Trong suốt cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thường trực một tư duy đổi mới và thực hành đổi mới. Người đã để lại một di sản về đổi mới vô cùng quý giá cho dân tộc và cách mạng Việt Nam.

hcm kien truc su

Bác Hồ (1890 - 1969). Ảnh: TL

  1. “Đổi mới” theo Hồ Chí Minh là sự biến đổi theo chiều hướng tích cực. Đó chính là sự thay thế cái cũ (lạc hậu, lỗi thời, thậm chí phản động, cản trở sự phát triển) bằng cái mới (tiến bộ, lành mạnh, phục vụ cho sự phát triển chứ không phải cái mới bất kỳ). Đây chính là tư duy biện chứng về đổi mới và đó cũng chính là những nhận thức sáng tạo của Hồ Chí Minh về tiến trình cách mạng ở Việt Nam trong dòng chảy của sự phát triển thế giới.

Trên hành trình cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng rất sớm thuật ngữ “đổi mới” trong những tác phẩm tiêu biểu của Người như: Đường Kách mệnh (1927), Sửa đổi lối làm việc (1947), Đời sống mới (1947), Dân vận (1949) và các bản Di chúc (1965 - 1969). Ngay từ năm 1927, Người đã quan niệm “cách mệnh” là “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(1). Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng khái niệm “đổi mới” trong tác phẩm Dân vận. Người viết: “Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”(2). Khi nhấn mạnh sự cần thiết phải không ngừng đổi mới nhận thức để phản ánh đúng tình hình thế giới, tình hình trong nước vốn không ngừng biến đổi, Hồ Chí Minh viết: “Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(3). Đổi mới thuộc về bản chất một cuộc cách mạng xã hội: “Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”(4). Trong Di chúc, Người nhấn mạnh đổi mới là một cuộc đấu tranh khổng lồ chống lại những cái cũ kỹ lạc hậu và hư hỏng để vươn tới cái mới mẻ, tốt tươi. Đổi mới phải thấm nhuần ở mọi người, mọi việc, trong toàn Đảng và toàn xã hội.

Sự nghiệp đổi mới hiện nay thực chất là trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh, theo tấm gương và cách làm của Hồ Chí Minh, để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với đội ngũ công bộc trung thành, tận tụy quan hệ giữa người với người nhân ái, đoàn kết, khoan dung, hòa hợp và đóng góp vào tiến bộ xã hội của nhân loại.

2. Hồ Chí Minh đã kế thừa, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những bài học cải cách, đổi mới từ trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ Khúc Thừa Dụ, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, Minh Mạng, Nguyễn Trường Tộ đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Huỳnh Thúc Kháng... trong quá trình hình thành tư tưởng đổi mới của mình. Ngay từ rất sớm, Người đã tiếp thu những tư tưởng canh tân, đổi mới ở các nước Á Đông, đặc biệt chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn. Xuất phát từ mục tiêu cao cả vì đất nước, vì nhân dân, Hồ Chí Minh đã thấu triệt các tri thức tiến bộ của nhân loại, cả phương Đông và phương Tây, đặc biệt là phương pháp, tinh thần biện chứng Mác - Lê-nin và sử dụng nó nhuần nhuyễn, biến nó thành cơ sở chủ quan trong tư tưởng, hành động của mình.

Trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước hiện nay, những tố chất của con người Hồ Chí Minh, phương pháp tư duy biện chứng và hiện đại của Người là những bài học vô cùng quý giá: “Nếu chúng ta muốn đối phó một cách hợp lý và mạnh mẽ với những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội đang gặp phải, chúng ta phải học ở Hồ Chí Minh bằng cách phát triển những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người”(5).

Hồ Chí Minh quyết định lựa chọn hướng đi sang các nước phương Tây, nơi có tư tưởng tự do, dân chủ, khoa học và kỹ thuật tiên tiến của thời đại khác với cách tư duy và hoạch định con đường cứu nước của những nhà cách mạng đương thời. Quyết định này đã đưa Người đến với con đường giải phóng dân tộc Việt Nam, cho thấy Hồ Chí Minh có cái nhìn hoàn toàn độc lập, mới mẻ về thời cuộc. Tầm nhìn đổi mới của Người đã vượt lên trên tầm nhìn của các sĩ phu lúc đó, là kết quả của quá trình tư duy biện chứng trong nhận thức và giải quyết nhu cầu thực tiễn sống còn của cách mạng Việt Nam với việc cần phải có một hệ tư tưởng mới dẫn đường cho dân tộc.

