Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường của Bác mà không trào dâng niềm xúc cảm trước sự vĩ đại của một nhân cách văn hóa lớn đã trở thành huyền thoại ngay trong cuộc sống đời thường của mình. Với nếp sống thanh cao, giản dị trong một tầm suy nghĩ sâu sắc mãi mãi là bài học lớn cho mỗi người chúng ta.
Năm 1954, từ Việt Bắc trở về Hà Nội, từ chối không ở ngôi nhà của toàn quyền Đông Dương để dành làm nhà tiếp khách cho Đảng và Nhà nước, Bác Hồ chọn cho mình gian nhà cấp bốn của người thợ điện. Ngôi nhà 1 tầng khoảng 50m2, ẩm thấp, ở bên góc bờ ao trong Phủ Chủ tịch (cách ngôi nhà sàn hiện nay khoảng 100m). Nhà đổ mái bằng nên mùa hè rất nóng, còn mùa đông thì lạnh.
Mùa hè năm 1958, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, Cục trưởng Cục thiết kế Dân dụng, Bộ Kiến trúc (nay là Công ty TVXD dân dụng Việt Nam, Bộ Xây dựng) được giao thiết kế ngôi nhà ở cho Bác.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh kể lại: Lúc đó được giao thiết kế nhà ở cho Bác là điều mơ ước của một kiến trúc sư. Bác đã chịu nhiều gian khổ, nay hòa bình rồi, Bác cần phải sống trong một biệt thự sang trọng là điều đương nhiên, hình như Bác biết ý định đó Bác nói: “Bác không phải vua quan nên không thể ở trong những ngôi nhà sang trọng như chú vẽ đây. Chú thiết kế cho Bác ngôi nhà ở phía bên kia bờ ao, giống như nhà sàn Việt Bắc trước kia Bác đã ở. Chú xem nên làm thế nào thật đơn giản, chỉ cần một phòng ngủ và một phòng làm việc nhỏ thôi, không cao lắm, không cầu kỳ”.
Bác căn dặn kiến trúc sư rất cụ thể: Cần làm hành lang xung quanh để khi có các đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác có lối đi và khi Bác làm việc, các đồng chí phục vụ đi lại không ảnh hưởng đến Người. Bác nói: Lợi dụng vách ngăn hai phòng làm một giá sách cho gọn, tiết kiệm và tiện sử dụng. Người nhắc nhở: Nhà làm bằng gỗ bình thường, gỗ loại một để dành làm tà vẹt đường sắt và trường học. Dưới tầng trệt, Bác bảo làm bệ xi măng thấp ở chung quanh, trên có lát ván tạo thành hàng ghế băng dài cho các cháu thiếu niên vào chơi có đủ chỗ ngồi.
Khi đó, Bác đã gần 70 tuổi, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đề nghị đặt thêm khu vệ sinh trong nhà để sử dụng thuận tiện, nhưng Bác không đồng ý. Bác bảo: “Khu vệ sinh ở nhà cũ còn tốt, cứ để Bác dùng cho đỡ lãng phí, và tạo điều kiện để Bác đi lại cho khỏe mạnh”.
Sau khi được Bác góp ý, bản vẽ thiết kế đã nhanh chóng hoàn thành và đi vào thi công. Trong thời gian Bác đi công tác, đội thi công 30 chiến sỹ công binh đã khẩn trương xây dựng và hoàn thành ngôi nhà vào ngày 1-5-1958, sau khoảng một tháng. Khi công trình cơ bản đã xong, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh mời Bác đi thăm nhà, một lúc sau dừng lại Bác cười nói: “Chú Kiến (Bác vẫn gọi thân mật Kiến trúc sư là chú Kiến - kiến trúc, kiến thiết) làm nhà cho Bác sang quá, còn hơn cả nhà quan tể tướng ngày xưa”. Vào dịp sinh nhật năm 1958, Bác Hồ đã chuyển sang ở ngôi nhà này cho tới ngày 17-8-1969.
Buổi khánh thành ngôi nhà sàn, Bác Hồ mặc bộ quần áo nâu, đi đôi guốc mộc. Bác chiêu đãi kiến trúc sư và thợ thi công bằng bữa “tiệc ngọt” tân gia, Bác nói vui: “Kẹo thuốc hôm nay là tiền nhuận bút của Bác bỏ ra mua, không phải của công đâu, Bác khao đấy, các chú cứ thoải mái, không hết thì mang về”. Trước khi về, Bác chờ bằng được “chú Kiến” ra ngồi ở giữa rồi mới chụp ảnh chung kỷ niệm.
Được một thời gian, nghe anh em cảnh vệ kể lại, những đêm làm việc khuya nghe tiếng phất muỗi của Bác, trong lòng thương Bác vô cùng, bởi đèn sáng giữa một khu vực nhiều cây cối và gần hồ nước nên nhiều muỗi. Đây cũng là điều mà Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh chưa thể lường hết được, ông vô cùng xúc động và ân hận. Sau nhiều lần bàn tính cuối cùng ông đã đưa ra phương án tối ưu là dùng lưới đồng nhỏ căng lên các ô cửa sổ, vừa ngăn muỗi mà vẫn có gió mát. Công việc trên làm khi Bác vắng nhà, vẫn sợ khi Bác về lại phê bình là tốn kém.
Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc với kích thước đã ở mức tối thiểu: Dài 10,15m rộng 6,82m, có hai tầng, tầng trên cao 2,62m có hai phòng: mỗi phòng rộng 13,50m2 dùng làm phòng ngủ và phòng làm việc về mùa đông. Tầng dưới cao thông thủy 2,20m là nơi Bác Hồ thường làm việc về mùa hè, nơi họp Bộ Chính trị quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam, nơi tiếp khách thân mật. Cầu thang một nhịp 14 bậc đặt ở hướng tây nam, che được ánh nắng ban chiều dọi vào phòng ngủ.
Ngôi nhà sàn này Bác đã sống và làm việc trong 11 năm cuối đời, chỉ có những vật dụng rất đơn sơ: Một chiếc bàn, giá sách, tủ quần áo, giường gỗ cá nhân, tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ, chai nước lọc. Điều này đã được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong trường ca “Theo chân Bác”:
Nhà gác đơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn…
Ngôi nhà sàn Bác Hồ không những có ý nghĩa về lịch sử mà còn là một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.
Ngày 15-5-1975, ngôi nhà sàn Bác Hồ được xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa đặc biệt của Quốc gia. Năm 2001, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh (1908-1975) đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt 1 về cụm công trình kiến trúc: Lễ đài Ba Đình (1955), nhà sàn Bác Hồ (1958), Lễ đài Ba Đình (1960).
Nhiều năm đã trôi qua, những ngôi nhà ở của Bác Hồ mãi trở thành biểu tượng cho lối sống giản dị, trong sáng của đạo đức một con người Việt Nam chân chính - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Huy Phách/ Báo Bắc Ninh
Tâm Trang (st)