1. Cấp thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới từ tháng 4/2018
Từ tháng 4/2018, trẻ em dưới 6 tuổi, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình, người hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được phát thẻ BHYT mẫu mới.
Đối với người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, thẻ mới sẽ được in xong trong ngày 31/3 và sẽ được phát tận tay. Chậm nhất là đến cuối tháng 5, toàn bộ người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH trên địa bàn Hà Nội sẽ được nhận thẻ bảo hiểm mới.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi và người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, thẻ mới sẽ được phát tận tay, chậm nhất là đến cuối tháng 4. Sau khi có thẻ mới, để biết thông tin về thời hạn sử dụng thẻ, người dân có thể tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
2. Đề xuất mức phạt từ 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc với doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động
Đây là nội dung được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tại Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện dự thảo Nghị định đang được Bộ này tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ từ ngày 16/3 - 16/5/2018.
Thời gian vừa qua, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ đã góp phần thực thi có hiệu quả hệ thống pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều luật có liên quan trực tiếp đến Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, ban hành mới làm cho một số quy định trong 2 Nghị định trên không còn phù hợp với luật, nội dung, nhiều hành vi vi phạm mới, thẩm quyền xử phạt mới chưa được quy định để xử phạt, cụ thể như:
Luật BHXH năm 2014 thay thế Luật BHXH năm 2006, theo đó những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP không còn phù hợp với luật nội dung, ngoài ra, Luật BHXH 2014 có bổ sung thẩm quyền xử phạt của cơ quan BHXH mà Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP chưa quy định.
Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 mới được ban hành, theo đó, những hành vi vi phạm hành chính về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP không còn phù hợp với luật nội dung và nhiều hành vi vi phạm Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 chưa được quy định để xử phạt.
Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 được ban hành, theo đó, một số hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn lao động, BHXH vừa bị xử lý hành chính, vừa bị xử lý hình sự; hoặc có hành vi vi phạm, để bị xử lý hình sự thì phải bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này.
Bên cạnh đó, quá trình tổng kết tình hình thi hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đã cho thấy, 2 Nghị định trên gặp phải một số bất cập, khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, an toàn, vệ sinh lao động và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: Mức xử phạt thấp, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả chưa bảo đảm tính răn đe; tổ chức thi hành quyết định xử phạt gặp khó khăn (đối tượng vi phạm chây ỳ không thực hiện quyết định xử phạt, hay một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt chưa mang lại hiệu quả cao), khó khăn trong việc xác định tổ chức vi phạm hành chính.
Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành trong lĩnh vực lao động (trong đó có an toàn, vệ sinh lao động), BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm kịp thời đưa những quy định mới của pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Theo dự thảo, người sử dụng lao động nếu có hành vi chiếm dụng tiền trợ cấp BHXH của người lao động thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, bắt buộc phải trả lại đầy đủ số tiền trợ cấp đã chiếm dụng cho người lao động và nộp lại toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc sử dụng số tiền chiếm dụng.
Với những trường hợp chiếm dụng tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp hay trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp nếu chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hoặc trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của toàn bộ người lao động.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, Dự thảo còn quy định mức xử phạt của các hành vi khác liên quan đến tiền đóng và trợ cấp BHXH.
Dự thảo dự kiến được thông qua và có hiệu lực trong năm 2018, thay thế Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP.
3. Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh
Ngày 22/3/2018, BHXH thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 660/BHXH-CST đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn phối hợp thực hiện các nội dung nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Theo ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam về việc hoàn thiện công tác cấp đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH. BHXH Thành phố đã và đang tiếp tục thực hiện việc cấp đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH đúng quy định và hoàn thành trước ngày 31/3/2018.
Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB), BHXH Thành phố đề nghị các cơ sở KCB phối hợp thực hiện đối với các trường hợp: Người tham gia BHYT đã được cấp thẻ BHYT mới theo mã số BHXH nhưng vì lý do khách quan chưa nhận được thẻ BHYT mới hoặc đã nhận được thẻ BHYT mới nhưng vẫn dùng thẻ BHYT cũ còn giá trị sử dụng để đi khám chữa bệnh thì cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận và giải quyết quyền lợi cho người có thẻ BHYT theo quy định. Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT nhập thông tin cá nhân của mã thẻ mới trên Cổng tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống thông tin Giám định BHYT và hướng dẫn người bệnh phải sử dụng thẻ BHYT mới khi đi khám chữa bệnh lần sau.
BHXH Thành phố cũng đề nghị các cơ sở KCB BHYT trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phản ánh kịp thời về BHXH Thành phố để thống nhất giải quyết.
4. Tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở KCB trong việc tra cứu thông tin thẻ BHYT của người bệnh
Sau khi thống nhất với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn ký ban hành có Công văn số 1677/BYT-BH ngày 28/3/2018 về việc hướng dẫn giải quyết một số vấn đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán BHYT.
Ngoài việc hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ BHYT trên Cổng tiếp nhận (https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn) hoặc Cổng thông tin điện tử (https://baohiemxahoi.gov.vn) hoặc tra cứu trực tiếp thông qua các hàm giao diện lập trình ứng dụng - API đối với người có thẻ BHYT đến KCB, cũng như với các đối tượng quân nhân, công an nhân dân, cơ yếu - tương ứng với thẻ BHYT có mã đối tượng QN, CA, CY mà không có thẻ BHYT trong trường hợp tra cứu bằng công cụ nêu trên thì chỉ kiểm tra thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh để thực hiện KCB theo quy định.
Công văn cũng tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở KCB và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người bệnh khi đi KCB BHYT.
Theo đó, Công văn hướng dẫn các cơ sở KCB xử lý trường hợp một số thông tin dữ liệu về thẻ BHYT thay đổi so với thông tin trên thẻ giấy trong quá trình BHXH Việt Nam đang rà soát, đồng bộ dữ liệu:
- Nếu thông tin trên thẻ BHYT khác thông tin tra cứu tại thời điểm người bệnh đến KCB thì các cơ sở KCB chỉ lập 1 Bảng kê chi phí KCB và 1 file dữ liệu điện tử, hiệu chỉnh theo thông tin đã tra cứu lần cuối. Đồng thời, thông báo cho người bệnh liên hệ cơ quan BHXH để thay đổi thẻ BHYT phù hợp với thông tin đã được cơ quan BHXH cập nhật.
- Nếu trong lúc điều trị, người bệnh có thay đổi thẻ BHYT khác với thông tin đã tra cứu thì cơ sở KCB lập hồ sơ thanh toán theo thông tin hành chính, mức hưởng của thẻ BHYT đã kiểm tra lúc người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh. Đồng thời, lập dữ liệu điện tử theo thông tin đã ghi nhận khi người dân đến KCB theo quy định của Chính phủ, cũng như cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ cho người bệnh.
- Nếu người bệnh được cấp Giấy chuyển tuyến sử dụng trong năm dương lịch có ghi mã thẻ BHYT khác mã thẻ tra cứu trên hệ thống điện tử thì không cần xin cấp lại Giấy chuyển tuyến. Cơ sở KCB và cơ quan BHXH có trách nhiệm tiếp nhận và không yêu cầu người bệnh phải xin cấp lại Giấy chuyển tuyến.
Bên cạnh đó, nếu thẻ BHYT của người bệnh gần hết giá trị sử dụng khi KCB, cơ sở KCB có trách nhiệm thông báo cho người bệnh hoặc thân nhân và cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng KCB để người bệnh được gia hạn thẻ BHYT có giá trị sử dụng liên tục.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở KCB phải nghiêm túc thực hiện quy định chuẩn và quy định dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT theo Quyết định số 4210/QĐ-BHYT ngày 20/9/2017 của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
Qua Công văn số 1677/BYT-BH, Bộ Y tế đã khẳng định tin học hóa trong quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT là nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế và BHXH, góp phần minh bạch thông tin, bảo đảm quyền lợi các bên liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.
Ma Lệ Minh (tổng hợp)