Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống “bệnh thành tích” vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù những phương thức, “toa thuốc” mà Người đưa ra có vị đắng, thậm chí phải dùng đến liệu pháp sốc - “giải phẫu cắt bỏ”. 

Vào những ngày đầu toàn quốc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đất nước ta gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Để vượt qua những khó khăn đó, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc cho kháng chiến và kiến quốc. Trên cơ sở chỉ thị của Trung ương, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (đăng trên Báo Cứu quốc, số 968, ngày 24/6/1948) nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong cả nước tham gia phong trào thi đua yêu nước. Trong chỉ đạo công tác thi đua một trong vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm là chống “bệnh thành tích”.

toa thuoc
Minh họa: nguồn: Internet

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thi đua rất dễ nảy sinh “bệnh thành tích”, chỉ thấy thành tích mà không thấy khuyết điểm. Người chỉ ra “bệnh thành tích” trong thi đua biểu hiện ở thành tích ít nhưng báo cáo nhiều, hoặc chỉ báo cáo thành tích còn khuyết điểm thì che giấu đi; biểu hiện ở việc làm bừa, làm ẩu, phô trương thành tích. Người nói: “Nhiều cán bộ, công nhân ta đến nay vẫn chỉ chú ý thi đua làm nhiều, làm nhanh, mà chưa chú ý thi đua làm cho tốt. Một số người vì muốn có nhiều “thành tích”, hoặc vì muốn được hưởng mức công cao, lại còn làm bừa, làm ẩu” [1]; “Năm ngoái, phong trào rầm rộ và rộng khắp, cho nên về số lượng thì rất khá, trồng được rất nhiều. Nhưng vì tham trồng nhiều mà ít lo giữ gìn săn sóc, cho nên chất lượng kém, cây trồng thì nhiều, cây sống tốt thì ít. Có cơ quan lại tính cả những cây sú trồng ở bờ biển, để phô trương “thành tích” trồng cây!” [2].

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tác hại của “bệnh thành tích” dễ dẫn đến xa rời quần chúng. Người đã phê bình những cá nhân như vậy: “Họ không hiểu rằng: Có thành tích đó là nhờ lực lượng của quần chúng, nhờ chính sách của đoàn thể. Họ tự cao tự đại, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, không cầu tiến bộ nữa” [3].

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở rằng, sính thành tích dễ nảy sinh tự mãn, thỏa mãn dừng lại. Người nói: “Bộ đội ta có nhiều thành tích thi đua tiến nhanh vượt mức kế hoạch. Nhưng không nên tự mãn với những thành tích đó mà còn phải nâng cao quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, còn phải cố gắng hơn nữa để lập những thành tích to lớn hơn nữa về công tác học tập và lao động sản xuất” [4].

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán tình trạng đề cao thành tích cá nhân, tách rời thành tích cá nhân và tập thể. Người nói: “Các anh hùng, chiến sĩ thi đua thì cần nhận rõ rằng: Thành tích là thành tích chung của tập thể. Tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm được gì” [5].

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ “bắt mạch”, nhắc nhở, cảnh báo căn bệnh thành tích, mà còn “kê đơn” với những chỉ dẫn hết sức sâu sắc để “chữa trị” căn bệnh này. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn bệnh thành tích nảy sinh từ nhiều nguyên nhân, do đó để đẩy lùi và khắc phục nó phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp từ nhận thức tư tưởng cho đến công tác tổ chức. Trước hết, theo Chủ tịch Hồ CHí Minh, nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này là động cơ thi đua không đúng đắn, thay vì thi đua, lại ganh đua với nhau. Do đó, theo Người phải làm tốt việc giáo dục, xây dựng động  động cơ thi đua. Người nói: "Phải làm cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ hiểu được lợi ích của thi đua trên là vì nước, dưới là vì nhà, một là ích nước, hai là lợi dân’’. Khi mọi người dân đã hiểu rõ lợi ích của thi đua thì tất cả mọi khó khăn đều có thể giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều có thể sửa chữa được.

Bệnh thành tích trong thi đua còn nảy sinh từ sự mất đoàn kết, ganh đua trong thi đua, vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong thi đua phải thực hiện tốt khâu đoàn kết. Người nói: “Chúng ta đoàn kết để thi đua. Thi đua phải có tổ chức, có kế hoạch. Thi đua không phải ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ” [6].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bệnh thành tích trong thi đua còn nảy sinh từ sự giấu khuyết điểm, sợ công khai khuyết điểm, do vậy Người đã thẳng thắn chỉ ra: “Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại,… Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc”. Và, Người khẳng định rằng, công khai thừa nhận khuyết điểm là liều thuốc đắng dã tật. Người nói: “Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cán bộ, thì uy tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao” [7]; “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ…” [8].

Để khắc phục bệnh thành tích trong thi đua, điều mấu chốt nhất theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phong trào thi đua phải có sự lãnh đạo đúng và tổ chức tốt. Theo Người, lãnh đạo đúng tức là trước khi tổ chức thi đua, các chủ thể cần xác định rõ: Phương hướng, mục đích, mục tiêu, nội dung, kế hoạch, biện pháp... của phong trào. Đặc biệt là, Người nhắc nhở: “Khi có chỉ tiêu kế hoạch rồi chưa đủ mà phải có biện pháp cụ thể, vững chắc, phải có tinh thần cố gắng rất cao để thực hiện bằng được kế hoạch đề ra. Chỉ tiêu kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, cố gắng phải ba phần” [9]. Người còn yêu cầu trong thi đua: “Cán bộ phải gương mẫu, cán bộ phải xung phong đi trước, làng nước theo sau, việc khó đến đâu cũng làm được hết”. Người cán bộ lãnh đạo hơn lúc nào hết nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, phải đi đúng đường lối quần chúng; phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng tình cảm, ý chí quyết tâm, động cơ thi đua đúng đắn cho mọi người, biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn dân. Trong tổ chức thi đua, lãnh đạo phải sâu sát, không được quan liêu, hình thức, bám sát phong trào, kịp thời kiểm tra, uốn nắn, hướng phong trào thi đua đi đúng hướng; thường xuyên làm tốt công tác sơ, tổng kết, sớm phát hiện ra những sáng kiến hay, những kinh nghiệm tốt để động viên, phổ biến kịp thời.

Nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng từ những ngày đầu tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào thi đua trong thời kỳ đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhưng có thực tế là, căn “bệnh thành tích” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng nhắc nhở, cảnh báo và ngăn chặn, giờ đây đã trở lên khá trầm trọng, gây tác hại nhiều mặt và ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào thi đua.

Hiện nay “bệnh thành tích” không chỉ biểu hiện ở việc làm chưa tốt nhưng báo cáo hay, thành tích ít báo cáo nhiều mà còn biểu hiện ra muôn hình vạn trạng, có biểu hiện thô lậu dễ thấy, có biểu hiện tinh vi khó lường. Không chỉ có tập thể, cán bộ, công chức nhà nước mà cả người dân bình thường cũng có thể mắc bệnh. “Bệnh thành tích” đã xâm nhập vào các gia đình và trẻ em. Không ít học sinh gian lận, quay cóp trong học tập, thi cử để có thành tích học tập cao. Và, không chỉ các em học sinh ham muốn thành tích mà chính phụ huynh và người dạy cũng là đồng tác giả của “bệnh thành tích”.

Từ tâm lý “sính thành tích” mà nhiều ngành, cơ quan, đơn vị đặt chỉ tiêu thi đua “trên mây”, không thực tế nhưng lại tìm mọi thủ đoạn, mánh lới để có được chỉ tiêu thi đua đó, nhưng đó chỉ là kết quả, thành tích giả.

Không chỉ có cá nhân gian lận thành tích mà còn có cả tập thể, tổ chức cũng gian lận thành tích. Để có thành tích, nhiều tổ chức, tập thể còn cố ý che giấu khuyết điểm; khi có vụ việc xẩy ra hoặc không báo cáo hoặc phải báo cáo thì dựng ra tình tiết giảm nhẹ, để xử lý nội bộ. Đồng thời, không ít cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cơ quan đơn vị bằng mọi cách để cơ quan, đơn vị mình có thành tích cao nhằm “đánh bóng” bản thân, mong được “thăng quan tiến chức”.

Bệnh thành tích cũng phái sinh ra tình trạng mua bán thành tích. Trong thời gian qua chúng ta không ngạc nghiên khi được biết “phong bì, phong bao, quà cáp, lợi ích vật chất,…” làm sai lạc kết quả thanh tra, kiểm tra, sai lạc thành tích thực tế. Đặc biệt là, dưới tác động mặt trái của kinh tế thị trường, bên cạnh cạnh tranh lành mạnh, xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng biện pháp, thủ đoạn xấu để chèn ép, gây khó khăn với đối tác cạnh tranh,…

Có thể thấy rằng, những vụ việc tiêu cực, gian lận, chạy chọt, mua bán thành tích được phát hiện và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua chỉ là những “tảng băng nổi”, những “váng dầu”, đó chưa phải là tất cả. Nhìn thẳng vào sự thật, “bệnh thành tích” đã rất trầm trọng, là đại dịch có thể lây nhiễm đối với mọi cá nhân, tập thể, mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Từ thực trạng trên, ngăn chặn và đẩy lùi “bệnh thành tích”, làm cho phong trào thi đua nước ta thực sự “khoẻ mạnh”, có sức sống mới, là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống “bệnh thành tích” vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù những phương thức, “toa thuốc” mà Người đưa ra có vị đắng, thậm chí phải dùng đến liệu pháp sốc - “giải phẫu cắt bỏ”, nhưng chữa trị được “bệnh thành tích” mong các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân thực hiện./.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.90
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.263
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.167
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.436
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.200
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.417
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.584
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.584
[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, tr.261

PGS, TS. Nguyễn Đức Độ
- Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự/Bộ Quốc phòng

Theo toquoc.vn

Thu Quyên (st)

Bài viết khác: