Ông Phan Thanh Tịnh và tác phẩm
"Bác Hồ bên cửa biển Nhật Lệ chiều 16-6-1957”
Chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Thanh Tịnh ở Tiểu khu 5, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là căn phòng khách treo trang trọng những bức tranh khổ lớn vẽ Bác Hồ. Đối với ông Tịnh, mỗi bức tranh là những kỉ niệm mà ông không thể nào quên. Năm nay đã bước sang tuổi 72 nhưng ông vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn. Tiếp chuyện chúng tôi, ông say sưa kể về những kỉ niệm trong những lần vẽ ảnh chân dung Bác Hồ.
Những năm 50 của thế kỉ XX, khi đang còn là cậu học sinh phổ thông Trường Đào Duy Từ, Phan Thanh Tịnh đã bộc lộ khả năng hội hoạ của mình khi được tham dự cuộc thi vẽ tranh liên hoan của thiếu nhi hai miền Nam - Bắc tại Cửa Tùng (Quảng Trị). Đến nay, dù đã trải qua nhiều vị trí và lĩnh vực công tác khác nhau nhưng ông vẫn miệt mài theo đuổi niềm đam mê hội hoạ. Và trong suốt chặng đường sáng tạo đó, ông đã dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho những bức tranh vẽ về đề tài Bác Hồ. Ông kể: Ông được vinh dự trông thấy Bác Hồ vào ngày 16-6-1957, khi Người về thăm và nói chuyện tại lễ đài sân vận động Đồng Hới với hơn 3 vạn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Quảng Bình. Những hình ảnh, cử chỉ và giọng nói ấm áp, trìu mến của Người trong ngày hôm ấy mãi mãi đọng lại trong kí ức của ông. Nên sau đó, ý tưởng vẽ hình Bác luôn nung nấu trong trái tim ông. Bức tranh đầu tiên ông vẽ Bác vào năm 1967 với hình Bác to hơn người thật, được treo trang trọng tại Đại hội Quyết thắng của tỉnh tổ chức tại chiến khu Ba Rền.
Và tác phẩm đặc biệt thứ hai vẽ về Bác chính là bức chân dung được ông vẽ trong đêm 3-9-1969. Ông nhớ lại, đó là buổi chiều ngày 3-9-1969, khi ông đang bị ốm thì nhận được giấy triệu tập của đồng chí Trương Hoa - Chủ tịch thị xã Đồng Hới: "Bác Hồ kính yêu của chúng ta đang ốm nặng, nhỡ ra tình huống không qua khỏi, cậu (Phan Thanh Tịnh) phải nhanh chóng vẽ chân dung Bác để kịp hôm sau Đảng bộ và nhân dân tỉnh làm lễ truy điệu”. Khi được giao nhiệm vụ vẽ chân dung Người, tâm trạng ông rối bời bởi vừa lo tình hình sức khoẻ của Bác, vừa lo vì trọng trách được giao. Nhưng vì công việc quan trọng và khẩn cấp, ông bắt tay ngay vào công việc, ông chuẩn bị một tờ giấy rôki cỡ rộng, màu và bút vẽ.
Lúc đó, do ốm nên đầu óc ông cứ như bốc lửa, loay hoay mãi với những mảng màu, đường nét. Ông thật sự lúng túng thấy tay và mắt mình không làm chủ được nữa. Liền sau đó, khi nhận tin Bác Hồ không còn nữa, với niềm đau thương và kính yêu vô hạn đối với Bác, ông nhập hồn vào bức vẽ. "Tôi phải nén những giọt nước mắt để hoàn thành bức chân dung Bác cho kịp buổi Lễ Truy điệu ngày hôm sau. Đến gần 5 giờ sáng ngày 4-9-1969, tôi đặt bút xuống và báo cáo bức chân dung Bác Hồ đã hoàn thành, tất cả mọi người ngắm nhìn và oà lên khóc”... Kể đến đây, ông không kìm được cảm xúc, lấy khăn lau dòng nước mắt đang chảy dài trên gò má.
Cùng với bức tranh vẽ Bác ngày ấy, sau này ông Tịnh vẫn miệt mài vẽ tranh Bác Hồ. Trong đó phải kể đến những bức tranh ông vẽ chân dung Bác cùng Hôxê Macti - nhà tư tưởng, nhà văn hoá vĩ đại của Cu Ba - cùng lãnh tụ Phiđen Castro đã được tặng cho Đại sứ quán Cu Ba. Bức tranh vẽ Bác đứng cạnh Các Mác – Lênin được tặng cho Tỉnh uỷ Bình - Trị - Thiên. Hiện tại, trong căn phòng khách của ông treo đầy hình ảnh Bác. Trong đó, bức tranh "Bác Hồ bên cửa biển Nhật Lệ chiều 16-6-1957” được ông vẽ vào năm 1992, đã gây ấn tượng đối với nhiều người.
Cùng với niềm đam mê vẽ tranh về Bác, ông còn vẽ tranh cổ động, sáng tác thơ ca, hò vè và sưu tầm hàng ngàn câu tục ngữ, ngạn ngữ trong nước và thế giới... Nhiều bức tranh về đề tài chiến tranh cách mạng của ông hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình, đó là các tranh "Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Đồng Hới năm 1945”, "Lập chiến luỹ trên đường phố Đồng Hới” và "Lê Thành Đồng trên điểm cao 26”...
Theo Báo Đại đoàn kết
Thúy Hằng (st)