Trên quê hương đất lúa Thái Bình, có một người cựu thanh niên xung phong, bằng niềm kính yêu tuyệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thầm lặng lập bàn thờ Bác suốt 40 năm qua. Bà là Đỗ Thị Mến, ở thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Cưu TNXP 1
Bà Mến trước cổng vào nhà sàn 19 tháng 5.

7 lần mang thai, 7 lần mất con

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng những vết thương mà nó để lại thì vẫn còn dai dẳng. Gặp bà Mến, chúng tôi cảm nhận được nỗi đau của thời hậu chiến.

Là con út trong một gia đình nghèo khó, tuổi thơ bà Mến phải chứng kiến cảnh hai người anh trai chết đói năm 1945. Một người anh trai khác tham gia du kích rồi nhập ngũ lên đường chống Pháp và hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Gia đình chỉ còn hai chị em gái. Người chị Đỗ Thị Mượt của bà từng nổi tiếng vì góp phần làm ra chiếc xe cút kít giúp người nông dân Thái Bình giải phóng đôi vai trong việc vận chuyển thóc lúa, hàng hóa. Vì thành tích này, năm 1962, bà Mượt đã vinh dự được nhận Huy hiệu Chiến sĩ thi đua của Bác Hồ.

Năm 1966, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, bà Mến hăng hái tham gia Thanh niên xung phong. Năm 1967, bà được kết nạp vào Đảng. Sau đó bà về quê gánh vác nhiều việc làng, xã như làm Bí thư Chi bộ, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo...

Chồng bà là ông Nguyễn Quang Dòng, nhập ngũ năm 1957, làm nhiệm vụ tuyển quân và huấn luyện quân ở chiến trường Quảng Trị, sau đó chuyển vào chiến trường Tây Nam. Năm 1972, trong một lần về phép, được sự giới thiệu của hai bên gia đình, ông làm đám cưới với bà Mến.

Lấy nhau được 2 ngày, ông Dòng trở lại làm nhiệm vụ ở khắp các chiến trường miền Nam, sang cả Lào và Campuchia. Năm 1984, với quân hàm Đại úy, ông về hưu, làm cán bộ nông nghiệp rồi cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã.

Sau hơn chục năm xa cách kẻ Bắc người Nam, ngày sum họp tưởng rằng sẽ là những ngày hạnh phúc nhất nhưng lại là lúc bà Mến phải gánh chịu những nỗi đau tột cùng của chiến tranh để lại. Chất độc da cam trong người ông Dòng đã khiến những đứa con của bà Mến không thể thành hình hài. Bảy lần bà mang thai thì cả bảy lần những đứa con không thể chào đời.

Nỗi đau chưa dừng lại ở đó, chất độc da cam bắt đầu hành hạ chồng bà. Ông bị sốt rét liên miên, rụng hết tóc, rồi bị những cơn đau quật ngã, không gượng dậy được. Năm 1999, ông Dòng qua đời sau cơn đau khủng khiếp. "Những phút giây ông ấy quằn quại với những cơn đau cuối cùng là những phút giây đến hết đời tôi cũng không thể nào quên" - bà Mến nghẹn ngào.

Nỗi đau của chiến tranh tưởng chừng đã đánh gục người cựu thanh niên xung phong ấy. Liền 2 năm sau đó bà luôn sống trong điên dại và mộng du. Nhưng rồi bà đã tự mình gượng đứng dậy, để sống và để hằng ngày hương khói, chăm nom bàn thờ Bác Hồ.

Cưu TNXP 2
Bà Đỗ Thị Mến đang thắp hương trên bàn thờ Bác.

 

Cưu TNXP 3
Ngôi nhà sàn 19 tháng 5 do bà Mến cùng các nhà
hảo tâm và bà con xóm làng chung tay xây dựng.

Nhà sàn 19 tháng 5

Năm 1972, khi mới cưới nhau, vẫn còn phải ở trong ngôi nhà tranh vách đất nhưng bà Mến và chồng đã dành nơi trang trọng nhất trong nhà để lập một bàn thờ Bác Hồ. Bà nói: "Trong lòng chúng tôi, Bác vẫn còn sống mãi. Tôi thờ Bác là thờ những ân tình của Bác dành cho đất nước, cho đồng bào".

Từ đó đến nay, suốt 40 năm, hàng ngày bà Mến vẫn cần mẫn lau dọn và thắp hương cho Bác. Cảm động trước tấm lòng thành kính của bà đối với Bác, bà con chòm xóm thường qua lại nhà bà Mến thăm nom và dâng hương lên bàn thờ Bác. Căn nhà nghèo khó của bà Mến trở thành nhà thờ Bác Hồ của xóm làng.

Mấy năm gần đây, từ những nỗi đau chiến tranh mà bà đã trải qua và lòng tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp chống xâm lược của Tổ quốc, bà Mến đã lập thêm hai bàn thờ nữa bên cạnh bàn thờ Bác Hồ. Bàn thờ thứ nhất thờ hương hồn các anh hùng, liệt sĩ, những người đã hy sinh tuổi xuân và xương máu cho dân tộc và các danh nhân, danh tướng của đất nước. Bàn thờ thứ hai thờ Tiên Tổ 1064 dòng họ ở Việt Nam. Tuy nhà rất nghèo nhưng các bàn thờ trong nhà bà lúc nào cũng được quét dọn tươm tất và nhang khói đủ đầy.

Năm 2009, được sự giúp đỡ của bà Trần Thị Hiền - Giám đốc Xí nghiệp in II, Viện Khoa học - Công nghệ và các nhà hảo tâm cũng như bà con xóm làng, bà Mến đã dành 500m2 đất khu nhà ở của mình để xây khu nhà sàn thờ Bác Hồ. Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu dáng ngôi nhà sàn trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Phía trước chính giữa ngôi nhà là ảnh Bác được treo trang trọng. Hai bên là cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Phía dưới là khẩu hiệu: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Bà Mến và bà con trong làng đặt tên đó là "Nhà sàn 19 tháng 5". Bây giờ, ngôi nhà sàn ấy không chỉ là nơi để bà con xóm làng dâng hương lên Bác mà còn là nơi lui tới của nhiều Đoàn tham quan trong và ngoài nước. Điều mà bà Mến trăn trở nhất lúc này là: "Công ơn trời biển của Bác trải khắp đất nước. Bác sẽ còn sống mãi với đồng bào, với dân tộc. Tôi chỉ mong mỗi địa phương đều có một căn nhà sàn nhỏ để làm nơi cho bà con dân làng tới thắp hương dâng Bác".

Cưu TNXP 4
Bà Mến cùng chiếc xe đạp Thống Nhất đã theo
 bà đi khắp nơi sưu tầm những tư liệu về Bác Hồ.

CƯu TNXP 5
Mâm hạt giống bà Mến gom nhặt ở mọi miền quê về dưới bàn thờ Bác.

Chiếc xe đạp và những việc không tên

Quanh câu chuyện về ngôi nhà sàn 19 tháng 5, người dân xã Thái Xuyên đến nay vẫn còn kể cho nhau nghe chuyện về chiếc xe đạp Thống Nhất của bà Mến với tất cả sự khâm phục.

Năm 1985, mặc dù nhà rất nghèo nhưng bà Mến đã tiết kiệm chi tiêu, rau cháo qua ngày để dành tiền mua một chiếc xe đạp Thống Nhất. Ngày đó chiếc xe đạp là tài sản rất quý. Mọi người không hiểu trong lúc đói kém như vậy vợ chồng bà mua xe đạp để làm gì. Chỉ đến sau này, bà con xóm làng mới hiểu được việc làm cao cả của bà.

Chiếc xe đạp ấy đã cùng bà Mến rong ruổi khắp nơi để bà sưu tầm những tư liệu, tranh ảnh, sách báo, phim truyện... liên quan đến cuộc đời hoạt động và làm việc của Bác Hồ.

Năm 1985, bà đạp xe vào tận Nghệ An để thắp hương cho Bác và xin bà con quê nội Bác ở Kim Liên, Nam Đàn một ít hạt lúa mang về làm kỷ niệm. Cũng từ đó, đi đâu bà cũng xin một ít hạt giống mang về. Những hạt giống ấy, bà bày trên một kệ gỗ đơn sơ, đặt dưới bàn thờ Bác. Trên đó, bà còn đề mấy câu thơ:

"Nơi đây phúc lộc nhờ Người

Cấy lúa, lúa tốt để đời ấm no"

"Những hạt giống ấy cũng như con cháu Người ở khắp mọi miền Tổ quốc về đây hội tụ, tỏ lòng tri ân với Bác" - bà Mến giải thích thêm.

Nhờ chiếc xe đạp Thống Nhất, mà đến nay, bà Mến đã sưu tầm được cuốn album hàng nghìn bức ảnh quý lúc Bác còn sống với những khoảnh khắc bình dị đời thường của Người. Trong đó, có bức ảnh chị gái bà - bà Mượt được Bác gắn Huy hiệu Chiến sỹ thi đua. Ngoài ra, một tủ sách hàng trăm cuốn về chân dung, con người và cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cũng được bà Mến sưu tầm và đặt ở vị trí trang trọng.

Với bà, chiếc xe đạp như một người bạn tri kỷ: "Chiếc xe đạp ấy là người bạn đồng hành cùng tôi trên mọi nẻo đường. Từ ngày ông nhà tôi mất thì đó là người thân duy nhất bên tôi, cùng tôi đi làm những việc không tên".

 Những việc mà bà Mến gọi là không tên ấy là cả tấm lòng thành kính của người nông dân quê lúa dâng lên Bác khiến bất cứ ai biết đến cũng không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Câu chuyện về bà Mến và ngôi nhà sàn 19 tháng 5 thêm một lần nữa khẳng định chân lý: Bác Hồ sống mãi với non sông, đất nước Việt Nam ta.

 Vũ Viết Tuân
Theo http://giadinh.net.vn
Phương Thúy (st)

Bài viết khác: