Ngày Môi trường thế giới là sự kiện thường niên lớn nhất về bảo vệ môi trường được tổ chức vào ngày 05/6. Ngày Môi trường thế giới năm nay là cơ hội để mỗi chúng ta, bằng nhiều cách giúp chống lại ô nhiễm chất thải nhựa trên toàn thế giới.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất bốn lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc,…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Nhằm hưởng ứng sự kiện quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” vào tối ngày 04/6 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm nay, Lễ phát động với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khoẻ của chúng ta.

Ngay MT2018 anh 1

Để có những hành động, kết quả thiết thực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng ngày Môi trường thế giới trên phạm vi cả nước.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai một số nội dung, giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Ngay MT2018anh 2

Tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tạo thành chuỗi hoạt động thuộc "Tháng hành động vì môi trường" trên phạm vi cả nước. Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư…

Tình trạng sử dụng túi nilon và các sản phẩm dùng một lần từ nhựa tại Việt Nam

Tại Việt Nam, tình trạng sử dụng túi nilon và các sản phẩm từ nhựa ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển nhanh chóng của nhịp sống xã hội hiện đại, đặc biệt là trong việc mua sắm tiêu dùng sinh hoạt hàng ngày.

Không thể phủ nhận những tiện ích của túi nilon và các sản phẩm từ nhựa dùng một lần. Với tính năng nhẹ, bền, dễ sử dụng…, đồ nhựa dùng một lần đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Nếu như trước đây, người đi chợ thường xách theo những chiếc làn nhựa để đựng thực phẩm, rau xanh, hoa quả thì dường như hình ảnh đó hiện nay rất hiếm. Thay thế chiếc làn bằng nhựa là những chiếc túi nilon đủ mọi kích cỡ, màu sắc, những hộp, cốc nhựa đựng thức ăn, đồ uống nhỏ gọn và tiện lợi. Từ đồ ăn chế biến sẵn như giò, chả, bánh đến những thực phẩm tươi sống như rau, thịt, đậu, cá, trái cây, thậm chí chỉ vài củ tỏi, củ gừng, vài nhánh hành, quả ớt... mỗi loại thực phẩm đựng trong một túi nilon, hộp nhựa riêng.

Sử dụng túi nilon, hộp nhựa, cốc nhựa dùng 1 lần “lợi bất cập hại”

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật, ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật làm các loại này kém phát triển, đồng thời là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Mặt khác nếu đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và nguy hiểm hơn là có khả năng gây ung thư… Sự lạm dụng tiện lợi của túi nilon kết hợp thói quen vứt rác bừa bãi của con người khiến túi nilon trở thành thứ rác tràn lan trong cuộc sống. Thực tế này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là tác nhân ẩn chứa vi khuẩn bệnh tiềm tàng, tắc nghẽn cống rãnh, ô nhiễm môi trường.

Theo các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa hay túi nilon dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene hay chính là nhựa mang nhãn số 6.

Polystyrene (viết tắt và thường gọi là PS) là một loại nhựa khá rẻ tiền, có màu trắng, trọng lượng nhẹ, tính dẻo nên thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì. Báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ cho biết, chất Polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại. Styrene là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người, gây dị tật thai nhi, rối loạn hệ thần kinh (mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ), ảnh hưởng đến nồng độ máu (lượng tiểu cầu thấp, gây đột quỵ)… Đặc biệt, chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe.

Ngoài ra, trong các sản phầm nhựa còn thường chứa một chất BPA được chứng minh có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh.

Một số ký hiệu trên chai nhựa cần lưu ý

Ngay MT2018anh 3

Số 1: Nhựa PET (nhựa polyethylene terephthalate): Các chai nhựa có kí hiệu này chỉ nên sử dụng một lần. Nếu tái sử dụng nếu đựng nước nóng quá 70 độ C, không chỉ biến dạng mà còn phân giải ra các chất có hại cho sức khỏe.

Số 2: Nhựa HDPE - polyethylene có mật độ cao. Các chai nhựa này có khả năng chịu nhiệt tới 110 độ C, thường được dùng đựng thực phẩm, sữa tắm hoặc các vật có độ tinh khiết cao.

Tuy không thải ra chất độc nào nhưng khi được tái sử dụng, loại nhựa này khó làm sạch, các chất còn sót lại rất dễ trở thành ổ vi khuẩn.

Số 3: Nhựa PVC. Chất này có thể giải phóng rất nhiều khi ở nhiệt độ cao nên thường có trong áo mưa, vật liệu xây dựng, hộp nhựa... Loại nhựa này cũng chỉ được phép sử dụng cho thực phẩm, đồ uống có nhiệt độ dưới 810C.

Số 4: Nhựa LDPE - polyethylene mật độ thấp. LDPE khá phổ biến trong các hộp mì, túi đựng hàng, vỏ bánh kẹo... Chất này không thể làm nóng trong lò vi sóng vì sẽ giải phóng chất độc hại.

Số 5: Nhựa PP (nhựa polypropylene). PP thường có trên nắp hoặc đáy cốc cà phê, chai sữa thường, sữa chua hoặc chai nước trái cây. Chất này thường chịu được ở nhiệt độ 167 độ C nên có thể tái sử dụng, quay trong lò vi sóng.

Số 6: Nhựa PS (polystiren). PS thường có ở các cốc uống nước, hộp xốp đựng thức ăn chỉ sử dụng một lần, tức là không tái sử dụng. Khi sử dụng ở nhiệt độ cao, các chế phẩm này thường sản sinh ra chất Styrene cực độc.

Số 7: Nhựa PC. PC được sử dụng rất phổ biến, nhất là làm chai sữa, cốc dùng một lần. Sản phẩm chứa loại nhựa này có chứa BPA rất nguy hiểm, có thể phân giải ra chất gây ung thư.

Cần thay đổi thói quen của người dân

Thói quen tiêu dùng túi nilon và các sản phẩm dùng một lần như cốc nhựa, hộp nhựa dùng 1 lần gần như thay đổi không đáng kể trong đa số người dân. Để việc hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần trong thực tiễn cần có những giải pháp như có các chính sách khuyến khích hỗ trợ trong việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường tại địa phương, xây dựng hệ thống thu gom tái chế túi nilon, khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi nilon… Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự vào cuộc của mỗi người dân, người tiêu dùng, là sự thay đổi thói quen hạn chế sử dụng túi nilon của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.

Ngay MT2018anh 4

Ở điều kiện tự nhiên túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy được

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về môi trường có thể sử dụng giải pháp cấm sử dụng túi nilon, nhưng cần phải có chế tài cụ thể, chế độ thưởng phạt nghiêm minh, bộ máy giám sát thực thi và vật dụng thay thế (túi nilon thân thiện với môi trường). Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối túi nilon thân thiện với môi trường, để người tiêu dùng và nhân dân được tiếp cận với loại túi đó.

Để hạn chế việc sử dụng túi nilon, cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến tận người dân về những tác hại của thói quen sử dụng túi nilon. Đồng thời đưa ra những giải pháp áp dụng cụ thể trong thực tiễn như phân loại rác túi nilon để tái chế, áp dụng ưu đãi thuế đối với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng nhiều lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại… Hỗ trợ hội phụ nữ thành lập câu lạc bộ hạn chế sử dụng túi nilon, tặng túi thân thiện với môi trường…

Đánh thuế và tái chế

Tại nhiều quốc gia, nhận thức được tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm sản xuất túi nilon khó phân hủy, hoặc yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi nilon khi mua hàng để khuyến khích tái sử dụng túi nilon hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Ít nhất 16 quốc gia Châu Phi đã có những động thái cấm nhập khẩu, sản xuất, tăng thuế đối với túi nhựa nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với con người. Đặc biệt, một số quốc gia đã tiến hành đánh thuế nặng đối với các doanh nghiệp sản xuất túi nilon. 

Ngay MT2018anh 5

Năm 1993, Đan Mạch áp dụng thuế sử dụng túi nilon, và hiện nay, trung bình mỗi người Đan Mạch chỉ sử dụng khoảng 4 túi nilon/năm. Tại Ireland, sau khi chính phủ tính phí sử dụng túi nilon vào năm 2002, lượng sử dụng loại túi này đã giảm tới 90%. 

Từ tháng 10/2015, các cửa hàng lớn ở Anh cũng bắt đầu tính phí mỗi túi nilon 5 bảng với khách hàng. Trong khi đó ở Canada, một số vùng cấm dùng túi nilon và yêu cầu thay thế bằng túi vải hoặc túi giấy, nếu vi phạm sẽ bị phạt 1.000 đô-la Canada.

Năm 2016, Ủy ban Châu Âu (EU) đã công bố văn bản hướng dẫn cấm các siêu thị cung cấp miễn phí cho khách hàng các loại túi nhựa dùng một lần.Kể từ đó đến nay, việc sử dụng túi nhựa một lần ở các nước EU đã giảm 30%.

Ngày 18/9/2016, Pháp thông qua luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng... sử dụng một lần làm bằng nhựa.

Năm 2017, Chính quyền thủ đô Buenos Aires của Argentina đã ra thông báo cấm các siêu thị sử dụng túi nilon. Thay vào đó, chính quyền thành phố đã mở nhiều điểm phát miễn phí túi đi chợ sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường như túi cói và túi vải. Buenos Aires đã khởi động chương trình hạn chế sử dụng túi nilon từ năm 2009 bằng việc buộc người tiêu dùng phải trả tiền túi khi đi siêu thị. Hiện 60% người dân thành phố đã có thói quen sử dụng túi đi chợ chất liệu thân thiện với môi trường.

Scotlen đã trở thành quốc gia đầu tiên của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cấm ống hút nhựa toàn quốc. Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm các loại nhựa sử dụng một lần. Trước đó, tháng 01/2018, chính quyền Scotlen cũng đưa ra quyết định cấm việc bán và sản xuất tăm bông nhựa trong năm 2018, một trong những chất thải phổ biến nhất được tìm thấy trên bãi biển.

Tháng 01/2018, lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa do Chính phủ Anh ban hành đã chính thức có hiệu lực. Các hạt nhựa thu nhỏ vốn được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm, xà bông và kem đánh răng, với kích thước nhỏ, chúng có thể lọt qua hệ thống xử lý của các nhà máy, gây ô nhiễm sông ngòi và hồ. Ban đầu, lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong việc sản xuất, sau đó là lệnh cấm bán các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa vào tháng 7/2018.

Vào tháng 01/2018, chuỗi siêu thị Iceland tại Anh đã trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên cam kết loại bỏ bao bì nhựa cho tất cả các sản phẩm thương hiệu của chính mình.

Việc đánh thuế túi nilon đã mở đường cho việc phát triển và phổ biến nhiều loại túi thân thiện với môi trường.Một trong số đó là túi nilon phân hủy sinh học, được làm từ vật liệu có nguồn gốc thực vật. Giải pháp này đã được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến như Anh (túi làm bằng bột sắn), Ý (túi làm từ cám bắp), hay ở Pháp (túi sinh học sau khi dùng xong, trộn với một số rác thực vật khác, ủ lại thì có thể tự hủy trong vòng 2-3 tháng). 

Tuy nhiên, giá thành của loại sản phẩm này khá cao, gấp 2-5 lần túi nilon thông thường, khiến việc sử dụng ít nhiều bị hạn chế. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm lương thực tại một số nơi trên thế giới dẫn đến nhiều làn sóng không đồng tình về việc sử dụng lương thực làm nhiên liệu và bao bì.

Mới đây, các nhà khoa học Châu Âu đã giới thiệu một phương thức độc đáo để tận dụng túi nilon. Họ đã biến những chiếc túi bỏ đi thành một loại vật liệu dạng sợi để chế tạo xe đạp có độ cứng ngang hợp kim. 

Hay Anh Knight - Brunel đã sử dụng khoảng 1.500 chiếc túi nilon, nấu chảy chúng trong 2 giờ ở nhiệt độ 2000C, sau đó đổ vào khuôn và để nguội để tạo thành một chiếc ván trượt với màu sắc và họa tiết rất độc đáo như đá cẩm thạch.

 

Ngay MT2018anh 6

Quyết tâm loại bỏ

Rõ ràng, điều này là hoàn toàn có thể, tuy nhiên những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân riêng lẻ chưa đủ sức mạnh để giảm thiểu tác hại do túi nilon gây ra. Hiện nay, cả thế giới đang đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và môi trường ô nhiễm nặng nề. Điều quan trọng nhất là thái độ và hành động của cả cộng đồng đối với quyết tâm loại bỏ dần túi nilon ra khỏi đời sống xã hội. 

Trong bối cảnh trái đất đang ngày một lâm nguy, nói “KHÔNG” với túi nilon sẽ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường rất tốt. Chỉ một hành động nhỏ như sử dụng các loại túi sinh thái với chất liệu an toàn, dễ phân hủy, mỗi cá nhân sẽ góp phần giữ gìn môi trường, từ đó bảo vệ cuộc sống của chính mình. 

Tất nhiên, một tương lai không túi nilon sẽ chẳng thể đạt được ngay lập tức. Thay vào đó, cách tốt nhất là hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng một cách bừa bãi sản phẩm này. Và, hãy từ chối sử dụng túi nilon khi có thể...

Nếu bạn không tái sử dụng được thì hãy từ chối sử dụng

Ngày Môi trường thế giới năm nay là cơ hội để mỗi chúng ta bằng nhiều cách giúp chống lại ô nhiễm chất nhựa trên toàn thế giới. Và bạn đừng đợi đến ngày 05/6 để hành động.

Sau đây là một số ý tưởng nhằm giảm chất thải nhựa:

- Mang theo túi đựng khi đi siêu thị/ sử dụng túi có chất liệu thân thiện với môi trường.

- Thuyết phục người bán hàng và quan trọng là chính bản thân bạn không sử dụng túi nilon.

- Từ chối sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: Cốc nhựa, hộp đựng bằng nhựa, ống hút, dao kéo bằng nhựa.

- Cùng tuyên truyền và thu nhặt bất cứ vật dụng nhựa nào bạn thấy trong nhà, ngoài đường, thậm chí cả nơi công sở…

Phương Thúy (tổng hợp)

Bài viết khác: