Một trong những phong cách nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phong cách quần chúng, dân chủ. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn thấm nhuần quan điểm “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc) và “dĩ công vi thượng” (coi việc công là trên hết).
Gần gũi, thương yêu dân hết mực, hết lòng chăm lo hạnh phúc cho nhân dân không chỉ là một phẩm giá đạo đức cách mạng cao đẹp, mà còn là phong cách sống, sinh hoạt, ứng xử, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giảng viên Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị) trao đổi với
các học viên Hệ đào tạo cán bộ chính trị trung, sư đoàn quân binh chủng, bộ đội biên phòng. Ảnh: Quang Thắng.
Là người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, người sáng lập, tổ chức, rèn luyện Quân đội ta, Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ quân đội nói chung và đội ngũ cán bộ chính trị nói riêng. Vì theo Bác, “tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ thì bộ đội ấy không tốt”. Để trở thành người “chính trị viên tốt”, “làm kiểu mẫu trong mọi công việc”, “dìu dắt người khác”, Bác Hồ thường xuyên giáo dục, nhắc nhở mỗi cán bộ phải xây dựng cho mình một phong cách làm việc phù hợp với cương vị chức trách, nhiệm vụ được giao. Riêng đối với cán bộ chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải rèn luyện và thực hiện phong cách làm việc quần chúng. Đây là nội dung Người đề cập nhiều nhất trong các bài viết, bài nói của Người về cán bộ chính trị, nhất là trong những buổi gặp gỡ nói chuyện trực tiếp với đội ngũ chính trị viên. Phong cách làm việc quần chúng của chính ủy, chính trị viên (CU, CTV) được thể hiện ở nhiều nội dung, song tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Một là, gần gũi bộ đội, thương yêu bộ đội, hết lòng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Đây là tư tưởng xuyên suốt, yêu cầu cao nhất trong phong cách làm việc quần chúng của CU, CTV.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong phong cách làm việc với bộ đội, CU, CTV không chỉ là người lãnh đạo, mà còn phải là người đồng chí, người anh, người chị, người bạn của bộ đội, nơi gửi gắm và nuôi dưỡng niềm tin yêu của bộ đội. Vì vậy, bất luận trong điều kiện hoàn cảnh nào, “đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”. Bác đã nhấn mạnh, phong cách làm việc quần chúng của CU, CTV phải được thể hiện ở “miệng nói tay làm”, “nói đi đôi với làm”, tác phong phải hết sức sâu sát, cụ thể. CU, CTV phải là người thực sự mực thước, biết lo trước nỗi lo của chiến sĩ, hưởng thụ sau hưởng thụ của chiến sĩ. Bác từng nhắc nhở rằng: "Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”.
Đối với nhân dân, phong cách làm việc quần chúng của CU, CTV là phải “làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu cao nhất của xây dựng quân đội cách mạng về chính trị là xây dựng một quân đội thực sự của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, người CU, CTV “phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân, làm cho đội viên trở thành một người tuyên truyền bằng công việc thực tế”.
Hai là, biết vận động, thuyết phục quần chúng, đi đúng con đường chính trị của Đảng. Đây là nội dung quan trọng thể hiện rõ chất lượng, hiệu quả phong cách làm việc quần chúng của CU, CTV.
Phong cách quần chúng của người CU, CTV không chỉ quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội mà điều quan trọng hơn là phải biết vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng tin và theo Đảng, kính trọng nhân dân, yêu quê hương, đất nước; sống có mục tiêu, lý tưởng, có nghĩa, có tình với gia đình, với đồng chí, đồng đội.
Vai trò nổi bật xuyên suốt trong phong cách làm việc quần chúng của CU, CTV là trong mọi điều kiện hoàn cảnh phải luôn giữ vững phương hướng chính trị của Đảng, làm cho bộ đội “đi đúng con đường chính trị, tự giác tuân theo kỷ luật của cách mạng”, làm cho bộ đội thấm nhuần đường lối chính trị của Đảng, có giác ngộ sâu sắc về hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, luôn “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Để làm được điều đó, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Người chính trị viên không phải là ông quan suốt ngày ngồi bàn giấy viết thông báo và chỉ thị” mà phải “nhúng tay vào mọi việc để dìu dắt người khác”.
Ba là, tôn trọng quần chúng, biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm quần chúng. Đây là một nội dung quan trọng trong phong cách làm việc quần chúng của CU, CTV, thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
Để cho bộ đội tin yêu và quý trọng mình, làm cho “ý chí của mình thành ý chí của toàn đội, toàn đội đoàn kết xung quanh mình như một người”, đòi hỏi CU, CTV phải thể hiện rõ thái độ tôn trọng, biết lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm của bộ đội. Bác Hồ cho rằng, không một người nào có thể hiểu được mọi thứ, làm hết được mọi việc, ngay đến cả anh hùng, lãnh tụ cũng vậy. Cho nên, muốn phát huy được sức mạnh của tập thể, để có được phương pháp đúng, tạo được niềm tin của bộ đội thì CU, CTV phải có thái độ trung thực, thẳng thắn trước sự thật, dân chủ lắng nghe các ý kiến, khuyến khích sự tranh luận, tìm tòi có cơ sở khoa học và thực tiễn; tôn trọng và xem xét một cách nghiêm túc những cách nhìn, ý kiến trái với kết luận, những ý kiến của thiểu số, của cấp dưới, của chiến sĩ, của nhân dân.
Phong cách là một giá trị văn hóa, tạo nên dấu ấn, đặc trưng của mỗi người CU, CTV. Phong cách có quan hệ mật thiết với đạo đức và năng lực của người CU, CTV. Vì vậy, rèn luyện, nâng cao phong cách quần chúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách học tập, làm giàu giá trị đạo đức cách mạng của người CU, CTV trong quân đội. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ CU, CTV phải thực hiện tốt các nền nếp, chế độ công tác, nhất là chế độ đi cơ sở, nắm bắt thực tiễn, phát huy dân chủ; biết cách giáo dục, thuyết phục mọi cán bộ, chiến sĩ chung tay góp sức, đồng tâm hiệp lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Để có phong cách quần chúng, mỗi CU, CTV cần gương mẫu trong lời nói và việc làm, thực hiện phương châm “nói đi đôi với làm”, kiên quyết phòng, chống tình trạng nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, hoặc “chỉ tay năm ngón”, thiếu sâu sát cơ sở, thiếu gần gũi với quần chúng. Cũng cần hiểu rằng, phong cách quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi” quần chúng, cả nể, xuê xoa, dĩ hòa vi quý, gió chiều nào che chiều ấy, vì điều đó hoàn toàn xa lạ với phong cách, bản lĩnh cách mạng của người CU, CTV trong Quân đội./.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN THI
Khoa CTĐ, CTCT, Học viện Chính trị
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)