Thời đại ngày nay là thời đại toàn cầu hoá. Các giá trị chung của nhân loại về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa nhanh chóng lan tỏa trên Internet, mạng xã hội. Đây là cơ hội cho các dân tộc có thể chia sẻ những giá trị của dân tộc mình với các dân tộc khác.
Đây cũng là cơ hội để nhân loại nhìn lại những hệ tư tưởng, học thuyết, tư tưởng trong những thời đại lịch sử đã trôi qua, đánh giá lại những gì đã bị lịch sử vượt qua, những gì vẫn còn và cần vận dụng phát triển.
Dân tộc Việt Nam có thể và có quyền tự hào chia sẻ với các dân tộc, bè bạn quốc tế tư tưởng Hồ Chí Minh. Những tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong nhiều giai đoạn cách mạng Việt Nam như Bản án chế độ thực dân Pháp; Đường Kách mệnh; Cương lĩnh chính trị 1930; bản Tuyên ngôn Độc lập 1945; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Sửa đổi lối làm việc; Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lê-nin; Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” 1966; Di chúc; các bài viết, nói, văn, thơ, báo chí, huấn thị… thể hiện quan điểm, tư tưởng, tầm nhìn vĩ đại, sự đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong cách sáng tạo.
Thế nhưng lâu nay, những kẻ tự xưng là “người yêu nước”, người “bất đồng chính kiến”, những thế lực thù địch trong và ngoài nước lại lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Người. Các hành vi này được chúng đẩy mạnh trong dịp toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang chúng ta kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Người.
Có ý kiến được tung lên mạng cho rằng, Hồ Chí Minh “chẳng có tư tưởng gì”, chỉ là người “du nhập chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam”, gây ra các cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn”, “nồi da nấu thịt”. Hậu quả là đã trên 40 năm, kể từ ngày 30/4/1975 đến nay “dân tộc Việt Nam vẫn chưa được hòa hợp”...
Ngày nay, nói về tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta có đủ cơ sở khẳng định rằng, những tư tưởng của Người là sự tích hợp những giá trị tư tưởng của nhân loại, đó là “Tự do, độc lập, dân chủ, bình đẳng, trách nhiệm, đoàn kết”.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích lại bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ 1776: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1789: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ những tiền đề tư tưởng lớn đó, Người đưa ra một chân lý mới có ý nghĩa thời đại, đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Trong hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới và rút ra kết luận, một cuộc cách mạng thành công thì “quyền phải giao cho dân chúng số nhiều”, “chớ để trong tay một bọn ít người” và dân chúng phải “được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật” (theo tác phẩm “Đường Kách mệnh”, 1927).
Là một người macxit, nhưng Hồ Chí Minh không phải là một người giáo điều. Còn nhớ vào ngày 15/7/1969, nghĩa là chỉ gần 2 tháng trước khi qua đời, trong bài trả lời phỏng vấn đồng chí Sác-lơ Phuốc-ni-o, phóng viên Báo Nhân đạo (Pháp) về vai trò của Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng… một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam mà giành được thắng lợi to lớn… Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều yếu tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác - Lê-nin”.
Đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để giành độc lập dân tộc, song Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa biệt phái, Người luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích giai cấp. Sau khi cách mạng thành công, Người chủ trương xây dựng nhà nước cộng hòa, dân chủ, của dân, do dân, vì dân với đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng.
Không theo mô hình nhà nước Xô Viết hình thành sau Cách mạng Tháng Mười, là một cuộc cách mạng mà Người đánh giá là “cách mạng đến nơi”, là “quyền giao cho dân chúng số nhiều”…
Nhưng đối với Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và giải phóng xã hội thoát khỏi chế độ thực dân, phong kiến. Người quyết định xây dựng nhà nước theo mô hình “dân chủ, cộng hòa” với nguyên tắc: Chính quyền các cấp, từ thấp đến cao đều do nhân dân bầu ra, đại diện cho quyền và lợi ích của đại đa số nhân dân.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn là phẩm giá của một dân tộc. Các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ buộc phải đấu tranh gian khổ, trường kỳ là vì những giá trị đó. Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng dân tộc ta không thể vì hòa bình mà chấp nhập sự thống trị của bất cứ thế lực xâm lược nào, cho dù chúng hùng mạnh, hung bạo, nham hiểm đến đâu.
Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa!… Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(1).
Trong các cuộc kháng chiến, nhất là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân dân ta không thể không đồng thời đánh đổ chính quyền tay sai, quân đội tay sai do chúng dựng lên, nhằm “thay đổi mầu da trên xác chết”. Bởi vậy không thể nói cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là “nội chiến”, là “nồi da nấu thịt”. Tư tưởng đặt lợi ích độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân lên trên hết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại vào năm 1966, khi đế quốc Mỹ tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, mở rộng cuộc chiến tranh không quân ra miền Bắc, Người nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.
Về mặt lịch sử, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đến với dân tộc ta qua Nguyễn Ái Quốc. Điều này đã được chính Người viết trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”(2). Người kể lại rằng: Sau khi đọc Luận cương của Lê-nin, Người đã tự nói với mình “Hỡi đồng bào bị đọa đầy, đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(3). Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khái niệm dân chủ là chế độ, trong đó “nhân dân là người chủ; là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”; “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân”(4)…
Là một người macxit, nhưng không phải là giáo điều mà luôn luôn vận dụng và phát triển sáng tạo những tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Với Người cách mạng không phải là “đạp đổ”, xóa bỏ mọi giá trị của xã hội cũ mà phải biết kế thừa những giá trị tốt đẹp, tiến bộ của nhân loại; biết giá trị gì cần thay đổi, những giá trị gì cần bảo vệ và phát triển. Với Người mục tiêu của cách mạng là giành lại độc lập dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân. Trên nền tảng của 2 giá trị đó đi đến mục tiêu cuối cùng của cách mạng là tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng rực rỡ cho trí tuệ và khí phách của dân tộc ta. Tại Khóa họp lần thứ 24 tại Paris (20/10 - 20/11/1987), Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, vào năm 1990. Đây là sự ghi nhận của quốc tế về công lao vĩ đại và tài năng xuất chúng trên lĩnh vực văn hóa của Người.
Có thể nói, những kẻ chống Hồ Chí Minh, xúc phạm Người cho dù họ là ai, cách thức thể hiện thô bạo hay bóng gió chỉ là hành vi tự vạch trần nhân cách thấp hèn của mình.
TS. Cao Đức Thái
Theo Báo Công an nhân dân
Hà An (st)