coi bac xua
Vườn cây của Bác

Vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ấn tượng đầu tiên đối với khách tham quan đó là màu xanh của vườn cây nơi đây. Khu vườn mang lại cho du khách một cảm giác thư thái, trong lành ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội ngột ngạt. Và càng thú vị hơn khi du khách được tìm hiểu một số câu chuyện về các loài cây trong khu vườn gắn với những kỷ niệm về Bác. Chuyện về mỗi loài cây mang tình cảm ấm áp của Bác, có ý nghĩa giáo dục sâu xa về cuộc đời, về con người.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nằm trong khuôn viên vốn là một phần của vườn Bách thảo cũ. Cuối thế kỷ thứ 19, sau khi xâm lược ba nước Đông Dương, thực dân Pháp đã chiếm khu đất này để quy hoạch về Phủ Toàn quyền Đông Dương. Mãi đến cuối năm 1954 sau khi Hà Nội được giải phóng, quân ta về tiếp quản Thủ đô thì khu vực này mới trở thành trung tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhiều công trình kiến trúc đã bạc màu vì thời gian, tuy nhiên khu vực này vẫn giữ được vườn cây xanh tươi, phong phú về chủng loại. Theo nhận định của một số nhà khoa học thì nơi này giống như một bảo tàng sống về các loại cây trong đó có nhiều giống cây quý đến từ nhiều nước trên thế giới, nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm.

Toàn bộ vườn cây có 1271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật, 78 cây có nguồn gốc trong nước, 68 cây có nguồn gốc nước ngoài và một số cây còn chưa rõ nguồn gốc; nhiều loài cây ăn quả, nhiều loài cây bóng mát, nhiều loại hoa và cây cảnh. Khu vườn này càng phong phú hơn kể từ khi Bác Hồ về ở và làm việc tại khu vực này, Bác đã cho trồng nhiều loại cây mới, cải tạo ao nuôi cá, đường đi, lối lại và làm cho cảnh quan môi trường ở khu vực này thêm sạch và đẹp. Nhiều cây trồng ở khu vực này không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn mang lại ý nghĩa lịch sử văn hóa, gắn với quê hương đất nước, gắn với tình đồng chí, bè bạn quốc tế bởi vì trong khu vườn này có những cây do Bác tự tay trồng và chăm sóc, có cây Bác đặt tên, có cây Người mang từ nước ngoài về, có cây đồng bào trong nước gửi tặng… mỗi cây đều chứa đựng những kỷ niệm sâu sắc về Người.

Trên con đường đi từ Phủ Chủ tịch đến nhà 54, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng cây đa có thế đứng độc đáo với ba thân cây phụ được tạo thành từ các nhánh rễ buông  từ trên cành xuống tỏa ra ba hướng, Bác đã dạy cho các đồng chí phục vụ cách đưa rễ đa từ trên cao xuống đất để chống đỡ cho cây trong những ngày mưa bão. Qua quá trình đưa được rễ đa xuống đất mất nhiều thời gian và công sức này, Bác muốn gửi bức thông điệp đến mọi người rằng: Con người hoàn toàn có thể chinh phục được tự nhiên, nếu có tính quyết tâm và lòng kiên trì. Để ghi nhớ lời Bác dạy, các đồng chí phục vụ đã đặt tên cho cây là: Cây đa kiên trì.

Bên cạnh ngôi nhà số 54, Bác cho trồng cây xanh bốn mùa với đặc tính rất ít khi rụng lá vào mùa đông. Loài cây này được Bác mang về từ Trung Quốc sau chuyến thăm hữu nghị của Người vào năm 1957 để trồng thử với mong muốn nếu cây thích ứng tốt với khí hậu Việt Nam sẽ cho trồng rộng rãi trên khắp các đường phố để đỡ phần nào cực nhọc cho những người lao công quét đường.

Quanh ao cá của Bác Hồ nhấp nhô những rễ cây dâm bụt mọc, loài cây Bác đã đặt tên sau một so sánh khá thú vị giữa hình dáng của rễ cây với những bức tượng của ông Bụt ở trong chùa. Khi Bác biết các đồng chí phục vụ có ý định chặt bỏ một cây bụt mọc đã bị mối xông quá nửa thân, Bác đã khuyên không nên chặt bỏ rồi sau đó Bác đã trực tiếp hướng dẫn các đồng chí phục vụ cách cứu chữa cho cây. Theo Bác: Chặt một cây thì rất dễ nhưng trồng thêm một cây mới để phát triển được như cũ thì mất rất nhiều thời gian. Sau này, khi đi nói chuyện tại một Hội nghị Cán bộ quản lý ở thị xã Sơn Tây, Bác đã kể lại câu chuyện cứu chữa cây bụt mọc để nhắc nhở về việc quản lý, giáo dục cán bộ. Bác dạy rằng, việc giúp đỡ một cán bộ phạm khuyết điểm cũng giống như cứu chữa một cây bị hư, không phải cứ thấy cán bộ phạm lỗi là đưa ra kỷ luật, bài trừ mà phải tạo điều kiện giúp đỡ họ để họ khắc phục khuyết điểm và trở thành người có ích. Qua câu chuyện về cây, Bác đã dạy cho chúng ta một bài học sâu sắc về cách ứng xử đầy vị tha, nhân hậu đối với con người. Tình yêu thương và lòng bao dung nhân ái chính là cách tốt nhất để cảm hóa được con người lầm lỗi, giúp họ trở thành người tốt. Đối với cây cỏ, thiên nhiên cũng vậy, chỉ có tình yêu thương, lòng quý trọng mới biến thiên nhiên thành những người bạn thực sự trong cuộc sống của chúng ta.

Bờ ao trước nhà sàn Bác cho trồng hai cây y lan với dáng đứng vươn thẳng lên bầu trời rồi Người đặt tên cho cây là cây vũ trụ để chúc mừng thành tựu của nhân dân Liên Xô sau khi được biết bạn vừa phóng thành công hai con tàu vũ trụ Phương Đông 5 và Phương Đông 6. Vào mỗi độ hè sang, khu vườn của Bác càng được tô điểm với những sắc màu rực rỡ của hoa phượng, hoa liễu đỏ, hoa bằng lăng tím, hoa phong lan đủ màu sắc quanh ao cá.

Thăm khu vực nhà sàn, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh vừa giản dị, vừa nên thơ với hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà ở Làng Sen quê hương Bác, vườn hoa trước nhà với các loài hoa mang nhiều hương thơm thường được trồng ở các vùng quê như hoa mộc, hoa sói, hoa nhài, hoa dạ hương. Mảnh vườn nhỏ phía sau nhà với những luống cam, bưởi mang đến cho ta một cảm giác bình yên và thật sự gần gũi như hình ảnh quê hương trong tâm khảm của mỗi con người. Ở góc cầu thang nhà sàn là cây vú sữa của đồng bào miền Nam mà Bác đã cho chuyển từ ngôi nhà số 54 về trồng tại đây sau khi nhà sàn được hoàn thành. Hằng ngày dù bận trăm công ngàn việc Bác vẫn dành thời gian để chăm sóc, tưới tắm cho cây như gửi gắm vào trong đó tất cả tình cảm Bác dành cho đồng bào miền Nam.

Trước khi ngôi nhà sàn được đưa vào xây dựng, Bác đề nghị hạn chế tối đa việc chặt cây nhằm duy trì đến mức tốt nhất vườn cây đã có sẵn từ trước. Chính vì vậy mà nhiều cây cổ thụ quý hiếm vẫn được gìn giữ và chăm sóc cho đến tận ngày hôm nay như: Những cây cơm nguội, cây đa, cây xoài, cây ngân hoa, cây hoàng lan,… Bác rất thích làm việc giữa khung cảnh thiên nhiên. Những nơi làm việc yêu thích của Người là dưới giàn hoa Phủ Chủ tịch và ngôi nhà sàn giản dị ở giữa vườn hoa xanh mát. Nơi đây giữa thiên nhiên hoa lá, dường như Bác cảm thấy minh mẫn và thư thái hơn để đưa ra nhiều suy nghĩ, nhiều quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình đất nước. Đây còn là nơi Bác dành để tiếp đón các đoàn khách đặc biệt của mình. Bác thích trò chuyện, tiếp khách tại đây bởi không bị giới hạn bởi không gian và các nghi thức ngoại giao, con người dễ gần gũi với nhau hơn. Được Bác tiếp đón tại giàn hoa Phủ Chủ tịch hay ở tầng một nhà sàn là một kỷ niệm khó quên đối với những vị khách của Bác.

Những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, nỗi nhớ miền Nam da diết trong lòng Bác. Không có dịp vào thăm miền Nam, Bác dành hết tình cảm của mình vào việc chăm sóc những cây dừa miền Nam trước ngôi nhà sàn hay cây vú sữa mà đồng bào miền Nam đã tặng Bác. Trước lúc đi xa Bác còn căn dặn đồng chí Vũ Kỳ tìm thêm các giống xoài miền Nam trồng xen kẽ giữa những cây xoài cổ thụ trên con đường xoài để cây có thời gian kịp phát triển thay thế những cây đã già cỗi.

Tham quan khu vườn Phủ Chủ tịch, tìm hiểu một số câu chuyện về những loài cây trong vườn Bác, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc về tình cảm ấm áp của Bác không chỉ đối với con người mà còn lan tỏa sang cỏ cây hoa lá. Có thể nói, cây cỏ quanh nhà Bác không còn vô tri, vô giác mà như được thổi hồn vào nhờ tình yêu thương và bàn tay chăm sóc của Bác. Mỗi cây đều được Bác nâng niu, trân trọng và xem như những người bạn tri ân trong cuộc sống của mình. Mỗi buổi chiều sau giờ làm việc, khi những người phục vụ trở về với gia đình riêng của mình, Bác chỉ có thiên nhiên làm bầu bạn. Cỏ cây hoa lá rì rào quanh ngôi nhà xua đi sự tĩnh mịch, vắng vẻ, như tiếp thêm cảm hứng cho tâm hồn dễ rung cảm của Bác, giúp Người viết nên những áng thơ dạt dào tình yêu đất nước, quê hương.

Nơi Bác Hồ ở tràn ngập màu xanh của thiên nhiên, hoa lá, rộn tiếng chim ca. Cảnh sắc thật nên thơ trong sự hài hòa cân bằng sinh thái. Con người và thiên nhiên nơi đây tạo nên sự hoàn chỉnh, dung hòa trong mối quan hệ cộng sinh tự nhiên. Việc nước bộn bề với bao căng thẳng, lo toan nhưng mỗi khi trở về nơi này, Bác được hưởng những phút giây thư giãn, được tiếp thêm nguồn sinh lực mới để tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Được sống giữa môi trường thiên nhiên trong lành, Bác có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cuối năm 1959, cũng từ nơi này, ngày Tết trồng cây đã được Bác phát động với mục tiêu “Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ điều hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Lời kêu gọi của Bác được sự hưởng ứng rộng rãi của các địa phương trong cả nước. Cũng từ sau Tết trồng cây đầu tiên, phong trào đã trở thành một nếp sống đẹp, một truyền thống gắn bó không thể thiếu trong mỗi người dân Việt Nam khi xuân về.

Không chỉ kêu gọi nhân dân tích cực tham gia trồng cây, Bác luôn trực tiếp tham gia, cổ động cho phong trào phát triển. Mỗi năm cứ khi Tết đến, xuân về Bác đều tự mình trồng cây trong Phủ Chủ tịch để làm gương. Bác thường xuyên tổ chức những chuyến công tác đến các địa phương để thăm hỏi, động viên, cùng trồng cây với nhân dân. Bác còn tặng cả huy hiệu của Người cho những gương người tốt, việc tốt, điển hình trong hoạt động trồng cây bảo vệ môi sinh, môi trường.

Nhờ có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Bác, phong trào đã được phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chiều sâu. Hàng ngàn héc ta rừng đã được phủ xanh, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống kinh tế và duy trì sự ổn định, bền vững cho môi trường sống của nhân dân ta. Mỗi người tham gia trồng thêm một vài cây xanh, đất nước ta có thêm hàng triệu cây xanh góp phần  làm cho môi trường sống càng thêm trong lành, thêm đẹp và thêm ý nghĩa.

Có thể nói ngày nay nhân loại đang đối diện với rất nhiều vấn đề bức xúc về môi trường. Sự phát triển kinh tế càng nhanh thì kéo theo nhiều hệ lụy lên môi trường sống của chúng ta. Môi trường sống ở các đô thị đang bị ô nhiễm, ngột ngạt vì khói bụi và chất thải đe dọa sức khỏe và chất lượng sống của con người. Nhiều khu công nghiệp với hàng ngàn nhà máy đang xả chất thải sản xuất trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai và không khí. Nạn chặt phá rừng, buôn bán gỗ lậu, khai thác tài nguyên, khoáng sản diễn ra ngày càng tinh vi trên khắp các cánh rừng gây ra nhiều hậu qủa nặng nề như làm gia tăng nhiệt độ trái đất kéo theo lũ lụt, sạt lở đất… Rõ ràng nạn ô nhiễm môi trường do con người gây ra lại quay trở lại ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của con người. Giải quyết ô nhiễm môi trường ngày nay đã trở thành một vấn đề không chỉ của riêng một quốc gia, một dân tộc nào mà trở thành một vấn đề nóng bỏng của toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đều xem đây là một vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình. Trong số rất nhiều các giải pháp được đưa ra thì giải pháp trồng cây, gây rừng vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu và thiết thực nhất. Song hành với các phương án phát triển kinh tế thân thiện với môi trường thì việc trồng cây, gây rừng và các biện pháp ngăn chặn chặt phá rừng cũng được nhiều quốc gia chú trọng đầu tư.

Nhìn nhận lại phong trào Tết trồng cây mà Bác đã phát động từ nhiều năm qua, chúng ta mới thấy hết được một tư tưởng vô cùng tiến bộ, một tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ về việc bảo vệ môi sinh môi trường thể hiện qua một hành động trồng cây rất đơn giản và hiệu quả mà Người đã sớm nhận thức được trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều bộn bề với nhiều khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tham quan khu vườn của Bác tại Khu Di tích Phủ Chủ tich, chúng ta vẫn như cảm thấy hơi ấm tình thương của Bác còn hiện hữu nơi này. Giữa màu xanh cây lá, ta vẫn thấy hình bóng Bác nhân từ như ông Tiên trong câu chuyện cổ tích đang chăm chút, tưới tắm cho từng gốc cây, ngọn cỏ. Giữa lòng thủ đô Hà Nội náo nhiệt, ngột ngạt, vườn cây nơi đây cho ta cảm giác bình yên, thư thái, gợi mở những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống. Màu xanh nơi đây chính là cội nguồn cuộc sống và cũng chính là một tương lai bền vững mà con người đang tích cực hướng tới. Vườn cây Khu Di tích Phủ Chủ tịch sẽ mãi là một bức thông điệp với các thế hệ hôm nay và mai sau: “Hãy giữ lấy màu xanh, đây chính là cuộc sống tương lai”.

Theo Lê Thị Thanh Loan
Phòng TT – GD
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Kim Yến(st)

 

Bài viết khác: