Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ thiên tài mà còn là một nhà ngoại giao kiệt xuất. Nhiều chính khách nguyên thủ quốc gia khi tiếp xúc với Bác đều cảm thấy quý mến và nể trọng. Đặc biệt, các vị khách quốc tế đã được gặp Bác, dù chỉ một lần, đều có sự cảm phục sâu sắc.
Trong lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xin kể lại một số mẩu chuyện tiếp khách phụ nữ quốc tế của Bác nhằm giúp bạn đọc tăng thêm niềm tự hào, tôn kính đối với Người - một danh nhân văn hóa của nhân loại…
Đầu năm 1958, nhận lời mời của Tổng thống nước In-đô-nê-xi-a, Bác Hồ đã sang thăm quốc đảo này trong thời gian 10 ngày. Vợ chồng Tổng thống Xu-các-nô đón Bác hết sức trọng thể về mặt quốc gia, nhưng lại thân tình như người anh cả trong đại gia đình. Cả hai vợ chồng luôn tháp tùng cùng Bác đi thăm nhiều nơi trên đất nước có hơn 3.000 đảo dừa xinh đẹp.
Xu-các-nô là vị Tổng thống tài hoa, từng đạo diễn phim, soạn nhạc và cả chỉ huy dàn nhạc. Ông có khá nhiều vợ trên một số hòn đảo, vì vậy mà đệ nhất phu nhân không khỏi nổi máu Hoạn Thư. Thời gian Bác Hồ ở thăm, Bác đã có các cuộc gặp riêng vợ chồng Tổng thống và có nhiều ý kiến phân giải rất sâu sắc. Về sau, bà Xu-các-nô đã nói: “Tôi lấy làm biết ơn anh cả Hồ”.
Bác mời ông bà Tổng thống sang thăm nước ta, vợ chồng Tổng thống vui vẻ và nhận lời. Nhưng không hiểu sao lần sang thăm Việt Nam của Tổng thống Xu-các-nô sau khi Bác Hồ thăm lại In-đô-nê-xi-a lại không có bà Tổng thống đệ nhất phu nhân Xu-các-nô. Nhà nước ta đón tiếp cực kỳ trọng thể. Có 24 phát đại bác đón và tiễn; có chiếu lót đường và thảm đỏ trải trước Dinh Chủ tịch nước. Khi lên máy bay, một lần nữa Tổng thống In-đô-nê-xi-a phát biểu: “Xin tạm biệt anh cả Hồ Chí Minh”.
Hai tháng sau, bà Xu-các-nô lại sang thăm nước ta cùng với một số bà khác với tư cách Phu nhân Tổng thống. Thông báo ngoại giao đưa tin trên báo, nhân dân ta xôn xao: Ai ra đón bà? Chủ tịch Hội Phụ nữ, bà Thập chăng? Nhưng khi máy bay của bà Xu-các-nô đáp xuống phi trường Gia Lâm thì đã thấy Bác Hồ cầm hoa đón bà. Sau khi tặng hoa, bắt tay bà Tổng thống và các bà trong đoàn, Bác đến máy phóng thanh, không đọc diễn văn mà nói vài lời vắn tắt: “Nhân dân ta vừa đón Tổng thống nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a Xu-các-nô đem tới cho chúng ta tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, thì lần này, nhân dân và phụ nữ Hà Nội lại đón thím Xu-các-nô. Tôi thân ái chào mừng và chúc thím trong thời gian ở thăm Hà Nội, Việt Nam tự nhiên như ở trên đất nước mình. Phụ nữ Hà Nội rất mến khách và cảm tình với phụ nữ In-đô-nê-xi-a và phụ nữ thế giới.”
Hàng ngàn người có mặt vỗ tay và cười vui khi nghe Bác gọi bà Tổng thống bằng thím. Vậy đó, với một Tổng thống nước đông dân In-đô-nê-xi-a và phu nhân, Bác Hồ của chúng ta đã được họ tôn vinh là người anh cả. Không phải ngẫu nhiên mà Bác gọi đệ nhất Phu nhân Tổng thống Xu-các-nô bằng thím.
Với nữ ký giả Pháp - bà Mađơlen Ríepphê, Hồ Chủ tịch là người cha thân yêu, hễ nữ ký giả này đến Hà Nội là xin vào gặp Bác, được Bác tiếp chuyện, mời cơm. Bác hỏi thăm nước Pháp, các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp và những người bạn của Bác nay ai còn ai mất. Mađơlen coi Bác như người cha của mình.
Còn con gái Thủ tướng Nê-ru (Ấn Độ) theo cha sang thăm Việt Nam, Bác Hồ đã dành thì giờ trò chuyện thân tình như đối với con cháu. Sau này, bà thay cha lên làm Thủ tướng nước Ấn Độ, có dịp gặp đoàn Việt Nam là bà bày tỏ lòng kính trọng với Bác Hồ. Theo bà thì Bác Hồ thật vĩ đại bởi Bác vô cùng giản dị. Bà noi gương Bác Hồ về phong cách gần gũi nhân dân.
Đặc biệt, cô con gái luật sư Lô-zơ-bai cùng cha sang Hà Nội thăm Bác Hồ, cô yêu quý Bác và bắt Bác chiều cô như khi Bác ở trong nhà cô tại Hồng Kông. Hồi ấy, Bác hoạt động bí mật, bị nhà cầm quyền Hồng Kông bắt, định nộp cho Pháp. Luật sư Lô-zơ-bai và cả gia đình đã giúp Bác thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù. Năm 1969, khi nghe tin Bác qua đời, cô con gái ông bà luật sư khóc nức nở và cùng với cả gia đình đã để tang Bác như đối với một người ruột thịt…
Hồng Nhung
Theo http://www.vhttcs.org.vn
Thu Hiền (st)