Đình Trường Lâm (Tổ 2, phường Việt Hưng) là một trong những di tích tiêu biểu trong số hàng chục di tích của quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Nơi đây đã được thành phố Hà Nội gắn biển di tích lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm. Lần đầu tiên Bác về thăm đình đúng vào dịp Tết Mậu Tuất 1958, cách nay tròn 60 năm.
Cảm hứng sáng tạo từ tranh Hàng Trống
Người nông dân trồng hoa huệ sạch
Dấu hiệu khả quan về thu nợ
Vá lỗ hổng về chính sách bảo hiểm
Căn nhà số 3, ngách 48/51, đường Ngô Gia Tự, phường Việt Hưng, rộn ràng như mùa Xuân đang xôn xao trước thềm nhà, khi ông Âu Đức Lộc kể lại sự kiện ông được thưa chuyện với Bác Hồ vào ngày Mồng Một Tết Nguyên đán năm 1958.
Với chất giọng ấm áp, hứng khởi, ông kể: “Lúc ấy, vào khoảng 7 giờ ngày Mồng Một Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tức ngày 18-02-1958, xe ô tô đưa Bác Hồ đến đình Trường Lâm, thuộc xã Việt Hưng, quận 8 (nay là phường Việt Hưng, quận Long Biên). Cùng đi với Bác có đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố, một số cán bộ của Trung ương và lãnh đạo quận 8. Bác giản dị trong bộ quần áo ka ki bạc màu, tay cầm chiếc mũ cát, chân đi dép cao su. Lúc ấy, bà con đang lễ Thành hoàng làng. Bác ra hiệu để mọi người cứ hành lễ bình thường.
Đồng chí Nguyễn Thị Vơ - Bí thư chi bộ và các đồng chí lãnh đạo xã Việt Hưng đưa Bác đi một vòng tham quan khu đình. Bác căn dặn phải gìn giữ và bảo vệ chu đáo đình, chùa, vì đấy là những nơi mang nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc. Sau đó, Bác ra thềm tam cấp trước sân đình, nói chuyện với cán bộ và nhân dân địa phương. Người nói: "Thay mặt Đảng, Chính phủ, Bác về chúc Tết đồng bào xã Việt Hưng. Đồng bào trong xã đã đoàn kết cố gắng chống hạn tốt, bảo đảm vượt mức kế hoạch cấy chiêm". Rồi Bác khen ngợi: "Chi bộ Đảng biết lãnh đạo Đoàn Thanh niên Lao động làm nòng cốt, phối hợp với nông hội, vận động các tổ đổi công chống hạn và sản xuất tốt".
Ông Âu Đức Lộc (thứ hai, từ trái sang) tại đình Trường Lâm - nơi Bác Hồ
về thăm 60 năm trước.
Bỗng Bác hỏi: "Có cháu nào là đoàn viên ở đây không?". Âu Đức Lộc ngồi cách chỗ Bác đứng chừng 3m, nghe Bác hỏi thế, không nén nổi xúc động, liền vội đứng lên, dõng dạc nói: "Dạ thưa Bác, cháu là đoàn viên ạ!". Rồi cảm thấy mình báo cáo với Bác như thế thì chưa được đầy đủ, nên Lộc lại nói thêm: "Thưa Bác, cháu là Âu Đức Lộc. Năm nay cháu 20 tuổi. Cháu là Phó bí thư xã đoàn và là Chủ tịch Hợp tác xã Tín dụng ạ!".
Bác gật đầu, vẻ hài lòng. Rồi Người dặn những người có mặt tại đó: "Các đảng viên, đoàn viên phải tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của mình. Các cụ phụ lão đã có công trong sản xuất và chống hạn, vậy mong các cụ sau này tiếp tục nêu cao gương sáng cho con cháu noi theo. Các tổ đổi công hãy ra sức thi đua với nhau cùng tiến bộ. Thực hiện quân dân nhất trí, theo từng khả năng và hoàn cảnh của mình, bộ đội cũng phải cùng nhân dân sản xuất, chống hạn. Dân no thì bộ đội mới được no"...
Bác đưa kẹo - quà chúc Tết tặng bà con. Lúc phân phát quà của Bác, ông Lộc được đồng chí bí thư giao nhiệm vụ chia kẹo cho các em thiếu nhi... "Suốt cả Tết ấy, làng tôi như mùa Xuân đến hai lần" - ông Lộc bồi hồi nhớ lại. “Dưới sự lãnh đạo của chi ủy chi bộ, các cấp chính quyền, đoàn thể náo nức thi đua thực hiện lời Bác. Công cuộc chống hạn tiếp tục cho kết quả cao. Bản thân tôi lúc nào cũng lâng lâng cảm xúc về giây phút được Bác ân cần hỏi han và luôn nghĩ đến lời Người dạy trong quá trình làm việc hàng ngày”.
Đầu năm 1959, ông Lộc nhập ngũ vào Tiểu đoàn 12 trực thuộc Bộ Tư lệnh Công an vũ trang - đơn vị vinh dự được Bác đặt tên là Đoàn Thanh Xuyên. Nhiệm vụ của đoàn khi ấy là cơ động chiến đấu trên các tuyến biên phòng miền Bắc, chi viện các địa phương bảo vệ an ninh, trấn áp kẻ thù nổi dậy. Trong âm vang lời Bác dặn dò ở đình Trường Lâm, ông thầm hứa phải làm tròn mọi nhiệm vụ được giao. Và ông đã lần lượt vượt qua các cuộc "thử lửa" như: Tham gia tiễu phỉ ở Đồng Văn (Hà Giang) cuối năm 1959, đầu năm 1960; truy lùng biệt kích ở đông bắc Hải Dương năm 1961, ở Hòa Bình năm 1962... góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đi học thợ tiện, về công tác tại Nhà máy Xe đạp Thống Nhất, trở thành đảng viên, rồi tốt nghiệp Trường Đảng Lê Hồng Phong… Với bất cứ nhiệm vụ nào, từ thống kê tổng hợp đến Trưởng phòng Kế hoạch, Quản đốc phân xưởng nhà máy... ông cũng nỗ lực phấn đấu làm tròn.
Ông Lộc nghỉ hưu vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi, Ủy viên Thường trực Mặt trận Tổ quốc phường Việt Hưng và Phó Tiểu ban Quản lý Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến Trường Lâm - nơi có Nhà lưu niệm Bác Hồ, ghi dấu lần Bác về thăm Việt Hưng mùa Xuân 1958./.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG
Theo Quân đội nhân dân
Huyền Anh (st)