Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống rất giản dị, khiêm nhường, hòa mình với thiên nhiên nhưng vẫn toát lên tư tưởng đạo đức lỗi lạc, gần gũi, lịch thiệp mà đúng mực. Những người bạn quốc tế từ người dân bình thường đến các nguyên thủ quốc gia, khi tiếp xúc đều tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm phục Người.

Vị lãnh tụ giản dị...

Có lẽ hiếm vị lãnh tụ nào lại sống giản dị như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong một lần tới thăm Việt Nam năm 1964, Haramada Satomi, nguyên Ủy viên Thường vụ Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản và Yonehara Ytaru, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Haramada Satomi nhớ lại: “Quần áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh giống như quần áo của nông dân Việt Nam vẫn thường mặc. Người đi dép cao su cắt từ lốp ô tô ra. Những điều đó làm tôi thực sự hiểu được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh được hơn 30 triệu nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc tôn kính, tin cậy và yêu thương vô hạn”(1).

Còn bà Johanne, phu nhân của cố Thủ tướng Đức Otto Grotewohl, kể lại rằng, trong chuyến thăm Việt Nam năm 1959, bà may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Một ngôi nhà sàn hai gian thoáng đãng, tầng dưới cả bốn bên đều trống, trên tầng hai chia làm hai phòng. Bà chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng xúc động về cách sinh hoạt đơn giản, thanh bạch của Người. Một vị Chủ tịch Nước mà đi dép cao su quai to, mặc bộ kaki đã sờn, vào mùa rét thì cũng chỉ khoác thêm một cái áo kaki bốn túi màu nâu, cũng đã sờn…”(2).

lanh tu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Voroshilov K.E, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô ở Tbilisi, Gruzia, ngày 21/7/1959. Ảnh: Sputnik.

Trong một lần phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo người Australia Wilfred Burchett cũng từng hỏi: “Thưa Chủ tịch, văn phòng của Chủ tịch ở đâu?”. Câu trả lời sau đó đã khiến nhà báo Wilfred Burchett hết sức kinh ngạc khi được biết văn phòng của Người là nơi “lúc nào trời tạnh thì ở ngoài hiên, khi nào trời mưa ở trong buồng ngủ”. “Một phong cách sống của một danh nhân văn hóa mang nét đặc trưng của tâm hồn người Việt”, nhà báo Wilfred Burchett thốt lên.

Kiên định đi tìm con đường cho dân tộc bằng lòng chân thành

Dù trên cương vị Chủ tịch Nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không câu nệ về đẳng cấp, chức vụ, không chỉ với các nguyên thủ quốc gia, những người bạn lâu năm mà cả với những phóng viên, nhà báo, nhà văn muốn phỏng vấn Người để hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh cách mạng chính nghĩa của Việt Nam. Trong số những người tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành nhiều tình cảm đối với Việt Nam phải kể tới Alain Ruscio - nhà sử học nhiều năm gắn bó với Việt Nam. Ông từng là phóng viên thường trú của Báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp ở Việt Nam đầu thập niên 1980. Với tình yêu và sự am hiểu về Việt Nam, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách viết về đất nước và con người nơi đây.

Đối với nhà sử học Alain Ruscio, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là vị lãnh tụ vĩ đại của thế kỷ XX mà ông hằng ngưỡng mộ. Ông cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bởi Người luôn quyết tâm thực hiện những lý tưởng cao đẹp, đó là độc lập cho dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, dù muôn vàn khó khăn trên hành trình đi tìm con đường cho dân tộc song Người vẫn kiên định thực hiện mục tiêu đó bằng lòng chân thành. Ông đã gặp và phỏng vấn nhiều nhân vật của lịch sử, trong đó cũng có những người mang tư tưởng đối lập với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả đều khẳng định sự chân thành của Người. Dù trong mọi hoàn cảnh, Người luôn sẵn sàng đối thoại để tìm kiếm và ưu tiên giải pháp hòa bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm rằng, thắng lợi của Việt Nam chính là bởi ý chí, nghị lực của nhân dân Việt Nam, song một phần không thể thiếu chính là sự đoàn kết, ủng hộ của bạn bè trên thế giới.

“Bất cứ người nào đó có lương tri trên thế giới này, muốn có một cuộc đời như cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ cảm thấy cuộc sống như ấm áp hơn, đáng tự hào, có hy vọng hơn. Bởi vì cuộc đời ấy, tấm lòng ấy giống như biển rộng, sông dài, còn tươi sáng mãi trong lịch sử thời đại ngày nay” (3), Thủ tướng Chu Ân Lai đã từng viết như vậy.

Phương Linh

Theo Báo Quân đội nhân dân

Hoàng Quân (st)

---------

(1) Trích bài đăng trên Báo Acahata, Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản số ra ngày 5-9-1969.

(2) Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb Thông tấn H 2007.

(3) Tình thương của Bác, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.100.

Bài viết khác: