Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 01-0l-1950 và kéo dài trong nửa tháng tại Việt Bắc. Gần 200 đại biểu công đoàn đã về dự. Hôm khai mạc, Đại hội lắng nghe thư Bác. Trong thư, Bác biểu dương giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam tận tụy phục vụ kháng chiến. Bác giao nhiệm vụ chính cho Đại hội là lãnh đạo phong trào công nhân chuẩn bị bước vào tổng phản công, liên hệ chặt chẽ với công nhân vùng địch kiểm soát, giúp đỡ và lãnh đạo nông dân, liên hệ mật thiết với công nhân thế giới. Thư của Bác trở thành nội dung chỉ đạo của Đại hội. Đọc xong thư Bác, anh Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đọc diễn văn, phân tích sâu sắc tình hình mới và nhiệm vụ của công nhân và công đoàn trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Sau diễn văn của anh Trường Chinh là báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại hội nhất trí thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ tổ chức công đoàn. Nghị quyết nhấn mạnh: Ở vùng tự do, công đoàn tăng cường vận động công nhân đẩy mạnh mọi mặt sản xuất; đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, tích cực củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh. Xây dựng và phát triển chế độ Uỷ ban xí nghiệp để lao động tham gia vào sự quản trị xí nghiệp... ở vùng tạm chiếm cần tích cực phá hoại kinh tế địch, phát triển và giữ vững cơ sở tổ chức công đoàn, phát huy mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của công nhân hoà đồng cùng cả nước trong cuộc phản công sắp tới. Đại hội bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 21 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết. Tôi được bầu làm Chủ tịch và anh Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Sau Đại hội, Tổng Liên đoàn phát động đợt thi đua mới mà trọng tâm công tác xoáy vào năng suất, chất lượng, cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, trau dồi nghề nghiệp. Phong trào được tổ chức chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời mà sát sao, đạt kết quả tốt. Trong các xí nghiệp, hội đồng thi đua được thành lập gồm giám đốc, công đoàn, công nhân... Hội đồng có quyền hạn ấn định mức thi đua, phát động thi đua, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm thi đua. Công đoàn vùng tự do hăng hái sản xuất, trong khi đó, công đoàn vùng địch tạm chiếm lập nhiều thành tích trong cuộc đấu tranh, phá hoại máy móc của địch. Nhiều bản báo cáo sinh động của Liên hiệp công đoàn Nam Bộ, Liên hiệp công đoàn Liên khu 5, Liên hiệp công đoàn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, công đoàn mỏ đặc khu Hồng Gai... gửi lên Tổng Liên đoàn là bằng chứng sinh động của cao trào đấu tranh, phá hoại kinh tế của địch ở các thành phố lớn. Trong các báo cáo gửi về, đáng chú ý là báo cáo của công nhân mỏ than Hồng Gai trong đại đội mang tên Hồ Chí Minh được thành lập từ hồi đầu kháng chiến toàn quốc. Ngoài nhiệm vụ đánh vào kinh tế địch, đại đội còn tham gia chiến đấu trên mặt trận Đông Bắc, tiêu diệt hơn 20 tên sĩ quan Pháp tại Hà Lầm. Nét đặc sắc của đại đội Hồ Chí Minh là càng gặp hoàn cảnh nguy hiểm, sức chiến đấu càng gan dạ, chất của người thợ được biến thành chất anh hùng ca của người chiến sĩ xung trận. Với những thành tích trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định khen tặng đại đội Hồ Chí Minh đạt danh hiệu thi đua cao quý: Chiến sĩ lao động. Hàng trăm chiến sĩ công đoàn và công nhân được Chính phủ tặng thưởng Huân chương. Danh sách những công nhân được khen thưởng nay vẫn còn nguyên vẹn. Tên tuổi của họ hiện đang nằm trong những tờ giấy bổi, in mực tím. Nó trở thành ''pho sử'' của giai cấp công nhân Việt Nam. Quên làm sao được, khi đọc những thành tích của họ, thấy họ là những con người bình thường, có khi rất bình thường, như làm công nhân hoả xa, công nhân ấn loát, anh thợ nề, chị cạo mủ cao su, có người khai làm nghề hát bội, nghề quét rác, móc cống, chữa kính, bút máy... vậy mà đứng trước quân giặc, họ trở thành thiên thần, lập chiến công mà nhiều người nước ngoài gọi đó là ''chuyện huyền thoại''. Quên làm sao được, những công nhân cao su miền Đông Nam Bộ tổ chức cuộc phá hoại kinh tế địch lớn nhất chưa từng có trong lịch sử. Hàng nghìn thùng étxăng, dầu ma dút, cùng máy móc, kho tàng phút chốc biến thành tro bụi. Ngọn lửa khổng lồ bốc lên từ rừng cao su Quản Lợi, cháy suốt một tuần lễ, biểu hiện một sự suy sụp nghiêm trọng trong chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Khi Bác từ Liên Xô trở về Việt Bắc vào tháng 4-1950, chúng tôi báo cáo với Bác về thành tích của phong trào công nhân trong giai đoạn tổng phản công, Bác mừng lắm, khen rằng, thành tích này chứng minh cho kết quả Đại hội công đoàn.
Bác về nước được ít ngày, Thường vụ Trung ương họp để báo cáo với Bác tình hình trong lúc Bác đi vắng và thảo luận một số nhiệm vụ mới, cấp bách. Cuộc họp diễn ra trong hai ngày 06 và 07-4-1950. Anh Trường Chính báo cáo: Thực hiện lời căn dặn của Bác, cuối tháng giêng, đầu tháng 02-1950, Trung ương có triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng lần thứ ba, nhằm động viên và chuẩn bị cho toàn Đảng chuyển sang tổng phản công, huy động nhân lực, vật lực, tài lực để chiến thắng. Để giành thắng lợi, cần củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức, tăng cường quân đội, thực hiện phương châm vận động chiến là chính. Bác hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng, khẳng định kết quả của Hội nghị. Khi nhận định về tình hình mới, Thường vụ cho rằng thắng lợi trong thời gian qua trên các chiến trường Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ là chắc chắn. Thường vụ Trung ương nhất trí mở cuộc vận động lớn thi đua chuyển mạnh sang tổng phản công, lập thành tích kỷ niệm lần thứ 60 Ngày sinh của Bác (19-5-1890 – 19-5-1950), quyết định lấy ngày 19-5 hằng năm làm ngày phát động thi đua và ngày 19-12 năm đó là ngày tổng kết phong trào thi đua. Bác phát biểu nhấn mạnh trong thời gian qua chúng ta đã chiến thắng về chính trị trong cuộc tổng phản công, nhân dân ta đồng lòng dốc sức cho cuộc kháng chiến, nhân dân thế giới bước đầu thấy được tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của ta, lên án quân xâm lược. Cuộc tổng phản công chính trị thắng lợi chắc chắn sẽ giúp nhiều cho cuộc tổng phản công bằng quân sự sắp tới, Bác còn dặn rằng chủ trương lấy ngày 19-5 làm ngày phát động thi đua yêu nước, thi đua kháng chiến trong toàn quân và toàn dân là đúng. Song, phải giáo dục cho mọi người đừng có lợi dụng nó mà ăn uống xa xỉ, gây lãng phí tiền bạc và thì giờ của nhân dân.
Thực hiện chủ trương chuẩn bị tổng phản công tháng 6-1950, Trung ương Đảng và Bác họp quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Biên giới Việt - Trung, một dải núi rừng đan xen mà các anh bên quân sự gọi đó là ''thế hiểm''. Nó kéo từ Tây Bắc đến Đông Bắc Bắc Bộ, dài 300 cây số dọc theo các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Ninh. Quân địch ở Tây Bắc và Đông Bắc có 17 tiểu đoàn và 9 đại đội mạnh. Mở Chiến dịch Biên giới nhằm mở rộng vùng giải phóng Việt Bắc, phá thế bao vây của địch, mở thông đường giao thông quan trọng giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa. Để bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, Trung ương Đảng và Bác quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng uỷ Mặt trận Biên giới do anh Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ. Anh Trần Đăng Ninh trực tiếp phụ trách công tác hậu cần chiến dịch. Trung ương và Bác còn điều động hơn 200 cán bộ công tác tại các cơ quan Trung ương và các khu tăng cường cho mặt trận, làm nhiệm vụ cung cấp, tiếp tế.
Vào trung tuần tháng 9-1950, Bác lên đường đi Chiến dịch Biên giới. Trước lúc Bác lên đường, tôi được gặp Bác tại Bản Khay, Tuyên Quang. Bác giao nhiệm vụ cho chúng tôi ở lại hậu phương làm mọi việc có thể làm để phục vụ cho tiền phương, trước hết là tổ chức và động viên công nhân sản xuất nhiều vũ khí, phương tiện, kịp thời phục vụ mặt trận. Tôi được các anh đi cùng Bác kể lại chuyến đi này của Bác hết sức vất vả. Đi trong gió núi và mưa ngàn, trèo đèo, lội suối, qua Chợ Chu, Bắc Cạn, đến huyện Lam Sơn, vượt đèo Khau Liêu, sang Quảng Uyên, tới Nà Lan đến Đông Khê. Trong cuốn ''Vừa đi đường vừa kể chuyện'', có viết: ''Phần thì để giữ bí mật, phần thì không muốn phiền đồng bào, mỗi tối chúng tôi thường đóng quân ở một ngôi đình, ngôi chùa, hoặc một cái lán bỏ hoang. Mấy đống lá cây, phủ thêm mấy tấm bạt, ở giữa đốt bếp lửa, là thành ''hành doanh'' của đội ''phụ tử binh'' chúng tôi''.
Trong lúc Bác đi Chiến dịch, ở hậu phương, chúng tôi quyết tìm mọi biện pháp làm đúng lời Bác dặn. Ngoài việc phát động trong công nhân đợt thi đua ''Tất cả cho chiến dịch'', sản xuất nhanh quần áo, thuốc men, quân trang, quân dụng để gửi ra chiến trường. Tổng Liên đoàn còn tổ chức phát động công nhân trong lòng địch tiếp tục phá hoại máy móc, phương tiện, quyết không để cung cấp cho binh lính của chúng ở mặt trận. Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ ngày phát động, chúng tôi đã nhận được từ các cơ sở những bản báo cáo thành tích của công nhân trong việc phá hoại tài sản của địch. Từ Hồng Gai, công đoàn báo về, trong cuộc phá hoại, địch thiệt hại hơn 131 triệu đồng. Công đoàn Hải Phòng báo lên, công nhân phá hoại một chiếc tàu và một sà lan của địch thiệt hại 147.400 đồng. Công nhân tỉnh Nam Định, trong tuần lễ phối hợp với Chiến dịch Biên giới, đến các kho tàng của địch thiệt hại một trăm triệu đồng. Tại Thuận Hoá, công nhân hoả xa phá cầu, làm cho tàu hoả của địch chở vũ khí đi qua nhào cả xuống sông. Giao thông giữa Huế và Quảng Trị bị cắt đứt trong ba ngày, không cho địch thực hiện kế hoạch càn quét. Trong lúc tiếng súng nổ giòn ở biên giới phía bắc, tại Nam Bộ, hàng nghìn công nhân, học sinh và đồng bào tập trung trước cửa hàng Ôlimpích (Olympic) ở đường Saxêlô (Chaseloup) mít tinh phản đối thực dân Pháp đàn áp dã man công nhân và nhân dân thành phố. Còi báo động rúc inh ỏi trên các đường phố. Bọn cảnh binh địch tức tốc được huy động đến xả súng vào đồng bào. Nhiều công nhân chết và hàng trăm người bị bắt cho lên xe đưa về bót tra tấn. Lập tức, công nhân các hãng Đềnanh (Denin), Upêvin (Upévil), Amprinôxa (Imprimiocia), Siđếch (Sidec), Đraga (Đragases) và nhiều hãng khác tuyên bố cương quyết trả thù cho đồng đội đã ngã xuống. Một phong trào đấu tranh dấy lên sôi sục của công nhân các hãng Satích (Satic), Epphen (Eiffel), hãng Ga-ra (Garage) Lê Huy Cường, cùng công nhân hãng thuốc lá Mitắc, hãng Sôđa (Soda) và nhiều hãng khác. Thành phố Sài Gòn rung chuyển trước cao trào đấu tranh như nước vỡ bờ của công nhân. Nhiều công nhân hoả xa Sài Gòn bắt con gà sống chặt đứt cổ, hứng máu truyền nhau uống và thề rằng: ''Chúng ta sống, bọn khát máu thực dân phải chết''. Ngày nay, có dịp ngồi đọc những báo cáo của công đoàn Nam Bộ cuối năm 1950, tôi thấy hiện lên những trận đấu tranh sinh tử giữa những người mất nước và những kẻ cướp nước. Chết oanh liệt của nòi giống Hồng Lạc xen trong chất bi tráng, tạo nên hào khí Việt Nam, mà những trang ''cảo thơm'' ấy sẽ còn nhiều người lần giở đọc trước đèn.
