Bác Hồ đã theo sát từng bước tiến của các trí thức này và thường xuyên có những thư ngắn để động viên, thăm hỏi.

Bác Hồ là vị lãnh tụ đặc biệt quý trọng trí thức. Trong thư gửi Tổng bộ Việt Minh Bác đã viết: 

"Việt Minh định tổ chức một Chính phủ rộng rãi, gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia. 

Lúc đó có người nghĩ rằng các nhân sĩ có danh vọng chưa chắc vui lòng hợp tác với Việt Minh. 

Song vì Việt Minh đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc, cho nên các bậc có tài đức, danh vọng đều vui lòng hợp tác trong Chính phủ" (Hồ Chí Minh toàn tập, 1995, tập 5, trang 412).

Khi thành lập Chính phủ tại kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa I (ngày 03/11/1946), Bác Hồ đã đề nghị lựa chọn khá nhiều trí thức không phải là đảng viên. 

Ðó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Trần Ðăng Khoa, Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Ðình Hòe, Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Không bộ Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật.

GS Dung 1
Bác Hồ với các nhà trí thức yêu nước (Ảnh: Tác giả cung cấp).

Về sau Bác cho biết: "Khi tổ chức Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Ủy ban Trung ương do Quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham gia Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động xin lui, để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh.

Ðó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân.

Ðó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học" (Sách đã dẫn, 1996, tập 6, trang 160).

Năm 1947, Chính phủ được cải tổ với sự tham gia thêm của một số trí thức ngoài Ðảng khác như: Bộ trưởng Kinh tế Phan Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám.

Sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, Bác Hồ mời cụ Phan Kế Toại làm Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ. 

Khi đó trong Chính phủ có tới mười vị là người ngoài Ðảng nhưng đều là những trí thức nhiệt tình và đem hết tâm trí ra để hoàn thành trọng trách của mình.

Ông Tạ Quang Bửu là một nhà toán học nổi tiếng (lưu học tại Ðại học Paris, Bordeaux - Pháp và Ðại học Oxford - Anh) về nước năm 1934 và dạy học ở Huế. 

Năm 1945 cùng Luật sư Phan Anh ra Hà Nội để tham gia cách mạng.

Tháng 3/1946 tuy chưa vào Ðảng ông đã được Bác Hồ giao cho làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tháng 8/1947, mới được kết nạp vào Ðảng tròn một tháng ông đã được giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Sau ngày hòa bình lập lại, ngày 20/9/1955, Chính phủ được bổ sung và thay đổi nhân sự.

Ðến lúc này trong Chính phủ vẫn còn tám vị Bộ trưởng là người ngoài Ðảng. 

Có những vị đã hoàn thành một cách xuất sắc cương vị công tác của mình trong mấy chục năm liền (Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Ðăng Khoa...). Cụ Phan Kế Toại về sau được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh các vị trí thức tham gia Chính phủ, Bác Hồ còn ân cần chăm sóc đội ngũ trí thức ngoài Ðảng tham gia trực tiếp trong các ngành Giáo dục, Y tế, Khoa học... 

Trong bản báo cáo với Bác sau cuộc Chỉnh huấn ở chiến khu Việt Bắc, Giáo sư Hồ Ðắc Di đã viết: "Hôm qua tôi đã tu trong chuyên môn, say mê với kỹ thuật, ngày mai tôi sẽ ăn chay nằm đất trong quần chúng, vui sống với nhân dân. Lời hứa này tôi quyết tâm thi hành". 

Và quả đúng như vậy, trong suốt cuộc đời mình Giáo sư Hồ Ðắc Di cùng các trí thức lớn được Bác Hồ giao trọng trách xây dựng ngành Y tế như Tôn Thất Tùng, Ðặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Ðặng Văn Chung, Ðỗ Xuân Hợp... đã có những cống hiến hết sức xuất sắc. 

Bác Hồ đã theo sát từng bước tiến của các trí thức này và thường xuyên có những thư ngắn để động viên, thăm hỏi. 

GS Dung 2
Bác Hồ nói chuyện với Giáo sư Trần Hữu Tước và các đại biểu trí thức là đại biểu Quốc hội  (Ảnh: Tác giả cung cấp).

Một cái thiếp Bác gửi cho Giáo sư Tùng chỉ có vài dòng nhưng chứa chan tình thân ái:

"Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: Chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. 

Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. 

Thím và các cháu đều mạnh khỏe chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng".

Bác còn đặt tên là Bách cho con trai cả của Giáo sư Tùng.

GS Dung 3
Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành Y (Ảnh: tác giả cung cấp).

Ngành Giáo dục cũng có rất nhiều trí thức ngoài Ðảng được Bác Hồ chăm sóc, bồi dưỡng và tin tưởng giao cho những trọng trách nặng nề. 

Ðó là Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, vị Bộ trưởng tận tụy hoạt động suốt ba thập niên để xây dựng ngành Giáo dục. 

Khi nghe tin thân mẫu của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và bà Phan Kế Toại qua đời Bác viết thư chia buồn với lời lẽ thật thân tình:

"Cụ Phan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

Ông Nguyễn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục,

Tôi rất buồn được tin Bá Mẫu qua đời. Nhân danh tôi và nhân danh Chính phủ, tôi kính gửi lời chia buồn với Cụ và Ông cùng quý quyến, Hồ Chí Minh".

Ðó còn là rất nhiều Giáo sư ngoài Ðảng khác như: Giáo sư Ngụy Như Kontum, Giáo sư Nguyễn Xiển, Giáo sư Nguyễn Lân, Giáo sư Trần Văn Giáp, Giáo sư Trần Văn Khang, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, Giáo sư Nguyễn Thạc Cát, Giáo sư Ngô Thúc Lanh... được Bác cử sang Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc) để góp phần đào tạo ra hàng nghìn giáo viên và trí thức chuẩn bị cho đất nước sau khi kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp. 

Khi đang làm nhiệm vụ Giám đốc Giáo dục Liên khu X, Giáo sư Nguyễn Lân đã vô cùng cảm kích khi nhận được tấm Bằng khen của Bác Hồ với lời ghi Một Giám đốc có tài kèm theo là một bộ quần áo lụa bên trong có thêu dòng chữ Chúng cháu kính dâng Bác Hồ.

Về khoa học thì có lẽ trường hợp tiêu biểu nhất là Giáo sư Trần Ðại Nghĩa.

Ông chính là kỹ sư Phạm Quang Lễ, Bác trực tiếp thuyết phục ông và tìm cách bí mật đưa ông từ Pháp về nước để giao trọng trách làm Cục trưởng Cục Quân giới. Bác còn tự tìm tên để đổi cho ông. Bác nói:

"Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế kể từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Ðại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam".

Bác tin ai thì không có nhầm. Là một Việt kiều sống lâu năm xa Tổ quốc, mặc dù bắt đầu từ hai bàn tay trắng nhưng Giáo sư Trần Ðại Nghĩa đã ra sức góp phần tích cực xây dựng ngành Quân giới non trẻ để phục vụ trực tiếp cho chiến đấu. 

Có lần Bác gửi cho Giáo sư Nghĩa một chiếc áo len với mẩu giấy ghi hàng chữ:

"Chiếc áo sơ-mi của đồng bào Thái Lan tặng Bác. Bác tặng lại chú, mặc cho ấm để làm việc tốt". 

Có lần khác Bác còn căn dặn: "Khi nào chú bị người ta trù dập, chú báo ngay cho Bác biết để Bác giải quyết".

Những chuyện ấm lòng như vậy kể sao cho xiết.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Theo http://giaoduc.net.vn/

Bích Hồng (st)

Bài viết khác: