1. Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 06/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Luật này quy định việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin như sau:

- Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin;

- Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ;

- Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;

- Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

- Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác;

- Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách: Tự do với thông tin được công khai hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp (Điều 10).

2. Luật Đường sắt số 06/2017/QH14, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Luật quy định hành khách di chuyển bằng phương tiện vận tải đường sắt có các quyền sau:

- Được hưởng mọi quyền lợi theo đúng hạng vé và không phải trả tiền vận chuyển đối với hành lý mang theo người trong phạm vi khối lượng và chủng loại theo quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

- Trả lại vé, đổi vé trước giờ tàu chạy và chịu các khoản chi phí (nếu có) theo quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

- Được hoàn trả tiền vé, bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh khi bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định của pháp luật;

- Được bảo hiểm về tính mạng, sức khoẻ theo quy định của pháp luật;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3. Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Luật này quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.

Luật quy định cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước công nghệ sau đây:

- Không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học;

- Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội;

- Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

- Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

- Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ thuộc Danh mục bí mật Nhà nước, trừ trường hợp luật khác cho phép chuyển giao.

4. Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Luật quy định thêm nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động thủy lợi. Cụ thể, ngoài những chính sách ưu đãi đã nêu tại Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001, Nhà nước bổ sung hàng loạt chính sách ưu đãi như:

- Ưu đãi thuế đối với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thuế;

- Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới, sửa chữa… hệ thống thủy lợi nhỏ, nội đồng; hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hệ thống tưới, tiêu tiên tiến và hiện đại; hệ thống xử lý nước thải để tái SD…

5. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

VBPL thang 7
ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Ảnh: Văn Bình - Cổng TTĐT

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

- Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 7;

- Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;

- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Theo đó, các đối tượng dưới đây có quyền gửi văn bản yêu cầu Nhà nước bồi thường:

- Người bị thiệt hại;

- Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

- Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Luật này cũng quy định tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường từ 02 năm lên 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp tại Khoản 2 Điều 52 và yêu cầu phục hồi danh dự.

6. Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học và chất phóng xạ, công cụ hỗ trợ hoặc yếu tố khác gây nguy hiểm, đe dọa xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ; chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ; tụ tập đông người trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự tại khu vực, mục tiêu cảnh vệ; làm lộ thông tin bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ; làm giả, mua bán, sử dụng trái phép các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ; lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ hoặc lợi dụng việc tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phân biệt đối xử về giới trong công tác cảnh vệ…

Về Quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng trong các trường hợp: Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả; vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ và các trường hợp nổ súng khác quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đối với nội dung liên quan đến danh sách đối tượng cảnh vệ, Luật quy định đối tượng cảnh vệ là: Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam. Khu vực trọng yếu gồm: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng, Khu vực làm việc của Trung ương Đảng, Khu vực làm việc của Chủ tịch Nước, Khu vực làm việc của Quốc hội, Khu vực làm việc của Chính phủ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội; Sự kiện đặc biệt quan trọng gồm: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kỳ họp của Quốc hội, Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng quốc phòng và an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ…

7. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Luật này quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Luật bổ sung thêm trường hợp được nổ súng có cảnh báo. Theo đó, người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng nhưng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng trong trường hợp sau đây:

- Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;…

Bên cạnh đó, một số điểm mới đáng chú ý trong Luật này là:

- Cho phép các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí;

- Dành một Chương riêng để quy định cụ thể về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ (Chương IV).

8. Luật số 19/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài số 33/2009/QH12, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Luật này sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể:

Bãi bỏ khoản 10 Điều 8; sửa đổi, bổ sung các khoản 4, 5, 7, 8, 13 và 15 Điều 8 của Luật số 33/2009/QH12 như sau:

“4. Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Cấp, bổ sung, hủy bỏ thị thực; cấp, thu hồi, hủy bỏ giấy miễn thị thực của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.”

“7. Thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên; tiếp nhận, bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận.

8. Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu của nước ngoài và chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.”

“13. Thực hiện ủy thác tư pháp phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

“15. Phối hợp thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phòng dịch, kiểm dịch động vật, thực vật phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.”

9. Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Luật quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công.

Nợ công quy định tại Luật này bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Luật quy định: "Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô".

Luật đã tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công.

Một trong những điểm thay đổi quan trọng tại Luật này so với trước đây là nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, thực hiện vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài… trước đây được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nay được giao về Bộ Tài chính.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: