Là người học trò, người cộng sự gần gũi và tin cậy, nhiều năm được sống và làm việc bên Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết:

“Xem một đôi bức ảnh Hồ Chủ tịch, có người nói mắt Người có hai con ngươi và tin rằng vì chỗ đó Người là một ông thánh. Làm gì có chuyện hoang đường như thế! Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lắm đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy những điều người khác không nhìn thấy: Hiện tại, tương lai…”.

Là người sáng lập và xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trước những điều mà một đảng cầm quyền nếu không quyết tâm rèn luyện, giáo dục, nếu không thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình thì rất dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm hại cho sự nghiệp cách mạng.

Không biết bao nhiêu lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, đã viết, đã căn dặn chúng ta về phê bình và tự phê bình. Bác nói: “Trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ ta phải nói tự phê bình và phê bình. Nói như thế nghĩa là phải chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính”.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” tháng 10 năm 1947, Bác Hồ đã viết:

“Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.

Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”.

Và Bác nhấn mạnh:

“Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”.

Nói về tư cách của một đảng chân chính cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 12 điều. Trong đó, điều thứ 8 là: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”. Điều thứ 10 là: “Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài”.

Cũng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ viết:

“Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư, mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt ngày càng thêm ra”.

Và những tính tốt ấy theo Bác Hồ gồm có 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

1. Nhân: Là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà cương quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân… Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.

Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải, họ đều làm được.

2. Nghĩa: Là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

3. Trí: Vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xét việc, vì vậy biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

4. Dũng: Là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc.

5. Liêm: Là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá.

Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Học tập và nghiên cứu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Bác luôn luôn coi trọng phẩm chất con người. Đồng thời chúng ta cũng thấy Người luôn luôn có thái độ dứt khoát, kiên quyết, thể hiện một quyết tâm chính trị lớn trước những tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí và những biểu hiện của những suy thoái đạo đức khác. Không bao giờ thấy Bác nói “Đẩy lùi tham nhũng” mà chỉ thấy Bác nói: Phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của chủ nghĩa xã hội. Tham ô, lãng phí là một tội ác, là kẻ thù của nhân dân, người cách mạng phải tiêu diệt nó.

Song Bác Hồ cũng nói:

“Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo” lên lợi ích cá nhân, nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể. Lợi ích của cá nhân luôn gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với lợi ích của tập thể thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”.

Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI của Đảng đề ra là hợp với lòng dân. Nhân dân ta đang hy vọng và chờ đợi. Tất nhiên đây là một công việc khó khăn, song dù khó khăn cũng phải phấn đấu làm cho thành công, vì xây dựng Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta và chế độ ta.

Một Đảng cách mạng, một người cách mạng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng!

Mác đã từng nói: “Hạnh phúc chân chính của con người là phải hoà nhịp với hạnh phúc của hàng triệu người khác”.

Còn Lê-nin trong những ngày khó khăn của Cách mạng Tháng Mười, Hội đồng dân uỷ được phân phối mỗi người một pút khoai tây. Khi đọc bảng phân phối thấy ghi: “Lê-nin 2 pút, Crupxcaia 1 pút” Crupxcaia là vợ Lê-nin. Lê-nin đã lấy bút chữa lại: “Lê-nin 1 pút, Crupxcaia 0” và ông ghi Crupxcaia không ở Hội đồng dân uỷ.

Những người cách mạng chân chính bao giờ cũng biết quên mình vì hạnh phúc của nhân dân. Và để trở thành những người cán bộ tốt, đảng viên tốt, chúng ta hãy nhớ lời Bác căn dặn: “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích”.

Một nhà thơ đã viết:

“Ta hãy tự trả lời ta - Bạn hỡi

Khi ta vui và cả lúc ta buồn

Tâm hồn ta có trong sáng đẹp hơn

Trước phút đi xa, Bác Hồ căn dặn

Không đáng sợ kẻ thù trước mặt

Sợ nhất kẻ thù ẩn náu trong ta!”.

 

Theo Bùi Công Bính/ baonamdinh.com.vn
Tâm Trang (st)

 

Bài viết khác: