“Những giờ học về Bác Hồ chúng em được trực tiếp tham quan các mô hình, tư liệu, tranh, ảnh giới thiệu thân thế, sự nghiệp và hoạt động của Người. Điều đó giúp chúng em thêm hiểu và yêu kính Bác hơn, nguyện học tập thật giỏi để báo công với Bác” - Em Ngô Kiến Nghiệp, học sinh lớp 10A18 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh) nói với chúng tôi về "Bảo tàng Bác Hồ" của trường mình như thế.
Dẫn chúng tôi tham quan “Bảo tàng” Hồ Chí Minh trong khuôn viên nhà trường, cô Huỳnh Thị Bé Ren, cán bộ Đoàn trường, Trợ lý Thanh niên, cho biết: “Năm học 2010-2011, Ban Chấp hành Đoàn quận 5 mở cuộc thi “Bảo tàng Hồ Chí Minh trong lòng tôi”. Nhân sự kiện này, chúng em phát động toàn trường tham gia thiết kế, sưu tầm, tuyển chọn… những mô hình, tranh ảnh, phim, truyện nói về cuộc đời hoạt động của Bác. Sau một thời gian ngắn, Đoàn trường nhận được khá nhiều tư liệu và những mô hình thiết kế sáng tạo, độc đáo. Chúng em lựa chọn những tư liệu quý, tập hợp thành một công trình đặc sắc để dự thi và đã được Ban Chấp hành Đoàn quận 5 chứng nhận là Công trình Thanh niên tiêu biểu năm 2011. Sau cuộc thi, chúng em nảy ra ý tưởng lưu lại những sản phẩm này làm tư liệu cho học sinh tham quan, học tập. Ý tưởng được lãnh đạo nhà trường hoan nghênh, bố trí phòng trưng bày và tổ chức cho các lớp tham quan khi học nội dung lịch sử, giáo dục công dân”.
Học sinh tham quan các tư liệu, mô hình trong “Bảo tàng Bác Hồ”
Chiêm ngưỡng những mô hình Nhà sàn Bác Hồ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh và hàng loạt tranh, ảnh về Bác được trưng bày khá công phu, ngăn nắp, sắp xếp theo từng giai đoạn lịch sử, tôi thầm khâm phục bàn tay khéo léo của các cô, cậu học trò nơi đây. Để thiết kế, lắp ghép được những mô hình ấy, các em sử dụng chất liệu chủ yếu là gỗ, xốp, nhựa, lựa chọn và phối màu phù hợp nên rất giống hình ảnh thật. Học sinh Võ Thị Bích Huệ, lớp 11A14, người trực tiếp tham gia lắp ghép mô hình nhà sàn Bác Hồ, tâm sự: “Dù chưa một lần được ra Hà Nội tham quan các di tích lịch sử này nhưng qua đài, báo và tìm hiểu thông tin trên mạng internet, em hình dung được kết cấu của nhà sàn nên thiết kế thu nhỏ, dùng màu sắc chuẩn xác cố gắng bảo đảm tính chân thực của mô hình. Đây cũng là tấm lòng thành kính của chúng em đối với Bác Hồ kính yêu”.
Từ ngày có Bảo tàng, bài giảng của các thầy, cô giáo trở nên sinh động, dễ hiểu hơn, nhất là với các môn lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, giáo dục công dân. Hiện tại, Ban Chấp hành Đoàn trường đang phát động cuộc thi viết cảm nhận, thuyết trình giới thiệu “bảo tàng” để bồi đắp lý tưởng, niềm tin, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh; đồng thời, lựa chọn “thuyết minh viên chuyên nghiệp” phục vụ cho các giờ tham quan.
Nói về phương hướng hoạt động của “Bảo tàng Hồ Chí Minh” trong nhà trường, cô Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng, cho biết: “Sắp tới nhà trường sẽ đầu tư thêm một số trang, thiết bị âm thanh, ánh sáng, bổ sung các tư liệu, hiện vật, tranh, ảnh phục vụ cho học sinh tham quan, học tập. Đồng thời, chúng tôi sẽ chỉ đạo Đoàn thanh niên tổ chức các chủ đề theo sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục - đào tạo của nhà trường trong năm học mới”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH
Theo qdnd.vn
Phương Thúy (st).