Trong căn nhà của mình trên phố Đội Cấn (Hà Nội), ông bà đặt trang trọng tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu học sinh Việt Nam tại Trường Moritzburg (Đức) năm 1957.
Thấy chúng tôi thích thú với bức ảnh có Bác Hồ, ông Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán - Công sứ, Phó Đại sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, hiện là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Đức, tự hào khoe về người vợ hiền (bà Lê Thanh Nga) cũng có mặt trong đó. Bức ảnh được ông tình cờ có được trong quá trình sưu tầm tư liệu miệt mài của mình.
Bé gái Lê Thanh Nga (mặc trang phục truyền thống, ngồi hàng đầu)
trong bức ảnh chụp với Bác Hồ ở Đức, năm 1957.
Ông kể rằng, ngày ấy, bà cùng các bạn học sinh Việt Nam học ở Đức khi được Bác Hồ sang thăm, căn dặn đều rất vui mừng. Ai cũng muốn ở gần Bác nhất. Bà may mắn được lên hàng đầu. Lúc đó, bà không hề biết về bức ảnh. Cho đến khi ông sưu tầm được, phải nhìn kỹ bà mới nhận ra mình.
Ông sang Đức học năm 1964, bà sang lại năm 1965, đều theo diện học sinh được cử đi học ở nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông bà cùng trường, cùng tham gia nhiều hoạt động của học sinh, sinh viên tại Đức. Kính trọng Bác, làm theo lời Bác dạy với sinh viên Việt Nam ở Đức là cố gắng học tập đạt kết quả tốt nhất. Cùng với việc học, họ vẫn luôn hướng về đất nước. Có nhiều hình thức để họ thể hiện tình cảm của mình như cùng với sinh viên quốc tế trong trường tổ chức biểu tình, tuần hành phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đòi Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, phản đối chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam; dự các cuộc mít tinh đoàn kết của Cộng hòa Dân chủ Đức với Việt Nam; lao động để chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt trong dịp nghỉ hè hay cuối tuần, cả đoàn đi lao động ở các công trường của Đức như ở các đường sắt, lò cao nóng bức; mỗi người trích ra 10 mác để ủng hộ đất nước, tham gia hiến máu…
Ông bà Trần Ngọc Quyên và Lê Thanh Nga trong lần trở lại Đức
thăm trường và cô giáo cũ. Ảnh do nhân vật cung cấp
Năm 1971, họ thành hôn và là cặp đôi Việt Nam đầu tiên được phép kết hôn chính thức ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Hai đại sứ đứng ra làm đại diện nhà trai và nhà gái, tất cả cán bộ sứ quán, bạn bè đến dự. Thời đó, vì chưa có tiền lệ kết hôn ở nước ngoài nên sứ quán không có mẫu giấy tờ kết hôn. Người phụ trách lãnh sự nảy ra sáng kiến làm thành tờ biên bản kết hôn. Cho đến bây giờ, ông bà vẫn giữ và không đổi sang giấy tờ kết hôn khác. Cả thời gian yêu nhau, hay sau này khi đã thành hôn, trong câu chuyện của họ là những tình cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm trường năm đó, chuyện học hành ở trường cũ… Sau này, cả hai người quay lại thăm trường cũ, thăm cô giáo, hẹn các bạn trở về…
Trong số các tư liệu ông sưu tầm, bộ sưu tập đầu tiên và cũng là bộ sưu tập đồ sộ nhất của ông chính là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhớ lại: “Năm 1969, khi Bác Hồ qua đời, đoàn lưu học sinh ở Đức lập bàn thờ Bác tại ký túc xá và phối hợp với Ban Lãnh đạo nhà trường tổ chức lễ tưởng niệm Bác tại giảng đường chính của trường. Trở về, tôi đã mua tất cả báo tiếng Đức, cả Trung ương và địa phương viết về tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Lúc đó chỉ là ý thức làm kỷ niệm nhưng sau này, các tờ báo và ảnh sự kiện trên trở thành tư liệu quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước Đức”. Đến nay, ông có hồ sơ tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh gần như toàn bộ từ năm 1924 đến nay bằng tiếng Đức, một số hiện vật quý như Huy chương, Huy hiệu, phù điêu bằng đồng, tranh cổ động và tranh nghệ thuật, tượng bán thân, tem thư… Nhiều tài liệu, hiện vật trong số đó đã được ông tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Bộ Ngoại giao.
HUY AN
Theo http://www.qdnd.vn/
Huyền Trang (st)