“Bác Hồ”, định ngữ này được dùng ở khắp nơi. Thời gian cùng những thử thách làm Cụ thêm uy nghiêm. Cùng với năm tháng, khuôn mặt thân thuộc, có thêm một hình ảnh thành kính. Năm 1958 đó là hình ảnh một chiến sĩ gần 60 tuổi mà người ta treo ở khắp nơi, giữa các tấm ảnh lãnh tụ Liên Xô và Trung Quốc.

BacHo
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ nửa thế kỷ nay, Cụ đã đào luyện và hướng dẫn cách mạng Việt Nam giành độc lập và thống nhất. Trên góc độ Việt Nam, đó là một Lênin đã sống lâu để chiến thắng chủ nghĩa quốc xã, một Găngđi đã rời bỏ guồng kéo sợi để xây dựng nhà máy và lãnh đạo phong trào phản kháng. Danh tiếng quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, uy tín của Cụ, sự kính trọng của mọi người đối với Cụ trong các giới cộng sản ngoài nước và trong phần lớn các nước “Không liên kết”, đọc thấy rõ ràng. Một người như Nêru đã coi Cụ là bạn. Khi Cụ tham gia Hội nghị các Đảng Cộng sản ở Praha năm 1959, Cụ đã được bao quanh bởi một sự cảm phục khiến các chiến sĩ nước ngoài xúc động.

Cụ Hồ, trước hết là một phong cách và một kiểu quan hệ với nhân dân. Lời ăn tiếng nói mà Cụ đã dùng để nói chuyện với thiếu nhi và chiến sĩ; với cán bộ và phụ lão, người ta đã trích dẫn đủ. Đây là một trong những chìa khóa để hiểu được nhân vật, văn chương kỳ diệu, rõ ràng. Người ta không thấy giọng văn này ở cả Giôdép Xtalin lẫn Uynxtơn Sớcsin hoặc Sáclơ Đờ Gôn. Còn Cụ Hồ thì có thể vươn tới giọng nói của lịch sử. Từ đó có bản chất khác thường của các mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Những mối quan hệ có thể tóm tắt trong hai chữ mà báo chí và bộ máy tuyên truyền của Việt Nam hằng gắn liền với cái tên ông Hồ: “Cụ” và “Bác”. “Bác Hồ” tại sao gọi thế? Người ta có thể đi tìm sự giải thích trong sự việc là, đối với các bạn chiến đấu trẻ hơn Cụ chừng 20 tuổi thì xưng hô như vậy là thuận hơn cả. Gọi bằng “Ông” thì quá xa. Còn chữ “Anh” chỉ dùng cho những người bằng vai phải lứa. Chữ “đồng chí” là dùng với đảng viên. Nhưng cũng phải đặt chữ “Bác” vào trong tập tục xã hội Việt Nam xuất thân từ gốc gác Đạo Khổng của nó.

“Bác” là tiếng để gọi người anh của cha, người trong gia đình có tư cách và uy tín cao hơn cha. Khái niệm về tuổi tác là khái niệm rất quan trọng trong xã hội Việt Nam cũ. Người già đã và vẫn là nhân vật then chốt của một tổ chức xã hội lấy ruộng đất, làng mạc và gia đình làm cơ sở. Gia đình này được sắp xếp thứ bậc xung quanh bàn thờ tổ tiên. Đây là một di sản tinh thần cực kỳ sinh động mà cách mạng không hề đụng chạm tới.

Việc trìu mến gọi bằng “Bác Hồ” là có tính chất gia đình, biểu thị lòng yêu quý, và càng biểu thị lòng kính trọng. Thứ bậc, họ hàng có thể không hoàn toàn còn hiệu lực như trước đây nhưng nó vẫn là sự tham chiếu điển hình.

(Trích từ Hồi ký “Người là Hồ Chí Minh”, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995.)

Tâm Trang (st)

 

Bài viết khác: