bình đẳng. Chú ý có đại biểu nữ công nhân''. Bác lấy làm tiếc không đến dự Đại hội được vì sắp phải đi xa. Nhưng sẽ có thư gửi Đại hội.
Sau lần gặp ấy, Bác lên đường đi thăm Trung Quốc và Liên Xô, nhằm mở con đường ngoại giao ra các nước. Công việc đi Trung Quốc và Liên Xô được Bác chuẩn bị từ cuối năm 1949. Đầu tháng 01-1950, Bác lên đường. Vì đây là chuyến đi bí mật, nên việc tiễn chân Bác không tổ chức công khai. Trước lúc ra đi, Bác gặp riêng một số người cần gặp, dặn dò, giao nhiệm vụ trong lúc Bác đi xa. Đoạn đường từ Tuyên Quang đến Trùng Khánh (Trung Quốc), Bác chủ yếu đi bằng ngựa và nhiều lúc phải đi bộ. Từ Trùng Khánh, Bác đi bằng nhiều phương tiện: Ô tô, xe ngựa, xe lửa... một chuyến đi dài ngày và vất vả, nhưng thành công./.
Còn nữa
Huyền Anh (Tổng hợp)