Sau hơn một tuần làm việc, Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Điều lệ, Tuyên ngôn, khẳng định Đảng Lao động Việt Nam là chính Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam theo những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đại hội quyết định ở Lào, Miên sẽ thành lập những tổ chức cách mạng thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của hai nước đó. Đảng ta có nhiệm vụ giúp đỡ các đồng chí trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giành thắng lợi cuối cùng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 20 đồng chí. Trong tổng số 147 lá phiếu hợp lệ, Bác trúng tỷ lệ 100%. Bộ Chính trị do Trung ương bầu ra gồm có Bác làm Chủ tịch Đảng, anh Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng và các uỷ viên: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt và một uỷ viên dự khuyết là anh Lê Văn Lương.
Sau Đại hội, các đại biểu trở về địa phương, cơ quan, đơn vị để tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đại hội. Cuối tháng 02-1951, từ Tuyên Quang, Bác lên Bắc Cạn để phổ biến nghị quyết. Hôm ấy, các đồng chí trong Tỉnh uỷ Bắc Cạn và các cán bộ chủ chốt tập trung ngay tại Huyện uỷ Bạch Thông để nghe Bác nói chuyện. Mặc dù đây là một cuộc họp bí mật không được thông báo trước rằng Bác đến, mà chỉ nói ''đại biểu Trung ương về báo cáo nghị quyết mới của Đại hội'', song không hiểu vì sao, bà con các dân tộc tập trung đông tới 500 người tại huyện Bạch Thông đón ''vị đại diện Trung ương''. Nhiều cụ lão nông người Dao, người Tày, người Nùng khệ nệ mang những củ sắn to để biếu ''vị đại diện Trung ương''. Có cụ còn quả quyết ''vì đại diện Trung ương nhất định là một cụ già râu tóc bạc phơ, đôi mắt sáng quắc...''. Trước lúc ''vị đại diện Trung ương'' đến, Tỉnh uỷ đã thu thập ý kiến xem ai có hỏi gì ''vị đại diện Trung ương'' không? Tưởng ít, hoá ra những gần 100 câu hỏi. Khi ''vị đại diện Trung ương'' đến, mọi người rất tinh, từ xa đã “phát hiện” ra Bác Hồ. Họ mới nói với nhau: ''Đã bảo mà, tôi đoán trúng mà''; ''Tôi biết từ hôm qua''... Ai cũng làm như mình đoán giỏi và biết trước. Sự thực, đó chính là tình cảm của đồng bào đối với Bác. Bác càng đến gần, tiếng reo hò càng vang to:
- Bác Hồ muôn năm!
- Bác Hồ muôn năm!
Ai cũng cố giành giật lấy chỗ ngồi trên cùng để được nhìn thấy rõ Bác. Hàng ngũ lúc này không còn chỉnh tề như trước nữa. Những hàng dây chăng ngang làm giới hạn bị đứt tung. Ban tổ chức cuộc nói chuyện đành bất lực. Khi lòng dân đã ngưỡng mộ vị lãnh tụ lỗi lạc của mình, thì không một bức tường nào có thể ngăn cách họ với Bác. Đứng trước rừng người đó, Bác giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi nói: ''Xin đồng bào trật tự, kẻo địch nó nghe thấy, nó sẽ bắn đại bác vào chúng ta''. Rồi Bác nhìn hàng dây ngăn, bảo các đồng chí làm nhiệm vụ trật tự: “Các chú gỡ nó đi, làm như vậy là ngăn cách giữa chúng ta với nhau''. Vừa nói, Bác vừa tự tay nhổ cọc và cuốn dây lại. Bác không lên lễ đài, mà đứng sát với nhân dân để nói chuyện:
- Các cụ, các đồng chí và đồng bào đã nghe tin về Đại hội Đảng vừa họp chưa?
- Thưa Bác, có:
Bác tiếp:
- Đại hội Đảng họp lần này nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi và kiến quốc thành công. Mong đồng bào cùng Đảng và Chính phủ cố gắng phấn đấu đẩy nhanh cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi. Đồng bào có quyết tâm không?
- Thưa Bác, quyết tâm!
Bác hỏi:
- Có đồng chí, đồng bào nào hỏi gì không?
Một đồng chí người Dao hỏi:
- Thưa Bác, xin Bác nói cho chúng cháu rõ tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của Đảng Lao động Việt Nam là gì ạ?
Bác cười nhẹ nhàng:
- Chú có phải là cán bộ tuyên huấn không?
Mọi người cười vui:
- Thưa Bác, đúng đấy ạ!
Bác gật đầu, giải thích:
- Đảng Lao động Việt Nam lúc này có nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc, quyết tâm đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, bảo vệ nền độc lập, xoá bỏ di tích phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân làm nền cho chủ nghĩa xã hội sau này.
Bác nói xong, đồng bào các dân tộc mang sắn, khoai, chuối đến biếu Bác. Họ xúm xít chung quanh Bác như muốn ngắm nghía mãi khuôn mặt rạng rỡ và phong sương của Bác. Có cụ nói bằng tiếng Dao, thật xúc động:
- Boong làu pỉ noọng toong phjac mươc. Slông căn bấu mì lăng, tán mì mằn mì phươc. Slương căn xiên kì giá chước, pú ơi …
Sau này, anh Nông Quốc Chấn dịch câu đó ra tiếng Kinh:
- Chúng ta anh chị em bụng rau xanh. Không có gì biếu nhau, chỉ có sắn cùng khoai. Yêu nhau xin đừng chối, Cụ ơi …
Trời chiều, Bác tạm biệt đồng bào, khuất dần sau những lùm cây. Đồng bào quyến luyến trông theo bóng Bác. Trên trời, những đám mây bảng lảng lặng lờ trôi. Chim chóc gọi nhau về tổ. Trời biên giới mù sương. Cái rét vừa đậm, vừa ngọt nơi biên thuỳ không làm nguội lạnh được tấm lòng đầm ấm, thân thương của đồng bào các dân tộc đối với Bác.
Từ Bắc Cạn, Bác trở về Tuyên Quang. Tại Tuyên Quang, Bác gọi tôi lên, nói rằng, nhiệm vụ lúc này là nhanh chóng biến Nghị quyết của Đại hội Đảng thành việc làm. Vì vậy, Bác giao cho tôi cùng các anh Tôn Đức Thắng và Xuân Thuỷ lo tổ chức Đại hội hợp nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt lại. Thực ra, việc hợp nhất hai mặt trận này đã được Bác và Trung ương chủ trương từ năm 1948. Ngay từ năm ấy, Ban vận động thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã được thành lập. Một trong những công việc mà Ban vận động đã làm là xúc tiến việc lấy ý kiến các cơ quan, đoàn thể, quân, dân, chính, đảng, các vị nhân sĩ, trí thức, các đồng chí phụ trách các bộ, các ngành.... Việc làm này chứng tỏ tính chất dân chủ rộng rãi của Mặt trận. Sau gần ba năm trưng cầu ý kiến, hầu hết các bức thư gửi lên Trung ương đều tán thành việc thống nhất Việt Minh - Liên Việt. Quả xanh dần dần chín. Công việc chuẩn bị đã đầy đủ. Vì vậy, ngày 03-3-1951, tại một địa điểm ở Việt Bắc, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã khai mạc. Hơn 200 đại biểu các đoàn thể, các giới, các ngành, quân đội đã về dự Đại hội. Trên những gương mặt sạm đen vì nắng gió cùng khói bụi chiến chinh, ấy vậy mà ai nấy tràn đầy niềm phấn khởi. Có cụ đi bộ mấy ngày ròng, từ Liên khu ba, Liên khu bốn về Việt Bắc, vậy mà vẫn tươi tắn, khoẻ mạnh. Lễ chào cờ được tiến hành nghiêm trang khi đoàn nhạc binh cử Quốc ca và bài “Hồn tử sĩ'”. Cả Đại hội vỗ tay không ngớt khi Bác bước lên nói chuyện. Với một tình cảm chân thành, sự ưu ái đặc biệt đối với khối đại đoàn kết toàn dân, Bác nói: Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt khai mạc làm tôi vô cùng sung sướng. “Lòng sung sướng ấy là chung của cả toàn dân, của cả Đại hội, nhưng riêng cho tôi là một sự sung sướng không thể tả. Một người đã cùng các vị tranh đấu trong bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân, hôm nay trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai, “trường xuân bất lão””. Ngắm nhìn khuôn mặt phong sương và đôi mắt sáng ngời của Bác, chúng tôi, những người dự Đại hội, thật sự vui lòng khi được thấy sức khoẻ dồi dào của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, người đề xướng thành lập Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt, đã dìu dắt nhân dân đoàn kết chiến đấu đập tan xích xiềng của 80 năm nô lệ, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, bảo vệ vững chắc nền độc lập và tự do của Tổ quốc. Sự có mặt của Bác tại Đại hội là một bảo đảm cho Đại hội thành công. Bác nói xong, cả Đại hội đứng dậy vỗ tay hồi lâu và hô vang: ''Hồ Chủ tịch muôn năm!''. Đáp lại lời hô của Đại hội, Bác cũng hô lớn: ''Việt Nam đại đoàn kết muôn năm!''. Tiếng hô, lời đáp vang vọng núi rừng, làm nổi lên không khí rất náo nhiệt. Các đại biểu đồng thanh nhất trí đề nghị Bác chủ toạ Đại hội, Bác vui vẻ nhận lời. Dưới sự chủ toạ của Bác, Đại hội đã nghe hàng chục bản tham luận. Đại biểu Liên khu Việt Bắc nói về vấn đề dân tộc miền núi. Ý kiến của cụ Nguyễn Xuân Luyện, đại biểu Liên Việt Liên khu bốn, nêu kinh nghiệm tổ chức đại hội nhân dân coi đó là một hình thức mới mẻ và thích hợp, thể hiện tinh thần dân chủ cũng như nhiệm vụ của người công dân trong kháng chiến kiến quốc. Linh mục Vũ Xuân Kỷ, đại biểu công giáo Liên khu ba, với giọng đằm thắm, xúc động từ đáy lòng, nói rằng, ''khi thấy Hồ Chủ tịch là thấy cả một chính sách đại đoàn kết, quảng đại, khéo léo của nhân dân ta từ xưa tới nay''. Người công giáo toàn tòng ấy nói rồi ngước lên nhìn Bác, một cái nhìn cảm phục và trân trọng biết bao. Ý kiến của chị Hồ Thị Minh, đại biểu Nam Bộ được Đại hội xem như một câu chuyện kể về phong trào đấu tranh của học sinh và sinh viên Nam Bộ mà chất liệu thực của nó sinh động như những trang huyền thoại của lòng hy sinh vì nước, lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc. Chị kể rằng, hằng năm, cứ tới ngày 19-5, Hội học sinh Nam Bộ thường kỷ niệm sinh nhật Bác bằng hình thức toàn thể mặc y phục trắng đi đại hội, đọc tiểu sử của Người, trong khi đó, Bảo Đại về đến Sài Gòn ngày l1-6-1949, bị sáu nghìn học sinh tẩy chay. Họ xé những tờ giấy mời trước mặt nhà chức trách thực dân, từ chối việc đón tiếp ''vị cựu hoàng đế”. Sự “trả đũa” của nhà chức trách đối với học sinh được thể hiện bằng những cuộn dây trói chân, trói tay họ lại rồi mang đi làm nhục. Càng hèn hạ và đê tiện, Chính phủ bù nhìn ra lệnh đóng cửa nhiều trường. Làn sóng căm phẫn trào dâng như nước sông Sài Gòn. Hàng nghìn người biểu tình phản đối đàn áp. Bọn chiến binh Pháp và cảnh binh bắn vào đoàn biểu tình, xả vòi phun nước vào những tà áo trắng, áo xanh. Anh Trần Văn Ơn, một học sinh yêu nước bị bắn chết trong đám biểu tình. Cả Sài Gòn rơi lệ nhớ thương anh. Hàng đoàn học sinh, công nhân, công chức, anh em xe xích lô, thổ mộ... nối nhau đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Học sinh Mỹ Tho đi bộ 70 cây số suốt đêm đến Sài Gòn để kịp đưa tang anh. Sài Gòn sục sôi. Lưỡi dao của thực dân xỉa vào đồng bào, đồng chí nhức nhối không làm nhụt đi nghĩa khí dân tộc. Đó là bản anh hùng ca chiến trận được tạo nên từ cái nền vững chắc: Chủ nghĩa yêu nước. Một đồng chí đại diện Liên đoàn thanh niên nhắc đến câu nói của Bác: ''Thanh niên là tương lai của dân tộc''. Muốn vậy, nhiệm vụ của chúng ta là cần dốc sức xây dựng thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh bền vững như bức tường thành, có sức chịu đựng như cây tùng, cây bách mùa đông. Quên làm sao được ý kiến của thượng toạ Phạm Thế Long, đại biểu Phật giáo cứu quốc Liên khu ba, một vị chân tu yêu nước. Vị thượng tọa tụng kinh niệm Phật ngay trong Đại hội cầu cho những thanh niên tăng ni đã cởi áo cà sa, xông ra tiền tuyến, sánh vai trong chiến hào cùng anh bộ đội Cụ Hồ. Vị thượng toạ nói rằng, phật tử mà xung trận giết giặc đâu có phạm vào giới sát của Thích Ca Mâu Ni. Thượng toạ kể rằng, trong cuộc đời Thích Ca đã có lần ngài giết một bọn cướp bể, cứu lũ người lái buôn, thế mà Ngài vẫn thành Phật. Giết giặc để cứu dân, cứu nước, giết một, cứu mười, như thế thì không phạm giới. Nhân danh nhà Phật, thượng toạ hô lớn: Nguyện đoàn kết chặt chẽ với toàn dân, ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh để Chính phủ lái con thuyền Việt Nam tới bến bờ hạnh phúc. Anh Hoài Thanh, đại biểu Hội Văn nghệ Việt Nam, cho rằng, trong vườn hoa khối đại đoàn kết toàn dân có tiếng thơ, tiếng đàn, tiếng hát, khúc nhạc dạo đầu của buổi bình minh trong thời đại mới. Rừng hoa ngát hương ấy, có tiếng nói trong như tiếng chim của các em thiếu nhi khi các em gọi Bác:
Bác Hồ ơi!
Cháu là em bé phương xa
Theo anh vệ quốc xa nhà từ lâu,
Cháu qua sông Đuống,, sông Cầu
Phủ Thông, Đèo Khách, An Châu, Lũng Vài..
Có tiếng nói của các cụ phụ lão:
Vượt suối trèo non tôi đến đây
Gặp anh về nghỉ dưới chân mây,
Chúc nhau mạnh khoẻ rồi ra trận
Mau sức càng hăng để đánh Tây.
Có tiếng gọi của lương giáo đoàn kết:
Đôi ta chung bến chung thuyền
Đừng rằng lương giáo mà quên chung dòng.
Có tiếng nói thân thương của miền Bắc, xen tiếng nói đằm thắm miền Trung cùng tiếng nói chân chất miền Nam. Có tiếng nói miền tự do và tiếng nói vùng tạm bị chiếm.
