Những tấm gương anh dũng hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ vẫn sống mãi trong lòng Tổ quốc, đồng bào và đồng đội, sống mãi với thời gian.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, Quảng Trị đã ghi dấu ấn vào lịch sử một mốc son chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng những cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi Hội nghị Pa-ri, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, xanh ngắt hôm nay lúc bấy giờ đã trở thành dòng sông máu, thành nơi yên nghỉ vĩnh viễn của rất nhiều chiến sỹ và đồng bào ta.
Sau ngày đất nước thống nhất, rất nhiều cựu chiến binh ở mọi miền của Tổ quốc đã về thăm lại Quảng Trị, các anh, các chị đã nghẹn ngào bên bờ sông Thạch Hãn:
"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".
(Thơ của Lê Bá Dương)
Những tấm gương anh dũng hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ vẫn sống mãi trong lòng Tổ quốc, đồng bào và đồng đội, sống mãi với thời gian. Trong đó có Trung đội Mai Quốc Ca bất tử.
Tượng đài Trung đội anh hùng cầu Quảng Trị
bên dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Ảnh: Đặng Việt Thủy
Trong chiến dịch Trị Thiên năm 1972, Trung đội 2 bộ binh (Trung đội Mai Quốc Ca) thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đã nêu cao tinh thần chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, đã đánh là xung phong mãnh liệt, táo bạo, thọc sâu chia cắt địch để diệt, dù khó khăn ác liệt thế nào cũng kiên quyết vượt qua, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Đặc biệt, đêm ngày 09 rạng ngày 10 tháng 4 năm 1972, Trung đội 2 (còn gọi là Trung đội Mai Quốc Ca), gồm 20 chiến sỹ, do Trung đội trưởng Mai Quốc Ca chỉ huy đã nhận nhiệm vụ đánh chiếm đầu cầu Quảng Trị (cầu Thạch Hãn) để cắt đứt sự chi viện của quân địch từ thị xã Quảng Trị ra Đông Hà.
Các chiến sỹ trong Trung đội đã nhanh chóng hành quân và vượt qua nhiều ổ phục kích của địch một cách an toàn.
Đến 4 giờ sáng ngày 10 tháng 4 năm 1972, khi Trung đội Mai Quốc Ca tiến gần cầu Quảng Trị, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt Trung đội dân vệ bảo an của địch thì bị địch phục kích theo kiểu gọng kìm với số lượng lớn quân tinh nhuệ có sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh.
Lúc này Trung đội đã tiến sát đến cầu Quảng Trị. Dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Mai Quốc Ca, anh em tỏa ra các hướng chiến đấu độc lập, kiên quyết bám trụ, đẩy lùi các đợt tiến công của địch.
Trận chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì đơn vị hết đạn.
Trung đội Mai Quốc Ca chỉ có 20 người nhưng phải quần nhau suốt nhiều giờ với 3 Tiểu đoàn lính dù địch và 1 Trung đội dân vệ bảo an.
Địch tiến vào trận địa, cán bộ, chiến sỹ ta đã dùng dao găm, báng súng, gạch đá... đánh địch.
Có đồng chí dùng dao găm diệt 4 tên, có đồng chí dùng tay không cũng diệt được địch.
19 đồng chí đã anh dũng hy sinh, riêng chiến sỹ Vũ Quang Thành (quê ở xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) bị thương nặng ngất đi, bị địch bắt được, sau đó đưa ra giam giữ tại nhà lao Phú Quốc.
Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết năm 1973, với chính sách trao trả tù binh đôi bên, Vũ Quang Thành được trả tự do, rồi phục viên về quê.
Kết quả trận đánh này, Trung đội Mai Quốc Ca đã diệt 125 tên địch, phá hủy 1 xe quân sự; làm chậm sự chi viện của địch từ thị xã Quảng Trị ra Đông Hà.
Sau trận đánh, địch mang thi thể 19 chiến sỹ Trung đội Mai Quốc Ca ra phơi nắng nhằm thị uy.
Đông đảo quần chúng nhân dân địa phương vô cùng phẫn nộ đã kéo đến không ngại bắt bớ, đánh đập, đổ máu hy sinh, đấu tranh quyết liệt với địch, phản đối hành động phi nhân tính này.
Cuối cùng, địch phải nhượng bộ để bà con đưa thi thể các chiến sỹ đi mai táng.
Năm 1973, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đồng thời phong tặng danh hiệu "Trung đội 1 thắng 100" cho Trung đội Mai Quốc Ca.
Để tưởng nhớ chiến công của Trung đội anh hùng cầu Quảng Trị (Trung đội Mai Quốc Ca), Nhà nước cũng đã xây dựng một tượng đài tưởng niệm bên bờ sông Thạch Hãn, khắc hình 20 quả tim màu đỏ như biểu tượng bất diệt của một tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của Trung đội Mai Quốc Ca.
Bên dưới tượng đài có một tấm bia hình trái tim khắc ghi họ tên, năm sinh, quê quán của 19 liệt sỹ Trung đội anh hùng cầu Quảng Trị.
Đại tá Đặng Việt Thuỷ
Theo: http://giaoduc.net.vn.
Nguyễn Thị Hương (st)