1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám đã xóa bỏ chính quyền phong kiến và thực dân, xây dựng nước Việt Nam độc lập với pháp luật của chế độ dân chủ nhân dân và đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Một nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, trước hết phải là một nhà nước hợp hiến. Do đó, sau khi giành được chính quyền trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới về sự khai sinh của Nhà nước Việt Nam mới, đồng thời biểu dương lực lượng và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do. Bản Tuyên ngôn độc lập không những xác định quyền con người của các dân tộc mà còn có giá trị đóng góp vào sự phát triển của nền pháp lý tiến bộ của nhân loại.
Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ cấp bách: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Ngày 17/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Ngày 20/9/1945, Người ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ủy ban do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.
Chỉ bốn tháng sau ngày độc lập cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành trong cả nước khi Nam bộ đã bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bắc bộ đang phải đối phó với những yêu sách gây rối và phá hoại của giặc Tưởng và bè lũ tay sai. Cuộc tổng tuyển cử có hơn 90% cử tri đi bỏ phiếu, 330 đại biểu trúng cử. Quốc hội đầu tiên khai mạc ngày 02/3/1946.
Tư tưởng về nhà nước pháp quyền được thể hiện không chỉ trong các bài viết, bài phát biểu của Người về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, mà còn trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Hồ Chí Minh với tư cách là người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước và hệ thống pháp luật của nước Việt Nam mới, phấn đấu để Nhà nước ta thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước kiểu mới, toàn bộ quyền lực Nhà nước là của nhân dân. Điều 1 Hiến pháp 1946 khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Theo Hồ Chí Minh, một Nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh là Nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Trong một Nhà nước dân chủ, pháp luật và dân chủ phải luôn đi đôi với nhau mới bảo đảm chính quyền mạnh mẽ. Không thể có dân chủ ngoài pháp luật, pháp luật là bà đỡ của dân chủ. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, ngược lại hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do dân chủ của người dân được thực hiện trong thực tế. Người chỉ rõ, Nhà nước phải hình thành các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân, đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước phải hết lòng phục vụ nhân dân với tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, “việc gì lợi cho dân, phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh”.
Trong tư tưởng của Người, Nhà nước của dân, do dân không chỉ ở chỗ Nhà nước đó do dân lập ra thông qua bầu cử dân chủ, mà phải xin ý kiến nhân dân những công việc hệ trọng, phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Nhân dân có quyền phê bình, xây dựng, giúp đỡ Nhà nước. Quyết định dân chúng cho là không hợp thì phải sửa chữa. Phải dựa vào ý kiến của nhân dân mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của Nhà nước. Người chỉ rõ: Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân.
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, phải nghiêm minh và phát huy hiệu lực thực tế. Người rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước có trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ hành chính và nhất là phải có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận tâm, tận lực suốt đời phục vụ nhân dân. Đồng thời, Người rất coi trọng việc giáo dục pháp luật cho nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức làm chủ, phát triển văn hóa chính trị, đạo đức và tính tích cực công dân. Muốn pháp luật có hiệu lực thực tế, mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật, mọi người phải gương mẫu thực hiện pháp luật, không ai được phép lợi dụng chức vụ, quyền hạn để được ngoại lệ. Trong việc thi hành pháp luật cái khó nhất là phải bảo đảm được tính vô tư, khách quan, công bằng, bình đẳng với mọi công dân trước pháp luật .
2- Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà chính trị lão luyện và sáng suốt đã tích lũy được những kinh nghiệm lịch sử quý báu trong văn hóa trị nước của loài người và đã vận dụng nó một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo. Người đòi hỏi cán bộ cách mạng phải sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ hy sinh, phải quyết tâm chiến đấu đến cùng vì sự nghiệp cách mạng, phải coi đạo đức cách mạng như phẩm chất đầu tiên của mình: Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Trong xã hội ta, pháp luật là sản phẩm phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, nên các nội dung quy định của pháp luật là sự kết tinh của ý Đảng và lòng dân, Vì vậy, tuân thủ, thượng tôn pháp luật chính là tuân thủ, thượng tôn ý chí của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Đây là một trong những yêu cầu đạo đức hàng đầu của cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh từng khẳng định: Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Dự cảm của Người chỉ ra rằng, trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên dễ lợi dụng chức quyền của mình và uy tín của Đảng để lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi, ức hiếp quần chúng và dễ bị tha hóa. Nếu thiếu tư cách đạo đức thì cán bộ, đảng viên không thể nhận thức đúng và vận dụng đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí còn cố ý bóp méo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để mưu lợi cho cá nhân, gia đình hoặc thân hữu, từ đó làm mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Vì vậy, liên tục trong 4 tháng, kể từ khi có chính quyền, Hồ Chí Minh đã viết và nói tới hơn chục bài về giáo dục và rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Theo Người, khi cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành pháp luật nghiêm thì sẽ là những tấm gương tốt lan tỏa lối sống thượng tôn pháp luật trong xã hội và ngược lại, khi không gương mẫu chấp hành pháp luật, sẽ trở thành những tấm gương rất xấu, làm xói mòn lòng tin của người dân vào tính uy nghiêm của pháp luật, của Đảng và chế độ. Đi đôi với giáo dục đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời ban hành pháp luật bằng việc ngày 27/11/1945 ký pháp lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 26/01/1946, Người ký quốc lệnh khép tội tham ô trộm cắp vào tội tử hình. Người kêu gọi nhân dân hãy tham gia giám sát công việc của Chính phủ. Theo Người, sức mạnh của Nhà nước một mặt dựa vào tính nghiêm minh của việc thi hành pháp luật, mặt khác dựa vào sự gương mẫu, sự trong sạch về đạo đức của người cầm quyền, nên Người đòi hỏi cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân.
Những hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời các nguyên tắc của Đảng, coi thường pháp luật. Không còn ý thức hết lòng vì nước vì dân, chỉ còn lại tham vọng chức vụ quyền lực để đem lại lợi ích cá nhân. Từ lũng đoạn kinh tế làm nghèo đất nước, làm sai lệch cán cân công lý đến lũng đoạn chính trị, phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Vì vậy kiểm soát quyền lực bằng giáo dục pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, giáo dục đạo đức cách mạng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức trong sáng lối sống lành mạnh, trở thành yêu cầu bức bách để ổn định và phát triển.
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức và tăng cường pháp luật cần được chúng ta kế thừa và phát huy trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, trong sạch, vững mạnh có hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, xây dựng Đảng về đạo đức và việc đề cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời.
Thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên để cán bộ, đảng viên gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật là một trong những biện pháp nhằm góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, bảo đảm mọi người dân đều tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật, phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, trong quản lý đất nước và kiến tạo sự phát triển bền vững.
Suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gương mẫu chấp hành kỷ cương phép nước đồng thời cũng suốt đời kiên trì giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền. Chuẩn mực đạo đức càng cao thì vai trò nêu gương chấp hành luật pháp của cán bộ, đảng viên càng quan trọng bấy nhiêu. Đồng thời phải có chế tài đủ mạnh để xử lý bất kỳ ai sa sút đạo đức, vi phạm pháp luật.
Trần Công Huyền
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử
Trần Thanh Huyền (st)