1. Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018.
Nghị định này quy định chi tiết điểm b khoản 1 Điều 35 về các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin; khoản 2 Điều 36 về tiếp cận thông tin của công dân thông qua tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp; khoản 4 Điều 24 về mẫu phiếu yêu cầu cung cấp thông tin và các biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin.
Theo đó, người khuyết tật được ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về người khuyết tật.
Cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm xây dựng Chuyên mục về tiếp cận thông tin thuộc Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan mình để đăng tải Danh mục thông tin phải được công khai, thông tin về đầu mối cung cấp thông tin cho công dân, địa chỉ tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin qua mạng điện tử và tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân về tiếp cận thông tin; các mẫu phiếu sử dụng trong cung cấp thông tin; các hướng dẫn, tài liệu để hỗ trợ người yêu cầu cung cấp thông tin; địa chỉ truy cập để tải thông tin (nếu có).
2. Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt có hiệu lực từ 01/07/2018.
Nghị định quy định đối tượng được giảm giá vé gồm:
- Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945.
- Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
- Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh.
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng.
- Người cao tuổi.
- Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Giảm giá vé áp dụng cho các đối tượng chính sách xã hội sau:
- Mức giảm 90% giá vé áp dụng cho người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Mức giảm 30% giá vé áp dụng cho các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc hóa học;
- Giảm giá vé cho đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng; người cao tuổi thực hiện theo quy định của pháp luật về người khuyết tật và người cao tuổi.
3. Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ ghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy lợi.
Nghị định này quy định về phân cấp, phân loại công trình thủy lợi; năng lực của tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi; trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Loại công trình thủy lợi quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Thủy lợi được phân loại cụ thể như sau: 1. Đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt; 2. Đập, hồ chứa nước lớn; 3. Đập, hồ chứa nước vừa; 4. Đập, hồ chứa nước nhỏ; 5. Trạm bơm; 6. Cống; 7. Hệ thống dẫn, chuyển nước; 8. Đường ống; 9. Bờ bao thủy lợi; 10. Hệ thống công trình thủy lợi.
4. Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018.
Nghị định quy định gây oan sai, công chức phải dùng lương để hoàn trả số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị oan sai. Trong đó, mức hoàn trả trong trường hợp công chức cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- Nếu Nhà nước đã bồi thường hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại, mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;
- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 - 100 tháng lương, mức hoàn trả từ 40 - 50 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước bồi thường;
- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ 60 - 80 tháng lương, mức hoàn trả từ 30 đến dưới 40 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Nếu Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương, mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Bên cạnh đó, cơ quan có người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự phải trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai với người bị thiệt hại.
Ảnh minh họa/Internet
5. Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.
Theo đó, quy định các công nghệ khuyến khích chuyển giao (gồm các công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và 143 công nghệ khuyến khích chuyển giao khác); 40 công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam; 48 công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam; 02 công nghệ cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài (Đó là: 1. Công nghệ cấm chuyển giao theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 2. Công nghệ thuộc Danh mục bí mật Nhà nước).
6. Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.
Nghị định này quy định về quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí; huấn luyện, cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục làm mất tính năng, tác dụng và xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.
7. Nghị định số 85/2018/NĐ-CP ngày 30/5/2018 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2018.
Theo đó, tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của cán bộ lãnh đạo trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô theo cấp bậc quân hàm được quy định như sau:
- Sỹ quan có cấp bậc quân hàm cao nhất là Đại tướng được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác. Căn cứ tình hình thực tế tại thời điểm trang bị xe, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủng loại, giá mua xe theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an;
- Sỹ quan có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa là 1.100 triệu đồng/xe;
- Sỹ quan có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa là 920 triệu đồng/xe;
- Sỹ quan có cấp bậc quân hàm là Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, đi công tác với giá mua tối đa là 820 triệu đồng/xe.
8. Nghị định số 90/2018/NĐ-CP ngày 20/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cảnh vệ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2018.
Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ, cụ thể, về phụ cấp đặc thù, cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ được hưởng phụ cấp đặc thù từ 15% đến 30% tính trên mức lương cấp bậc hàm hoặc phụ cấp cấp bậc hàm hiện hưởng ngoài các chế độ phụ cấp khác (nếu có).
Cụ thể, mức phụ cấp 30% áp dụng đối với (1): Cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ: Bảo vệ tiếp cận; bảo vệ khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc, khu vực trọng yếu, sự kiện đặc biệt quan trọng; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy; cán bộ, chiến sỹ không giữ chức vụ có cấp bậc hàm từ Trung úy hoặc có mức lương tương đương cấp bậc hàm Trung úy trở xuống; chiến sĩ hưởng phụ cấp cấp bậc hàm.
Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với (2): Cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ lái xe bảo vệ tiếp cận, lái xe nghiệp vụ, dẫn đường, hộ tống; kiểm tra chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ hoặc vật nguy hiểm khác, kiểm nghiệm độc chất; tác chiến; trinh sát; thông tin phục vụ công tác bảo vệ; đặc nhiệm; cơ động; cán bộ, chiến sĩ không giữ chức vụ có cấp bậc hàm Thượng úy, Đại úy hoặc có mức lương tương đương cấp bậc hàm Thượng úy, Đại úy; trừ trường hợp quy định tại (1) nêu trên.
Mức phụ cấp 20% áp dụng đối với (3): Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cán bộ, chiến sĩ không giữ chức vụ có cấp bậc hàm từ Thiếu tá hoặc có mức lương tương đương cấp bậc hàm Thiếu tá trở lên; trừ trường hợp quy định tại (1), (2) nêu trên.
Mức phụ cấp 15% áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ không thuộc đối tượng quy định tại (1), (2) và (3) nêu trên.
Cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ được hưởng phụ cấp nhà ở, chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Nghị định số 90/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 10/8/2018. Các chế độ chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 1/7/2018.
Thu Hiền (tổng hợp)