Trải qua thực tiễn và lịch sử, bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”(1) với chưa đầy 700 từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút danh T.L) đăng trên trang nhất Báo Nhân Dân ngày 03/02/1969 đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, tính hiện đại của tư tưởng đạo đức cách mạng. Trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tác phẩm của Người tiếp tục cho chúng ta thấy một tầm nhìn chiến lược, một cảnh báo trước hiện tình của Đảng.
Một trang bản thảo bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (03/02/1969)
1. Vấn đề đạo đức cách mạng là một trong những mối quan tâm thường xuyên nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua mỗi bước ngoặt của cách mạng, Người lại có một tác phẩm về đạo đức cách mạng(2). “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” được Người viết năm 1968, là tác phẩm cuối cùng của Người về chủ đề này.
Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 vừa kết thúc. Cách mạng của hai miền Nam, Bắc bước vào những thử thách mới cần có những nỗ lực vượt bậc về tinh thần, ý chí, quyết tâm để đi đến thắng lợi cuối cùng. Muốn làm được điều đó, trước hết phải tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Suy ngẫm thấu đáo về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định vào dịp sinh nhật của Đảng phải có một tài liệu học tập cho toàn Đảng. Người đã trực tiếp biên soạn tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn đạo đức cách mạng, trong tác phẩm này, Người chỉ ra mặt đối lập là chủ nghĩa cá nhân, tập trung phân tích về giá trị thực tiễn của đạo đức cách mạng, cụ thể là năng lực thực hành đạo đức của cán bộ, đảng viên, biểu hiện qua hai đặc trưng cơ bản:
Một là, đạo đức nói chung và đạo đức cách mạng nói riêng chỉ được khẳng định khi phát huy được giá trị của mình thông qua việc thực thi đạo đức một cách tự giác, là yếu tố tự thân của mỗi con người, mỗi tập thể và được người dân, dư luận xã hội đánh giá tích cực. Ngay ở đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”(3). Điều này chỉ ra rằng, các bài học đạo đức, tư tưởng đạo đức được đưa ra, nêu ra là để thực hành chứ không phải để rút kinh nghiệm hay làm tiền đề cho các bài học, các tư tưởng đạo đức khác. Qua quá trình thực hành sẽ chịu sự điều chỉnh của yếu tố cá nhân, chủ yếu là ở nhận thức và từ phía người dân, từ dư luận xã hội. Cũng từ đây, những chuẩn mực đạo đức không cần phải tổ chức học tập cũng trở thành phong trào thực thi, thực hành sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân.
Hai là, nêu gương vẫn là phương thức giáo dục đạo đức tốt nhất, tạo sự kế thừa các chuẩn mực đạo đức từ thế hệ trước cho thế hệ sau, từ những con người cách mạng tiên phong cho toàn xã hội. Trong sự nghiệp cách mạng, tấm gương đạo đức lớn nhất, phổ biến nhất mà tất cả mọi người đều nhìn vào là tấm gương đạo đức, thực hành đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hàng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”; cũng vì thế mà “Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Nhờ đó mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta “làm Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi và ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội”(4) trên đà thắng lợi.v.v
2. Trái ngược với đạo đức cách mạng, chủ nghĩa cá nhân là mặt đối lập. Ngay trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: Chủ nghĩa cá nhân là “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình” với những biểu hiện cụ thể sau:
“Ngại gian khổ, khó khăn,
Sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa,
Tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành,
Tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng,
Độc đoán, chuyên quyền,
Xa rời quần chúng, xa rời thực tế,
Mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh,
Không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.
Mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật,
Thiếu tinh thần trách nhiệm,
Không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(5).
Những biểu hiện này làm nổi bật lên nhiệm vụ “xây” và “chống” trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đây là vấn đề Người thường xuyên quan tâm trong tiến trình xây dựng và rèn luyện Đảng ta. Đó là, muốn xây dựng đạo đức mới, muốn bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cách mạng cho hàng triệu, hàng triệu triệu người, thì cùng với việc xây dựng, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện xấu xa, trái với những yêu cầu của đạo đức mới. Là việc phải tiến hành đồng thời, bắt đầu từ trong Đảng, từ trong mỗi đảng viên của Đảng. Những biểu hiện này cũng chỉ ra còn có sự lỏng lẻo trong tổ chức Đảng đã tạo cơ hội, tạo điều kiện cho chủ nghĩa cá nhân phát tác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra hai nhóm giải pháp về phía tổ chức Đảng và giải pháp từ phía cán bộ, đảng viên như sau:
Đối với Đảng:
“1) Phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên.
2) Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng.
3) Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên.
4) Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc.
5) Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
Đối với cán bộ, đảng viên:
“1) Phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết.
2) Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật.
3) Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân.
4) Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”(6).
Năm giải pháp phải thực hiện đối với Đảng và bốn giải pháp phải làm đối với đảng viên để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng thực sự là những di huấn đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng.
3. Với nhạy cảm của một nhà chính trị, nhà tư tưởng lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm đã xuất hiện trong cán bộ, đảng viên, trong Đảng cầm quyền. Ngay trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người cũng đã phải nghiêm khắc xử lý những cán bộ, đảng viên “do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”(7).
Toàn văn tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Người từ gần nửa thế kỷ trước đã là một lời cảnh tỉnh về chủ nghĩa cá nhân - cái gốc tạo ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và đến nay đã trở nên nghiêm trọng hơn khi xuất hiện ở trong tất cả các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Thực trạng này đã được nêu lên trong các Đại hội X, XI, XII của Đảng và mới đây nhất là tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII. Điểm đáng chú ý là, trước đây chủ nghĩa cá nhân biểu hiện là sự tham lam ích kỷ, kèn cựa, đố kỵ,... ở một số rất ít cán bộ, đảng viên, thì nay đang trở thành lối sống, triết lý sống, tạo sự “đồng lần”, “kế tục” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đặc biệt trong số những người có chức, có quyền. Trước là lợi ích nhỏ mang tính thu vén cá nhân, thì nay là lợi ích lớn theo nhóm, trục lợi cho cả nhóm.
Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân. Nhưng điều đó không có nghĩa là không giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung của Đảng, của dân tộc. Một quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng của Người về vấn đề này là làm cách mạng để mọi người cùng được hưởng thành quả của cách mạng.
Từ cảnh tỉnh của Người về chủ nghĩa cá nhân, nhìn thẳng vào các nhiệm vụ cách mạng của nước ta hiện nay, thấy rằng cần phải có động lực để đội ngũ cán bộ, đảng viên tận tụy phục vụ nhân dân, khuyến khích cán bộ, đảng viên thực hành đạo đức, thực sự là "người đầy tớ trung thành của dân". Có cơ chế phục vụ chế độ, phục vụ người dân theo đúng quy định của pháp luật, đúng định hướng xây dựng con người cách mạng, con người của một xã hội đổi mới. Theo Ph. Ăngghen: “Muốn nhận thức được các quy luật chi phối lịch sử phải tìm được những yếu tố kích thích, thúc đẩy con người hành động trên thực tế đưa đến những biến đổi lịch sử, tức là tìm ra những động lực phát triển xã hội"(8). Theo ý nghĩa đó, những vấn đề có tính quy luật của việc yêu cầu, khuyến khích cán bộ, đảng viên xây dựng, thực hành đạo đức cách mạng, phát huy vai trò phục vụ chế độ, phục vụ nhân dân là động lực của quá trình đó. Nó bắt đầu từ việc con người với tư cách là chủ thể hoạt động được định hướng bởi một hệ thống giá trị, thì những giá trị mà con người lựa chọn chính là những đối tượng có quan hệ lợi ích với chủ thể hoạt động. Với tư cách là một chỉnh thể sinh học - xã hội có nhu cầu đa dạng, nhiều thứ bậc và biến đổi tùy thuộc vào nội dung của hoạt động xã hội trong điều kiện lịch sử cụ thể, con người phải tìm một hệ thống lợi ích tương ứng. Bên cạnh đó, một chế độ xã hội ưu việt được thể hiện qua quan hệ lợi ích có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của con người với quy mô lớn hơn, vì hạnh phúc của con người. Lợi ích với tính cách là động lực, phải được hiểu trong một chỉnh thể quan hệ giữa lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, trong đó lợi ích vật chất xét đến cùng là quyết định. Ở các giai đoạn trước, trong hoàn cảnh chiến tranh, động lực lợi ích vật chất cá nhân có được từ những lợi ích vật chất của giai cấp, của dân tộc, chứ không phải chủ yếu thỏa mãn những nhu cầu vật chất - sinh học của mỗi người. Tuy nhiên, lợi ích vật chất nói trên vẫn tạo ra động lực vô cùng to lớn vì có sự thống nhất cao giữa lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, khi lợi ích tinh thần trở thành động lực trực tiếp mạnh mẽ nhất và nó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải hy sinh lợi ích vật chất của cá nhân bao gồm cả những điều kiện tồn tại vật chất của gia đình mình cho kháng chiến, cho cách mạng.
Mặt khác, hoạt động của con người bao giờ cũng mang tính xã hội, lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng tồn tại trong hiện thực như là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những cá nhân tham gia vào phân công lao động xã hội. Trong tổng thể, động lực hoạt động của con người là sự kết hợp giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, ở mối liên hệ giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích cá nhân và lợi ích giai cấp, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.v.v. Các lợi ích xã hội, lợi ích giai cấp, lợi ích lâu dài thường được biểu hiện thông qua hàng loạt những lợi ích cá nhân, lợi ích riêng, những lợi ích trước mắt cụ thể. Trong khi đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện các lợi ích của xã hội, lợi ích của giai cấp, lợi ích lâu dài, trong điều kiện khách quan là xã hội với nền kinh tế thị trường, đội ngũ này phải đối mặt với cuộc sống thực tế của bản thân và gia đình. Nhìn nhận bằng phương pháp lịch sử - cụ thể thì những lợi ích trước mắt, những lợi ích cá nhân chính đáng là cơ sở của lợi ích xã hội, lợi ích lâu dài. Do đó, nếu không có được những lợi ích cá nhân chính đáng, một bộ phận cán bộ, đảng viên sẽ tìm kiếm nó bằng nhiều cách khác trong đó có những cách không chính đáng. Lâu dần thì đây là điểm khởi phát của chủ nghĩa cá nhân, tức là làm cái gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước đã.
Bên cạnh đó, từ nhiều biến dạng của lợi ích từ lợi ích vật chất cá nhân, lợi ích chính trị, từ những kẽ hở về mặt thể chế, từ mặt tiêu cực của kinh tế thị trường mà hình thành chủ nghĩa cá nhân “làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Điều này đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách thể chế, xóa các khoảng trống về mặt pháp lý, sớm hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm phản ánh các chuẩn mực đạo đức trong khuôn khổ pháp lý nhằm giới hạn các hành vi của cán bộ, đảng viên theo quy chuẩn cụ thể.
Như vậy, có thể thấy những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân từ gần nửa thế kỷ qua đến nay vẫn còn “nóng hổi” tính thời sự, cảnh tỉnh và giúp cho mỗi tổ chức, mỗi con người chúng ta phải soi lại mình, có những biện pháp và hành động cụ thể để tự vượt lên, tự đấu tranh để hoàn thiện đạo đức cách mạng, đưa đất nước vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
TS. Hà Quang Trường - Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ
Theo http://tcnn.vn
Thu Hiền (st)
-----------------------
Ghi chú:
(1),(3),(4),(5),(6),(7) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2009, tr. 438 - 439, tr. 438, tr. 438, tr. 438 – 439, tr. 439, tr. 438.
(2) Năm 1927, Người viết cuốn Đường Kách mệnh, trong đó dành hẳn Chương 3 nói về Tư cách người cách mệnh. Năm 1947, Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc; năm 1948 Người viết bài Chủ nghĩa cá nhân; năm 1949 Người viết Cần Kiệm Liêm Chính; năm 1955 Người viết Đạo đức công dân; năm 1958 và 1965 người viết hai bài Đạo đức cách mạng.
(8) C.Mác và Ph. Ăngghen, toàn tập, tập 23, Nxb CTQG, H.1993, tr.438.