Chiếc áo trấn thủ được giữ gìn suốt 57 năm, giấy chứng minh được xem là của gia bảo, quyển sách in bút tích được nghiêm cẩn bảo tồn…Tất cả những kỷ vật ấy chứa chan nghĩa tình của Bác với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng thời tích tụ tấm lòng quý trọng, mến thương của người dân với Bác.

Ngày 31/8, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sơ kết hai năm thực hiện cuộc vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh (2010-2012) và khai mạc Triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh do người dân hiến tặng. Mỗi hiện vật đều hàm chứa một câu chuyện cảm động về Bác Hồ và tình cảm của người dân đối với Bác.

Chiếc áo ấm lòng chiến sĩ miền Nam

Một trong những vật quý đó là chiếc áo trấn thủ Bác Hồ tặng ông Lê Thống Nhất, nguyên trinh sát đặc công Quân khu 9. Người lính già 81 tuổi, thương binh đặc biệt với tỉ lệ thương tật 91%: Chỉ còn một chân, một tay rưỡi run run chống đôi nạng kể câu chuyện về chiếc áo. Năm 1953, ông Nhứt bị thương nặng phải ra miền Bắc chữa trị. Ông Nhất kể lại: “Phần lớn thương binh miền Nam ra Bắc không chịu được cái lạnh mùa đông, càng bị thương nặng thì càng không chịu thấu. Đang giữa mùa đông lạnh cóng năm 1955, Ty Thương binh cấp cho một chiếc áo trấn thủ, nói là của Bác Hồ gửi tặng cho thương binh nặng. Cầm cái áo mà tôi xúc động, biết ơn Bác Hồ”. Dù khốn khổ với cái rét, ông Nhất vẫn không dám mặc vì sợ áo cũ. Ông chỉ dám lồng áo vào bao gối để gối đầu hàng đêm và giữ chiếc áo như một báu vật. Đến ngày tặng cho Bảo tàng, ông đã giữ chiếc áo bên mình 57 năm.

am nghia tinh ky vat cua bac
Ông Lê Thống Nhất, nguyên Trinh sát đặc công Quân khu 9,
tặng Bảo tàng chiếc áo chần bông Bác Hồ tặng ông năm 1955

Có lần ông Nhất tới thăm bạn tại Trại Thương binh mắt. “Đúng hôm đó có đoàn đại biểu tới thăm. Tôi nhìn thấy một ông bác sĩ cùng đi với vài người nữa. Ông bác sĩ đi xuống nhà bếp, vào xem cả phòng vệ sinh. Tới bậc thềm nhà vệ sinh, ông chỉ chỉ gậy xuống sàn, bảo phải cọ rửa cẩn thận kẻo thương binh té ngã. Sau đó, bác sĩ vào phòng thương binh. Anh em thương binh xì xầm: “Không biết có Bác Hồ trong đoàn không?”. Lúc này ông mới tháo nón, khẩu trang và hỏi: “Đây có phải Bác Hồ không nhỉ?”. Hầu hết các thương binh đều hỏng mắt nên nghe giọng trầm ấm của Bác Hồ thì reo to: “Bác Hồ, Bác Hồ” rồi xô tới ôm chầm Bác. Nhưng do không thấy nên hầu hết các thương binh chỉ ôm chầm lấy nhau, Bác nói: “Anh em cứ ngồi ở giường, tôi sẽ đến từng giường một”. Rồi Bác đến bắt tay từng thương binh một”.

Giấy chứng minh thứ trưởng

Ngày 2-9-2010, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động cuộc vận động sưu tầm, hiến tặng tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhân dân. Sau hai năm vận động, Bảo tàng đã nhận được hơn 400 tài liệu hiện vật. Tất cả hiện vật này đang được giữ gìn và trưng bày tại Bảo tàng.

Luật sư Nguyễn Quang Thắng đã trao tặng cho Bảo tàng Giấy chứng minh bổ nhiệm thân sinh của ông làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp do Bác Hồ đích thân đánh máy. Giấy chứng minh viết: “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cấp giấy chứng minh này cho ông NGUYỄN VĂN HƯỞNG, Thứ trưởng Bộ Tư pháp để ông Thứ trưởng liên lạc với các cơ quan hành chính, quân sự được dễ dàng”. Bác dùng máy đánh chữ của Pháp nên không có dấu. Sau khi đánh máy xong, Bác dùng bút điền từng thanh huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng vào giấy chứng minh. Luật sư Thắng đánh giá giấy chứng minh nói lên được cách dụng người của Bác đối với nhân sĩ yêu nước - những người cộng sản ngoài Đảng. Ông Thắng xúc động: “Giấy chứng minh này là kỷ vật quý. Nó được cha tôi giữ gìn trân trọng rồi truyền lại cho tôi. Nhưng nếu chỉ để ở gia đình thì chỉ có người thân, bạn bè biết đến. Nên tôi tặng kỷ vật này lại cho Bảo tàng để tất cả mọi người đều biết”.

Tại buổi lễ, nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết không ngăn được nước mắt khi ngâm lại những bài thơ đã từng biểu diễn phục vụ Bác. Bà Tuyết tặng Bảo tàng quyển sổ tay có lời Bác Hồ đề tặng viết tay: “Học tập tốt, phấn đấu tốt. Chú ý nên luyện thanh. Góp sức đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Nhiều lần nghệ sĩ Tuyết ngâm thơ cho Bác nghe, lần nào bà cũng được Bác tặng quà: Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm (các kỷ vật này bà cũng tặng cho Bảo tàng) và động viên rất ân cần. “Biết đứa con trai đầu của tôi bị bại liệt, Bác luôn hỏi thăm, động viên rồi khuyên: “Dù thế nào cháu cũng phải cho bé đi học để sau này còn làm người có ích, tàn nhưng không phế!””.

TRÀ GIANG
Theo phapluattp.vn
Phương Thúy (st).

 

Bài viết khác: