Giữa núi rừng đất đỏ, trong cái nắng mùa khô như thiêu như đốt, hồ nước mang hình con thuyền khổng lồ vẫn đầy ăm ắp, trong xanh, mát rượi. Những hàng cây buông tán lá tựa những mái tóc dài. Từng đàn cá tung tăng bơi lội vui mắt. “Ao cá Bác Hồ” như một con rồng nước nối liền hai xã Tân Khai và Thanh Bình, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước không chỉ là nơi nuôi cá mà còn là một danh thắng trên cao nguyên…

Huyền tích ‘‘Ao cá Bác Hồ’’

Sau hơn nửa ngày hành trình đường rừng mệt lử trên chiếc xe U-oát, chúng tôi mới tới được doanh trại của Ban Chỉ huy quân sự huyện Hớn Quản. Huyện mới tái lập, doanh trại còn đơn sơ, nhà tranh vách tôn nhưng trên con đường đất đỏ dẫn vào cổng doanh trại, một không gian xanh mát, trữ tình mở ra. Đó là một cái ao, đúng hơn là một cái hồ rộng gần 38.000m2, trong đó diện tích mặt nước hơn 24.000m2, phía đầu bờ có chiếc cổng gắn tấm bảng đã ngả màu thời gian với dòng chữ đắp nổi: Ao cá Bác Hồ. Khung cảnh ở đây sơn thủy hữu tình, tạo ấn tượng sâu đậm cho khách từ xa tới. Thiếu tá Nguyễn Xuân Thụy, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Hớn Quản cho hay, “Ao cá Bác Hồ” vừa mới được Ủy ban nhân dân huyện bàn giao quyền quản lý, sử dụng, khai thác cho Ban Chỉ huy quân sự huyện, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ cải thiện đời sống. Đây là công trình thanh niên được xây dựng ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trải qua gần 36 năm, “Ao cá Bác Hồ” đã được cải tạo, tu bổ nhiều lần, nhưng những dấu ấn của thời kỳ đầu “mở đất” thì vẫn còn nguyên vẹn.

Vùng đất này xưa được gọi là xứ Bình Long. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng thanh niên xung phong, công nhân xứ Bình Long nô nức bắt tay vào công cuộc kiến thiết quê hương, đẩy mạnh lao động, tăng gia sản xuất. Một trong những công trình thanh niên trọng điểm được chính quyền huyện Bình Long phát động là đào, đắp một ao thả cá lớn, tạo nguồn cung cấp thực phẩm thủy sản cho các nông trường trong khu vực. Việc đào ao thả cá ở vùng rừng núi được coi là một quyết định lớn, thể hiện quyết tâm sắt đá của thế hệ thanh niên cao nguyên lúc bấy giờ. Bà Năm Thị Gái kể: “Năm 1976, tôi được tuyển vào làm công nhân Nông trường cao su Sa Trạch. Thanh niên các tổ chức Đoàn từ các nông trường, địa phương được vận động đóng góp công sức, kinh phí để xây dựng ao thả cá. Hàng nghìn đoàn viên thanh niên đã tham gia lao động trong nhiều tháng. Để tạo động lực cho thanh niên hăng say lao động, những người tổ chức đã đặt tên cho công trình là “Ao cá Bác Hồ”. Những ngày lao động, thanh niên cắm cờ, treo khẩu hiệu, làm việc rất khí thế. Cái tên ấy trở thành tên gọi đầy thiêng liêng, tự hào của lớp thanh niên chúng tôi ngày đó”.

Đất đào ao được đắp thành một con đê chạy dọc theo chiều dài công trình. Sau khi hoàn thành, “Ao cá Bác Hồ” là niềm tự hào của tuổi trẻ Bình Long. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo tổ chức nuôi cá mang lại nguồn lợi kinh tế cao. “Ao cá Bác Hồ” là một trong những mô hình tăng gia sản xuất có hiệu quả nhất thời kỳ đó ở miệt rừng cao nguyên. Điều thú vị là bà Năm Thị Gái, một trong những nữ đoàn viên thanh niên tham gia xây dựng “Ao cá Bác Hồ” ngày đó, chính là vợ của ông Phan Văn Năm, người quản lý “Ao cá Bác Hồ” từ năm 1990 đến nay. Sự sát cánh, hỗ trợ của bà giúp ông Năm có thêm niềm tin, nghị lực và tình yêu đối với công việc thầm lặng suốt hơn hai thập kỷ qua.

Hơn hai thập kỷ bên ‘‘Ao cá Bác Hồ’’

Ông Đặng Lịch, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chơn Thành, nguyên cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Bình Long kể: “Năm 1990, phòng Nông nghiệp được Ủy ban nhân dân huyện Bình Long giao quản lý “Ao cá Bác Hồ”. Là cán bộ nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản, ông Phan Văn Năm là lựa chọn số một của Phòng Nông nghiệp huyện đảm nhiệm nhiệm vụ này.

Ông Năm tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ được dựng ngay trên bờ ao. Đây là mái ấm của gia đình ông hơn hai mươi năm nay. Ông và vợ con sinh sống giữa một không gian toàn cây và cá. Khoảng sân trước nhà cũng được ông be bờ, quây bạt làm nơi nuôi và cung cấp cá giống. Ông kể: “Sau khi nhận nhiệm vụ cấp trên giao, tôi về vận động vợ con đến dựng nhà sinh sống cạnh bờ ao để tiện cho việc quản lý, nuôi cá. Hàng ngày, bên cạnh việc chăm sóc ao cá, tôi cùng vợ con ươm cây trồng dọc triền đê và xung quanh bờ ao”.

Những hàng cây, vườn cây, ông Năm và gia đình trồng đã tạo nên một không gian xanh đẹp mắt, trữ tình. Ao cá dài và rộng nên công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ khá vất vả. Những năm đầu, việc nuôi cá diễn ra thuận lợi. Về sau, do thời tiết biến đổi, vùng cao nguyên xuất hiện nhiều trận lũ quét, lũ ống. “Ao cá Bác Hồ” nhiều lần bị ngập, tràn đê. Nhìn đàn cá bị dòng lũ cuốn đi, ông Năm đau như cắt từng khúc ruột. Nhiều người khuyên ông từ bỏ ao cá, đi làm rẫy có thu nhập ổn định hơn, nhưng ông Năm không thể rời bỏ. “Công trình đã mang tên “Ao cá Bác Hồ” thì dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng phải giữ gìn, bảo vệ” - ông nói.

Việc nuôi cá ngỡ như bình lặng, vậy mà vợ chồng ông Năm đã không ít lần bị đe dọa cả mạng sống. Nhắc đến những kỷ niệm hơn hai mươi năm gắn bó với “Ao cá Bác Hồ”, bà Gái kể, giọng bổi hổi: “Năm 1992, trong một lần cuốc dọn bờ ao, tôi đào trúng một quả đạn to như nắm tay của Mỹ sót lại từ thời chiến tranh. Một tiếng nổ rung chuyển cả mặt ao, làm đổ một cây mít cạnh đó. Tôi bị hất văng ra xa mấy mét, nằm ngất lịm. Cứ tưởng tan xác rồi nhưng nhờ trời, tôi chỉ bị thương nhẹ. Sức ép từ vụ nổ làm tôi bị ảnh hưởng thần kinh, đau đầu trong một thời gian dài”.

Nghĩa tình và tâm nguyện

Những năm gần đây, do lũ lụt, thiên tai liên miên nên mỗi năm ông Năm chỉ thả nuôi cá một vụ, thu hoạch trước mùa mưa. Dẫn chúng tôi rảo bộ dọc bờ ao, ông Năm hồ hởi nói về ý tưởng xây dựng “Ao cá Bác Hồ” thành một điểm đến của du lịch sinh thái, giải trí trên cao nguyên. Muốn vậy, cảnh quan xung quanh hồ nước cần phải cải tạo, nâng cấp, xây dựng một số công trình phục vụ du khách hai bên bờ. “Gần một phần ba đời người gắn bó với “Ao cá Bác Hồ”, tôi coi đây là niềm tự hào, hạnh phúc của bản thân và gia đình. Nhưng sức tôi có hạn, trong lúc “Ao cá Bác Hồ” đang rất cần được tu bổ, gia cố để phát triển. Lâu nay, tôi vẫn mong muốn có cơ quan, đơn vị nào đó đứng ra đảm nhiệm công việc này. Nay, Ủy ban nhân dân huyện Hớn Quản quyết định bàn giao “Ao cá Bác Hồ” cho Ban Chỉ huy quân sự huyện, tôi rất mừng. Tôi tin các chú bộ đội sẽ chăm lo chu đáo “Ao cá Bác Hồ”. Tôi mong muốn được một lần ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác và đến thăm Ao cá Bác Hồ. Giá như có thể đưa được giống cá từ Ao cá Bác Hồ ở Hà Nội đem vào thả nuôi ở cái ao này thì tuyệt vời biết bao. Đó sẽ là một ý tưởng rất hay để đưa “Ao cá Bác Hồ” trở thành một điểm du lịch hấp dẫn và độc đáo ở miệt rừng cao nguyên này” - ông Năm tâm sự.

Phan Tùng Sơn
Theo http://www.qdnd.vn

Thu Hiền (st)

 

 

Bài viết khác: