Thông qua sự thể hiện của Hồ Chí Minh, sức mạnh mềm Việt Nam có sức hấp dẫn và thuyết phục bởi trong nó hàm chứa và phát triển giá trị chung mà loài người đã đạt được; mang những giá trị chính nghĩa, tiến bộ, văn minh mà nhân loại hướng tới; là mẫu số chung về mục tiêu của các dân tộc và có những đóng góp vào tư tưởng xây dựng một nền hòa bình bền vững trên hành tinh của chúng ta. Chính vì vậy, sức mạnh mềm Việt Nam đã được sự đồng tình, ủng hộ to lớn của nhân loại tiến bộ và giành được những thắng lợi to lớn trong thực hiện mục tiêu giải phóng và phát triển con người Việt Nam.
Khi đặt vấn đề “Hồ Chí Minh đã thực hiện sức mạnh mềm (Soft Power) như thế nào” là đồng nghĩa với nhận thức và luận giải về việc Người đã sử dụng nó từ trước khi nhân loại có khái niệm này một cách rõ ràng như Joseph Samuel Nye của Trường Đại học Harvard đã đưa ra vào năm 1990 - và chính ông đã hoàn thiện nội hàm của khái niệm đó vào năm 2004.
Ngày nay, chúng ta đều thừa nhận khái niệm của Joseph Samuel Nye về sức mạnh mềm là sức mạnh được thực hiện để giành thắng lợi không phải thông qua sự cưỡng bức, ép buộc (như sức mạnh quân sự, kinh tế...) mà là thông qua sự hấp dẫn, thuyết phục đối tượng và nó được tạo dựng bởi ba yếu tố: Văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia, chính sách của quốc gia đó.
Theo đó, khái niệm “sức mạnh mềm” của Joseph Samuel Nye được thừa nhận xem là góc nhìn chung, tuy nhiên, cũng từ góc độ này, vẫn còn những vấn đề cần thiết phải thảo luận khi chúng ta nhận thức về ba yếu tố tạo dựng nên sức mạnh mềm mà Joseph Samuel Nye đã nêu ra.
Nói như trên cũng có nghĩa là, một mặt, chúng ta thừa nhận nội hàm của khái niệm hiện đại đó để có chung một góc nhìn khi lý giải về các vấn đề quan tâm xung quanh khái niệm này; nhưng, mặt khác, từ sự hiểu biết chung đó để luận giải nét đặc sắc của Hồ Chí Minh trong việc thực hiện sức mạnh mềm Việt Nam để thấy rõ sức mạnh mềm Việt Nam còn có sự khác biệt trên nền tảng của tri thức rộng lớn và sâu sắc của Người khi sử dụng nó trong tiến trình cách mạng.
Thực ra, khi tách ra ba yếu tố văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia, chính sách quốc gia là cho dễ phân tích, còn trên thực tế, văn hóa quốc gia bao gồm cả truyền thống và hiện tại đã bao hàm những giá trị của quốc gia, nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất của văn hóa theo cách lý giải của Hồ Chí Minh: Văn hóa là toàn bộ những hoạt động của con người nhằm duy trì, giải phóng và phát triển đối với con người. Các hoạt động (cả hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn) nhằm mục tiêu duy trì, giải phóng và phát triển đối với con người và mục tiêu đó chính là văn hóa và mang giá trị quốc gia. Theo đó, chính sách quốc gia bao giờ cũng có cội nguồn và chứa đựng trong nó nội dung văn hóa quốc gia với giá trị quốc gia. Với cách nhìn như vậy, thì sức mạnh mềm, hiểu theo nghĩa căn bản nhất, có cơ sở và được tạo dựng bởi chính văn hóa quốc gia theo nghĩa rộng lớn nhất.
Đặt vấn đề như vậy để có sự tiếp cận đầy đủ hơn trong khi luận giải việc Hồ Chí Minh đã quan niệm và sử dụng sức mạnh mềm đặc sắc như thế nào khi Người dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi tới mục tiêu giải phóng và phát triển con người.
Sự đặc sắc của Hồ Chí Minh khi quan niệm và thực hiện sức mạnh mềm Việt Nam là ở chỗ, trong tư tưởng và thực hiện, Người không chỉ dựa vào các yếu tố riêng có trong văn hóa, trong giá trị và chính sách của Việt Nam để tạo nên sự hấp dẫn và thuyết phục các đối tượng mà còn làm cho nó hàm chứa các giá trị chung tiến bộ và văn minh của nhân loại.
Sự đặc sắc nói trên được biểu thị trên một số nét cơ bản sau đây:
- Sự hàm chứa và phát triển giá trị chung của nhân loại trong sức mạnh mềm Việt Nam
Có thể thấy rõ sức thuyết phục và sự hấp dẫn trong văn kiện đầu tiên của nước Việt Nam mới - bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 - do Hồ Chí Minh soạn thảo. Để khẳng định sự xuất hiện chính đáng của Nhà nước Việt Nam độc lập như một quyền tự nhiên, Người đã mở đầu bằng sự ghi nhận và khẳng định những giá trị “bất hủ” (trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ) và “những lẽ phải không ai chối cãi được” (trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789) về quyền con người, cái quyền mà sau hàng nghìn năm nhân loại tranh đấu đến thế kỷ XVIII và XIX mới được xác nhận, để đi tới khẳng định: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(1). Tuyên bố này cho thấy, với Hồ Chí Minh, những giá trị mà dân tộc này đòi hỏi và phấn đấu là những giá trị chung của nhân loại đã được thừa nhận và đạt được trong tiến trình đấu tranh cho sự giải phóng ngày càng cao hơn của chính mình. Nhưng không phải chỉ là quyền cá nhân con người mà là cả cộng đồng dân tộc. Và điều đặc biệt hơn để làm nên sức hấp dẫn và thuyết phục cho sức mạnh Việt Nam chính là ở chỗ những đòi hỏi và phấn đấu đó không chỉ riêng dân tộc Việt Nam mà cho tất cả các dân tộc.
- Sức mạnh mềm Việt Nam cũng là chính nghĩa, tiến bộ, văn minh của nhân loại
Vấn đề này được thể hiện một cách đặc sắc trong Tuyên ngôn Độc lập khi Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nhân dân Việt Nam đã “lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa...”.
“Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(2).
Rõ ràng, trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà dân tộc Việt Nam đã tiến hành thắng lợi là để thực hiện mục tiêu xóa bỏ sự áp bức dân tộc của chủ nghĩa thực dân, sự thống trị xã hội của chế độ phong kiến lạc hậu lỗi thời, đồng thời trong tiến trình đó, dân tộc Việt Nam lại đứng về phía các lực lượng dân chủ trên thế giới chống lại chủ nghĩa phát xít. Thực tiễn đó cho thấy: Dân tộc Việt Nam đã lấy văn minh chống lại man rợ, đứng trong lực lượng tiến bộ và xu hướng phát triển của nhân loại và thời đại chống lại lạc hậu, lỗi thời là chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa thực dân xâm lược và chế độ phong kiến lạc hậu, những thế lực cản trở sự phát triển của loài người. Dân tộc Việt Nam lại xây nền dân chủ cộng hòa, một kiểu tổ chức xã hội mà các dân tộc đều hướng tới.
- Sức mạnh mềm Việt Nam là mẫu số chung của các dân tộc
Vấn đề này đã được Hồ Chí Minh thể hiện trong việc định ra tiêu chí của nước Việt Nam mới là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Tiêu chí đó thể hiện rõ ràng mục tiêu của Nhà nước Việt Nam là: Con người Việt Nam phải được sống trong không gian sinh tồn độc lập của mình và trên không gian độc lập ấy một chế độ văn minh được thiết lập theo thể chế dân chủ cộng hòa được xây dựng phải bảo đảm các điều kiện đem lại tự do và hạnh phúc cho tất cả con người Việt Nam. Tiêu chí đó thể hiện mục tiêu của dân tộc Việt Nam nhưng đồng thời cũng là mục tiêu chung của các dân tộc trên thế giới. Chắc chắn rằng không có dân tộc nào lại không thừa nhận sự chính đáng của các mục tiêu vì con người như vậy.
Từ mục tiêu trên đây, Hồ Chí Minh lại xác định những mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn cách mạng để nhân dân ta phấn đấu. Đó là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và phú cường (1945 - 1954); Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh (1954 - 1969). Năm 1969, trong Di chúc, Người để lại “điều mong cuối cùng” là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Cho đến nay, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc và các mục tiêu về hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội vẫn là mẫu số chung của các dân tộc trên thế giới.
- Sức mạnh mềm Việt Nam là sự đóng góp tư tưởng nhân loại về một nền hòa bình bền vững
Theo Hồ Chí Minh, nhân loại phải chung tay xây dựng một thế giới hòa bình vì đó là khát vọng vĩnh hằng. Nhưng theo Người, đó phải là“một nền hòa bình chân chính” và theo đúng nghĩa nó “phải được xây dựng trên (1) công bình và (2) lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, (3) rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc, màu da”(3).
Như vậy, cùng với việc đòi hỏi phải khẳng định giá trị chung về quyền cơ bản tự nhiên của các dân tộc (trong Tuyên ngôn Độc lập), đồng thời chỉ rõ mục tiêu chung của nhân loại là hòa bình, Hồ Chí Minh đã nêu lên cơ sở, nguyên tắc cho một trật tự quốc tế mới. Trật tự đó phải được xây dựng trên cơ sở xác lập một thiết chế thế giới công bình, bình đẳng, dân chủ, trong đó tự do, bình đẳng, bác ái được thực hiện ở tất cả các nước, để dựng xây nền“hòa bình chân chính”, vững bền trên hành tinh chúng ta. Quan niệm đó biểu thị công thức hòa bình Hồ Chí Minh: Quyền dân tộc cơ bản và thiết chế quốc tế công bằng - bình đẳng - dân chủ sẽ làm nên hòa bình thế giới.
Công thức trên cho thấy “hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thật sự”(4), bởi lẽ “đó là điều cần thiết phải có để một dân tộc mong muốn kết bạn với dân tộc khác”(5). Do đó, Hồ Chí Minh cho rằng, đấu tranh và ủng hộ phong trào đấu tranh giành và bảo vệ quyền dân tộc cơ bản, giành và bảo vệ công bằng, bình đẳng, dân chủ trong quan hệ quốc tế chính là tạo ra nền tảng để xây dựng một trật tự quốc tế mới đảm bảo cho hòa bình trên thế giới. Đó chính là những yếu tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nhân loại trong tương lai.
Luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự “công bình và lý tưởng dân chủ phải thay thế cho chiến tranh” có nghĩa là: Mọi dân tộc phải được bình đẳng trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế và những vấn đề quốc tế phải được tất cả các dân tộc quyết định, không phụ thuộc vào ý chí của một nhóm cầm quyền trong một số ít các nước lớn. Đồng thời, công bằng - bình đẳng - dân chủ phải là sự bảo đảm cho mỗi dân tộc tự quyết định lấy vận mệnh dựa trên những giá trị văn hóa của mình, tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Mọi mưu toan nhân danh cái gọi là “giá trị” của một nước hoặc của một nhóm nước áp đặt cho các quốc gia khác là sự vi phạm thô bạo đối với quyền dân tộc cơ bản và sự công bằng - bình đẳng - dân chủ trong quan hệ quốc tế cần được loại bỏ vì nó là miếng đất nuôi dưỡng mâu thuẫn và chiến tranh, là kẻ thù của Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ và hòa bình trên thế giới.
Khẳng định quyền tự nhiên của các dân tộc và xây dựng một thiết chế thế giới Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ với lối ứng xử hòa bình giữa các nước nhằm đắp xâynền văn hóa hòa bình trên hành tinh chính là sức hấp dẫn mạnh mẽ của sức mạnh mềm Việt Nam khi đóng góp tư tưởng cho nhân loại.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ năm 1945 đến nay cho thấy, thông qua Hồ Chí Minh, sức mạnh mềm Việt Nam có sức thuyết phục, hấp dẫn mạnh mẽ đối với các chính phủ và các dân tộc trên thế giới. Điều đó được thể hiện từ trong những năm tháng đầu tiên đầy khó khăn của chế độ mới ở nước ta, khi quân đội nước ngoài kéo vào giải giáp quân phát xít, dù với mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam nhưng đều phải tôn trọng chủ quyền, độc lập của nước Việt Nam mới, đều phải làm việc với Chính phủ Hồ Chí Minh. Việt Nam không chỉ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân các nước mà chính phủ đã đưa con em họ tới xâm lược Việt Nam, trong suốt tiến trình đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất Tổ quốc và xây dựng xã hội mới vì con người, mà còn cổ vũ các dân tộc khác đấu tranh vì giá trị của dân tộc mình và giá trị chung của nhân loại. Sự thắng lợi to lớn như vậy bắt nguồn từ sức mạnh mềm Việt Nam thông qua Hồ Chí Minh, được Người thể hiện qua những vấn đề căn bản trên đây.
Từ tư tưởng và thực tiễn hoạt động của Hồ Chí Minh, so sánh với quan niệm hiện đại về sức mạnh mềm, có thể nhận xét:
Một là, sức mạnh mềm Việt Nam được Hồ Chí Minh thể hiện và sử dụng sở dĩ có sức thuyết phục, hấp dẫn, lan tỏa và đem lại sức mạnh chiến thắng cho dân tộc Việt Nam, đó không chỉ là cái riêng, cái đặc sắc có sức thuyết phục, hấp dẫn của văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia, chính sách quốc gia mà còn là bởi nócó nội dung phù hợp với thời đại trong sự tiến hóa và phát triển đối với các dân tộc, đối với nhân loại.
Hai là, điều xác định trên cho thấy, văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia, chính sách quốc gia với vị trí là cơ sở của sức mạnh mềm của một quốc gia chỉ có sức mạnh hấp dẫn, thuyết phục và có giá trị dẫn dắt khi nó mang trong mình mẫu số chung về giá trị tiến bộ, văn minh của toàn nhân loại và còn là sự đóng góp trên thực tế của một dân tộc hướng tới hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội.
Ba là, sức mạnh mềm của một quốc gia chỉ có được khi trong văn hóa, giá trị và chính sách quốc gia luôn hướng tới và thực hiện khát vọng vĩnh hằng của nhân loại là giải phóng và phát triển ngày càng cao hơn đối với con người, hướng tới hòa bình và văn minh.
Bốn là, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” - mục tiêu bất biến của Việt Nam được Hồ Chí Minh nêu lên bao hàm đầy đủ ba nội nội dung trên đây đã lý giải tại sao nó có sức thuyết phục và hấp dẫn, có thể đoàn kết nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, mạnh mẽ để giành được những thắng lợi trong tiến trình đấu tranh giải phóng con người về mặt chính trị khỏi sự áp bức dân tộc và ngày nay lại phấn đấu xây dựng xã hội mới nhằm tạo ra các điều kiện để giải phóng toàn diện con người, đem lại tự do và hạnh phúc ngày càng cao hơn cho nhân dân.
Bởi vậy, kiên trì thực hiện mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, biểu thị văn hóa, giá trị, chính sách của Việt Nam, chính là sức mạnh mềm của Việt Nam, sức mạnh đưa dân tộc ta đồng hành cùng nhân loại đến văn minh và tiến bộ xã hội.
Năm là, tất cả những vấn đề trên đây cho thấy, sức mạnh mềm Việt Nam mà Hồ Chí Minh biểu đạt qua hoạt động thực tiễn của mình chính là ở chỗ đã kết hợp được giá trị Việt Nam với giá trị chung của nhân loại và xu thế phát triển của thời đại - đó là giá trị về giải phóng, phát triển con người trong xu hướng ngày càng tốt đẹp, văn minh. Sức mạnh đó không phải giành thắng lợi để dẫn dắt, để thống trị mà là sự đồng thuận để cùng phát triển vì con người, vì toàn nhân loại.
PGS, TS. Phạm Hồng Chương
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Hà Minh (st)
____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.536.
(3), (5) Sđd, t.4, tr.66-67, 284.
(4) Sđd, t.12, tr.3.