Sau cần lái máy bay, phi công Trần Văn Đông đã có gần 3000 giờ bay “cưỡi mây, vượt gió”. Mấy chục năm cầm lái, nhưng với ông hạnh phúc nhất là khoảng thời gian 3 năm lái chuyên cơ phục vụ Bác Hồ.

Sinh năm 1935 tại Hưng Hòa, Hưng Nguyên, Nghệ An, 18 tuổi chàng thanh niên Trần Văn Đông vào bộ đội và được biên chế về Đại đội 910, Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320. Tháng 2 năm 1956, từ Trường Văn hóa Kiến An, Hải Phòng, Trần Văn Đông cùng với 17 học viên khác được cử đi học lái máy bay tại Trường Không quân số 2 ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Về nước đúng lúc Trung đoàn Không quân vận tải 919 thành lập (1-5-1959), cũng thời điểm đó Liên Xô tặng cho ta hai chiếc máy bay IL14. Trần Văn Đông được chọn vào tổ bay lái hai chiếc máy bay này.

Máy bay IL14 là máy bay quân sự nhưng thời gian đầu, do có Hiệp định Giơ-ne-vơ nên ta cải trang chúng thành những chiếc máy bay dân dụng vận chuyển hành khách. Tổ bay là bộ đội nhưng mang mặc dân sự có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, các thành viên của Ủy ban Quốc tế đi giám sát đình chiến… Một điều đặc biệt là từ năm 1960 đến 1963, phi công Trần Văn Đông được giao nhiệm vụ cùng với tổ bay lái chiếc IL14 số hiệu 58482 chuyên chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác. Những ngày tháng phục vụ Bác, phi công Trần Văn Đông có khá nhiều kỷ niệm với Người. Và câu chuyện được cùng Người chụp ảnh lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất khiến ông “sung sướng” mãi đến hôm nay.


mot lan duco chup anh voi Bác Ho
Phi công Trần Văn Đông (người đứng phía sau, bên trái Bác Hồ)

Chuyện là, tháng 3 năm 1963, sau khi tổ bay của Trần Văn Đông đón Bác từ Bắc Kinh về đến sân bay Gia Lâm, Bác nói: “Bác cháu ta đi công tác với nhau nhiều lần, hôm nay Bác định chụp chung với các cháu một bức ảnh để làm kỷ niệm, các cháu có đồng ý không?”. Đây vốn là mong ước ấp ủ rất lâu của tổ bay nhưng chưa ai dám đề đạt với Bác cả. Nhanh miệng, phi công Trần Văn Đông nói: “Chúng cháu muốn lắm nhưng không dám thưa với Bác”. Người phê bình hóm hỉnh: “Muốn mà không nói thì làm sao Bác biết được. Hôm nay Bác gãi đúng chỗ ngứa của các cháu rồi”. Kể đến đây, ông Đông chỉ lên bức ảnh giới thiệu cho chúng tôi tên của những người trong ảnh. Thật lạ lại có một em bé đứng ngay cạnh Bác. Giải thích cho thắc mắc đó của chúng tôi về em bé trong ảnh, ông nói: “Đó là con một đồng chí làm việc ở ga hàng không sân bay Gia Lâm. Lúc chúng tôi chụp ảnh em bé chạy qua tôi gọi lại và xin phép Bác cho em bé đứng vào hàng. Bác mỉm cười đặt tay lên vai em bé”. Đơn giản vậy thôi nhưng điều đó cũng khiến Trần Văn Đông và cả tổ bay càng thêm kính phục tác phong giản dị và gần gũi của Người.

Sau lần được chụp ảnh đó, phi công Trần Văn Đông không được cùng đi với Bác chuyến nào nữa. Ông chuyển sang lái chiếc IL14 khác. Vì sau này, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Không quân của ta được Liên Xô cung cấp thêm một số chiếc IL14 nữa. Những chiếc máy bay này không cần phải ngụy trang như trước. Họ được giao nhiệm vụ quân sự là vận chuyển vũ khí, quân trang, đạn dược chi viện cho miền Nam qua các sân bay căn cứ rồi sau đó vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường. Ông Đông tâm sự: “Dù không tiếp tục phục vụ Bác, nhưng tôi đã học được ở Người nhiều đức tính đáng quý. Ở vị trí nào tôi cũng nhớ lời Người dặn chúng tôi, đó là trung thực và hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Những bài học, những câu chuyện khi được ở cùng Người có thể “thất lạc” theo thời gian và tuổi tác của những người trong cuộc. Song với phi công Trần Văn Đông, thì một lần được chụp ảnh cùng Bác mãi mãi là kỷ niệm, là dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời của một người lính bay.

Trang Thanh - Văn Phú
Theo http://www.qdnd.vn
Thu Hiền (st)

Bài viết khác: