Bác từ trong phòng ghi phiếu quay ra, trên tay Bác cầm lá phiếu, Bác chững chạc đi thẳng đến hòm bỏ phiếu, lúc này ai nấy đều căng mắt nhìn bàn tay Bác bỏ lá phiếu đầu tiên vào hòm phiếu. Khi Bác Hồ bỏ phiếu, tôi đã may mắn chụp được, sau này chính bức ảnh Bác Hồ bỏ phiếu là độc nhất vô nhị chỉ mình tôi là tác giả chụp.
Những nghệ sĩ nhiếp ảnh có vinh dự được chụp ảnh Hồ Chủ tịch không nhiều, trong đó phải kể đến tên tuổi như Đinh Đăng Định, Vũ Đăng Năng, Vũ Đình Hồng, Kim Côn… Ngoài ra còn có số phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn xã Việt Nam, các tờ báo Trung ương và Đài Tiếng nói Việt Nam. Phóng viên nhiếp ảnh Báo Tiền Phong Mai Nam là người có nhiều dịp được gần và chụp ảnh cho Bác Hồ, hiện tại ông còn lưu giữ bộ ảnh rất quý giá chụp Hồ Chủ tịch với gần 200 bức hình được nghệ sĩ Mai Nam gìn giữ như một báu vật.
Nghệ sĩ Mai Nam kể lại: Có một kỷ niệm cách đây đã hơn 50 năm, tôi vẫn còn nhớ mãi, đó là lần tôi bấm máy chụp bức ảnh Hồ Chủ tịch - Người công dân số 1 bỏ lá phiếu đầu tiên Quốc hội khóa II ngày 8/5/1960.
Sáng sớm ngày 8/5/1960, tôi đến cơ quan Báo Tiền Phong thì được tòa soạn giao nhiệm vụ đến điểm bỏ phiếu số 1 phố Cửa Bắc số nhà 67 (nay là Trường Trung học phổ thông Cửa Bắc, Hà Nội) có các vị lãnh đạo Nhà nước đến bỏ phiếu (không nói có Bác Hồ vì để giữ bí mật). Đúng 7h sáng tôi có mặt tại điểm bỏ phiếu. Không khí nơi đây như một ngày hội, băng rôn, cờ, hoa đỏ rực, hai bên cổng vào quần chúng nhân dân, thanh niên ai nấy quần áo chỉnh tề đang chờ đón giờ phút trọng đại đang đến gần.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa II (1960)
Một lúc sau thì thấy Bác Hồ xuất hiện, cùng đi có ông Trần Danh Tuyên là Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ đi vào trong khu nhà bỏ phiếu. Lúc này mọi tầng lớp nhân dân đều xôn xao vui mừng phấn khởi lần đầu tiên nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu đến bỏ phiếu ở khu vực mình, tiếng vỗ tay không ngớt, có nhiều người từ vòng ngoài cũng cố chen vào tận trong để tận mắt ngắm nhìn Bác Hồ kính yêu.
Tâm trạng tôi lúc này cũng hòa cùng không khí vui tươi với mọi người và tự hào là người vinh dự được giao trọng trách chụp ảnh cho Người bỏ lá phiếu đầu tiên, vị lãnh đạo Nhà nước cao nhất tại điểm bỏ phiếu số một này. Có sự may mắn lần này tôi được Tòa báo giao cho chiếc máy ảnh mới nguyên của Tiệp Khắc tặng cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, sau Trung ương Đoàn tặng lại cho Báo Tiền Phong và tôi là người được sử dụng đầu tiên. Máy chụp cỡ phim 6x6.
Khi Bác Hồ và các vị lãnh đạo thành phố đi vào khu bỏ phiếu, tôi đã bấm được mấy kiểu ảnh cho đến khi Bác khuất trong phòng ghi phiếu thì thấy anh Văn Lượng - Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và anh Phan Trọng Quỳ, nhà quay phim tài liệu Xưởng phim Việt Nam xuất hiện. Tất cả chỉ có ba người chúng tôi, các phóng viên báo khác không thấy ai cả.
Có một tình tiết làm tôi nhớ đến tận bây giờ về công việc tác nghiệp của cánh nhà báo cũng lắm chuyện cười ra nước mắt: Chúng tôi cùng mọi tầng lớp nhân dân đều hồi hộp chờ đợi Bác từ trong phòng ghi phiếu quay ra, trên tay Bác cầm lá phiếu, Bác chững chạc đi thẳng đến hòm bỏ phiếu, lúc này ai nấy đều căng mắt nhìn bàn tay Bác bỏ lá phiếu đầu tiên vào hòm phiếu.
Tôi thấy anh Văn Lượng - Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhảy ngay lên chiếc ghế mà trước đó anh Phan Trọng Quỳ đã chuẩn bị đồ nghề, đặt máy quay phim chỉ chờ lúc Bác quay ra là bấm máy. Anh Văn Lượng vừa nhảy lên ghế định giơ máy ảnh lên chụp, không hiểu sao chiếc ghế đổ làm anh Văn Lượng ngã chổng kềnh, may là có số người chung quanh kịp đỡ, không thì cả người và máy ảnh sẽ không biết xảy ra chuyện gì…
Tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, thanh niên và nhân dân Thủ đô Hà Nội mít tinh, nồng nhiệt chào mừng các vị lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước vừa đắc cử tại Quốc hội khóa II. Ảnh: Mai Nam
Khi Bác Hồ bỏ phiếu, tôi may mắn chụp được, sau này chính bức ảnh Bác Hồ bỏ phiếu là độc nhất vô nhị chỉ mình tôi là tác giả chụp. Khi rời điểm bỏ phiếu, tôi đạp xe ngay về Tòa soạn báo (lúc này Báo Tiền Phong ở tòa nhà Bệnh viện Hoàng Thụy Ba, phố Phùng Hưng bây giờ) để tráng phim. Khi tráng xong phim treo lên dây, nhìn thấy phim trong vắt, hình ảnh Bác Hồ hiện lên rất rõ, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Kinh nghiệm cho thấy kể cả những người cầm máy lâu năm khi chụp máy phim cũng không thể tin tưởng 100% những bức ảnh vừa chụp không có sự cố. Với tôi lại là lần đầu sử dụng chiếc máy ảnh mới bằng phim 6x6, tác nghiệp trong hoàn cảnh sự kiện quan trọng làm gì không có cảm giác hồi hộp.
Phim vừa tráng xong còn treo trên dây thì tôi nhận được cú điện thoại từ Thông tấn xã Việt Nam: Mai Nam phóng ngay cho tôi một tấm ảnh 13x18 để phát cho các Báo. Vì yêu cầu gấp mà phim vẫn còn ướt, sau tôi nghĩ ra sáng kiến nhúng vào cồn lau khô rồi đưa lên máy phóng 2 tấm ảnh cỡ 13x18, tôi giữ một tấm để đăng ngay trên Báo Tiền Phong, còn một tấm gửi cho Thông tấn xã Việt Nam.
Về sau có vài tờ báo xin lại tấm ảnh Bác Hồ đang bỏ phiếu, tôi mang phim ra làm thì phim đã bị chảy do tội tôi nhúng phim vào cồn, tôi lại nhờ Thông tấn xã Việt Nam chụp lại bức ảnh để lấy phim phóng ra ảnh. (Như vậy bức hình Bác Hồ tôi chụp lúc Bác bỏ phiếu có hai phim - một phim chảy hỏng và một phim chụp lại qua ảnh).
Sau này bức ảnh tôi chụp Bác đang bỏ phiếu đã được anh em đồng nghiệp đánh giá rất cao ở thời điểm đúng lúc Bác đang bỏ 2/3 lá phiếu, nếu chụp sớm quá cũng không được mà bấm máy chậm lá phiếu đã vào thùng rồi thì mất tính chất thời sự, ngoài ra trên thùng phiếu còn rõ chữ ngày 8/5/1960.
Trên đây là câu chuyện tôi kể lại một kỷ niệm trong đời cầm máy chụp được bức ảnh vị Chủ tịch nước bỏ phiếu trong ngày bầu cử Quốc hội khóa II năm 1960 đối với tôi là niềm vinh dự và tự hào.
Duy Ngọc
Theo http://www.cand.com.vn
Thu Hiền (st)