3. Để nhận thức sâu sắc hơn về đổi mới trong di sản Hồ Chí Minh, cần nghiên cứu không chỉ trong những bài nói, bài viết mà còn từ những hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh, để cảm nhận được “minh triết Hồ Chí Minh” - sự sáng suốt trong tư duy thể hiện ra bằng hành động. Điều đặc sắc ở Hồ Chí Minh là có sự thống nhất cao độ giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm, nói ít, làm nhiều. Tiếp thu học thuyết Mác - Lê-nin, Người đã vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo học thuyết đó cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam “dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”(6), thể hiện xuyên suốt trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

4. Hồ Chí Minh có rất nhiều sáng tạo và đổi mới về Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ sự ra đời, vai trò và bản chất của Đảng đến vấn đề xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh có những luận điểm sáng tạo khi cho rằng: “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”(7), “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(8)... Người đặc biệt nhấn mạnh quá trình tự đổi mới, tự chỉnh đốn của Đảng trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng không thay đổi bản chất mà càng phải chỉnh đốn để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc. Người nhấn mạnh rằng, đối tượng lãnh đạo của Đảng không thay đổi: Quần chúng nhân dân bao giờ cũng là đối tượng lãnh đạo của Đảng và Đảng có trách nhiệm chăm lo đến mọi mặt đời sống của nhân dân.

Để xây dựng Đảng thật sự mang lại kết quả, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ. Người nói, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, do vậy, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”(9). Tư tưởng này rất quan trọng và là điểm cốt yếu trong quá trình tự đổi mới của Đảng, vì xét đến cùng, muốn xây dựng Đảng thành công thì công việc đầu tiên và xuyên suốt là vấn đề con người, vấn đề cán bộ. Trong Di chúc, Người đặc biệt quan tâm và lo lắng đến vấn đề cán bộ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(10).

5. Lực lượng tiến hành hay chủ thể của công cuộc đổi mới là nhân dân, cho nên trong tác phẩm Dân vận, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Người đánh giá rất cao vai trò của nhân tố con người. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, vật chất còn thiếu thốn, nhưng nếu biết phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, sức tác động trở lại của văn hóa, đạo đức,… thì trong những hoàn cảnh nhất định, con người vẫn có thể dùng tinh thần để vượt qua những thiếu thốn vật chất mà giành được thắng lợi.

Điểm xuất phát của tư tưởng đổi mới Hồ Chí Minh là từ con người, là từ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(11), cho nên sau khi Tổ quốc được độc lập, nhân dân được hưởng tự do, Người đặc biệt chú trọng đến một nền dân chủ tiến bộ nhất, thực sự là của dân, do dân và vì dân. Do đó, trong sự nghiệp đổi mới, thực hành dân chủ là một công việc cần thiết. Theo Người, mục đích của “thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền tự do”(12); thực hành dân chủ là phát huy dân chủ ngày càng đầy đủ, đúng đắn, thực chất hơn. Nó có tác dụng giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của dân chúng: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân, đưa cách mạng tiến lên”(13). Do đó, thực hành dân chủ trở thành đường lối của đổi mới, của tiến bộ và cũng là mục tiêu, động lực của phát triển: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(14).

Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm nhân dân là gốc rễ của sự nghiệp cách mạng, của sự nghiệp đổi mới - từ lúc Người ra đi tìm đường cứu nước cho đến lúc chuẩn bị về với thế giới vĩnh hằng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc đến vai trò của nhân dân khi đổi mới, tái thiết đất nước. Người viết: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(15). Phương châm hành động của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới và chấn hưng đất nước là: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm, Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(16).

