Ảnh minh họa - Nguồn: qdnd.vn
Đạo đức cách mạng, sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật là những phẩm chất tiên quyết, là những điều kiện cần và đủ để đội ngũ cán bộ, đảng viên giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân. Sức mạnh cảm hóa, tuyên truyền trong vận động nhân dân phải bằng chính sự gương mẫu, uy tín của từng cán bộ, đảng viên, nên công tác giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật luôn là nhiệm vụ cốt lõi, hàng đầu, là trọng tâm ưu tiên được Đảng thường xuyên quan tâm thực hiện.
Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người cho rằng, để làm tròn sứ mệnh của mình, Đảng phải tiêu biểu cho đạo đức và văn hóa; phải coi đạo đức cách mạng như phẩm chất đầu tiên, vì “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). Đồng thời, Người cũng yêu cầu đội ngũ cán bộ phải “gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ”. Đức là “gốc” của nhân cách, làm nền tảng cho pháp luật; pháp luật là “chuẩn”, là cơ sở để đội ngũ cán bộ, đảng viên bảo vệ các giá trị chân chính, trong đó có ý thức đạo đức, duy trì và bảo vệ kỷ cương phép nước. Đạo đức cách mạng không chỉ là “gốc”, mà còn là động lực mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên đi đến cái “trí”. Và khi đã có “trí”, có sự hiểu biết về khoa học, luật pháp... thì “đức” chính là cơ sở bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vững được chủ nghĩa mà mình đã giác ngộ, đã đi theo.
Trong suốt chặng đường đấu tranh giữ vững độc lập dân tộc, phát triển đất nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã luôn phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, nắm vững và bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lấy đó làm cơ sở để vạch ra mục tiêu, phương hướng trong hành động. Đại đa số cán bộ, đảng viên đều kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, làm theo lời dạy và tấm gương của Bác Hồ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặt trái của cơ chế thị trường tác động không nhỏ đến một bộ phận cán bộ, đảng viên; xuất hiện tình trạng không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự lấy việc phục vụ nhân dân là mục tiêu hàng đầu; nhiều cán bộ chưa có kiến thức pháp luật - một bộ phận hợp thành trình độ, năng lực để thực hiện công vụ; từ đó, dẫn đến tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà đối với nhân dân và lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ, tham nhũng...
Những hạn chế về trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật; sự xuống cấp về ý thức đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên là nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm trong chính đội ngũ cán bộ, đảng viên, khiến cho dư luận xã hội bức xúc và lên án mạnh mẽ.
Để cán bộ, đảng viên nhận thức đúng và tự giác thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ; gương mẫu đi đầu trong chấp hành và thượng tôn pháp luật, bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật; trong sạch về phẩm chất, lối sống... thì giáo dục đạo đức cách mạng phải gắn chặt với giáo dục lý tưởng cách mạng, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có như vậy, sức mạnh của đạo đức cùng với sức mạnh của luật pháp mới phát huy hiệu lực, hiệu quả; những quy phạm về đạo đức mới trở thành hệ thống các quy tắc xử sự của cán bộ, đảng viên mang tính chuẩn mực, tiến bộ.
Theo đó, yêu cầu đặt ra trong giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên phải bảo đảm đạt được các mục tiêu sau:
Một là, củng cố, bảo vệ những quan niệm, quan điểm, tư tưởng, chuẩn mực hợp lý, tốt đẹp của đạo đức truyền thống và đạo đức tiến bộ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Hai là, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Đảng. Trong từng việc làm cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên phải góp phần giữ vững và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Ba là, nguyên tắc “lấy dân làm gốc” phải trở thành “kim chỉ nam” trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên; mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu, thước đo hiệu quả công tác của mình. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ là thước đo trình độ giác ngộ cách mạng, phẩm chất chính trị và năng lực công tác; đồng thời là tiêu chí cơ bản để đánh giá kết quả giáo dục, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên.
Bốn là, đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước Đảng, trước nhân dân. Khi có vi phạm, thiếu sót, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác nhận trách nhiệm và thành khẩn sửa chữa khuyết điểm bằng hành động cụ thể.
Năm là, cấp ủy, người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị phải nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, phong cách làm việc để cán bộ, đảng viên noi theo.
Giáo dục cán bộ, đảng viên cần tuân theo các vấn đề có tính nguyên tắc, như lý luận gắn liền với thực tiễn; học đi đôi với hành; nâng cao kiến thức gắn liền với củng cố kiến thức; phát huy tính tích cực, chủ động trong tự học tập, tự rèn luyện...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, chúng ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tại Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh: “Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội”; “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội”. Mặt khác, trình độ dân trí của đất nước ta ngày càng được nâng cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có ý thức pháp luật và được trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật mới đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong công tác rèn luyện, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, chúng ta cần chú ý đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Đảng lãnh đạo mọi mặt đời sống xã hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được thể hiện thông qua cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng; vì vậy, chủ trương, đường lối của Đảng phải được thể chế hóa bằng pháp luật và thông qua hoạt động của Nhà nước. Việc đánh giá cán bộ, đảng viên phải bằng các tiêu chí, tiêu chuẩn và trên cơ sở các quy định của pháp luật. Nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên cũng phải trên cơ sở các quy định của Đảng và quy định của pháp luật.
Thứ hai, quán triệt và triển khai chủ trương, đường lối của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân phải gắn liền với giáo dục pháp luật. Hai quá trình triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và giáo dục pháp luật càng gắn kết chặt chẽ với nhau thì chủ trương, đường lối của Đảng càng đi vào cuộc sống, hiểu biết của nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng càng cao, vai trò lãnh đạo của Đảng càng được khẳng định trong thực tiễn.
Thứ ba, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghị quyết của Đảng phải gắn liền với việc tuân thủ pháp luật. Tuân thủ pháp luật phải là thước đo phẩm chất và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên phải được rèn luyện trong hoạt động thực tiễn. Sâu sát với cơ sở; tiếp thu, học hỏi từ thực tiễn và giải quyết kịp thời những vướng mắc cho thực tiễn luôn là bài học kinh nghiệm tốt nhất cho cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ. Kết quả hoạt động thực tiễn là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên. Qua hoạt động thực tiễn, cán bộ, đảng viên có điều kiện rèn luyện để trưởng thành. Cũng qua hoạt động thực tiễn, những khuyết điểm, hạn chế của cán bộ, đảng viên sẽ bộc lộ, được nhân dân giám sát, giúp đỡ để sửa chữa, tiến bộ.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Gắn liền với việc giáo dục, chấn chỉnh đạo đức, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương theo Điều lệ Đảng, theo Hiến pháp và pháp luật. Xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, công khai và thực hiện đúng quyền bình đẳng của tất cả các đảng viên trước Điều lệ Đảng, của tất cả các công dân trước Hiến pháp và pháp luật.
Xử lý vi phạm phải tuân thủ pháp luật, căn cứ vào pháp luật; không được vận dụng khác biệt bằng các giải pháp phi pháp luật. Tạo ra những căn cứ ngoài luật thực chất là giải pháp tình thế, làm tích tụ sai phạm để chuyển sự đổ bể hiện tại đến tương lai. Những dự án thua lỗ, những doanh nghiệp nợ nần, thất thoát nếu cố níu kéo, bưng bít, giải quyết theo cách gọi là “ổn thỏa” bằng nhiều lý do khác nhau, thực chất là làm duy ý chí, trái pháp luật.
Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm phải gắn với xử lý bằng pháp luật, kể cả bằng chế tài hình sự và chế tài hành chính. Bài học từ việc xử lý vụ Vinashin và 12 dự án cùng các ngân hàng thất thoát lớn thời gian qua cho thấy, không thể điều chỉnh pháp luật để xử lý theo kiểu “đẽo chân vừa giày”. Những doanh nghiệp đủ điều kiện phá sản thì cần để phá sản. Quan điểm phá sản đúng pháp luật là biểu hiện tích cực của phát triển kinh tế. Bởi phá sản doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ cấu lại theo hướng: doanh nghiệp nào có văn hóa kinh doanh, chiến lược, quản trị tốt thì vươn lên, kể cả mua lại các doanh nghiệp phá sản, thua lỗ.
Pháp luật và đạo đức là những chuẩn mực giá trị định hướng cho hành động của con người. Nếu không có sự hài hòa giữa đạo đức và pháp luật thì không thể có sự bền vững của xã hội. Con người không hiểu biết về chuẩn mực đạo đức sẽ dễ dàng vi phạm pháp luật. Pháp luật không nghiêm sẽ làm rối loạn kỷ cương, đạo đức xã hội.
Giáo dục đạo đức cách mạng là để cán bộ, đảng viên giữ vững, bảo vệ nhân cách. Giáo dục pháp luật là để hình thành trong họ ý thức tôn trọng pháp luật, biết tuân thủ, chấp hành, sử dụng và áp dụng pháp luật một cách chủ động, tích cực và đúng đắn, nhằm phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương với giáo dục đạo đức cách mạng để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự có đủ tâm, đủ tầm, bản lĩnh vững vàng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.
-------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 292
PGS, TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng,
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao
Nguồn http://www.tapchicongsan.org.vn
Trần Thanh Huyền (st)