Phan Bội Châu, tự Giải San (1867-1940) và Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cùng huyện Nam Đàn, có thể nói là đồng tuế, đồng môn. Hai người thường lui tới nhà nhau uống rượu, ngâm thơ, đàm đạo thời cuộc, tỏ bày chí hướng. Vào một đêm sáng trăng, Giải San sang tận nhà Nguyễn Sinh Sắc, bên làng Kim Liên uống rượu ngâm thơ.
Trong giây phút thăng hoa, Phan Bội Châu cao hứng mượn thơ Tùng Viên nói hộ chí hướng và cõi lòng mình: “Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch/ Lập thân tối hạ thị văn chương…”, nghĩa là mỗi bữa không quên ghi nhớ một điều là lập thân hèn nhất là bằng văn chương. Nguyễn Tất Thành, sau khi hầu rượu, trà bác Phan và bố, lui vào đứng sau cánh cửa, lắng nghe cuộc đàm đạo thời cuộc của bậc cha chú và rất tâm đắc với câu thơ mà bác Phan vừa ngâm nga, gieo vào lòng…
Nhà cách mạng Phan Bội Châu. Ảnh tư liệu
Sau này, hai bác cháu, mỗi người một ngả, dấn thân vào con đường cứu nước. Mãi đến những năm 1924 - 1925, hai chú cháu mới có dịp gặp lại nhau trên đất khách quê người. Ấy là lúc cụ Phan, sau những lần thất thế sa cơ, đang nương nhờ gia đình Hồ Học Lãm trên đất Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, viết bài cho Báo Binh sự tạp chí của Lâm Lượng Sinh, sống qua ngày. Đó cũng là lúc Nguyễn Ái Quốc từ Moscow, theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản, về Quảng Châu tiếp tục chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức để thành lập một đảng cộng sản ở Đông Dương, khỏa lấp một khoảng trống chủ nghĩa cộng sản trên bản đồ chính trị thế giới. Và thế là hai bác cháu mới có dịp gặp nhau qua thư từ.
Sau khi xuất dương sang Trung Quốc, biết được Phan Bội Châu đang tá túc tại gia đình Hồ Học Lãm trên Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Hồ Tùng Mậu nhanh chóng thu xếp thời gian đến Hàng Châu, vừa thăm gia đình ông chú, vừa gặp thần tượng của đám trẻ xuất dương sang Trung Quốc sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Lần đó không gặp được Phan Bội Châu nên Hồ Tùng Mậu gửi lại bức thư của Lý Thụy (một bí danh của Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động tại Quảng Châu, Trung Quốc) gửi Phan Bội Châu. Lần trở lại này, Hồ Tùng Mậu mới gặp được cụ Phan Bội Châu. Hai chú cháu gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Chú Phan Bội Châu xa đất nước đã lâu đang muốn nghe từ người cháu những tin tức về quê nhà, về đất nước đau thương, còn Hồ Tùng Mậu thỏa chí ngắm nhìn thần tượng bấy lâu mơ ước… Trong cuộc trò chuyện đó, Hồ Tùng Mậu kể cho cụ Phan nghe về Lý Thụy, người mà đám thanh niên yêu nước Việt Nam mới xuất dương sang tôn làm lãnh tụ cách mạng của mình. Và thế là, chưa được gặp trực tiếp, Phan Bội Châu có dịp viết thư nhờ Hồ Tùng Mậu chuyển tới Lý Thụy. Đây là bức thư đầu tiên của Phan Bội Châu gửi Lý Thụy, viết dưới ánh đèn dầu, đề ngày 21-01 lịch ta, tức 14-02-1925. Mở đầu thư, Phan Bội Châu nhắc tới bức thư trước của Lý Thụy mà trong đó Phan Bội Châu đưa ra nhận xét “có nói tường tận chuyện ông Hy Mã Phan Châu Trinh. Tuy thư dựa trực tiếp trên chuyện thật nhưng ngụ ý sâu sắc, mà lối lập luận lại dựa trên những ý tưởng lớn, nhân đó mới biết là học vấn, trí thức của cháu nay đã tăng trưởng quá nhiều, quả thật không phải như hai mươi năm về trước”. Rồi Phan Bội Châu viết tiếp:
“Nhớ lại hai mươi năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu gõ án ngâm thơ, anh em cháu thảy đều chưa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu thì bác thấy rất xấu hổ. Nhận được liên tiếp hai lá thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Ngày xế đường cùng, chỉ sợ không được thấy ngày đó, làm sao bác không cảm thấy buồn cho chính mình được? Một đời tận khổ, gánh vác công chuyện một mình, được sức lớn của cháu giúp vào thì ắt sẽ có nhiều người hưởng ứng theo. Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được?
Bác đang định tìm một dịp tốt về Quảng Đông một chuyến để đàm luận với cháu, không biết cháu còn ở lại Quảng Đông lâu mau, hoặc giả trong tương lai có định đi chỗ khác không? Trong lòng bác có nhiều chuyện muốn hỏi ý kiến cháu nhưng không gặp mặt thì làm sao có thể bàn cho hết ý được? Làm sao được? Nếu không coi già yếu là đồ bỏ thì cháu viết thư nhiều cho bác, bác thành thật yêu cầu cháu đấy...”.
Cần nhắc lại là Phan Bội Châu lúc rời nước đã gần bốn mươi (ba mươi chín tuổi đến Nhật), lại không thể tránh khỏi những trách nhiệm này nọ nên khó chuyên chú học hành, vì vậy vốn tri thức bấy giờ cũng vẫn như xưa... “Cháu học vấn rộng rãi và từng đi nhiều nơi, hơn bác cả chục cả trăm lần. Trí thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của bác; không biết cháu có thể chia sẻ cùng bác một hai việc? Bác hết sức mong đợi, mong cháu không ngại. Vì nếu không có kế hoạch thì bất quá chỉ làm những khách tha hương than thở không đâu cho hồn cố quốc, chả giống ông Hy Mã thì cũng chỉ giống Phan Bội Châu mà thôi!
Thư bất tận ngôn, mong cháu hiểu giùm cả những ý không viết thành lời, chúc cháu bình an…”(1).
Nhưng mong muốn gặp người cháu của Phan Bội Châu không thực hiện được. Tháng 6-1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu để cùng những nhà cách mạng Việt Nam tại đây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái nhân giỗ đầu người anh hùng trong Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, nơi yên nghỉ của 72 liệt sĩ của cuộc Cách mạng Tân Hợi, Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt tại ga Bắc Trạm, Thượng Hải, rồi sau đó đưa về nước, tống giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội…
Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu - tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc
đăng Báo Le Paria số 36-37, tháng 9 và tháng 10-1925.
Và lúc đó, Nguyễn Ái Quốc đang làm việc tại Quảng Châu đã dựng lên một cuộc gặp gỡ tưởng tượng giữa Toàn quyền Đông Dương Varen và nhà cách mạng Phan Bội Châu tại Nhà tù Hỏa Lò với tựa đề Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, được đăng trên Báo Le Paria, số kép 36-37, tháng 9 và tháng 10-1925. Bài báo đó viết:
“… Nhưng chúng ta hãy theo dõi, theo dõi bằng đôi cánh của trí tưởng tượng, những trò lố chính thức của ông Varen. Hãy theo ông đến tận Hà Nội, tận cổng nhà lao chính, tận xà lim, nơi người đồng bào tôn kính của chúng ta đang rên xiết.
Ôi thật là một tấn kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán! Con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình, lúc này mặt đối mặt với người kia, con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt, và giờ đây đang bị, vẫn chúng, đeo gông lên vai, đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ.
Giữa kẻ phản bội nhục nhã và bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng, giữa hai con người đó xảy ra chuyện gì đây?
- Tôi đem tự do đến cho ông đây! Varen tuyên bố vậy, tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái nâng cái gông to kệch đang siết chặt Phan Bội Châu trong tù ảm đạm.
Nhưng, có đi phải có lại, tôi yêu cầu ông lấy danh dự hứa với tôi là sẽ trung thành với nước Pháp, hãy cộng tác, hãy hợp lực với nước Pháp để tiến hành ở Đông Dương một sự nghiệp khai hóa và công lý.
Ông Phan Bội Châu, tôi biết rõ tâm hồn cao thượng và cuộc đời đầy hy sinh, nhiều nguy nan của ông, và chính tôi, tôi xin là người đầu tiên, với tư cách là Toàn quyền Đông Dương, được bày tỏ tấm lòng rất mực quý trọng ông…
“Nhưng sao thế, ông hãy nhìn tôi này, ông Phan Bội Châu! Trước tôi là đảng viên Xã hội đấy, và giờ đây tôi làm toàn quyền…!”.
Ừ, thì Phan Bội Châu nhìn Varen. Nhưng, lạ chưa! Những lời nói của Varen hình như lọt vào tai Phan Bội Châu chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”, và cái im lặng dửng dưng của Bội Châu suốt buổi gặp gỡ hình như làm cho Varen sửng sốt cả người.
Không phải một bên nói tiếng Nam, một bên nói tiếng Tây, đã có một viên quan ở đấy làm thông ngôn cơ mà. Nhưng cứ xét binh tình, thì đó chỉ là vì Bội Châu không hiểu Varen cũng như Varen không hiểu Bội Châu…”(2).
Vậy là, tình cảm giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một mối tình cảm sâu nặng, nghĩa tình của hai bác cháu, của hai thế hệ cùng theo đuổi một mục đích cao cả vì nền độc lập của dân tộc, vì sự tự do của đồng bào. Đó là thứ tình cảm mà dân tộc và nhân loại tôn thờ và mãi trường tồn cùng năm tháng./.
(1) Theo Bức thư của Phan Bội Châu gửi Lý Thụy mà nhà sử học Vĩnh Sính công bố trên Tạp chí Xưa-Nay, số 38, tháng 4-1997.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 185-187.
PGS, TS PHẠM XANH
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)