Được sự phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trưởng cả nước, giữa tiền phương và hậu phương, có cách đánh hợp lý sự chỉ đạo tác chiến trực tiếp của Bác và Bộ Tổng Tư lệnh, sau gần một tháng, kể từ trận đánh mở màn Đông Khê, Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi bằng việc tiêu diệt binh Đoàn Sáctông. Phối hợp cùng Chiến dịch Biên giới, quân và dân Tây Bắc liên tục tiến công địch, buộc chúng phải rút khỏi Lào Cai và Sa Pa. Trên mặt trận Thái Nguyên, bọn địch thua ''vắt chân lên cổ'' mà chạy. Thấy bốn bề trống không, chúng hoang mang, bỏ việc chiếm Hoà Bình. Cuối tháng l0-1950, toàn bộ dải biên giới Việt - Trung dài 750 cây số sạch bóng quân xâm lược. Khúc khải hoàn ca chiến thắng vang lừng một dải biên thuỳ. Trong niềm vui háo hức, ngày 14-10-1950, Bác gửi thư tới đồng bào Cao - Bắc - Lạng. Thư Bác là một bản tổng kết chiến dịch mà nguyên do làm nên chiến công lẫy lừng là ở tinh thần hăng hái của đồng bào Việt Bắc tham gia kháng chiến, vì Bộ đội Cụ Hồ dũng cảm vô song, vì quân, dân, chính, đảng đoàn kết một lòng, vì Chính phủ ta rất kiên quyết. Hình ảnh nhân dân vùng biên giới không quản đường sá xa xôi, trèo đèo lội suối, ăn đói, nằm sương, còng lưng đẩy xe thồ lên dốc, căng sức cuốc đất mở đường cho bộ đội hành quân đã được Bác nêu trong thư, thể hiện sự hy sinh quên mình của nhân dân trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Chiến dịch tuy kết thúc, nhưng đằng sau nó còn biết bao việc phải giải quyết và quan tâm. Hình ảnh Cụ già đầu đội mũ cát, mặc quần nâu áo vải, khăn mặt vắt vai, tay chống gậy, băng rừng lội suối, đi thăm anh chị em thương binh, bệnh binh, gây xúc động mạnh đối với mọi người. Anh chị em nhận điếu thuốc, hộp sữa từ tay Bác trao mà không cầm được nước mắt. Tấm lòng nhân đạo cao cả của Bác còn biểu hiện ở sự quan tâm đến tù binh địch. Nhiều binh lính địch chắc còn in đậm trong ký ức hình ảnh một Cụ già vào thăm trại tù binh. Cụ nói chuyện với họ bằng tiếng Pháp như người Pháp nói. Qua họ, Cụ muốn nói với nhân dân Pháp về nguyện vọng hoà bình của nhân dân ta và phân tích chính sách khoan hồng của Chính phủ đối với các tù binh. Thấy một viên sĩ quan Pháp run lên vì lạnh, Bác cởi ngay chiếc áo mình đang mặc khoác vào người anh ta, làm anh ta không cầm được nước mắt, đã bật lên tiếng khóc. Ngày xưa, Napôlêông bắt được tù binh, đã mang họ ta bãi biển bắn chết hàng nghìn người. Đó là con người ác độc. Ngày nay, Bác Hồ lại có chính sách đối xử nhân đạo với các tù binh. Lòng vị tha của Bác đã cảm hoá được muôn người.
Hoàn thành xong nhiệm vụ chỉ đạo chiến dịch biên giới, Bác trở về ''Phủ Chủ tịch'' ở Tuyên Quang. Trên đường về, đồng bào các dân tộc đón Bác trong tình cảm của những đứa con đối với một người cha. Nhớ lại lúc trên đường ra trận, Bác vừa đi vừa kể cho anh em nghe về ''Chinh phụ ngâm'' và “Truyện Kiều”. Giờ đây, trên đường về, thơ “Chinh phụ ngâm'' và ''Kiều'' lại được Bác ngâm lên giữa nơi núi rừng trùng điệp.
Tính từ khi Bác đi Chiến dịch đến lúc trở về mất gần hai tháng. Về tới ''Phủ Chủ tịch'', Bác nhận được tin buồn: Người anh ruột của Bác là ông Nguyễn Sinh Khiêm đã mất tại quê hương Kim Liên ngày 25-8-1950. Nhận được tin ấy, chúng tôi đến chia sẻ nỗi buồn cùng Bác, thắp nén hương kính cẩn nghiêng mình trước vong linh người đã khuất. Ngày 09-11-1950, Bác viết một bức thư gửi họ Nguyễn Sinh ở Nghệ An. Trong thư, Bác nói vì việc nước nặng nhiều, đường sá lại xa cách, nên Bác không thể về trông nom khi ông Khiêm ốm đau, cũng như không thể về lo liệu khi ông Khiêm mất. Vì vậy, trước linh hồn ông, Bác xin bà con quê hương tha thứ cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước. Sau này, khi hoà bình lập lại, tôi có dịp về thăm quê Bác, được bà con nói rằng, bức thư của Bác thể hiện sâu đậm tình nhà, nghĩa nước.
Những ngày sau Chiến dịch Biên giới, Bác tiếp tục điều hành bộ máy kháng chiến. Với nếp sống như xưa, sau mỗi ngày làm việc, Bác vui chơi thể thao, đánh bóng chuyền cùng anh em, rồi vác cuốc trồng cây, trồng rau. Nếp sống kháng chiến rất đẹp của Bác được Bác thể hiện đầy đủ trong một bài thơ viết bằng chữ Hán mà anh Xuân Thuỷ đã dịch sang tiếng Việt:
Đường non khách tới hoa đầy,
Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn.
Việc quân, việc nước đã bàn,
Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.
Chẳng mấy chốc năm 1950 kết thúc. Cuộc kháng chiến của dân tộc bước sang năm thứ 5 (ở Nam Bộ là năm thứ 6). Bác nhắc chúng tôi tổng kết công tác trong năm, nhớ rút ra kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn cho năm sau. Nhân kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến, Bác viết thư gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong thư, Bác so sánh cuộc kháng chiến ngày nay với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, quân Minh ngày xưa. Bác viết rằng, ngày xưa quân giặc ở bên cạnh nước ta và rất hùng mạnh. Nước ta lúc ấy người ít, sức yếu, nhưng nhờ đoàn kết, hăng hái, tổ tiên ta đã chiến thắng quân thù. Còn ngày nay, chúng ta đánh quân thù từ xa lại, người ta đông hơn trước, sức ta mạnh hơn, cố kết cùng nhau và có mối liên hệ với nhân dân thế giới, cho nên chúng ta chắc chắn rằng kháng chiến nhất định thắng lợi, lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ sẽ phải chuốc lấy thất bại đau đớn như quân Nguyên, quân Minh. Bác dặn chúng ta: Cuộc kháng chiến đã vượt qua 4 năm gian nan cực khổ, thắng lợi đang xích lại gần. Nhưng chớ vì thắng mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch. Bài học Bác nêu lên: Càng gần đến ngày thua, càng quẫy mạnh, như con thú dữ, liều mạng xông vào đánh ta. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị tốt, cảnh giác tốt, sẵn sàng đối phó với những khó khăn mới.
Bước sang năm 1951, toàn Đảng lao vào chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai sắp họp. Để tiến tới Đại hội, ngay từ nửa cuối năm 1949, Trung ương Đảng đã tiến hành một số công việc có liên quan đến công tác Đảng: Ban Chấp hành Trung ương họp trong các ngày 21, 22 và 23-6-1950, quyết định triệu tập Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng và đề nghị Đại hội xem xét việc đưa Đảng ra công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Sau đó, đến tháng 7-1950, Trung ương ra thông cáo do anh Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, ký về việc đề nghị đổi tên Đảng. Thông cáo nêu rằng, cuối năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật và tuyên bố ''tự giải tán''. Song trên thực tế, Đảng vẫn tồn tại và lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc. Ngày nay, tình hình biến chuyển mau lẹ, Đảng cần ra công khai để tập hợp công nhân lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đã đến lúc cần phải có một chính đảng mạnh mẽ, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân lao động và dân tộc chiến đấu chống bọn đế quốc xâm lược và xây dựng một nước Việt Nam mới, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Lúc ấy, có đồng chí thắc mắc tại sao Trung ương lại đổi tên ''Đảng Cộng sản'' thành ''Đảng Lao động''? Làm như vậy liệu còn ''chất cộng sản'' nữa không? Thông cáo của Trung ương giải thích dù lấy tên gì đi nữa, mục đích và nội dung căn bản hoạt động của Đảng là lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng, nguyên tắc tổ chức của Đảng vẫn là dân chủ tập trung và quy luật phát triển của Đảng vẫn là phê bình và tự phê bình. Thông cáo giải thích sau khi Đảng ra công khai với tên ''Đảng Lao động'', Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo công khai tuyên bố đứng trong Đảng, để có danh chính ngôn thuận hơn. Việc Hồ Chủ tịch là lãnh tụ công khai của Đảng có ảnh hưởng rất lớn trong và ngoài nước. Thông cáo kết luận việc Đảng ta lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam trong lúc này là cần thiết và có lợi. Sau này, nếu có điều kiện thuận lợi Đảng Lao động Việt Nam lại có thể lấy tên ''Đảng Cộng sản''. Đó là ý kiến của Trung ương về vấn đề đổi tên Đảng. Tôi nhớ hồi ấy, các tổ chức cơ sở Đảng thảo luận rất nhiều về việc Đảng đổi tên. Có ngày, chúng tôi nhận được hàng chục bức thư của các cấp bộ Đảng và đảng viên nói về vấn đề này. Tiếp theo thông cáo đề nghị đổi tên Đảng và Chỉ thị về việc tạm ngừng kết nạp đảng viên mới trong cả nước. Chỉ thị giải thích trong mấy năm gần đây, Đảng ta phát triển quá nhanh. Chỉ trong 2 năm 1948 và 1949, đã kết nạp 50 vạn đảng viên mới. Trong số những đảng viên mới được kết nạp, có rất nhiều đồng chí trung thành, hăng hái. Tiếc rằng, bên cạnh đó, một số tổ chức cơ sở Đảng đã đưa vào Đảng những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn. Do quan niệm phát triển Đảng không đúng, nên kết nạp lụp chụp, cẩu thả. Hiện tượng này được chứng tỏ trong các cuộc chiến đấu với địch, một số đảng viên tỏ ra tiêu cực, cầu an, không thi hành nghị quyết của Đảng. Thậm chí có cả những phần tử đầu cơ, lợi dụng Đảng để mưu lợi ích riêng cho mình. Ở một vài nơi, đã khám phá ra những tên tay sai chui vào Đảng để phá hoại. Để làm trong sạch hàng ngũ của Đảng, kiện toàn tổ chức và chuẩn bị cho Đảng ra hoạt động công khai, Trung ương quyết định tạm ngừng việc kết nạp đảng viên mới trong cả nước. Tuy nói ''tạm ngừng kết nạp'', nhưng trong Chỉ thị lưu ý các cấp bộ Đảng theo dõi chặt chẽ những chiến sĩ công nông trong phong trào thi đua tỏ ra đặc biệt hăng hái, những chiến sĩ vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích xung phong gan dạ, lập chiến công đặc biệt ngoài mặt trận vẫn có thể kết nạp được, nhưng phải do Tỉnh uỷ chuẩn y.
Cùng với Chỉ thị tạm ngừng kết nạp đảng trong cả nước, Trung ương còn mở hai cuộc vận động lớn: Đào tạo cán bộ, học tập lý luận, phê bình và tự phê bình. Đó là những công việc mà Trung ương đã chuẩn bị trước khi bước vào Đại hội. Tại Đại hội trù bị, Bác có đến dự và nói rõ mục đích, tính chất và nội dung của Đại hội Đảng lần này. Anh Trường Chinh phân tích nội dung bản báo cáo mà anh sẽ trình bày tại Đại hội. Ngày 18-0l-1951, tôi được chỉ định đọc báo cáo. Báo cáo của tôi chủ yếu tập trung nói về công tác mặt trận và công tác công đoàn trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn gay go quyết liệt. Trình bày xong báo cáo, Bác đến gặp tôi, nói rằng báo cáo cần tập trung phân tích sự cần thiết thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt làm một. Dựa vào ý kiến chỉ đạo của Bác, tôi đã bỏ ra mấy đêm tập trung sửa lại báo cáo để chuẩn bị trình bày tại Đại hội chính thức. Sau báo cáo của tôi, các tổ họp thảo luận. Nội dung thảo luận đề cập nhiều vấn đề, như lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta khi Pháp sang đến lúc đó có thể chia thành mấy giai đoạn? Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam có một nhiệm vụ chiến lược hay hai nhiệm vụ chiến lược? Đánh giá về giai cấp địa chủ còn có khả năng phản đế hay trung lập? Cùng với đế quốc, giai cấp địa chủ phong kiến có thể là kẻ thù của cách mạng không? Nếu là kẻ thù có nên xếp ngang với đế quốc không? Đã đến lúc tiến hành cải cách ruộng đất chưa? Vấn đề quốc tế cộng sản tuyên bố giải tán vào năm 1943, vậy tư tưởng của nó còn giá trị chỉ đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế không? Đại hội trù bị còn thảo luận vấn đề Điều lệ Đảng, trong đó, tranh luận sôi nổi nhất là vấn đề Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, hay Đảng chỉ là của giai cấp công nhân? Trong khi thảo luận vấn đề này, có đồng chí đề nghị ghi vào Điều lệ rằng, Đảng Lao động Việt Nam là ''Đảng của giai cấp công nhân, nó đại biểu cho quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động''. Một không khí thảo luận dân chủ diễn ra sôi nổi tại Hội nghị trù bị.
Đại hội chính thức họp tại Bản Khay, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 11 đến ngày 19-02-1951. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho trên 76 vạn đảng viên của đảng bộ Việt - Miên - Lào. Các đồng chí ở Nam Bộ ra dự Đại hội thật vất vả vì phải đi dưới làn bom đạn của địch. Song khi đến Việt Bắc được gặp Bác và các đồng chí Trung ương, ai nấy như khoẻ ra, quên cả mệt nhọc lúc đi đường. Đồng chí đại diện của Đảng Lào, đại diện Đảng bộ Miên đến dự Đại hội trong niềm tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương.
Buổi sáng ngày 11, Đại hội nghe đồng chí Tôn Đức Thắng đọc diễn văn khai mạc. Buổi chiều, Bác đọc ''Báo cáo chính trị''. Tiếp đó là báo cáo ''Bàn về cách mạng Việt Nam'' của đồng chí Trường Chinh, ''Báo cáo về Tổ chức và Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam'' của đồng chí Lê Văn Lương, báo cáo về ''Củng cố khối đại đoàn kết'' do tôi trình bày, báo cáo về ''Mấy vấn đề tất yếu của chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam'' của đồng chí Phạm Văn Đồng, báo cáo về ''Xây dựng quân đội nhân dân” của đồng chí Võ Nguyên Giáp, báo cáo về ''Kinh tế tài chính'' của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, báo cáo về ''Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam'' của đồng chí Tố Hữu cùng nhiều báo cáo bổ sung khác. Đại hội coi báo cáo của Bác và báo cáo của anh Trường Chinh là những văn kiện quan trọng, đã nêu những vấn đề lý luận và chỉ đạo thực tiễn về đường lối của cách mạng Việt Nam. Báo cáo của Bác khẳng định chủ trương kháng chiến lâu dài là đúng. Ngay từ đầu, chiến lược của ta đã thắng chiến lược của địch, vì địch âm mưu đánh chớp nhoáng, ta lại chủ trương đánh lâu dài. Địch âm mưu chia rẽ, ta nêu khẩu hiệu đoàn kết toàn dân. Lực lượng quân sự giữa ta và địch so le lúc đầu, thế mạnh nghiêng về địch nhưng càng đánh, thế mạnh dần dần chuyển sang ta. Bác nói: ''Chúng ta quả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan rằng:
Nay tuy châu chấu đá voi
Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra.
Sự thật đã chứng tỏ rằng ''voi'' thực dân đã bắt đầu lòi ruột, mà bộ đội ta đã trưởng thành như con hổ oai hùng''. Khi Bác nhắc lại những khó khăn mà Đảng ta đã phải trải qua sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và giải thích chủ trương của Đảng lúc đó tuyên bố tự giải tán, sự thật là rút vào bí mật, là đúng, thì có đồng chí đứng lên nói rằng, nếu Đảng không tuyên bố giải tán vào cuối năm 1945, nay chẳng phải tuyên bố ra công khai. Có lẽ đồng chí này chưa thông về chủ trương giải tán Đảng, mặc dù chỉ là danh nghĩa. Bác đã nói rõ lúc đó Đảng phải quyết đoán mau chóng, phải dùng những phương pháp đau đớn để cứu vãn tình thế. Lúc bấy giờ, nước ta độc lập chưa đầy một tháng, thì ở phía nam, quân Anh kéo đến. Chúng mượn tiếng tước vũ khí của Nhật, kỳ thực là giúp thực dân Pháp mưu cướp lại nước ta. Phía bắc, quân Tưởng ầm ầm kéo sang. Bề ngoài, chúng mượn tiếng tước bỏ vũ khí quân Nhật, kỳ thực muốn tiêu diệt Đảng ta, phá Việt Minh, đánh đổ chính quyền cách mạng, lập chính phủ phản động. Đứng trước tình hình gay go ấy, Đảng phải dùng mọi cách để sống còn, hoạt động và phát triển. Việc tuyên bố giải tán Đảng cũng là kế giấu kín tổ chức, che mắt quân thù. Tiếc rằng, có đồng chí chưa thông trước việc làm có tính toán của Bác. Tôi nhớ, lúc Đại hội giải lao, đồng chí này đứng ở góc nhà trong lúc mọi người ra sàn nhảy sạp. Thấy vậy, Bác vỗ vai, kéo tay đồng chí đó ra nhảy cùng Bác. Cử chỉ độ lượng và thân mật của Bác làm cho đồng chí này cảm động. Tại Đại hội, đồng chí đại biểu Đảng bộ Lào phát biểu những lời cảm động, khẳng định Đảng Cộng sản Đông Dương đã nắm chính quyền. Vì vậy, lãnh tụ của Đảng, của giai cấp cũng là lãnh tụ của dân tộc. Đồng chí đại biểu Đảng bộ Miên khẳng định con đường tiến lên của Miên là cách mạng dân chủ mới./.
Còn nữa
Huyền Anh (Tổng hợp)