Ngày 30-3-1959, lần đầu tiên Bác về thăm Hải quân.
Ngày đó, tôi là Hiệu trưởng Trường Huấn luyện bờ bể (sau đổi tên Trường Sĩ quan chỉ huy Kỹ thuật Hải quân, nay là Học viện Hải quân). Giữa tháng 3 năm 1959, tôi được triệu tập lên Bộ Tổng Tham mưu để nhận một nhiệm vụ đặc biệt: “Chuẩn bị kế hoạch đưa Bác Hồ đi thăm biển, đảo tại Hải Phòng và Quảng Ninh”. Nhiệm vụ này yêu cầu phải được giữ bí mật. Trên đường về, lòng tôi vô cùng bồi hồi chờ đến ngày đón Bác.
Trời hôm đó thật đẹp. Nắng ấm. Đúng tám giờ sáng, đoàn xe của Bác dừng tại cổng trường. Cán bộ, chiến sĩ đều bất ngờ khi nhìn thấy Bác Hồ bước ra. Bác đội mũ cát trắng, mặc bộ quần áo bà ba màu gụ, chân đi dép cao su giản dị. Những tiếng reo hò vang dậy. “Bác Hồ! Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Cờ hoa rực rỡ phấp phới bay trên các tàu.
Tôi chấn chỉnh lại hàng ngũ, đi nghiêm, định đến báo cáo với Bác mọi việc đã sẵn sàng cho chuyến đi, kính chúc Bác và đoàn mạnh khỏe. Bác vẫy tôi lại gần, nhẹ nhàng: “Đi công tác với Bác lần này, Bác miễn cho các chú mọi thủ tục và nghi lễ chính quy nhé!”.
Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, chiến sĩ Trường Huấn luyện bờ bể (đồng chí Nguyễn Thế Trinh thứ 2 từ phải sang-hàng ngồi). Ảnh tư liệu
Nhiều đồng chí xúc động, rưng rưng nước mắt, lần đầu được gặp Bác, được nghe Bác nói chuyện, dạy bảo. Như Người cha lâu ngày về gặp gỡ đàn con, Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người. Ở mỗi nơi đến thăm, Người luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Bác nhắc nhở: “Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên phải coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy, phục vụ tốt chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đơn vị; giáo viên, học viên của trường thực hiện dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng trong tiếp thu kỹ thuật tàu thuyền”. Bác còn căn dặn mọi người dù ở cương vị nào cũng phải thường xuyên rèn luyện, phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành. Thăm nơi ở, bếp ăn, Bác nhắc nhở: “Nuôi quân là quan trọng lắm, quân có khỏe thì mới học tập được”.
Tàu 154 thuộc Đại đội 3 được giao nhiệm vụ đưa Bác và các đồng chí cán bộ cao cấp đi thăm và kiểm tra một số đơn vị trên vùng biển Hạ Long. Bác đã truyền lại kinh nghiệm đi biển cho các cán bộ, chiến sĩ trên tàu, từ cách chống sào, cuộn dây mồi sao cho đẹp, cho chặt mới ném đi được xa và cả những động tác của người thủy thủ khi tàu rời bến, cập bến. Ai cũng biết rằng, Bác Hồ của chúng ta đã từng là một thủy thủ trên con tàu ra đi tìm đường cứu nước năm xưa nên đã truyền lại kinh nghiệm đi biển cho các chiến sĩ.
Ngày 31 tháng 3, tàu đưa Bác đến thăm trận địa pháo trên đảo Hòn Rồng. Đây là một trận địa pháo của Đại đội 34, thời gian này thuộc Quân khu Tả Ngạn, làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Hạ Long. Tàu vừa tới đảo buông neo, Bác nhanh nhẹn bước xuống chiếc xuồng nhỏ vào sát bờ rồi lội lên bãi cát. Bác tươi cười rảo bước nhanh về phía các chiến sĩ đang hò reo chạy xuống đón Bác. Với giọng ân cần Bác nói: “Bác và anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra thăm các chú”. Không chờ đơn vị báo cáo tình hình, Bác hỏi ngay: “Các chú thiếu nước ngọt và sách báo lắm phải không?”. Các chiến sĩ trả lời: “Thưa bác, vâng ạ!”. Bác quay lại bảo đồng chí cán bộ Tổng cục Hậu cần về nghiên cứu bảo đảm sao cho mỗi tuần anh em có thể tắm hai lần nước ngọt. Bác dặn dò anh em phải biết tiết kiệm điện, nước: “Vì những thứ này trên tàu quý lắm”. Sau đó, đi xem nơi ăn ở sinh hoạt, nấu nướng, Bác vui vẻ hỏi: “Củi đun các chú lấy ở đâu?”. Một chiến sĩ trả lời: “Thưa Bác, chúng cháu tăng gia đấy ạ!”. Bác nói vui: “Không phải, trời tăng gia đấy, các chú chỉ chặt về đun thôi”. Mọi người cười vang. Các chiến sĩ đã biếu Bác trứng gà và su su của đơn vị tăng gia được.
Khi đơn vị đã ngồi quây quần xung quanh Bác ở sân doanh trại, Bác bắt đầu hỏi chuyện về đảo. Chuyện học tập, công tác, chuyện hậu phương, Bác khuyên nhủ cán bộ, chiến sĩ cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, tích cực học tập chính trị, quân sự, văn hóa: “Không được chủ quan, thỏa mãn; phải đoàn kết nội bộ; đoàn kết quân dân; giữ gìn vũ khí trang bị máy móc...”. Trong việc xây dựng lực lượng, Người nhấn mạnh: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam chứ không phải Hải quân của thế giới”. Bác hỏi: “Các chú chưa có đài phải không? Bác sẽ gửi tặng các chú một chiếc!”. Mọi người reo lên sung sướng, khi đồng chí phóng viên đề nghị Bác chụp ảnh lưu niệm, toàn đơn vị tập trung ngồi bên Bác, ai cũng muốn ngồi thật gần Bác và muốn giữ mãi giây phút thiêng liêng, tự hào đó. Nghe các chiến sĩ thì thầm với đồng chí phóng viên, Bác hiểu ý và nói với đồng chí phóng viên: “Chú gửi tặng mỗi người một tấm”.
Khi Bác quay về, các học viên Trường chúng tôi tặng Bác bông hoa đá, Bác nhắc nhở nhẹ nhàng: “Hoa đá đẹp mà không ăn được. Giá các chú biếu Bác quả bầu, quả bí trồng được để Bác mang về nấu canh, rồi mời các đồng chí trong Trung ương cùng ăn thì Bác càng vui hơn”. Lời nhắc nhở của Bác thật tinh tế, nhẹ nhàng, là một bài học sâu sắc về tính thực tế cho đơn vị.
Theo Báo Quân đội nhân dân
Kim Yến (st)