6. Hồ Chí Minh là một nhà đổi mới, là kiến trúc sư của cách mạng Việt Nam và tư tưởng đổi mới của Người là phương pháp luận của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới: Thời đại gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; thời đại của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nói tư tưởng đổi mới Hồ Chí Minh là phương pháp luận của cách mạng Việt Nam là khẳng định rằng tư tưởng đó là lý luận phát triển của dân tộc Việt Nam trong suốt tiến trình phát triển của dân tộc. Điều này được chứng minh dựa trên bản chất của tư tưởng đổi mới Hồ Chí Minh, dựa trên cơ sở hình thành và phát triển của tư tưởng với giá trị của hoạt động và thực hành của chính bản thân con người Hồ Chí Minh.Trong đổi mới, Hồ Chí Minh rất chú trọng thực hành: Từ thực hành dân chủ, thực hành dân vận, thực hành đại đoàn kết, thực hành đạo đức đến thực hành phương pháp biện chứng, đến đổi mới và sáng tạo để lựa chọn con đường cho cách mạng Việt Nam, xác định mục tiêu nhiệm vụ của cách mạng; tổ chức, tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết cho cách mạng Việt Nam; xác lập, xây dựng chế độ xã hội mới và xây dựng các thiết chế chính trị đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tất cả để phục vụ mục đích “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”(17), xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đó chính là nội dung và giá trị của lý luận đổi mới Hồ Chí Minh với ý nghĩa đổi mới là một sự nghiệp văn hóa và là phương thức của sự phát triển.

7. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới luôn xuất phát từ thực tiễn, căn cứ vào thực tiễn. Thực tiễn là cơ sở cho tư duy đổi mới Hồ Chí Minh, với tầm cao trí tuệ của mình, sáng tạo nên một hệ thống những quan điểm mới về chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và tính chất của thời đại mới, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Khi nói đến ưu điểm của chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh nhắc đến “phương pháp làm việc biện chứng”, việc vận dụng nó chỉ có thể đem lại hiệu quả khi thực sự xuất phát từ thực tế, không thoát ly điều kiện vật chất thực tế và lấy lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân làm thước đo chân lý duy nhất. Xét đến cùng, theo học thuyết Hồ Chí Minh, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân mới là “cái bất biến”, tất cả mọi cái khác, kể cả những quan điểm, tư tưởng, nếu muốn duy trì địa vị là chân lý hoặc trở thành chân lý mới, đều phải phù hợp với "cái bất biến" đó. Người nói: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”(18).

Sự thành công của hơn 30 năm đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo chính là sự tiếp nối liền mạch di sản đổi mới của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Đó là sự trung thành với con đường cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, tư tưởng đổi mới Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh, một xã hội văn minh, hiện đại, dân chủ, công bằng; đem lại tự do, dân chủ và hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân; là phương pháp luận để đưa đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, vì sự phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam.

8. Đổi mới trong di sản Hồ Chí Minh là để hội nhập với bạn bè quốc tế và đạt đến sự phát triển bền vững. Giữa đổi mới, hội nhập và phát triển có quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau. Đổi mới để Việt Nam có thể phát triển về mọi mặt, từ đó có thể tham gia nhiều hơn vào quá trình hội nhập quốc tế. Mặt khác, chính quá trình đẩy mạnh tham gia hội nhập quốc tế đã đưa lại những thời cơ, cơ hội để Việt Nam tích cực đổi mới tư duy chính trị, hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế, vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội thế giới. Trên thực tế, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đã đặt Đảng Cộng sản Việt Nam trước yêu cầu phải liên tục đổi mới tư duy chính trị nhằm hoàn thiện lý luận, định hướng cho việc hoạch định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn trong thực tiễn.

Bất kỳ xã hội nào cũng cần phải có sự phát triển, đặc biệt là sự phát triển bền vững bảo đảm cho xã hội phát triển, bởi nó có ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội cũng như ảnh hưởng tới sự tồn vong của một thể chế chính trị hiện thời của xã hội đó. Đổi mới là để phát triển, đồng thời phát triển chính là động lực để tiến hành đổi mới đất nước. Xu thế phát triển càng mạnh thì quá trình đổi mới càng nhanh. Cứ như vậy, đổi mới, hội nhập và phát triển là vòng tuần hoàn liên tục không dứt trong quá trình vận động của xã hội.

Sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo hơn 30 năm qua chính là sự tiếp nối liền mạch tư tưởng về đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người kiến trúc sư đổi mới của cách mạng Việt Nam.

TS. Lê Thị Thu Hồng 

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Theo http://tcnn.vn

Trần Thanh Huyền (st)

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.2011, tr.284.

(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 6, tr.232.

(3), (18) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, Sđd, tr.377, tr.378.

(4) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 8, tr.55.

(5) Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia - Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam: Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, tr.183.

(6) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 1, tr.509.

(7), (13) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 12, tr.406, tr.376.

(8) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 7, tr.41.

(9), (12), (17) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 5, tr.280, tr.39, tr.81.

(10), (11), (14), (15) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 15, tr.611-612, tr.627, tr.325, tr.617.

(16) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 4, tr.65.

Bài viết khác: