Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Mặc dù đã thực hiện đường lối đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và được cải cách, điều chỉnh 2 lần vào năm 1993 và 2003, nhưng đời sống của đa số người hưởng lương còn khó khăn; tiền lương trong khu vực doanh nghiệp chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động; tiền lương trong khu vực công còn thấp so với doanh nghiệp; cơ chế, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, thiết kế hệ thống thang bảng lương chưa phù hợp với chức vụ và vị trí việc làm, còn mang tính cào bằng, bình quân, chưa tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động.
Do đó, cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu cấp bách hiện nay. Chính sách tiền lương cần được nghiên cứu, triển khai xây dựng một cách khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Đề án cải cách chính sách tiền lương đã được Ban Chỉ đạo Cải cách chính sách tiền lương nghiên cứu, lấy ý kiến của các chuyên gia, bộ, ngành, địa phương và sẽ trình Hội nghị Trung ương 7 khai mạc ngày 07/5/2018.
Theo đó, Đề án xác định tiền lương là thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình; đặt ra mục tiêu thực hiện chế độ tiền lương mới ở khu vực công từ năm 2021, xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
1. Thiết kế cơ cấu tiền lương đơn giản, dễ thực hiện, chỉ gồm 3 phần: Lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng.
2. Bãi bỏ hệ thống thang bảng lương hiện hành và ban hành hệ thống thang bảng lương mới bao gồm:
- 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với các chức vụ lãnh đạo theo nguyên tắc: Thể hiện rõ thứ bậc cao đến thấp trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương chức vụ lãnh đạo đó; không phân biệt chức vụ ở trung ương và địa phương (Xây dựng Danh mục chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị. Ví dụ: Chức danh Trưởng phòng của Vụ, Ban các cơ quan thuộc Chính phủ, từ năm 2021, mức lương quy thành tiền mặt là 11.000.000 đồng).
- 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức không giữ chức danh lãnh đạo theo nguyên tắc trả đúng theo vị trí việc làm và mức độ phức tạp của công việc.
Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay (xây dựng mức lương cơ bản bằng tiền trong bảng lương mới); xác định mức tiền lương thấp nhất trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp, được xác định bằng mức lương thấp nhất bình quân của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp (dự kiến mức thấp nhất đến năm 2021 là 4.140.000 đồng - Mức bình quân của 4 vùng của khối doanh nghiệp).
3. Bảo đảm tương quan tiền lương giữa lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay (Ví dụ: Mức lương cấp hàm Thiếu úy vẫn giữ tương quan cao hơn 1,8 lần so với chuyên viên bậc 1).
Xây dựng 3 bảng lương mới đối với lực lượng vũ trang bao gồm:
- 01 bảng lương theo chức vụ lãnh đạo và cấp bậc quân hàm.
- 01 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp.
- 01 bảng lương công nhân quốc phòng.
4. Chế độ nâng bậc lương thay đổi như sau:
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo: Mỗi chức vụ 1 mức lương, đủ 5 năm giữ chức vụ thì tăng thêm 10%.
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo: 2 năm/bậc với ngạch nhân viên, 3 năm/bậc đối với ngạch cán sự, 5 năm/bậc đối với ngạch chuyên viên và tương đương trở lên.
5. Về chế độ phụ cấp lương: Sắp xếp, bãi bỏ một số phụ cấp, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm 30% trong tổng quỹ lương.
- Tiếp tục áp dụng các loại phụ cấp: Kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, khu vực, trách nhiệm công việc, lưu động, an ninh quốc phòng.
- Gộp các loại phụ cấp: Ưu đãi nghề, trách nhiệm theo nghề, độc hại nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề, mức hưởng là 20% mức lương cơ bản; gộp phụ cấp đặc biệt, thu hút, trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
- Bãi bỏ phụ cấp: Thâm niên nghề, chức vụ lãnh đạo, công vụ, độc hại nguy hiểm.
- Giảm dần tiến tới bãi bỏ các phụ cấp: Công tác đảng, đoàn thể.
Để thực hiện nội dung cải cách nêu trên, Đề án nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện xây dựng hệ thống vị trí việc làm để có cơ sở trả lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm.
Hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương. Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2021.
Ma Lệ Minh (tổng hợp)