30 năm ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã đặt chân tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng văn hóa của thế giới. Một hành trình dài và lâu kỷ lục, đem về cho dân tộc cẩm nang giải phóng đất nước và con người khỏi ách thực dân, phong kiến. Suốt hành trình đó, Người vừa đi vừa trải nghiệm, suy xét, tìm kiếm để rồi chuẩn bị cho cuộc trở về lịch sử. Ra đi đã khó nhưng trở về còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua và trở về như một huyền thoại.
Nghiên cứu quá trình chuẩn bị về nước của Nguyễn Ái Quốc cần phải được xem xét trong một tổng thể, một quá trình, có mối liên hệ mật thiết với nhau; phân tích đầy đủ tính khách quan, chủ quan; lý giải hợp lý bản chất lịch sử của mỗi giai đoạn mới thấy hết được những khó khăn, phức tạp và sự chuẩn bị công phu, kiên trì của Người cho chuyến trở về lịch sử. Để thực hiện được hành trình về nước, Nguyễn Ái Quốc đã phải trải qua 4 chặng đường chông gai, với những thử thách nghiệt ngã, có lúc tưởng chừng không qua nổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác tại Tuyên Quang năm 1951
Từ Pháp sang Xô Viết
Thời kỳ hoạt động cách mạng ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, tiếp thu luận cương của Lênin, có ít nhiều kinh nghiệm hoạt động cách mạng ở Thủ đô Paris. Nhưng với chừng đó vốn kiến thức và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn mà trở về nước thì rất khó khăn. Hơn nữa, thực dân Pháp và chế độ Nam Triều không cho phép hoạt động cộng sản tại Đông Dương. Do đó Người đã quyết định sang Xô Viết - quê hương của cách mạng. Chặng đường sang Xô Viết là một quyết định sáng suốt, một bước nhảy vọt về chất trong tiến trình trở về nước của Người. Vì từ đây, Người đã có đủ điều kiện củng cố lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin từ cơ sở gốc của nó. Người đã trực tiếp trải nghiệm xã hội tốt đẹp của nước Nga Xô Viết, hoạt động trong các tổ cộng sản bằng những thực tiễn sinh động. Trong hành trang trở về nước, Người đã tích lũy rất nhiều vốn kiến thức và hoạt động thực tiễn trên quê hương Lênin.
Trở về Quảng Châu, Trung Quốc
Đầu thập niên 20 thế kỷ trước, với nhãn quan chính trị sắc bén, Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về Quảng Châu - trung tâm cách mạng của phương Đông. Tư tưởng Tam dân của Tôn Trung Sơn kết hợp với tư tưởng Mác - Lênin hội tụ nơi mảnh đất này hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho chuyến trở về Tổ quốc Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc nếu như không có sự phản biến của Tưởng tháng 4 năm 1927.
Tuy thời gian ở Quảng Châu không dài (từ tháng 11 năm 1924 – tháng 5 năm 1927), nhưng Nguyễn Ái Quốc đã làm được nhiều việc cho chuyến trở về nước của mình sau này. Người đã gây dựng cho Tổ quốc những hạt nhân cách mạng đầu tiên. Chính những hạt giống đỏ cách mạng này đã đơm hoa kết trái cho sự nghiệp của Người trên khắp mảnh đất hình chữ S. Ở chặng đường thứ hai này, về tinh thần Nguyễn Ái Quốc thực sự đã trở về Tổ quốc với một đội quân cách mạng có đủ tầm trí tuệ, khác xa những vị tiền bối cách mạng. Phải khẳng định rằng tư tưởng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh đã trở về Tổ quốc trước khi Người trở về.
Từ Thái Lan đến Hồng Kông
Chuyến đi về nước qua Quảng Châu bị đóng cửa, Nguyễn Ái Quốc buộc phải quay trở lại châu Âu để tìm con đường mới. Qua phân tích tình hình, Người nhận thấy, tuyến đường duy nhất có thể về nước được là Thái Lan - Malaysia - Hong Kong, đặc biệt vùng Đông Bắc Thái Lan và Trung - Trung Thượng Lào có những cơ sở cách mạng tốt. Người quyết định về Thái Lan. Tại đây, do điều kiện khách quan, Nguyễn Ái Quốc phải ẩn nấp dưới một vỏ bọc để vận động quần chúng theo cách mới, phù hợp với thực tế địa phương. Tại đây có thuận lợi là gần Tổ quốc, nên những thông tin về tình hình đất nước thông qua cộng sự của Người luôn được cập nhật sát thực tế. Năm 1929, thực dân Pháp và Nam Triều đánh hơi thấy sự có mặt của Nguyễn Ái Quốc gần biên giới Đông Dương, chúng vội vã dựng lên bức thành là án tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc. Đấy là một thách thức cực kỳ nguy hiểm cho chuyến về nước lúc đó của Người. Cuối năm 1929 đầu năm 1930, biết được sự không thống nhất của các tổ chức cộng sản trong nước, vượt qua nguy hiểm Nguyễn Ái Quốc đi Hồng Kông để tổ chức hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Nhờ uy tín của Người, hội nghị hợp nhất thành công như một Đại hội sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ sự kiện đó, Người trở thành lãnh tụ tối cao vĩnh viễn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc này, Người chưa đặt chân về Tổ quốc nhưng sự nghiệp và tư tưởng của Người đã hòa vào hồn sông núi, như một chuyến trở về thực thụ.
Bức họa Bác Hồ về đến cột mốc 108 tại Pắc Bó ngày 28.1.1941
Từ Mát-xcơ-va về Pắc Bó
Thoát khỏi ngục Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc trở về Liên Xô, do điều kiện khách quan không cho phép Người trở về Tổ quốc ngay được, mà phải chờ thời cơ mới. Giai đoạn này, Người phải trải qua những thử thách cam go, đầy biến động bi hùng, kiên trì, nhẫn nại vượt qua để giữ mình, vững tin ở sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộcViệt Nam. Nghị lực và vận hội đã chiến thắng, khẳng định chân lý vĩ nhân là người biết chuyển họa thành may, chuyển bại thành thắng. Tranh thủ thời gian tĩnh để nghiên cứu, học tập, tiếp thu kiến thức mới, học hỏi kinh nghiệm xương máu ngay ở những người bạn, những người đồng chí, tất cả dồn cho ngày trở về Tổ quốc trong một tư thế mới, vận hội mới.
Tháng 9 năm 1939, tình hình thế giới và ở Việt Nam có nhiều biến động, đặc biệt là tình hình cách mạng Việt Nam, nội tình Đảng Cộng sản Đông Dương rất cần Nguyễn Ái Quốc, Quốc tế Cộng sản chấp nhận cho phép Người về nước. Từ tháng 9 năm 1939 – tháng 1 năm 1941, vượt hàng nghìn cây số, trải bao nguy hiểm, khó khăn, Nguyễn Ái Quốc mới đặt chân nơi cột mốc 108 biên giới Việt - Trung tại tỉnh Cao Bằng.
Người đã đi đến nơi, về đến chốn, trọn vẹn một hành trình, tìm được cái cần tìm, về đến nơi cần về. Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận chuyến trở về của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một mốc son sáng chói ghi tạc vào không gian, thời gian một sự kiện vĩ đại.
Sự trở về của Người, xét trong cả quá trình, là bàn đạp xoay chuyển về chất, mở ra những chân trời mới cho sự nghiệp, cuộc đời Người và lớn lao hơn là dẫn dắt đường đi cho dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên Độc lập - tự do. Muôn đời sau còn kể mãi chuyến trở về vĩ đại của vĩ nhân Hồ Chí Minh tại quê hương Cao Bằng.
Ngay sau khi Bác về nước, ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Với một quyết tâm được xác định rõ trong chương trình của mình “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Mặt trận Việt Minh chính là sợi dây nối liền chặt chẽ Dân - Đảng, Đảng - Dân, để ý Đảng thấm tới lòng dân, tạo ra khả năng cho Đảng có thể phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân trên địa bàn cả nước. |
Công Thành
Thu Hiền (st)