Anh Hoài Thanh giơ lên trước Đại hội hàng trăm bài thơ kháng chiến mà anh sưu tầm được qua những chuyến đi công tác xuống các cơ quan, đoàn thể, đơn vị quân đội.
Nhịp điệu kháng chiến là nhịp điệu văn nghệ. Tiếng nói của văn nghệ là tiếng nói kháng chiến. Đánh giặc, giữ nước, toàn dân hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, một lòng tin tưởng ở tay lái vững vàng của Người, như trong tiếng hò giã gạo vút lên từ đáy lòng cuộc chiến đấu gian khổ ở Bình Trị Thiên:
Cụ Hồ với dân như chân với tay
Như cây với cối, như cội với cành.
Thi đua dốc một lòng thành
Để đáp tấm lòng của Cụ thương dân.
Anh Hoài Thanh vừa dứt, một cụ già tóc bạc như cước, tay chống gậy, đứng lên xin phát biểu. Nhìn ra mới biết đó là cụ Thi Sơn, trong Hội Liên Việt Liên khu ba. Cụ vuốt râu, nói nhẹ nhàng: ''Kính thưa Hồ Chủ tịch, thưa các vị, năm nay là năm con Mèo, mọi người nên nhớ vì nó là cái mốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt toàn quốc. Tôi nghĩ rằng, Việt Minh là Việt Minh, Liên Việt là Liên Việt. Nhưng lấy sự mật thiết tương quan mà nói thì Việt Minh là Liên Việt mà Liên Việt là Việt Minh. Tuy một mà hai, tuy hai mà một. Việt Minh là đội tiên phong. Liên Việt là đội hậu bị. Quân hậu bị không có đội tiên phong cũng không xong. Đội tiên phong không có quân hậu bị cũng không được. Việc thống nhất này là một trang lịch sử oanh liệt của dân tộc ta, trang đời oanh liệt.
Các đại biểu công nhân, nông dân, trí thức, phụ nữ phát biểu với lòng quyết tâm phụng sự kháng chiến. Sự cam kết của mọi giới, mọi ngành là cùng nhau góp những viên gạch xây dựng lâu đài đoàn kết, xây dựng quả núi Thái Sơn đại đoàn kết. Anh Trường Chinh thay mặt Đảng Lao động Việt Nam đọc một bài phát biểu quan trọng, nêu rõ Hồ Chủ tịch đề xướng chính sách đại đoàn kết, một chính sách đã được kiểm nghiệm qua không gian và thời gian, càng ngày càng thấy đúng. Chính sách đại đoàn kết của Người là quang minh chính đại rộng và sâu, là sự liên minh bền chắc giữa công nhân, nông dân với thân hào, thân sĩ, đoàn thể và giai cấp. Sự liên minh ấy là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
Là một người dự Đại hội, tôi được chứng kiến bầu không khí thân mật, đầm ấm, chan hoà, cởi mở, giữa Bác và ''rừng người đoàn kết''. Những phút giải lao, những đêm Đại hội, Bác luôn luôn gần gũi, chăm sóc các đại biểu, tạo nên tình người, tình đời, ân cần, đằm thắm. Ông Trần Hồng Việt, đại biểu Liên khu Việt Bắc, nói với Hồ Chủ tịch rằng: ''Tôi thật sung sướng và cảm động khi được Cụ tới dự Đại hội. Cụ mạnh khoẻ và vui tươi là dấu hiệu của những thắng lợi lớn trong những ngày sắp tới. Bởi vậy, tôi muốn hô lên: Hồ Chủ tịch Muôn năm và cầu mong Người sẽ mãi không già''. Cụ Sở Báo Thiên, đại biểu Hà Nội, khi vừa tới Đại hội, đã được Bác đến thăm. Sau này, cụ kể lại: “Năm ấy Cụ Hồ 61 tuổi. Song Người vẫn biểu hiện một tinh thần ''khoẻ vì nước'' bằng những cử chỉ vui vẻ, mạnh khoẻ, khiến tôi không dám nhận mình là già dù răng đã long, tóc đã bạc''. Cụ tin tưởng vững chắc vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và hy vọng ngày thắng lợi hoàn toàn không còn xa, nữa. Lúc ấy, đồng bào Thủ đô sẽ lại đón Bác về trong vòng ôm của Tổ quốc. Chị Nguyễn Thị Thục Viên gặp tôi nói rằng, khi được gặp Bác, mọi thắc mắc đều tiêu tan. Bác đã tạo nên bầu không khí dân tộc đầm ấm, làm cho những người muốn quay lưng lại cũng phải xoay mình, không nỡ lòng mà rẽ sang đường khác. Các đại biểu được gặp Bác, Bác được gặp các đại biểu. Các đại biểu tin tưởng vào chính sách đại đoàn kết của Bác, Bác sung sướng thấy chính sách đại đoàn kết đã khai hoa kết quả:
Cùng nhau sum họp một nhà
Ấy là nghĩa nặng ấy là tình sâu.
Một vị đại biểu nông dân cứu quốc, sau khi được nói chuyện với Bác, đã ghi dòng thơ cảm tưởng đầy xúc động:
Mặt nhìn mặt càng thêm tươi
Bên lời vạn phúc bên lời hàn huyên.
Sự hàn huyên ấy diễn ra từng phút, từng giờ, ngay trong ''khu rừng Đại hội'' mà ở đó được dựng lên một dãy “phố” với những ''toà nhà tranh tre'' có phòng triển lãm, phòng chiếu phim, nhà ăn, bệnh xá, nhà tắm... Hôm 06-3-1951, ngày thứ tư của Đại hội, trong lúc các đại biểu đang nghỉ ngơi, vui chơi sau một ngày họp căng thẳng, thì Bác đến. Thấy Bác, ai nấy chạy xầm đến. Tiếng gọi nhau: ''Bác Hồ đến, Bác Hồ đến'' lan truyền nhanh chóng. Một vị đại biểu có mặt hôm ấy, kể lại: ''Trong khoảnh khắc, chúng tôi đã có mặt bên Bác. Ai nấy đều vui mừng. Một nguồn tin tươi mới, một thế hệ vui khoẻ hiện ra. Từ ngày kháng chiến toàn quốc tới nay, chắc chưa bao giờ có một quang cảnh đoàn kết, thân ái, vui mừng như hôm gặp Bác''. Bác nói chuyện với các vị đại biểu về các chiến dịch Biên giới, Trung du, về tình hình thế giới, trong nước. Cuối cùng, Bác bảo một đồng chí thanh niên đứng gần đấy đi lấy cho Bác mấy chiếc gậy. Mọi người chưa rõ Bác làm gì. Khi đồng chí thanh niên mang gậy đến, Bác cầm bó gậy, rồi đưa cho một cụ chiếc gậy:
- Xin cụ bẻ cho.
Cụ già bẻ gãy chiếc gậy.
Bác đưa số gậy còn lại cho đồng chí thanh niên:
- Chú bẻ cả bó đi.
Đồng chí thanh niên bẻ mãi mà không gãy. Bác lấy bó gậy và nói:
- Một chiếc gậy, sức yếu như cụ đây bẻ phăng. Một bó gậy, sức lực lưỡng như đồng chí này không bẻ nổi.
Mọi người hiểu ý Bác, cười nói rất vui. Phải nói rằng, suốt những ngày Đại hội, lúc nào các đại biểu cũng vui vẻ. Cái vui cười trong kháng chiến khác với các vui cười trong hoà bình. Một vị đại biểu tâm sự rằng, cái vui cười của Đại hội làm vị đó nhớ tới cuộc chiến đấu ở Mátxcơva. Khi bọn Hítle đã tiến quân đến sát Thủ đô mà trong thành vẫn diễn kịch ''Hăm lét'' của Sếchxpia. Đó là niềm lạc quan của những người kháng chiến, khi nhân dân vùng lên đấu tranh đòi trả lại màu sắc cho dân tộc, cho quê hương, niềm lạc quan chứa chan hy vọng. Niềm lạc quan tin tưởng là sức mạnh tinh thần, sức mạnh ấy được Bác đúc kết trong hai câu thơ của nhà văn Lỗ Tấn mà Bác đã đọc tại Đại hội:
Ngước mắt xem khinh nghìn lực sĩ
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng.
Sau một tuần lễ căng sức làm việc, Đại hội bế mạc vào ngày 07-3-1951, thông qua Nghị quyết thống nhất Việt Minh - Liên Việt thành Mặt trận dân tộc thống nhất và duy nhất của cả nước, lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt. 54 vị trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Uỷ ban Liên Việt toàn quốc. Đại hội nhất trí bầu Bác làm Chủ tịch danh dự và đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Trước khi bế mạc, Đại hội nhất trí thông qua thư gửi lên Bác:
`“Chủ tịch là bó đuốc soi đường của dân tộc, là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân và cũng là linh hồn của cuộc Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt này.
Thực vậy, Chủ tịch đã gây nên lực lượng đoàn kết toàn dân vô cùng mạnh mẽ để đánh tan quân thù, giải phóng dân tộc. Chủ tịch đã sáng lập nên Mặt trận Việt Minh năm 1941, Hội Liên Việt năm 1946 và thống nhất hai tổ chức ấy thành một khối duy nhất ngày nay.
Đại hội này, Chủ tịch tới dự, tham gia Chủ tịch đoàn, cho huấn thị, làm mọi người vô cùng phấn khởi và thêm tin tưởng ở tương lai của dân tộc. Nhất là Chủ tịch lại tham gia các cuộc vui chơi, làm cho không khí hội trường tươi sáng hẳn lên.
Đại hội thành công rực rỡ ấy là nhờ sự có mặt của Chủ tịch.
Toàn thể Đại hội suy tôn Chủ tịch làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam.
Và để tỏ lòng biết ơn, Đại hội xin kính dâng Chủ tịch tấm chân dung của Người với bốn chữ: Lãnh tụ tối cao.
Các đại biểu trong Đại hội đều nguyện:
- Thực hiện mọi chỉ thị của Chủ tịch nhất là chỉ thị về mùa thắng lợi năm nay.
- Làm cho toàn dân ngày thêm đoàn kết chặt chẽ đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường và bảo vệ hoà bình thế giới.
