Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay là nhiệm vụ chính trị cấp bách, hệ trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn thể nhân dân.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó có mặt trái, mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Ngay từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khóa VII (tháng 1-1994), Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của tình trạng này và coi đó là một trong bốn nguy cơ cần quan tâm đấu tranh phòng, chống. Các kỳ Đại hội Đảng và nhiều hội nghị Trung ương các khóa tiếp tục đánh giá thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trong công tác xây dựng Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII, Đảng ta nhấn mạnh: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”(1).
Vấn đề đặt ra là: Căn nguyên do đâu mà tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiếp tục diễn biến nghiêm trọng và chưa được ngăn chặn, đẩy lùi? Phải chăng chúng ta chưa đánh giá chính xác mức độ, tính chất của tình hình, chưa xác định rõ căn nguyên sâu xa, để đề ra được hệ thống giải pháp đồng bộ và đủ mạnh nhằm khắc phục tình trạng suy thoái này.
Từ thực tiễn tổ chức tiến hành các hoạt động của công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, có thể chỉ ra một số căn nguyên sâu xa như sau:
Một là, những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đều bắt nguồn từ những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ, từ việc quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đến chính sách đãi ngộ… Trong thực tế, do chưa có cơ chế phù hợp trong việc phát hiện, tạo nguồn, tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, đãi ngộ…; do sơ hở, thiếu trách nhiệm, chuyên quyền, lũng đoạn, lợi ích nhóm, “gia đình trị”… trong công tác cán bộ nên mới có chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy tuổi… diễn ra không chỉ ở cơ sở mà còn cả ở cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy mới có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên kém đức, kém tài, không đáp ứng đủ những điều kiện, tiêu chuẩn của người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý… nhưng vẫn được quy hoạch vào những vị trí quan trọng, vẫn được gửi đi đào tạo ở các trường uy tín ở trong và ngoài nước nhằm hợp thức hóa sự thăng tiến. Có nơi, cán bộ vi phạm pháp luật Nhà nước và kỷ luật của Đảng lại được bao che, không bị xử lý, thậm chí còn được trọng dụng, bất chấp dư luận xã hội. Vì thế, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cán bộ là khâu then chốt có ý nghĩa quyết định đến việc đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Và “then chốt của then chốt” để ngăn chặn, khắc phục tình trạng đó phải bắt đầu từ những cán bộ, đảng viên được giao trọng trách làm công tác cán bộ.
Hai là, công tác giáo dục nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tính cấp bách, sự hệ trọng của nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi ở một số tổ chức đảng còn hạn chế.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý luận nói chung và giáo dục nâng cao ý thức thực hiện nhiệm vụ, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đối với cán bộ, đảng viên ở một số tổ chức đảng chưa được coi trọng đúng mức; nội dung, hình thức giáo dục lạc hậu, chồng chéo, xa thực tế; năng lực, phẩm chất của một bộ phận đội ngũ giảng viên, báo cáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì thế, nhiều người có biểu hiện nhận thức sai lệch trong học tập lý luận chính trị. Kết quả dẫn đến là ai cũng được “học” nhưng cái cần đạt được trong nhận thức lý luận chính trị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lại rất thấp.
Trong những năm qua, tình hình thế giới, trong nước diễn biễn phức tạp, thường xuyên tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và ngày càng thâm độc, tập trung thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức, cán bộ ta. Song, nhiều tổ chức chưa nhận thức rõ được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; chưa có biện pháp thiết thực tổ chức đấu tranh một cách mạnh mẽ, khoa học để phản bác một cách hiệu quả, dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên dao động về tư tưởng, đánh mất niềm tin, chao đảo về bản lĩnh, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ba là, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, việc quán triệt và thực hiện nghị quyết của Đảng không nghiêm.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cho Đảng, cho cách mạng, Người chỉ rõ: Cán bộ là gốc của mọi công việc, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). Cán bộ tốt sẽ luôn đặt nhiệm vụ và lợi ích của tập thể, của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân. Hoạt động của họ luôn được thúc đẩy, dẫn đường bằng những lý tưởng chính trị tốt đẹp, đạo đức trong sáng, bằng khát vọng là để phục vụ, cống hiến và đem lại lợi ích cho Tổ quốc, cho nhân dân... Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(3). Để có được những phẩm chất tốt đẹp đó, mỗi cán bộ đảng viên phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày. Vì: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống mà do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày có được. Cũng giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(4). Nhưng trên thực tế, một số cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng mà sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức vụ để “thăng quan phát tài”, địa vị của họ trở thành công cụ trục lợi. Những người đó, không có nhiều tri thức, kỹ năng chuyên môn, nhưng lại có thừa những thủ đoạn, mưu mô nhằm củng cố địa vị và tăng cường lợi ích cho bản thân. Miệng họ luôn rao giảng lý tưởng, đạo đức cách mạng nhưng bên trong lòng họ luôn tìm cách luồn lách tham ô, tham nhũng,… tìm mọi cách che đậy khuyết điểm, nịnh trên, nạt dưới, mua chuộc lòng người, kéo bè, kết phái, tranh công, đổ lỗi… Họ không thấy hoặc cố tình không chấp nhận sự thật rằng mình đã và đang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tìm mọi cách che dấu khuyết điểm, dẫn đến ngày càng trượt dài trên con đường suy thoái. Do lo sợ bị phát hiện, xử lý mà mất quyền, mất chức, mất bổng lộc, uy tín; sợ phải chịu hình phạt của Nhà nước, Đảng, tổ chức… mà không còn đủ dũng khí để nhận trách nhiệm, thừa nhận những khuyết điểm, hạn chế của bản thân mình và tổ chức mình; thờ ơ, bàng quan.
Bốn là, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng chưa kiên quyết, triệt để, còn nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”.
Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Đấu tranh tự phê bình và phê bình là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để các tổ chức đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, công tác này ở không ít tổ chức đảng chưa kiên quyết và thiếu hiệu quả. Thực tế cho thấy, cấp trên không trong sạch thì không thể đòi hỏi cấp dưới trong sạch, cấp trên không làm kiên quyết thì cũng không thể đòi hỏi cấp dưới làm kiên quyết, cấp trên dĩ hòa vi quý thì nhất định cấp dưới cũng theo đó mà làm. Cấp trên có khuyết điểm thì không dám chỉ ra khuyết điểm của cấp dưới. Họ sẽ tìm cách xoa dịu, che lấp khuyết điểm của người khác để khuyết điểm của mình không bị tố giác, phanh phui… Do đó, trách nhiệm và khuyết điểm liên quan đến tự phê bình và phê bình trong Đảng thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Thực trạng đó do bệnh cá nhân chủ nghĩa, “mũ ni che tai”, ngại va chạm nên né tránh trách nhiệm, trước hết là người đứng đầu làm ngơ, bỏ qua hoặc sợ trách nhiệm, sợ mất thành tích, mất cán bộ nên đã xuề xòa, không kiên quyết, triệt để. Chính vì tự phê bình và phê bình không nghiêm dẫn đến những khuyết điểm không được khắc phục, sửa chữa, rồi lại bị dụ dỗ, lôi kéo vào những việc làm trái với quy định, lâu ngày dần dần sa vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Năm là, cán bộ chủ trì, người đứng đầu ở một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thiếu gương mẫu.
Người đứng đầu có thẩm quyền và trách nhiệm cao nhất trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, nên có vai trò quyết định đối với việc phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị mình. Nhưng cũng phải thẳng thắn thấy rằng, việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu đối với vấn đề này nhìn chung chưa thật rõ, nhất là trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc tiêu cực, khuyết điểm trong cơ quan, đơn vị. Có những cơ quan, đơn vị khi cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền để tham nhũng, làm ăn phi pháp, làm giàu bất chính, nhưng không được cấp ủy đảng, người đứng đầu kiểm tra, làm rõ và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, “người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao; việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn chung chung, chỉ đạo thiếu quyết liệt, trông chờ, ỷ lại cấp trên…”(5).
Sáu là, những tồn tại, bất cập trong đời sống xã hội. Đây là nguyên nhân, vừa là hệ quả khiến nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên của Đảng gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội; tình trạng pháp luật thiếu đồng bộ, cơ chế giám sát quyền lực chưa rõ ràng, hiệu quả; sự phân hóa xã hội trên nhiều lĩnh vực ngày càng gia tăng; những tiêu cực xã hội khiến khoảng cách lớn giữa người làm ăn chân chính, lương thiện với những người suy thoái đạo đức, làm ăn bất chính để có được của cải bất chính ngày càng gia tăng… Hiện thực đó tác động tiêu cực tới tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kéo theo “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong những cán bộ, đảng viên thiếu lập trường, thiếu bản lĩnh và thiếu niềm tin.
Trong khi đó, “việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết. Chưa có cơ chế khen thưởng những tập thể, cá nhân tổ chức thực hiện nghị quyết sáng tạo, có hiệu quả và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc... Chậm ban hành quy định xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(6). Trong một số trường hợp cụ thể còn biểu hiện bao che, dung túng, tiếp tay cho vi phạm.
Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay là nhiệm vụ chính trị cấp bách, hệ trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn thể nhân dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thực sự tiền phong, gương mẫu thể hiện bản lĩnh, quyết tâm, ý thức chính trị cao để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 4/2018
(1), (5), (6) Tài liệu học tập các văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016, tr.16, 15, 18.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 5, tr.240.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.498.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.293.
Thượng tá, ThS. Nguyễn Văn Giới
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Trần Thanh Huyền (st)