1. Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018

Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm: Chương trình; học viên; giảng viên; cơ sở vật chất; khóa bồi dưỡng; hiệu quả sau bồi dưỡng.

Quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là cơ sở pháp lý để đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đánh giá chất lượng bồi dưỡng nhằm cung cấp thông tin về mức độ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức sau khi được bồi dưỡng; cung cấp cho các cơ quan, tổ chức đánh giá, cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp dịch vụ những thông tin khách quan về thực trạng chất lượng bồi dưỡng. Căn cứ vào kết quả đánh giá chất lượng bồi dưỡng, các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

VB thang 3

Hội nghị tập huấn về công tác tổ chức cán bộ. Ảnh minh họa

  1. Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018

Theo đó, các nhà mạng (Viettel, Mobifone, Vinaphone) chỉ được khuyến mãi cho thuê bao di động trả trước với mức khuyến mại tối đa 20%. Như vậy, thuê bao trả trước không còn được hưởng mức khuyến mại 50% nữa.

Riêng thuê bao trả sau vẫn được nhận khuyến mại không quá 50% như quy định hiện hành.

Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 01/3/2018 và thay thế các quy định về hạn mức khuyến mại tại các khoản 9, khoản 10 Điều 5; khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 8; khoản 2 Điều 9 và Điều 10 Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT.

  1. Thông tư số 50/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 29/12/2017 sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018

Thông tư quy định: Bệnh viện phải công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người bệnh điều trị nội trú bằng cách thông báo cho người bệnh trước khi dùng thuốc, đồng thời yêu cầu người bệnh hoặc người thân ký nhận vào Phiếu công khai dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú hàng ngày. Phiếu này được kẹp đầu giường bệnh hoặc cuối giường bệnh. Trường hợp chuyển tuyến, bệnh viện phải chuyển các phim chẩn đoán hình ảnh kèm theo các giấy, phiếu chuyển viện tương ứng với phim được chuyển và lưu cùng hồ sơ bệnh án.

Đây là một điểm mới đáng chú ý của Thông tư khi mà trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp cấp phát nhầm thuốc cho người bệnh tại nhiều cơ sở y tế gây ra hậu quả thương tâm, mà phần lớn chính là do thái độ tắc trách của đội ngũ y, bác sỹ. Và quy định mới này sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân một cách cẩn thận, tận tình, hiệu quả.

  1. Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về quy định đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018

Theo đó, từ ngày 01/3/2018 khi kê đơn thuốc, bác sĩ kê đơn cần lưu ý đến một số nội dung sau:

- Trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ (hiện hành chỉ yêu cầu ghi số tháng tuổi và ghi tên bố hoặc mẹ);

- Khi kê đơn thuốc đối với thuốc có một hoạt chất: Tên chung quốc tế (INN, generic) hoặc tên chung quốc tế + (tên thương mại). Đối với thuốc có nhiều hoạt chất hoặc sinh phẩm y tế thì ghi theo tên thương mại;

- Nếu đơn thuốc có thuốc độc phải ghi thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác;

- Gạch chéo phần giấy còn trống từ phía dưới nội dung kê đơn đến phía trên chữ ký của người kê đơn theo hướng từ trên xuống dưới, từ trái sang phải; ký tên, ghi (hoặc đóng dấu) họ tên người kê đơn.

  1. Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018

Thông tư quy định các bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần gồm:

- Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

- Các bệnh, tật ngoài các bệnh trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư thì mỗi lần khám người bệnh chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định. Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.

Thu Hiền (tổng hợp)

                      

Bài viết khác: