“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta
 trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”
- Hồ Chí Minh

Bác hồ với đại biểu phụ nữ dân tộc ít người
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người
 tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3 năm 1961
.

Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại, một con người tiêu biểu cho lòng yêu nước, yêu thương con người. Người có một tấm lòng yêu thương rộng mở với tất cả lớp người cùng khổ trên thế gian. Trong đó người đặc biệt dành tình cảm sâu nặng nghĩa tình, nâng niu quý trọng cho trẻ em và phụ nữ. Người cho đó là lớp người khổ nhất trong những người khổ cực.

Ngay từ khi bôn ba nơi đất khách quê người, tìm đường cứu nước, Bác của chúng ta cũng luôn quan tâm đến sự khổ cực, bất công mà phụ nữ ở các nước thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng phải chịu đựng. Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” Người đã thẳng thắn lên án bọn cai trị đã đối xử hết sức bất công tàn bạo với phụ nữ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định rằng: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội”. Và không chỉ đánh giá đúng vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội, trong quá trình đấu tranh giành độc lập, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ luôn là nguồn động viên, cổ vũ cho phụ nữ Việt Nam phấn đấu vươn lên, khẳng định vị thế và những đóng góp của mình cho xã hội.

Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước của Lênin vĩ đại. Từ bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, ý thức sâu sắc rằng, cứu nước là công việc chung của tất cả mọi người, hơn ai hết, Bác Hồ hiểu và đồng cảm với thân phận của người phụ nữ Việt Nam, để từ đó đánh giá đúng về họ, tin vào họ. Là người Việt Nam đầu tiên đặt nhiệm vụ giải phóng phụ nữ trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc, Người khẳng định: Phụ nữ là một lực lượng hùng hậu trong sự nghiệp cách mạng qua mọi thời đại. Người coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ cũng là một mục tiêu của cách mạng. Theo Người, sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có ý nghĩa thực sự khi giải phóng được phụ nữ, bởi vì: “Phụ nữ chiếm một nửa nhân loại, nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng xã hội chủ nghĩa chỉ một nửa”.

Quan điểm nam nữ bình quyền của Bác được xác định ngay trong bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và mục tiêu này cũng được Người đưa vào chương trình hoạt động của Việt Minh năm 1941… Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác cũng khẳng định với toàn thể đồng bào và tất cả bạn bè thế giới về quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam với nam giới. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chị em phụ nữ Việt Nam cũng được xếp ngang hàng với nam giới không phân biệt trong việc ứng cử cũng như bầu cử. Ngày 20 tháng 10 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tập hợp phụ nữ Việt Nam thành một khối thống nhất.

Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Người luôn đề cao vai trò của phụ nữ. Trong diễn ca “Lịch sử nước ta” Bác đã khẳng định:

“Phụ nữ ta chẳng tầm thường

Đánh đông dẹp Bắc lắm gương để đời”

Và vì thế Người luôn tự hào rằng "Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng... Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng", cả trong kháng chiến chống Pháp. Rồi chống Mỹ "ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ". Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, với những đóng góp to lớn của họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ trước đến nay phụ nữ Việt Nam ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta đã có rất nhiều tiến bộ”. Tuy nhiên, hiểu rất rõ rằng cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ không thể kết thúc một sớm, một chiều được, một mặt động viên chị em tự mình khắc phục khó khăn, cố gắng phấn đấu, mặt khác Người cũng “mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa”. Bởi theo Người, muốn giải phóng phụ nữ, muốn biến sự bình đẳng nam nữ thành hiện thực sinh động trong cuộc sống thường ngày, thì phải có sự tiến bộ về nhiều mặt: Kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội…Đấu tranh để giải phóng phụ nữ thực sự là một cuộc đấu tranh to và khó, vì “trọng trai, khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại, vì nó đã ăn sâu trong đầu mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”. Khó nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện được, và từ trong thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phụ nữ Việt Nam đã ngày mỗi ngày một tiến bộ. Họ đã tỏ rõ vai trò người chủ, “xứng đáng mình là một phần tử trong nước Việt Nam mới”.

Đáp lại tấm chân tình của Bác giành cho phụ nữ Việt Nam, các thế hệ phụ nữ Việt Nam ta đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Trong thời chiến, chị em không hề thua kém cánh nam giới mà tham gia kháng chiến chống giặc cứu nước mạnh mẽ hơn, hiên ngang hơn, với hừng hục khí thế, sẳn sàng chống lại mọi bom đạn, ngục tù của quân thù… để kháng chiến thành công giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại tất cả phụ nữ Việt Nam lại cùng chung vai, chung sức với nam giới để bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn.

Ngày 20 tháng 10 hàng năm là dịp để tôn vinh phụ nữ Việt Nam cũng là cơ hội để chị em tỏ lòng biết ơn với Bác kính yêu, cũng như nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua của dân tộc để cảm thấy tự hào về những gì mà phụ nữ Việt Nam đã làm. Đó là những tấm gương anh hùng lao động, những chiến sỹ thi đua, những tấm huân chương, những giải thưởng khoa học là bằng chứng ghi nhận công lao đóng góp của chị em phụ nữ, dấu ấn ghi đậm truyền thống phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà. Để từ đó nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chứng minh rằng phụ nữ Việt Nam không chỉ là người mẹ hiền đảm đang giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn là những nhà khoa học, những vị lãnh đạo tài năng có những cương vị cao trong các cơ quan Đảng và Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương, xứng đáng với sự quan tâm và tin tưởng của Bác Hồ kính yêu./.

                                                                                    Kim Yến

 

 

 

 

Bài viết khác: