Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Theo Người, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, không có đạo đức cách mạng không lãnh đạo được nhân dân. Người chỉ rõ: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"(1). Quan điểm của Bác là sự kế thừa có chọn lọc những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Hồ Chí Minh khẳng định: "Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là quyết tấm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất"(2). Đạo đức ấy được thể hiện ở các phẩm chất: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đó có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng, nhân dân và cách mạng giao phó. Trong những phẩm chất đạo đức ấy, phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là một phẩm chất đặc biệt quan trọng, gắn liền với hoạt động hàng ngày của mọi cán bộ đảng viên.
Theo Hồ Chí Minh, cần là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, ham lao động, ham học hỏi, cầu tiến bộ. Trong mọi công việc phải luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo, làm cho bằng được; lao động với tinh thần độc lập, tự lực, khoa học và có kế hoạch, làm việc với tinh thần luôn đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân. Người khẳng định: "Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau"(3). Đối với mỗi người, khi có đức tính cần thì làm việc gì dù khó khăn đến mấy cũng xong, cũng hoàn thành. Đồng thời, Bác chỉ rõ, kẻ địch của cần là lười biếng, người lười biếng thì công việc dù dễ dàng đến mấy cũng không hoàn thành. Người cán bộ, đảng viên ham chơi, lười biếng không thu hút, lôi cuốn, tập hợp được quần chúng, không lãnh đạo được nhân dân dẫn đến không làm tròn được nhiệm vụ cách mạng giao cho.
Kiệm là tiết kiệm trong lao động, tiết kiệm thì giờ, tiền của. Phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương hình thức, tránh chè chén lu bù”(4).
Liêm là luôn tôn trọng giữ gìn của công, "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân". Phải "trong sạch, không tham lam, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa". Người chỉ ra những hành vi trái với liêm như cậy quyền thế mà đục khoét của nhân dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư.
Về chí công vô tư, Người chỉ rõ: Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên sau, phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Đối lập với chí công vô tư là dĩ công vi tư, đó là điều phải đấu tranh, chống lại. Người giải thích: "Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp dĩ công vi tư.
Cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư có quan hệ mật thiết với nhau. Hồ Chí Minh coi cần, kiệm như hai chân của con người, phải đi đôi với nhau. Cần mà không kiệm chẳng khác nào "gió thổi vào nhà trống", "nước đổ vào cái thùng không đáy", "làm chừng nào xào chừng ấy" rốt cuộc "không lại hoàn không". Còn kiệm mà không cần thì sản xuất được ít, không đủ dùng, không có tăng thêm, không có phát triển. Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức của con người, thiếu một đức thì không thành người; cũng như trời có bốn mùa, đất có bốn phương, thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất.
Tư tưởng Hồ Chí minh về rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác xây dựng đảng trong giai đoạn hiện nay. Dưới tác động của nhiều yếu tố: Sự cám dỗ của lợi ích vật chất, mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tự rèn luyện kém, kiểm tra, giám sát của tổ chức chưa chặt chẽ làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng, chính trính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.
Để giáo dục, xây dựng, rèn luyện những phẩm chất đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh có hiệu quả thiết thực, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện thực hiện có trách nhiệm một số yêu cầu sau:
Một là, nói đi đôi với làm. Đây là hành động cơ bản thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh khẳng định: Nói phải đi đôi với làm và cao hơn là làm rồi mới nói, làm nhiều nói ít và thậm chí làm hết lòng, làm tận tuỵ mà không nói, không tự phô trương. Những người nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo là những kẻ đạo đức giả. Người cho rằng những kẻ đó làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Người cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, chỉ huy muốn thu phục quần chúng, muốn quần chúng tin theo phải thực sự mẫu mực về phương pháp, tác phong làm việc, lời nói gắn liền với việc làm; giữ nghiêm nguyên tắc và kỷ luật, cẩn trọng, tỉ mỉ, cụ thể trong mọi công việc, lãnh đạo, quản lý bằng hành động. Việc gì có lợi cho Đảng, cho dân kể cả những việc khó khăn, nguy hiểm người cán bộ, đảng viên phải xông pha đi đầu và phải làm cho bằng được, việc gì có hại cho Đảng, cho dân phải hết sức tránh, tuyên truyền cho quần chúng tránh xa.
Hai là, xây đi đôi với chống. Muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây là con đường để xây dựng đạo đức cách mạng, là nguyên tắc được Hồ Chí Minh khẳng định và vận dụng thường xuyên linh hoạt, đầy sáng tạo trong chỉ dẫn thực hiện. Xây dựng đạo đức mới, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện phi đạo đức, sai trái, xấu xa. Đó là chủ nghĩa cá nhân. Xây dựng đạo đức cách mạng, trước hết là tuyên truyền giáo dục các phẩm chất chuẩn mực đạo đức cho mỗi người, trong từng gia đình, từng tập thể, cộng đồng. Xây dựng đạo đức bằng việc khơi dậy ý thức tự nguyện vươn lên của con người tới chân, thiện, mỹ, từ đó tạo ra năng lực tự trau dồi đạo đức trong mỗi con người, loại bỏ cái ác, xấu, vô đạo đức. Cùng với xây, nhiệm vụ chống có vị trí đặc biệt quan trọng để tạo môi trường cho cái đẹp nảy nở và phát triển. Người khẳng định phải kiên quyết chống lại những tệ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng…Đó là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân, là giặc nội xâm, giặc ở trong lòng phá từ trong phá ra. Xây phải gắn liền với chống, trong xây có chống và ngược lại. Theo đó việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở các cơ quan, đơn vị phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục với biện pháp hành chính, xử lý kỷ luật nghiêm minh, tăng cường đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “’tự chuyển hóa” trong nội bộ. Giữa xây và chống không được tuyệt đối hóa mặt nào hoặc xem nhẹ mặt nào, trong khi kết hợp chặt chẽ giữa hai yếu tố đó cần coi trọng, tăng cường công tác giáo dục, động viên, thuyết phục. Xây đi đôi với chống yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên tự soi mình, tự sửa, đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân và tìm biện pháp khắc phục, sửa chữa. Coi đó là công việc như “rửa mặt hàng ngày” để gột rửa, làm sạch những vết bẩn, những hạn chế, thiếu sót, chủ động rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên.
Ba là, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời. Đây là yêu cầu cốt lõi trong rèn luyện đạo đức bởi theo Hồ Chí Minh: Đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh rèn luyện bền bỉ mới thành. Người khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(5). Việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải tích cực, liên tục học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Khi gặp việc thuận lợi không tự cao, tự đại, thỏa mãn dừng lại, khi gặp việc khổ, việc khó thì không chùn bước, dám nghĩ, dám làm. Thực tiễn cho thấy, có nhiều cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cấp cao trong lúc gian khổ thì, không sợ nguy hiểm, cực khổ, có công với cách mạng, song đến khi có quyền hạn trong tay nảy sinh kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu trở thành người có tội với cách mạng./.
(1), (2), (3), (4), (5). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 2011, t. 5 tr.252-253.t. 9, tr.285, t.5, tr.291, tr.636,612.
Chu Khoan Thiện, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng
Hà An ( st)