Kính chúc Chủ tịch trường thọ''.
Sự thành công của Đại hội ghi nhận dấu ấn chính trị không thể phai mờ. Nét đặc sắc không ngờ tới là trong hoàn cảnh kháng chiến, mọi cái còn phải theo khuôn phép “mệnh lệnh”, vậy mà Đại hội lại thể hiện một tinh thần dân chủ tuyệt vời, mọi người đều có quyền tranh luận, phát biểu chính kiến của mình, tất cả đều phải nhằm đi tới mục tiêu:
Nay chung Nam Bắc một nhà
Cùng nhau đoàn kết để mà đánh Tây.
Bác rất vui mừng về thành công của Đại hội.
Tổ chức xong Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, chúng tôi lại lao vào tổ chức Ban Mặt trận của Trung ương Đảng theo đề nghị của Bác và anh Trường Chinh. Ngày 10-4-1951, Hội nghị Đảng đoàn Mặt trận Trung ương họp bàn vấn đề tổ chức Ban Mặt trận của Trung ương Đảng. Hội nghị định nhiệm vụ của Ban Mặt trận Trung ương là theo dõi, nghiên cứu, giúp Trung ương Đảng đôn đốc việc thực hiện chính sách mặt trận của Đảng trong cả nước. Trong cuộc họp ngày 10-6-1951, tôi được các đồng chí cử làm Trưởng ban Mặt trận Trung ương Đảng và anh Xuân Thuỷ được cử làm thư ký của Ban.
Nhân đà thắng lợi sau chiến thắng biên giới, Bác và Trung ương chủ trương mở rộng mối quan hệ với các nước anh em. Một hôm, Bác gọi tôi đến, nói rằng, nhân dân Trung Quốc anh em vừa được giải phóng hoàn toàn, bắt đầu bước vào xây dựng đất nước. Còn nhân dân Triều Tiên anh em đang chiến đấu ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược. Bác muốn cử một đoàn đại biểu của ta sang thăm Trung Quốc và Triều Tiên nhằm góp phần cổ vũ nhân dân Trung Quốc anh em trong công cuộc xây dựng lại đất nước và nhân dân Triều Tiên anh em chiến đấu giải phóng Tổ quốc. Cuộc đi thăm của ta còn nhằm mục tiêu thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân ba nước Việt - Trung - Triều cùng nhau trao đổi, cùng nhau học tập kinh nghiệm, góp phần đẩy mạnh cao trào chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược châu Á. Bác còn nói đại ý: Chúng ta hãy coi trọng công tác quốc tế như công tác trong nước. Bác giao cho tôi làm trưởng đoàn, còn các thành viên trong đoàn do tôi lựa chọn. Nhưng Bác dặn đây là đoàn đại biểu có tính chất mặt trận - nhân dân, nên thành phần cần có công nhân, nông dân, quân đội, trí thức, phụ nữ, thiếu niên... Tôi vâng lời Bác dặn, bắt tay ngay vào soạn thảo kế hoạch và chọn người cho chuyến đi. Chỉ vài ngày sau kể từ khi Bác giao nhiệm vụ, tôi đã lập xong danh sách các thành viên trong đoàn: Cụ Phạm Bá Trực, đại biểu Quốc hội; anh Phạm Văn Hạnh, đại biểu công nhân; anh Nguyễn Mạnh Hồng, đại biểu nông dân; anh Dũng Mã, Trung đoàn phó Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 312, đại biểu quân đội; anh Tôn Thất Tùng, đại biểu các nhà khoa học; anh Hoài Thanh, đại biểu giới văn nghệ; anh Nguyên Văn Chi, chiến sĩ bộc lôi, thương binh; cụ Hứa Văn Khải, lão du kích người Cao Bằng; chị Triệu Thị Soi, nữ dân công gương mẫu, người dân tộc thiểu số, em Nguyễn Mạnh Hà, 16 tuổi, thiếu sinh quân; em Nguyễn Ngọc Sơn, 15 tuổi, thiếu sinh quân và anh Tạ Quang Đạm, Thư ký của đoàn. Như vậy, tất cả có 13 người. Danh sách được gửi lên Bác. Bác đồng ý. Tôi nhanh chóng triệu tập các thành viên trong đoàn lại để nói rõ mục đích yêu cầu chuyến đi và những công việc cần thiết phải chuẩn bị gấp. Khi tôi nói Triều Tiên đang đánh nhau to, ai có ngại sang đó không, thì tất cả trong đoàn đều nói đại ý rằng, nếu chúng tôi sợ đế quốc, chúng tôi đã chẳng theo kháng chiến. Thế là yên tâm rồi. Mọi người hồ hởi sẵn sàng lên đường ai nấy trở về gấp rút chuẩn bị cho chuyến đi. Riêng tôi, mọi công việc lo chung cho đoàn, còn phải họp cơ quan Ban Mặt trận của Đảng và cơ quan Tổng liên đoàn để bàn giao nhiệm vụ cho anh em ở nhà trong những ngày xa vắng. Ban Mặt trận của Đảng do anh Tôn Đức Thắng và anh Xuân Thuỷ tạm thời phụ trách. Trước khi lên đường, tôi tranh thủ đi gặp nhà tôi lúc ấy đang công tác đột xuất ở Thái Nguyên. Tôi nói với Bảy rằng, trong chuyến đi xa này, không ai có thể đoán chắc mình còn sống hay chết, vì Triều Tiên đang chiến đấu ác liệt với Mỹ. Nhưng đã là một chiến sĩ vâng lệnh lãnh tụ tối cao của dân tộc để làm nhiệm vụ quốc tế, dù có phải hy sinh cũng không được chùn bước. Bảy biết tính tôi rất thích xông pha đến những nơi khó khăn, nóng bỏng, nên không có ý kiến gì, chỉ khuyên tôi giữ gìn sức khoẻ và chúc tôi lên đường bình an. Tôi khuyên Bảy ở lại cố gắng công tác và chăm sóc con. Đêm ấy, chúng tôi trằn trọc năm canh, không sao ngủ được. Tôi cố lục trong trí nhớ xem có vấn đề gì căn dặn lại vợ không. Khi tôi nói hòm tài liệu này, gói công văn kia để chỗ này, chỗ nọ, nếu tôi không về nữa sẽ trao cho ai, cho ai, thì Bảy lấy tay che mồm tôi lại: ''Thôi, anh đừng nói nữa, làm như anh sắp phải xa lìa cái thế giới này. Người xưa có câu: Nói lời trăn trối lúc lên đường là điều chẳng lành. Xin anh đừng nói nữa, hãy ngủ lấy sức để đi''. Tôi biết Bảy đang lo nghĩ về tôi, nên tôi càng tìm cách động viên, an ủi vợ. Sáng hôm sau, tôi chia tay Bảy để về Tuyên Quang. Bảy tiễn tôi trên đoạn đường dài. Trời mùa hè ở miền sơn cước không nóng gay gắt như ở miền xuôi, vậy mà trong lòng lại như lửa đốt. Tiếng hú của người đi rừng từ vách núi vọng đến, tiếng chim xào xạc, tiếng gió ngàn reo, tiếng rống của đàn trâu đang gặm cỏ bên sườn núi, tất cả tạo thành âm thanh hỗn hợp, gợi lên một nỗi buồn man mác chen trong niềm vui chan hoà. Vui vì được Bác tin tưởng giao nhiệm vụ, còn buồn vì nhớ quê hương, đất nước đang kháng chiến, lại thương vợ cùng con phải vất vả, lận đận bồng bế nhau dưới làn bom đạn mỗi khi giặc đến vây lùng. Dùng dằng mãi mà vẫn không sao dứt ra được. Nhưng mọi cái đều có giới hạn. Đã đến lúc phải chia tay Bảy. Tôi nắm chặt cổ tay người con gái xinh đẹp miền núi Tản, sông Đà, xúc động: ''Anh phải đi thôi. Chúc em và các con ở lại bình an''. Rồi không kịp để cho Bảy nói lời tạm biệt, tôi đã rảo bước. Khi ngoảnh lại, vẫn thấy Bảy đứng đấy, đang lấy khăn lau nước mắt. Trời Thái Nguyên hôm ấy tràn ngập ánh nắng chói chang.
Sau một thời gian ngắn chuẩn bị sắp xếp tài liệu, tặng phẩm, hành lý, ngày 03-7-1951, phái đoàn lên đường. Khi xe sắp chuyển bánh, bỗng có tin: ''Bác đến! Bác đến!''. Bác đến thật, bắt tay rất chặt từng người, kiểm tra hành lý của chúng tôi xem đủ chưa và ân cần dặn bảo những điều cần thiết khi ra nước ngoài. Vấn đề mà Bác chốt lại là cố gắng giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân các nước, coi đó là phẩm chất người cán bộ khi làm nhiệm vụ quốc tế. Cuộc gặp gỡ giữa Bác và chúng tôi chỉ diễn ra trong vài phút. Bác không muốn để chúng tôi phải bịn rịn trong lúc chia tay, nên giục chúng tôi lên đường sớm. Bác nói: ''Các chú đi thôi, kẻo muộn. Chúc các chú đoàn kết, thân ái, thành công!''. Thay mặt anh em trong đoàn, tôi chúc Bác ở lại mạnh khoẻ, lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi. Bác nói vui ''Chú Việt bao giờ cũng trịnh trọng''. Câu nói của Bác tự nhiên làm mọi người cười vui, phá tan cái không khí lưu luyến lúc chia tay. Bác cũng cười, một nụ cười đôn hậu.
Chúng tôi đi bằng ô tô từ Sơn Dương, Tuyên Quang đến biên giới Việt - Trung. Vượt qua biên giới Việt - Trung, chúng tôi tiếp tục đi đến Nam Ninh, Quảng Châu bằng xe camiông và xe gíp. Tại những nơi đây, chúng tôi đến thăm Biện sự xứ của ta. Biện sự xứ lúc ấy được xem như một cơ quan ngoại giao bán chính thức đại diện cho Chính phủ ta ở Quảng Châu. Chúng tôi cũng đến thăm trường thiếu sinh và khu học xá của Việt Nam tại Quảng Tây. Bà con Việt kiều ở Quảng Châu nghe tin chúng tôi đến, vui mừng khôn xiết, đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu. Khi được chúng tôi thông báo những thắng lợi của Việt Nam trong kháng chiến, đặc biệt chiến thắng Biên giới, nhiều người vui mừng ứa nước mắt. Bà con hỏi thăm sức khoẻ của Bác. Chúng tôi nói Bác mạnh khoẻ, đang cùng Trung ương lãnh đạo toàn dân đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi. Nghe nói vậy, ai nấy náo nức một niềm vui. Khi chia tay chúng tôi, nhiều bà con gửi thư về nước, góp được 2 triệu 15 vạn nhân dân tệ cùng một chiếc nhẫn vàng, nhờ chúng tôi chuyển về nước tặng các đồng chí thương binh. Chúng tôi gửi lại bà con số tiền, vàng cùng tặng phẩm, nhờ giữ hộ, khi trở về sẽ ghé qua lấy, còn giờ đây đang trên đường đi, không thể mang những thứ đó theo.
Rời Nam Ninh, chúng tôi đến Bắc Kinh bằng tàu hoả. Trước lúc rời Nam Ninh, tôi tranh thủ họp Đoàn lại để lấy ý kiến chung về cách ăn mặc khi đến Bắc Kinh. Sau những ý kiến thảo luận sôi nổi không phân ''thắng bại'' về cách ăn mặc, cuối cùng, Đoàn giao cho Đoàn trưởng toàn quyền quyết định. Tôi đề nghị nên mặc áo ka ki vàng nhạt, sơ mi cổ hở kiểu đăng tông và đầu đội mũ nồi. Riêng những đồng chí bộ đội mặc quân phục. Mọi người đồng ý. chị Soi hỏi tôi: ''Thế còn em nên mặc thế nào?''. Tôi nói: “Tuỳ chị. Nhưng cố gắng mang tính chất duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam''. Theo cuốn hồi ký ''Đường vào khoa học của tôi'', anh Tôn Thất Tùng kể rằng, chúng tôi đến Bắc Kinh vào ngày 28-7-1951. Nhưng theo bản báo cáo gốc của chúng tôi với Bác ngay sau khi chúng tôi về nước, mà đồng chí Đức Vượng sưu tầm được, thì chúng tôi đến Bắc Kinh vào ngày 23-7-1951. Buổi đón tiếp phái đoàn chúng tôi được diễn ra trọng thể tại Bắc Kinh. Các ông Lý Thế Thâm và Quách Mạt Nhược ôm hôn thắm thiết chúng tôi và đọc diễn văn chào mừng. Tại Bắc Kinh, chúng tôi được đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung ương, Hội chính trị Hiệp thương Trung ương tiếp thân mật; được bạn cho đi thăm một số cơ sở sản xuất, làng mạc, công trình kiến thiết, cơ quan văn hoá xã hội và các cuộc triển lãm. Tại các cơ sở đến thăm, chúng tôi có dịp tiếp xúc với các tổ chức công hội, nông hội, quân đội, thanh niên, phụ nữ, các nhà văn nghệ, nhà khoa học, gặp gỡ các nhà báo Trung Quốc và các nhà báo nước ngoài đang ở Trung Quốc. Đi đâu chúng tôi cũng được đón tiếp thân mật như những người bạn chiến đấu ở tiền phương trở về. Bác sĩ Tùng tranh thủ mọi thời gian đến thăm các bệnh viện và tiếp xúc với giới y học Trung Quốc. Tôi biết bác sĩ là người nóng lòng muốn bẩy ngành y tế kháng chiến của Việt Nam lên, vì lúc ấy các thầy thuốc và phương tiện chữa bệnh của ta còn rất thiếu thốn. Bác sĩ đề nghị xin gặp một số người mổ xẻ có tiếng ở Bắc Kinh để cùng nhau trao đổi về chuyên môn. Hơn chục nhà phẫu thuật nổi tiếng đã gặp và trao đổi cùng bác sĩ. Trung Quốc là một nước lớn, nên đến năm 1950 đã có 43 trường đại học y khoa. Qua cuộc trao đổi giữa chúng tôi với các tổ chức và các tầng lớp nhân dân Bắc Kinh, chúng tôi đã làm cho nước bạn hiểu về cuộc kháng chiến của ta hơn và qua đó, chúng tôi cũng hiểu được bạn hơn. Đó là kết quả bước đầu của cuộc hành trình ngoại giao.
Rời Bắc Kinh, chúng tôi đến thăm Thiên Tân và Thẩm Dương. Tại những địa phương này, phái đoàn ta tổ chức mấy cuộc toạ đàm để trao đổi kinh nghiệm chiến đấu và xây dựng đất nước. Anh Hoài Thanh tổ chức nói chuyện văn nghệ kháng chiến của Việt Nam, anh Tôn Thất Tùng trao đổi kinh nghiệm xây dựng ngành y tế kháng chiến, các đồng chí quân đội kể chuyện anh bộ đội Cụ Hồ... Những buổi nói chuyện đó hoàn toàn bổ ích vì qua đó bạn hiểu ta hơn./.
Còn nữa
Huyền Anh (Tổng hợp)