Bảy thập kỷ đã trôi qua, kể từ đêm trăng “Xuân chiến khu” năm ấy, bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp của một trong những thi phẩm ưu tú nhất của nền thơ Việt Nam nói chung và thơ hiện đại nói riêng. Ở đó, hiển hiện và tỏa sáng cốt cách của một con người vĩ đại qua tâm hồn nhà thơ - chiến sĩ Hồ Chí Minh.
Cảm thức vũ trụ là trạng thái cảm hứng mà ở đó, những rung cảm nghệ thuật của thi nhân gắn với chiều kích không gian vũ trụ (thí dụ, Ngôn hoài của Không Lộ Thiền sư, Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Bạch Ðằng giang phú của Trương Hán Siêu, Cảm hoài của Ðặng Dung…); qua đó, bộc lộ chí khí và nhân cách của tác giả. Bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trường hợp như vậy.
Rung cảm nghệ thuật được khởi nguồn từ tâm thế tức cảnh sinh tình của nhà thơ. Ðã bao lần Hồ Chí Minh say sưa chiêm ngưỡng thiên nhiên hữu tình trong những cảnh huống khác nhau. Khi thì trên đường chuyển lao "Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh"; khi thì "Mới ra tù tập leo núi"; lại có lúc "Ði thuyền trên sông Ðáy"… Và lần này, hứng khởi thi ca nảy sinh từ điểm nhìn, vị thế đặc biệt của thi nhân khi gánh trên vai trọng trách lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc chống thực dân Pháp, đang ở vào giai đoạn có tính chất quyết định (sau Chiến thắng Việt Bắc Thu - Ðông năm 1947, chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới năm 1950). Có lẽ đã lâu lắm, Người mới có những phút giây hiếm hoi thư thả để thưởng ngoạn vầng trăng vằng vặc vào thời điểm: Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên, giữa đất trời đang ngạt ngào khí sắc mùa Xuân: Xuân giang, Xuân thủy tiếp Xuân thiên. Sông Xuân, nước Xuân, trời Xuân là ba cấp độ mở trong một hệ thống điểm nhìn nhất quán: từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn. Không gian dần dần mở rộng theo các chiều kích khác nhau: Dài, rộng, cao. Nhớ xưa, Nguyễn Trãi từng cảm nhận vẻ đẹp khoáng đạt của cảnh vật trên hồ nước buổi sớm mai khi ông viết: Ngư ca tam xướng yên hồ khoát/Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao (Ông thuyền chài hát lên ba tiếng thì mặt hồ rộng ra/Chú bé chăn trâu thổi một tiếng sáo thì mặt trời cao lên). Trong Nguyên tiêu tất cả các yếu tố: Trời, nước, sông đều gắn bó, giao hòa thành một khối thống nhất của vũ trụ bao la. Ngoại cảnh và tâm cảnh chuyển hóa theo chiều vừa phối ứng, vừa làm nền cho nhau để tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ.
Trên nền bức họa, Xuân giang, Xuân thủy tiếp Xuân thiên, là ba nét vẽ lớn đầy tài hoa của người nghệ sĩ, tương ứng ba chủ thể Xuân ngồn ngộn và tưng bừng sức sống: Xuân giang (sông mùa Xuân), Xuân thủy (nước mùa Xuân), Xuân thiên (trời mùa Xuân) trong sự kết hợp thanh điệu bằng, trắc hết sức hợp lý với hai thanh bằng liền nhau ở cuối câu khiến không gian như trải dài đến vô tận; đồng thời, tạo âm điệu hài hòa của khúc nhạc Xuân đang tấu lên rộn rã lòng người. Dường như thi nhân lắng cảm được từng hơi thở của trời đất, cỏ cây, sông nước mùa Xuân đang ở vào giai đoạn cao trào của vũ điệu hoan ca. Nó làm gợi nhắc một thi tứ trong bài thơ Cảm hoài (Bày tỏ nỗi niềm) của Ðặng Dung: Vô cùng thiên địa nhập hàm ca (Trời đất vô cùng đi vào cuộc ca hát say sưa). Nhưng giai điệu "hàm ca" của Ðặng Dung có tiết tấu chậm, phần nào mang tâm tưởng yếm thế. Trong khi đó, âm hưởng từ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh vút cao hứng khởi về khí sắc Xuân tươi; Xuân ở thiên nhiên và Xuân trong lòng người cùng dạt dào dâng cuốn. Tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ có biên độ giao cảm tưởng chừng vô hạn.
Nếu như hai câu đầu mở ra không gian ba chiều: Dài, rộng, cao thì câu tiếp theo mở ra chiều sâu: Yên ba thâm xứ đàm quân sự. Bàn việc quân cơ phải chọn nơi thích hợp, bảo đảm vừa an toàn vừa yên tĩnh. Hình tượng vị chủ soái toát lên vẻ đẹp lồng lộng, với chí khí anh hùng. Nhưng tầm cao tư tưởng của vị chủ soái này phải chờ đến câu kết mới bộc lộ trọn vẹn: Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền. Chữ "mãn" (đầy đặn, no đủ) đâu phải chỉ là sự ngập tràn ánh sáng dịu êm của trăng rằm mà còn là sự trùng phùng với lòng người trong cuộc. Vượt lên bao bộn bề lo toan của sự nghiệp kháng chiến, vị lãnh đạo tối cao của dân tộc vẫn ung dung, tự tại như tiên ông giữa đêm trăng nơi đại ngàn hùng vĩ. Thật dễ hiểu lý do khi Người đã thấu suốt quy luật vận động của thế giới, sự biến thiên của vạn vật. Vòng tuần hoàn của trời đất, trăng sao thuận theo lẽ "Âm dương tiêu trưởng rất cơ màu" (Nguyễn Gia Thiều) là cái đạo lớn của vũ trụ. Khi tâm tình người làm thơ đạt tới độ mãn nguyện thì thiên nhiên cũng đồng cảm, sẻ chia. Trăng ùa vào lòng thuyền thoải mái, tràn trề cùng lúc với tâm trạng con người đang căng đầy sảng khoái.
Nguyên văn phiên âm chữ Hán: Nguyên tiêu Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên Xuân giang, Xuân thủy tiếp Xuân thiên Yên ba thâm xứ đàm quân sự Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền 1948 Dịch nghĩa: Rằm tháng Giêng Đêm nay là rằm tháng Giêng, chính là lúc trăng vừa tròn Sông mùa Xuân, nước mùa Xuân tiếp đến bầu trời mùa Xuân (Chọn) nơi có khói sóng, chỗ nước sâu để bàn bạc việc quân sự Nửa đêm (khi) quay trở về thì ánh trăng tràn đầy (trong lòng) thuyền Dịch thơ: Rằm tháng Giêng Rằm Xuân lồng lộng trăng soi Sông Xuân, nước lẫn màu trời thêm Xuân Giữa dòng bàn bạc việc quân Khuya về, bát ngát trăng ngân đầy thuyền (Bản dịch của Xuân Thủy; rút từ sách “Thơ Việt Nam 1945 -1985” - Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, 1985) |
Trịnh Tuấn Anh
Theo Báo Nhân Dân
Bùi Hảo (st)