Những năm 60 của Thế kỷ 20, tôi công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Mát-xcơ-va, may mắn được ít lần đưa đón Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Sau này ông Vũ Kỳ kể thêm nhiều chuyện, chúng tôi rút ra nhận định: Từng lời nói, việc làm của Bác Hồ đều là những bài học, lời răn dạy quí báu cho các thế hệ con cháu Việt Nam trong quan hệ Việt-Lào.

Bác Hồ đoàn kết Việt - Lào - Cam-pu-chia

Bác Hồ không chỉ lo cho độc lập, thống nhất đất nước và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới mà Người còn quan tâm đặc biệt tới khối đại đoàn kết ba nước Việt - Lào - Cam-pu-chia. Người không tán thành ý tưởng thành lập “Liên bang Đông Dương” chắc hẳn chỉ với tư tưởng chủ đạo: Tôn trọng quyền độc lập, tự chủ của mỗi quốc gia dân tộc, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa nước lớn. Người chủ trương đặt tên Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ năm 1930. Năm 1951 tại Đại hội II, chủ trương đổi tên Đảng Lao động Việt Nam và đề xuất hai nước Cam-pu-chia, Lào thành lập đảng riêng ở mỗi nước của Bác được đại diện hai nước anh em rất hoan nghênh. Chính Sta-lin và Mao Trạch Đông được Bác thông báo tháng 1-1950 cũng rất tán đồng sáng kiến này.

Hiện nay còn lưu giữ trong kho tư liệu của Trung ương biên bản viết tay lời giải thích thêm của Bác, đại ý, lúc này - năm 1951, mà nói đến giai cấp vô sản chuyên chính, lập chính quyền Xô Viết v.v.. ở Miên (Cam-pu-chia), Lào là chống lại chủ nghĩa Mác(1). Được biết, chính Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (Chậu Xu-pha - tên gọi thân mật trong Hoàng cung) cũng rất tán thành với Bác Hồ rằng Hoàng thân “chưa vội” vào Đảng thì có lợi hơn cho cách mạng.

Sau Đại hội II “giải thể” Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập đảng riêng ở 3 nước, đã tiến hành Hội nghị liên minh để thành lập khối liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương(2) Chậu Xu-pha là đồng Chủ tịch của Khối.

pa pa 1
Bác Hồ với gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Ảnh tư liệu.

Ông Vũ Kỳ giải thích, sự kiện lịch sử chứng tỏ Bác Hồ từ khi còn là anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã có tầm nhìn xuyên thấu ba nước Đông Dương phải dựa vào nhau mới tránh được “mũi dao thọc sườn” của kẻ thù từ bên ngoài trong mưu thâm “chia để trị” của đủ loại ngoại xâm. Rõ nhất là từ năm 1928 Người về Thái Lan đã qua Lào “một công đôi việc”: Tổ chức hoạt động yêu nước trong Việt Kiều, đồng thời qua đây, tìm hiểu, gây mầm trong các dân tộc Lào, đặc biệt trong dòng tộc của Phó vương Bun Khoống qua nhiều đời đều có tư tưởng chống ngoại bang xâm lược.

Năm 1941 về nước, Bác chỉ thị “bắt mối” gây dựng cơ sở yêu nước cách mạng trong các bộ tộc Lào. Từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, với tư cách đại biểu dự Hội nghị Trung ương VIII tại Pác Bó, Cao Bằng, Người chỉ đạo hội nghị thông qua Nghị quyết khẳng định: Nhật, Pháp ngày nay không phải chỉ là kẻ thủ của công nông mà là kẻ thù của cả các dân tộc Đông Dương. Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương thoát khỏi ách của giặc Pháp Nhật... (3)

Việt Minh bí mật bảo vệ ông Hoàng

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, kỹ sư Chậu Xu-pha đang trông coi thi công cầu Yên Xuân - Nghệ An. Chủ tịch Ủy ban hành chính Đà Nẵng Lê Văn Hiến nhận lệnh bổ sung vào Đoàn đại diện Chính phủ dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại, sau đó đón ông ta ra Hà Nội và qua Vinh thì mời ông bà Hoàng thân cùng đi chuyến xe. Dọc đường xe ông bà bị hỏng, được mời sang xe Bảo Đại. Bà Hoàng không muốn ngồi cùng xe với ông vua bị hạ bệ đầy tai tiếng, nên đề nghị ở lại sửa xe, ra sau, nhưng mặt khác, lại lo cho ông Hoàng ra Hà Nội sẽ ăn, ở đâu, Chính phủ Cụ Hồ đối đãi thế nào...?

Bà nóng lòng tìm gặp cho được chồng mình. Người cần vụ lễ phép dẫn bà vào Dinh Khâm sai, qua vài phòng cửa đóng then cài vắng teo, bà càng nghi ngại, nóng ruột. Một anh khác vội chạy tới báo: Hoàng thân đang dùng bữa dưới bếp - bà Hoàng càng chẳng hiểu ra làm sao, vội bước theo xuống... bếp. Tới cửa bà sững lại: Đúng là Chậu Xu-pha cùng Cụ Hồ y chang trong ảnh - đang ăn cơm vui vẻ. Hai vị buông đũa bát. Cụ Chủ tịch nhanh nhẹn đứng lên đỡ bà tới ngồi cạnh ông: Cô ăn cơm luôn! Bà chưa kịp định thần, dạ, dạ như một cái máy...

Theo lệnh Chủ tịch, một đĩa ruốc được bưng ra. Cụ nói: “Món đặc sản này đồng bào Hà Nội vừa cho tôi, chúng tôi đã dùng, cô ăn nhiều đi cho hồi sức mấy ngày đi đường mệt...”. Nghe lời Cụ Chủ tịch chân tình, giản dị quá, cổ bà cứ nghẹn lại, cố giữ cho nước mắt khỏi ứa ra... Anh cần vụ xới bát cơm đặt trước mặt bà. Cơm gạo đỏ rẻ tiền, muối mè, dưa chua và chút xì dầu như bữa ăn nơi cửa thiền. Vậy mà là bữa cơm ngon lành, hạnh phúc trong đời bà và chắc hẳn cả ông, chưa bao giờ cảm nhận được như thế!

papa 1
Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Vương quốc Lào
Su-va-na Phu-ma ký tuyên bố chung Việt Nam - Lào tại Hà Nội (1962).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đứng sau chứng kiến. Ảnh tư liệu.

Cơm nước xong, Cụ Hồ chủ động mời: Để Chậu đưa cô đi nghỉ... Trên gác hai, một phòng rộng sang trọng, chiếc giường to quá cỡ còn phủ nguyên khăn trải giường phẳng phiu, trắng muốt. Trên nền sàn gỗ giữa phòng trải chiếc chiếu mộc, một gối mây dài hơn một mét. Ông Hoàng cho biết: Mấy đêm rồi, Cụ và ông ngủ chung, cùng gối cái gối này. Ông mừng quá “lộ” bí mật với bà về chuyện còn giật mình nữa kia mà không hay biết.

- Chuyện chi lạ dữ vậy mình? - bà vội hỏi

Thì ra, từ lâu, hai kẻ thù Nhật, Pháp gầm ghè tranh miếng mồi Đông Dương, ở Lào, các nhà yêu nước như anh em Hoàng thân Phết-xa-lạt, Xu-pha-nu-vông đều là mục tiêu hàng đầu trong sổ đen của chúng. Do đó, Việt Minh đã theo sát, bảo vệ anh em Hoàng thân mà người chỉ huy trực tiếp chính là Trần Đăng Khoa - bạn thân, đồng nghiệp của ông. “Và, Cụ Hồ... mình đã hay... là ai chưa? Cụ Nguyễn Ái Quốc đấy!...” Bà Hoàng thốt lên: “-Trời đất ơi! Bà con ta đồn đại không sai: Cụ Hồ là vị thánh sống, vị cứu tinh của các dân tộc Đông Dương...”.

Ông Hoàng còn nói, Cụ lo cả khả năng xấu từ phía “người... mình” tự phát trong những ngày sục sôi cách mạng nên “giấu kín” ông, ông “đâm lo”... (Hoàng thân quen dùng từ “mình” cả khi nói với chúng tôi: mỏ than Hồng Quảng của mình, cảng Tu-ran của mình v.v..)

Song, điều ông vui mừng nhất muốn khoe với bà là chỉ mới ít ngày gần Cụ mà lòng dạ, tầm nhìn ở ông đã sáng ra, đổi mới, hứa hẹn một tương lai mới cho các bộ tộc Lào và nhân dân anh em ba nước Đông Dương. Ông chưa thấy có sách báo nào, bậc vĩ nhân nào nêu được tấm gương chân thực như Cụ Hồ về lý tưởng độc lập tự do cho dân tộc, đạo đức, nhân cách lớn của con người. Ông khẳng định sẽ học tập, đi theo con đường của Cụ và đề nghị bà cùng gọi cụ là Pa Pa Hồ. Bà mừng: Sao mình nói trúng ý em thế.... Người Việt ta đã gọi “Hồ Chí Minh - vị cha già dân tộc... Người Lào cũng sẽ gọi PaPa Hồ...”.

Ba anh em phải chung lưng đấu cật

Một lần, Hoàng thân cùng dịp Thủ tướng Chu Ân Lai qua Mát-xcơ-va đi Thụy Sĩ chuẩn bị họp Hội nghị Giơ-ne-vơ về Lào, ông Chu mời Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô Cu-dơ-nhét-xốp (sau là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô) cùng Hoàng thân dự cơm thân mật. Đại biện lâm thời Sứ quán ta Nguyễn Hữu Ngô cũng được mời, tôi tháp tùng. Trong chuyện vui, ông Cu-dơ-nhét-xốp ví Chính phủ Lào hiện tại giống như mùa đông ba anh em đắp chung một cái chăn. Người nằm giữa - chỉ Hoàng thân trung lập Phu-ma không phải co kéo gì vẫn luôn được ấm, trong khi hai bên tả-hữu: Xu-pha-nu-vông và Hoàng thân Bun-ùm (thân phương Tây) - bên này kéo được ấm thì bên kia hở bị lạnh.

Hôm tôi dẫn Hoàng thân và nhà văn Xi-xa-nạ Xa-văn đi Ôs-tan-ki-nô thăm Triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân Liên Xô, Hoàng thân chậm rãi nói: - Bác Hồ mình có hình tượng ba anh em tựa lưng vào nhau chống thù ngoài. Đó là Việt - Cam-pu-chia - Lào ba nước tựa vào dãy Trường Sơn... Bác nói sau Đại hội II, hôm đó có cả đại biểu Sơn Ngọc Minh của Cam-pu-chia cũng rất tán thưởng. Trong ngôn ngữ ba nước đều có câu chung ý nghĩa: “một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”- đó cũng chính là nội dung một học thuyết cơ bản của Hồ Chí Minh: Đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công.

Chuyện cho nghìn năm sau

Ông Vũ Kỳ theo dõi từ đầu đến cuối một chuyện lạ, sau đó hỏi thêm tướng Lê Chưởng tháp tùng hai vị lãnh đạo Bạn cho trọn vẹn. Ấy là vào đầu năm 1963, Hồ Chủ tịch tiếp Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và Tổng Bí thư Đảng cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Từ hôm trước, Bác chỉ bảo ông Vũ Kỳ chuẩn bị cho hai chiếc khăn len quàng cổ, không nói để làm gì.

Khách vừa an tọa, chủ thân mật hỏi: Ở Lào không rét như bên này thì phải. Sang đây các đồng chí có rét lắm không? Sao các đồng chí không quàng khăn cổ cho ấm?

- Dạ thưa, khi sang Hà Nội thì trời chưa trở gió mùa Đông Bắc ạ!

- Thế thì rét lắm! Có khăn quàng cổ đấy! Nói đoạn, Bác đứng lên vào phía trong lấy ra hai chiếc khăn mới, chậm rãi đặt xuống bàn, rồi cởi chiếc khăn đang quàng cổ ra, nói:

- Đồng chí Xu-pha-nu-vông và tôi tuổi cao, già cả nên hai chiếc khăn mới này dành cho chúng tôi mỗi người một cái. Người trao tay một chiếc cho Hoàng thân, một chiếc tự quàng cổ, rồi cầm chiếc khăn cũ đi lại bên phía đồng chí Cay-xỏn, nói: - Đồng chí Cay-xỏn, Bác trao lại chiếc khăn này của Bác cho đồng chí!

Có lẽ trong cuộc tiếp kiến còn nhiều chuyện, tới khi ngồi trong xe trên đường về, hai vị khách mới hồi tưởng không thể vô tình về 3 chiếc khăn. Hoàng thân bỗng quay sang đồng chí Bảy Cay - xỏn nói to:

- Chà, Bác Hồ với tôi, hai người già hai khăn mới...

- Còn tôi, tôi được “kế thừa” khăn Bác Hồ...

Không hiểu sao chỉ nói được đến đó, Tổng Bí thư Đảng anh em bỗng im lặng, trầm ngẫm suy nghĩ, hẳn là về hai chữ KẾ THỪA...

--------------------

(1) GS. Trịnh Nhu. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Kỷ niệm 60 năm Đại hội II của Đảng. Tháng 2/2011 tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập. T.6. Trang 186. NXB CTQG. 2006.

(3) Văn kiện Đảng 1930 - 1945. Tập 3. Trang 195-196.

Trịnh Tố Long
Theo http://www.qdnd.vn
Thu Hiền (st)

 

Bài viết khác: