Quyền lực và sứ mệnh của báo chí phải ca ngợi cái đẹp, cái đúng, cái tốt, cái hay, cái tích cực, những việc tử tế, gương “người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần đẩy lùi tiêu cực, xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh. Làm tốt những điều đó, chính là báo chí thể hiện được tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu, làm tròn sứ mệnh “phò chính, trừ tà” theo ngòi bút Hồ Chí Minh.

bao chi dau tranh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam 
lần thứ III (năm 1962). (Ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh - người khởi xướng cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trên mặt trận báo chí Hồ Chí Minh có tư duy rất sớm về chống tham nhũng, tiêu cực. Ngay dưới chế độ thực dân - phong kiến, từ năm 1919 đến trước khi cách mạng thành công, trên nhiều tờ báo như L’Humanité, Le Populaire, La Vie Ouvrière, Le Paria, v.v… Người đã viết nhiều bài báo tố cáo tội ác tham nhũng, ăn hối lộ, mua quan bán chức của Chính phủ thực dân, của các quan cai trị và những kẻ có quyền. Trong cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) có hẳn một chương bàn về tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị, chỉ ra rằng “các quan cai trị đều là những ông vua con”. Những bài viết của Người chỉ ra bản chất đích thực của tham nhũng là nhũng lạm, tức là lạm dụng quyền lực để nhũng nhiễu, bòn rút, đục khoét nhân dân.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, ý thức được ý nghĩa to lớn, giá trị sâu xa của chế độ Dân chủ Cộng hòa - chế độ mà quyền lực thuộc về nhân dân và do dân làm chủ -  Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách, một trong số đó là mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Chỉ trong chưa đầy một tháng sau lễ Tuyên ngôn Độc lập, Người viết nhiều bài đăng trên Báo Cứu quốc chỉ rõ một trong những khuyết điểm lớn nhất lúc bấy giờ là hủ hóa, tức là “ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn. Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Khi nắm được chút quyền hành trong tay là hay lạm dụng, và “dĩ công dinh tư”.

Ngày 23-11-1945, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64-SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và một Tòa án đặc biệt có nhiệm vụ giám sát và xét xử các sai phạm của các nhân viên từ trong các Ủy ban nhân dân các cấp đến các bộ. Sắc lệnh  đăng Báo Cứu quốc số 101, ngày 26-11-1945. Một số điều chủ yếu trong Sắc lệnh:

Điều thứ nhất: Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các Ủy ban nhân dân, các Ủy ban của Chính phủ.

bao chi dau tranh 2
Tranh châm biếm trên báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều thứ hai: Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền nhận các đơn khiếu nại  của nhân dân. Điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các Ủy ban Nhân dân, hoặc cơ quan Chính phủ. Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi. Tịch biên hoặc niêm phong các tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập hồ sơ mang phạm nhân ra tòa án đặc biệt.

Điều thứ ba: Lập ngay tại Hà Nội một tòa án đặc biệt để xử các nhân viên của các Ủy ban nhân dân hay cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố.

Điều thứ tư: Tòa án đặc biệt có toàn quyền định án, có thể tuyên án tử hình. Những án tuyên sẽ thi hành trong 48 giờ.

Đầu năm 1946, chỉ trong khoảng 20 ngày, Hồ Chí Minh đăng bốn bài trên Báo Cứu Quốc liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Thứ nhất, Báo Cứu Quốc số 135, ngày 07-01-1946 đăng lời phát biểu của Hồ Chí Minh trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá, trong đó nhấn mạnh “làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu”. Thứ hai, Báo Cứu Quốc số 147, ngày 21-01-1946 đăng bài “Trả lời các nhà báo nước ngoài” của Hồ Chí Minh, trong đó có nói đến “đảng viên của Đảng sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”. Ngòi bút Hồ Chí Minh đã đặt kẻ tham ô ngang hàng với kẻ phản quốc, hai loại người này đều không được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thứ ba, Hồ Chí Minh đăng Báo Cứu Quốc số 155, ngày 05-02-1946 Quốc lệnh 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt, ghi rõ “trộm cắp của công sẽ bị xử tử”. Thứ tư, khi viết bài Tự phê bình đăng Báo Cứu Quốc, số 153, ngày 28-01-1946, trăn trở với nền độc lập, tự do của Tổ quốc, khẳng định trách nhiệm để khỏi phụ lòng đồng bào, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra rằng “tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch”.

Với chính tâm “không dính líu gì với vòng danh lợi”, Hồ Chí Minh muốn dùng sức mạnh báo chí như một vũ khí sắc bén trong cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng. Người đăng Báo Cứu Quốc số 394, ngày 03-11-1946 lời tuyên bố trước Quốc hội trước khi thành lập Chính phủ mới rằng “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”. Chặn đứng ngay sự tha hóa biểu hiện bằng tham nhũng quyền lực bằng lời tuyên bố trước cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất không chỉ là tuyên ngôn mà thực tế là một hành động xuyên suốt đến tận cuối đời của người đứng đầu Chính phủ. Trong lời tuyên bố đó, Người còn nói rõ “tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”.

Cũng tại kỳ họp này, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trường hợp Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chu Bá Phượng mang vàng để buôn lậu trong phái đoàn Chính phủ đi dự Hội nghị Phôngtennơblô, bị các nhà chức trách Pháp bắt được, Hồ Chí Minh thẳng thắn khẳng định: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở các Ủy ban làng, đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.

Giữ đúng lời hứa trước Quốc hội, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223, đăng Báo Cứu Quốc số 418, ngày 27-11-1946 với nội dung “ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, tài sản công cộng. Riêng tội đưa và nhận hối lộ, sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ”.

Với tâm sáng, lòng trong, không gợn quyền lực, danh lợi, Hồ Chí Minh dùng ngòi bút chống tham nhũng tuy nhẹ nhàng nhưng sắc nhọn, rộng và sâu, khiến người đọc cảm nhận chống tham nhũng không có “vùng cấm” như cách nói ngày nay. Với bút danh Lê Quyết Thắng, Người viết bài báo Thế nào là liêm đăng Báo Cứu quốc, ngày 01-6-1949, chỉ rõ “những người có quyền - cấp cao quyền to, cấp thấp quyền nhỏ - mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Từ đó, Người đòi hỏi “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì”.

Năm 1952, Chính phủ phát động phong trào thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm. Hồ Chí Minh viết nhiều bài đăng báo về nội dung thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Trong bài báo Nạn tham ô ở Mỹ, đăng Báo Cứu Quốc số 2044, ngày 29-3-1952, từ chỗ tố cáo thủ đoạn tham ô của bọn tư bản và giới cầm quyền ở Mỹ, Hồ Chí Minh (lấy bút danh Đ.X.) nhấn mạnh “khác với chế độ tư bản, chính quyền nhân dân phải tẩy trừ triệt để nạn tham ô, chính quyền nhân dân phải trong sạch”.

Cần phải khẳng định rằng, ngòi bút Hồ Chí Minh chống tiêu cực, tham nhũng trên báo chí vẫn đang là ngọn đuốc soi đường cho những người làm báo hôm nay tiếp tục rèn bút sắc, tâm sáng, lòng trong trên trận tuyến đầy cam go, thử thách này.

Mài sắc ngòi bút “phò chính, trừ tà” theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Báo chí ngày nay được coi là một thứ “quyền lực mềm” nhưng có sức mạnh “cứng”. Cái sắc nhọn của báo chí phải gắn với trách nhiệm của người cầm bút, trách nhiệm công dân, trách nhiệm phục vụ Tổ quốc. Trong quyền lực có trách nhiệm, trong thực thi trách nhiệm phải thể hiện được quyền lực và sức mạnh của báo chí. Quyền lực không có trách nhiệm là một thứ quyền lực vô giá trị; trách nhiệm không phản ánh, thể hiện được quyền lực là một thứ trách nhiệm không đến nơi đến chốn, trách nhiệm nửa vời.

Người cầm bút có quyền/ trách nhiệm phê bình với thái độ “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” theo lương tâm của nhà báo chiến sỹ. Nhà báo cần có dũng khí, bản lĩnh trong phê phán, phanh phui cái ác, cái xấu, cái sai, cái giả dối, những tư tưởng và hành động cơ hội, thiếu tinh thần trách nhiệm, bệnh thành tích, bệnh hình thức, các kiểu chạy chọt, luồn cúi, xu nịnh a dua, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm… Báo chí phải biết phát huy quyền lực của mình trong việc “trừ tà”. Ngày nay, nhà báo chân chính không chỉ dám/ chịu hy sinh về quyền lợi mà thậm chí còn phải hy sinh cả tính mạng để có được một thông tin chống tiêu cực có giá trị vì lợi ích của nhân dân. Người cầm bút không có dũng khí với cái tâm trong sáng, trách nhiệm cao, không bao giờ có được những bài báo nghiêm chỉnh, chắc chắn, sắc bén. Nhà báo phải chịu trách nhiệm về những bài viết, đó vừa là trách nhiệm báo chí, vừa là trách nhiệm công dân. “Trừ tà” theo tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”, cứu một dân tộc, một chế độ, một đảng, chứ không phải phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm.

Nền báo chí cách mạng không chấp nhận những nhà báo không có lập trường chính trị vững chắc. Nhà báo phải lấy chính trị làm chủ. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chuyên môn i, tờ thì viết báo thế nào? Đức phải có trước tài, là gốc, nền tảng.

Quyền lực nào cũng có xu hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Quyền lực báo chí không nằm ngoài xu hướng đó. Người làm báo không có lương tâm, không thấy trách nhiệm, chỉ thấy quyền lực, thì rất dễ bị tha hóa. Người làm báo phải nhận thức đúng đắn rằng nhân dân trao cho báo chí quyền lực lớn thì trách nhiệm cầm bút càng cao. Vì vậy, muốn thực hiện được quyền lực và hoàn thành được trách nhiệm của báo chí thì người cầm bút phải tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, suốt đời, gắn với thực tiễn cách mạng, với nghiệp báo chí của mình. Nhà báo phải có phẩm chất chính trị - đạo đức; chuyên môn - nghiệp vụ; phong cách làm báo; bản lĩnh, dũng khí nhà báo. Bốn tố chất đó gắn bó chặt chẽ với nhau, là cốt tủy, rường cột của nhà báo. Thiếu một trong những phẩm chất đó, nhà báo dễ đi ngược lại lợi ích của đất nước, phản bội lợi ích của dân tộc.

Phẩm chất chính trị quan trọng nhất của nhà báo là nâng cao tư tưởng cách mạng, đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Đạo đức hàng đầu và xuyên suốt của nhà báo là chí công vô tư, tức là đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Trên nền tảng một trình độ văn hóa, nhà báo phải có chuyên môn, nghiệp vụ sắc sảo, nhạy bén với một phong cách truyền thống và hiện đại nhưng không giật gân, câu khách; gần gũi quần chúng, sâu sát thực tế nhưng không thực dụng, “từ trong quần chúng ra, trở lại quần chúng” nhưng không thô thiển. Cũng như mọi cán bộ, bản lĩnh nhà báo ngày nay là phải biết tránh xa vòng danh lợi, mọi sự cám dỗ của quyền và tiền; dám và biết cách bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái thật, cái tích cực, lên án mọi sự dối trá, lừa lọc, tiêu cực, tham nhũng. Đừng để “nén bạc đâm toạc tờ giấy”.

Quyền lực và sứ mệnh của báo chí phải ca ngợi cái đẹp, cái đúng, cái tốt, cái hay, cái tích cực, những việc tử tế, gương “người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần đẩy lùi tiêu cực, xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh. Làm tốt những điều đó, chính là báo chí thể hiện được tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu, làm tròn sứ mệnh “phò chính, trừ tà” theo ngòi bút Hồ Chí Minh.

 

"… Có một vài cán bộ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt. Mặt khác, các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi..."

(Trích Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam ngày 08-9-1962.

Theo Báo Nhân Dân số 3.089, ngày 09-9-1962)

PGS.TS Bùi Đình Phong

Theo Báo Đà Nẵng

Huyền Trang (st)

 

Bài viết khác: