Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) là một trong những nội dung cơ bản trong tư tưởng của Người về quân sự.
Đó là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới - quân đội xã hội chủ nghĩa (XHCN); là sự kế thừa và nâng lên tầm cao mới những kinh nghiệm quý báu về xây dựng quân đội của các triều đại phong kiến trong công cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc ta; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về xây dựng quân đội của các dân tộc tiến bộ trên thế giới, nhất là xây dựng Hồng quân Công nông trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc.
Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, trên con đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ bản chất hung bạo, sự đàn áp dã man của kẻ thù đối với nhân dân lao động. Người khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ - chống kẻ thù của giai cấp và dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”(1). Vì vậy, phải tổ chức, xây dựng quân đội công nông, quân đội cách mạng, công cụ bạo lực chủ yếu trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Năm 1941, Người về nước, cùng với Trung ương Đảng, trực tiếp lãnh đạo cách mạng, chỉ đạo xây dựng các đội du kích và nhất là đã ra “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, xác định rõ những vấn đề cơ bản trong xây dựng quân đội cách mạng của giai cấp vô sản.
Từ những tổ chức vũ trang đầu tiên đến QĐND Việt Nam ngày nay, Quân đội ta luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo xây dựng, giáo dục, rèn luyện về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Người khẳng định nội dung cơ bản của việc xây dựng QĐND phải được thể hiện ở việc xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH). Người thường xuyên nhắc nhở phải: “Sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Bằng hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, Hồ Chí Minh từng bước giáo dục, bồi dưỡng làm cho Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ngày càng thấm sâu vào đời sống tinh thần của quân đội. Đồng thời, Người rất quan tâm đến việc chọn lựa, bồi dưỡng những “phần tử tiên tiến” trong các tầng lớp nhân dân lao động có tinh thần yêu nước, có giác ngộ dân tộc và giác ngộ giai cấp sâu sắc để tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện họ trở thành những quân nhân cách mạng, những cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, những đảng viên trung kiên của Đảng.
Nội dung cơ bản xây dựng QĐND theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc xây dựng cho quân đội có đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; có tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế tốt; có dân chủ tốt; có kỷ luật tự giác, nghiêm minh; có tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ; có ý chí quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Đồng thời, đó còn là việc chăm lo xây dựng quân đội về mặt tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật, khoa học và nghệ thuật quân sự…
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng QĐND phải trải qua quá trình xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân các dân tộc Việt Nam và trực tiếp là của các tổ chức, con người cán bộ, chiến sỹ trong quân đội, thông qua công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách, thông qua việc tiến hành tốt công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội và thông qua hoạt động thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất của quân đội cả trong thời bình và thời chiến.
Người khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân, do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(2). “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”(3). Người động viên, cổ vũ, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân phải tích cực tham gia giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ bộ đội. Đồng thời, Người thường xuyên nhắc nhở bộ đội “… đánh giặc là vì dân…, không phải là “cứu tinh” của dân, mà phải có trách nhiệm phụng sự nhân dân”(4). Người yêu cầu: “Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu… Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân, mỗi quân nhân phải là cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội”(5). Người thường xuyên căn dặn cán bộ: “Phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của binh sỹ, phải coi binh sỹ như anh em ruột thịt của mình”(6).
Hơn 7 thập kỷ qua, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng của Người về xây dựng quân đội, QĐND Việt Nam luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH; đã cùng với nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên những chiến thắng vẻ vang, xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội ta đã viết nên truyền thống tốt đẹp “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như lời tuyên dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm sáng danh hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng được nhân dân tin cậy, yêu mến.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đối với nước ta, sau hơn 30 năm đổi mới, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, thế và lực của đất nước vững mạnh lên nhiều, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp.
Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục nhấn mạnh phương hướng “Xây dựng Quân đội nhân dân... cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu... với số quân thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao”(7). Quân đội phải góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững định hướng XHCN; làm nòng cốt trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phòng, chống thiên tai; đồng thời, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN trong mọi tình huống.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, việc xây dựng QĐND theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần quan tâm làm tốt một số vấn đề sau đây: Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, nhất là kiên trì và phát triển quan điểm cơ bản, chủ trương nhất quán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng QĐND, nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo phù hợp với đặc điểm, yêu cầu trong thời kỳ mới. Tăng cường vai trò, hiệu lực tổ chức, quản lý, điều hành của Nhà nước trong xây dựng QĐND. Phải coi việc thường xuyên chăm lo xây dựng QĐND là tình cảm, trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, nhân viên trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, vai trò của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc Việt Nam, nhất là vai trò của Đoàn Thanh niên CỘng sản Hồ Chí Minh, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, của tổ chức công đoàn, hội cựu chiến binh… trong tham gia xây dựng QĐND.
Cần tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức, con người trong quân đội, nhất là vai trò tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân, vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ chính trị, những chính ủy, chính trị viên, không ngừng tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong xây dựng QĐND. Thường xuyên quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận, xác định rõ những yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng QĐND phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới. Chủ động đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng, bảo vệ lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội ta của các thế lực thù địch.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-Sự thật, H. 2000, tập 10, tr. 598.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 11, tr.350.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, tr. 14. và Tập 9, tr. 140.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, tr 207.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, tr.207.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, tr 90.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-Sự thật, H. 2011, tr. 82-83.
PGS, TS. NGUYỄN VĨNH THẮNG
Nguồn http://www.qdnd.vn
Lưu Văn Hiển (st)