Bài nói tại Đại hội thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều”
Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm các đồng chí.
Trong phong trào thi đua yêu nước, đồng bào các dân tộc, bà con công, nông, Hoa, các đồng chí chuyên gia đều có góp phần xứng đáng.
Năm ngoái có 1.170 tổ và đội được nhận là tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa.
8.900 tổ và đội được ghi tên và 16.500 tổ và đội đề nghị ghi tên phấn đấu trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa. Như thế là phong trào năm ngoái phát triển hơn năm kia. Năm nay phải phát triển hơn năm ngoái.
Nghe nói năm ngoái đã tổng kết hơn 15 vạn sáng kiến. Như thế là tốt. Theo ý Bác thì đối với sáng kiến cũng như đối với việc trồng cây, trồng cây nào phải tốt cây ấy, hơn là trồng nhiều mà cây sống ít. Khi có sáng kiến mới thì tập thể phải bổ sung nó, cải tiến nó, phổ biến nó, áp dụng nó. Như thế, thì bảy vạn rưởi sáng kiến cũng đã giúp cho chúng ta khá nhiều. Bác không rõ 15 vạn sáng kiến nói trên đã được cải tiến và áp dụng như thế nào?
Chúng ta có phong trào thi đua yêu nước, thi đua "mỗi người làm việc bằng hai", thi đua đạt ba điểm cao, vận động "3 xây, 3 chống"... Tên gọi khác nhau, song đều nhằm một mục đích. Vì vậy, cần phải kết hợp cho khéo.
Phong trào nói chung là khá, nhưng vẫn còn những nhược điểm cần phải giải quyết. Ví dụ:
- Phong trào chưa đều trong các ngành, các đơn vị, các địa phương.
- Thường chạy theo số lượng, ít chú trọng chất lượng.
- Một số ngành còn khoán trắng việc chỉ đạo cho công đoàn.
- Đặt quá nhiều tiêu chuẩn, hội họp quá nhiều, v.v..
Chúng ta cần phải đẩy mạnh thi đua cải tiến quản lý kỹ thuật, quản lý lao động và quản lý vật tư.
- Phải hết sức bảo đảm chất lượng và thực hành tiết kiệm.
- Từ cán bộ đến các đơn vị phải đi sâu đi sát trong việc chỉ đạo thực hiện.
- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức như thanh niên, phụ nữ, công đoàn phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Phải tránh xu hướng bản vị, cục bộ.
- Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: Một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần.
Tất cả các ngành, các địa phương, phải hăng hái thi đua hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm nay và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tạo điều kiện tốt cho kế hoạch 5 năm lần thứ hai, đồng thời luôn luôn phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, để ủng hộ một cách thiết thực đồng bào miền Nam anh hùng.
Bác chỉ nói tóm tắt như vậy. Thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ nói nhiều hơn và rõ hơn.
Chúc Hội nghị thành công và Bác chờ tin thắng lợi của các cô, các chú.
Thư gửi cán bộ, công nhân Mỏ Thống Nhất, Quảng Ninh
Thân ái gửi công nhân và cán bộ Mỏ Thống Nhất, Quảng Ninh,
Bác rất vui lòng nhận được báo cáo mỏ đã hoàn thành tốt kế hoạch quý I.
Bác mong các cô, các chú nhân đà thắng lợi đó, cùng các xí nghiệp bạn cố gắng hoàn thành kế hoạch cao hơn nữa.
Chào thân ái
Điện gửi Đại hội phụ nữ “Ba đảm đang” Hải Phòng
Bác vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi các chị em phụ nữ "ba đảm đang" của Hải Phòng đã có thành tích khá trong sản xuất và chiến đấu. Chúc các cô cố gắng hơn nữa và tiến bộ hơn nữa để góp phần xứng đáng trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước.
Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Thân ái và quyết thắng
Cái “Chìa khóa vạn năng”
Hợp tác xã Đ.P. (Quảng Bình) cần phải làm độ 700 cái hầm trú ẩn cho gia đình xã viên, cho trụ sở xã, cho trường học, v.v.. Mỗi hầm phải tốn 10 công đào và nửa mét khối gỗ lót, cộng tất cả là 7.000 công và 350 mét khối gỗ. Đối với một hợp tác xã nhỏ chỉ có 50 hộ, thì đó quả là một công việc to lớn và khó giải quyết. Nhưng cán bộ có sáng kiến đưa việc đó trình bày rõ ràng trước toàn thể xã viên và khuyến khích mọi người bàn bạc một cách dân chủ.
Sau khi tư tưởng đã nhất trí, bà con đều hăng hái thi đua và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Họ làm cả ngày cả đêm, nhà đông người giúp nhà neo đơn. Có những xã viên lấy cả cột nhà và ván nằm để lót hầm và giúp những bà con thiếu gỗ.
Kết quả là chỉ trong hai ngày, hơn 700 cái hầm đã xong và cái nào cũng hợp tiêu chuẩn. Thế là nhờ cách dân chủ mà việc khó hoá ra dễ.
- Văn Khê (Hà Tây) là một xã ưu điểm nhiều. Nhưng khuyết điểm cũng không ít: Như tệ giết lợn liên hoan lu bù, cán bộ thiếu gương mẫu trong lao động, v.v.. Khuyết điểm nặng nhất là thiếu dân chủ . Vì vậy mà việc làm thuỷ lợi đã gây ra lãng phí; có vụ đã cày cấy chậm và làm dối, thu hoạch kém.
Từ đầu năm nay, tình trạng đã bước đầu chuyển biến khá: Các cán bộ từ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch xã đến cán bộ các hợp tác xã đã thật thà tự phê bình và từ đó mọi việc sản xuất, học văn hoá, chấp hành các chính sách... đều bàn bạc dân chủ với xã viên.
Kết quả là các xã viên đều phấn khởi ra đồng sản xuất, trồng cây, sửa sang hầm hố trú ẩn. Cán bộ và xã viên đã cùng nhau bàn cách tiết kiệm lương thực để bảo đảm đời sống của mình và đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước (Tài liệu của báo Hà Tây) .
- Xí nghiệp Đống Đa tìm biện pháp thực hiện kế hoạch quý I bằng một phần ba kế hoạch cả năm, lúc đầu tính ra thì thấy thiếu đến 12.000 giờ máy. Giải quyết thế nào đây?
Khi các cán bộ lãnh đạo bàn đủ mọi cách, như cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, v.v. thì cũng chỉ giải quyết được 4.111 giờ máy thiếu.
Khi các chi bộ bàn về việc cải tiến quản lý lao động, tăng cường giờ máy có ích, v.v. thì giải quyết thêm được 6.000 giờ, nhưng chưa giải quyết được tất cả vấn đề.
Khi họp bàn dân chủ với toàn thể công nhân , thì anh chị em mỗi người nêu một sáng kiến, chẳng mấy chốc đã giải quyết nốt cả 2.000 giờ thiếu một cách dễ dàng.
Cũng xí nghiệp ấy, trong một cuộc đại hội bàn bạc dân chủ (18-3-1967), công nhân đã góp 1.400 ý kiến, thẳng thắn phê bình những thiếu sót về chỉ đạo sản xuất, hợp lý hoá lề lối làm việc và cải tiến kỹ thuật, v.v..
Một ví dụ nữa: Xí nghiệp cao su tái sinh ghi nhận kế hoạch 1967 chỉ ghi tăng 6% về giá trị sản lượng và 8% về năng suất lao động. Nhưng do bàn bạc dân chủ , công nhân đã nhận tăng thêm 31% về giá trị sản lượng và 15% về năng suất lao động.
*
* *
Vài ví dụ trên đây chứng tỏ rằng thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Trong mọi công việc, ngay từ khi lập kế hoạch và suốt cả thời gian thực hiện, phải mạnh dạn phát động quần chúng, làm cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể . Quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được những tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô và cuộc vận động quần chúng quyết tâm thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1967 cũng nhất định sẽ thắng lợi.
Nói chuyện với các đại biểu công nhân và cán bộ ngành thanh*
Các đồng chí,
Bác rất hoan nghênh các cô, các chú công nhân và cán bộ ngành than đã cử đại biểu đến báo cáo những cố gắng và kết quả bước đầu của ngành than với Bác và các đồng chí Trung ương có mặt tại đây.
Người ta thường gọi than là "vàng đen". Nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống của nhân dân.
Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội càng cần rất nhiều than.
Ở nước ta có nhiều mỏ than, công nhân ta thì cần cù và anh dũng, lại có các nước anh em giúp ta về thiết bị, kỹ thuật, cho nên ta có thể sản xuất than nhiều, nhanh, tốt, rẻ.
Nhưng tình hình sản xuất than hiện nay lại không như thế.
Năm 1965 đã sản xuất được ngót 4 triệu 30 vạn tấn, nhưng mấy năm gần đây thì sản lượng giảm sút. Sự giảm sút đó, một phần do tình hình chiến tranh. Nhưng nguyên nhân chính là do quản lý kém và tổ chức kém . Chỉ lấy một ví dụ: Toàn ngành mỏ có hàng vạn người, nhưng số người làm các việc hành chính, quản trị, gián tiếp sản xuất quá nhiều.
Cần giảm bớt số người gián tiếp đó để thêm vào số người trực tiếp sản xuất.
Trong Hội nghị của ngành than ngày 10-10-1968, đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí khác, cả cán bộ và công nhân đã phát biểu ý kiến một cách dân chủ, thẳng thắn và góp nhiều đề nghị rất tốt nhằm đẩy mạnh việc sản xuất than.
Hôm nay, Bác chỉ nói thêm mấy điểm, để nhắc nhở các cô, các chú cố gắng thi đua làm cho tốt hơn nữa.
- Trong Hội nghị của ngành Than, các đồng chí bộ trưởng, giám đốc, cán bộ và công nhân đã phê bình và tự phê bình, thật thà nêu rõ những sai lầm, thiếu sót trong ngành và mạnh dạn đề ra cách sửa chữa. Đó là một điều tốt. Vì vậy, Hội nghị xong, trong cán bộ và công nhân đã có một không khí phấn khởi, tin tưởng, mức sản xuất than đã bắt đầu nâng lên so với trước. Theo báo cáo, trước Hội nghị, chỉ có mỏ Cọc 6 đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước thời hạn 4 tháng. Sau Hội nghị, Mỏ Hà Tu, Mỏ Đèo Nai, Mỏ Thống Nhất... đều đã cố gắng hoàn thành kế hoạch cả năm và đã nhận sản xuất thêm mấy vạn tấn than ngoài kế hoạch. Xí nghiệp Ô tô Hòn Gai mới đây cũng đã hoàn thành kế hoạch trước thời hạn.
Thế là khi tư tưởng đã chuyển biến thì việc làm cũng tiến bộ, mức sản xuất được nâng cao.
Nhưng đó chỉ mới là chuyển biến bước đầu. Các cô, các chú phải luôn luôn cố gắng hơn nữa để mức sản xuất than tăng nhanh và vững chắc.
- Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ Nhà nước, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc.
Như thế mới thật xứng đáng với đồng bào và chiến sĩ miền Nam đang anh dũng chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước.
- Công nhân phải tham gia quản lý.
Cán bộ các cấp cần tham gia lao động.
Có như vậy, cán bộ và công nhân mới thật sự đoàn kết và giải quyết được nhanh chóng các vấn đề trong sản xuất, đẩy mạnh được sản xuất.
Kỷ luật lao động phải nghiêm.
Quản lý lao động, quản lý vật tư phải chặt chẽ.
Phải đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.
Kiên quyết chống nạn quan liêu, chống tham ô, lãng phí.
Phải chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của công nhân.
- Để kết thúc, Bác nhắc thêm là phải chú ý tổ chức tốt việc phòng không và luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.
Đảng viên, đoàn viên và thanh niên nói chung phải gương mẫu trong sản xuất, trong học tập, trong việc giữ vững kỷ luật và cải thiện đời sống của công nhân.
Bác mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp.
Cuối cùng, Bác nhờ các cô, các chú chuyển đến tất cả anh chị em công nhân và cán bộ ở các mỏ, đến các gia đình và đến toàn thể đồng bào và chiến sĩ tỉnh Quảng Ninh lời thăm hỏi thân ái của Bác và Trung ương.
* Ngày 15-11-1968, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện với các đại biểu, cán bộ, công nhân ngành than.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.387-388.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.419.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr.38.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr.248-250.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr.411-413.
Hết
Huyền Trang (tổng hợp)