lam theo bac 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1959. Ảnh: TL

Nguồn mạch chính trị của người làm báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt cuộc đời không ngừng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng cốt lõi của Người là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thấm thía tư tưởng của Người nên lớp lớp nhà báo nối tiếp nhau, miết mải tuyên truyền lý tưởng, ý chí cách mạng cho nhân dân và chiến sỹ; theo sát phục vụ sách lược và chiến lược cách mạng của Đảng “Về vấn đề dân tộc, giai cấp và cách mạng giải phóng dân tộc; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...”.

Tư tưởng chính trị ấy ở Người, do Người và Đảng lãnh đạo đã tạo nên chiến thắng hào hùng của Cách mạng Tháng Tám; chiến thắng Điện Biên Phủ; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo tư tưởng cách mạng của Người, khi có chính quyền, Đảng ta đã tập trung xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Sinh thời, Người nhắc nhủ: Đảng là người lãnh đạo, nhưng cũng là đầy tớ trung thành của dân, nên phải thường xuyên rèn luyện, chỉnh đốn, xây dựng tổ chức vững mạnh về năng lực lãnh đạo, để xứng đáng là Đảng duy nhất cầm quyền. Vâng lời Người, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng hết sức coi trọng. Chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, làm trong sạch đội ngũ đã và đang tiến hành mạnh mẽ.

Nhà báo ai cũng ghi nhớ lời dạy chí tình của Bác tại Đại hội II - Hội Nhà báo Việt Nam: “Nhiệm vụ của Hội Nhà báo là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ”; “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì việc khác mới đúng được!”. Ý thức sâu sắc lời dạy của Bác nên báo giới cả nước nhập cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, thông tin nhanh, sâu sắc, tương tác, đa thể loại... phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đề cao đạo đức báo chí

Bác quan niệm đạo đức là cái gốc của người cán bộ cách mạng. Người ví: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Đạo đức trong tư tưởng của Người là đoàn kết, là đạo đức của Đảng. “Đoàn kết là thắng lợi. Đoàn kết là then chốt của thành công”! (Tư tưởng HCM - Nxb Chính trị quốc gia). Đó là tư tưởng nhưng cũng là hành động cách mạng của Người. Người dạy: “Dân ta phải nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Phải chống lại căn bệnh “quan liêu”, “tham nhũng, lãng phí”, “chủ nghĩa cá nhân”, “xa dân” mà Người cho đó là “giặc nội xâm”.

Người khuyên: Đảng phải xây dựng cái tốt đẹp cho con người, cho xã hội. “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; phải xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ trung thành của nhân dân” (Di chúc của Người)! Như thế đủ thấy quan niệm đạo đức của Bác không chỉ là hành vi giao tiếp, ứng xử mà còn biểu hiện sâu đậm trong công việc. Cho nên, làm báo phải thạo nghề, phải có tâm, có đức. Tâm, đức thể hiện trong cách viết, trong lối diễn đạt, trong sử dụng ngôn từ.

Phải yêu nước, thương dân; trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; cần, kiệm, liêm, chính; thẳng thắn, đứng đắn, khiêm tốn, cầu tiến bộ; vì lẽ phải và sự công bằng; có tinh thần quốc tế trong sáng. Tư tưởng và đạo đức cách mạng của Người được thể hiện khá nhuần trong “10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”, trách nhiệm của chúng ta là phải giúp nhau nghiêm chỉnh thực hiện; tự soi để căn chỉnh hành vi của mình.

lam theo bac 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo năm 1960. Ảnh: TL

Phong cách cần có của người làm báo

Phong cách Hồ Chí Minh biểu hiện rất đậm trong đời sống và trong công việc cách mạng. Người là hình mẫu điển hình nhất của phong cách quần chúng, nói rõ, viết ngắn, cụ thể, sát thực. Người giản dị, chân tình, lịch thiệp, linh hoạt, chủ động; yêu dân, thương dân, thăm dân khi úng, lúc hạn; dậy dân cách trồng cây, xây giếng; thăm hỏi người già, người nghèo khó.

Nói về đoàn kết với dân miền biển, Người ví: “Như chiếc thuyền, người lái và người chèo phải một hướng, phải đoàn kết với nhau”!

Người cũng là mẫu hình sáng nhất về phong cách tư duy khoa học, tự chủ, sáng tạo, hiện đại, nhìn xa, trông rộng mang tính chân lý. Cùng đó là phong cách làm việc cụ thể. Với cán bộ lãnh đạo Người yêu cầu phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, cá nhân phụ trách; phải làm gương trong công tác và lối sống; nói phải đi đôi với làm.

Người nhấn mạnh tính cẩn trọng: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử lý vấn đề này kết quả sẽ ra sao? Phải suy nghĩ kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy” (X.Y.Z - Sửa đổi lối làm việc).

Người nhắc nhở nhà báo phải trách nhiệm cao khi thông tin: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”! Học Người, các nhà báo đã sâu sát thực tế hơn, phản ánh thực tại như cuộc sống vốn có.

Bớt đi những tin, bài nhạt nhòa, nông cạn, những bài báo viết theo báo cáo, diễn lại chủ trương. Bớt đi những thông tin chiêu trò “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Học phong cách của Bác, các cấp Hội Nhà báo luôn hưởng ứng phong trào thi đua: Vinh danh nhà báo tốt, trao thưởng những tác phẩm đúng, trúng, hay, giàu sức lan tỏa.

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Người; báo giới tự hào luôn năng nổ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp sức tạo nên những dấu mốc lịch sử vẻ vang, hiển hách của dân tộc./.

 

 

Nguyễn Uyển

Theo nguoilambao.vn

Nguyễn Thị Hương (st)

 

Cách mạng thành công, Người dậy cán bộ “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”! (Thư gửi các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945).
Với người làm báo, (tại Đại hội III - HNBVN), Người dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”...
Người dạy cách viết, phải tự vấn: “Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì? Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? - Viết cho đại đa số: Công - Nông - Binh! Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng! Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: Ta, bạn, thù thì viết mới đúng”! (Lớp chỉnh Đảng Trung ương, ngày 17/8/1953).

 

Bài viết khác: