Laura Lam tiếp tục có viết về quãng thời gian Bác Hồ - khi đó là chàng thanh niên Văn Ba, làm việc cùng đầu bếp huyền thoại người Pháp Escoffier, với những chi tiết ít người biết về vị lãnh tụ của chúng ta.

“Đứng trước tòa nhà mới xây trên nền đất cũ, tâm trí tôi lại trở về với Khách sạn Carlton, nơi chàng thanh niên Văn Ba (Hồ Chí Minh) đã làm việc. Tôi mường tượng ra khu bếp lớn của Vua bếp Auguste Escoffier với đội ngũ 60 nhân viên của ông ấy, tất bật chạy quanh trong những bộ áo choàng trắng cùng mũ vải trắng tinh tươm.

 

chuyen ve Bac Ho voi nguoi dau bep 1
Khách sạn Carlton năm 1920

Trước khi chuyển đến khách sạn Carlton lộng lẫy, Escoffier đã từng làm việc cho khách sạn Savoy, nơi ông xây dựng được danh tiếng là cha đẻ của phong cách nấu ăn Pháp. Escoffier là người cung cấp thực phẩm cho nhà bếp Hoàng gia Anh, cho các phụ nữ quý tộc Châu Âu, cho những người nổi tiếng và những người siêu giàu. Được Hoàng tử xứ Wales đánh giá cao, nên khi Hoàng tử trở thành Vua Edward VII năm 1901, Escoffier được giao trọng trách chuẩn bị cho bữa tiệc đăng quang của nhà vua mới. Năm 1913, ông gặp Hoàng đế Wilhelm II tại bữa tiệc chiêu đãi cấp quốc gia dành cho 146 nhân vật quyền cao chức trọng Đức. Hoàng đế đã rất ấn tượng với phong cách nấu ăn của Escoffier và dành cho ông lời ca tụng: “Tôi là Hoàng đế của nước Đức, nhưng ông là ông vua của các đầu bếp”.

Thực đơn của Escoffier gồm những món xuất phát từ những ý tưởng chỉ có ở riêng ông. Như món thịt gà đông được làm từ ký ức của ông về con tàu Jeannette bị mắc cạn trên băng năm 1881; món bánh làm bằng quả đào là để tỏ lòng tôn kính danh ca người Australia, Nellie Melba; món làm từ dâu tây, dứa, kem chanh là món ăn tỏ lòng kính trọng với nghệ sĩ Pháp lừng danh Sarah Bernhardt. Nhiều món ăn của ông đã trở thành những món ăn kinh điển của người Pháp.

Bí quyết của người đầu bếp huyền thoại này là sử dụng những thành phần tươi nhất và nguyên chất nhất để làm nên những món ăn với kỹ thuật cao nhất cùng tính giản đơn. Ông cũng đề cao tiêu chuẩn vệ sinh trong khi chế biến. Năm 1919, Tổng thống Poincaré đã trao tặng Escoffier Bắc đẩu Bội tinh để ghi nhận tài năng đặc biệt cũng như công lao của ông quảng bá phong cách ẩm thực Pháp. Ba năm sau đó, ông được phong chức Sĩ quan Đội sĩ quan danh dự nhân một bữa tiệc quốc gia tại Palais d'Orsay.

chuyen ve Bac Ho voi 2

Khách sạn Carlton bị phá hủy trong cuộc chiến Blitz ở London năm 1940

Khách sạn Carlton là nơi được Winston Churchill (sau này là Thủ tướng Anh) yêu thích. Ngày 4/8/1914, khi Churchill đang ngồi dùng bữa trong khách sạn này, Anh đã tuyên chiến với Đức và các đồng minh của Đức. Chiến tranh đã bùng nổ hai ngày trước đó, khi quân Đức tấn công lính Pháp. Escoffier và Văn Ba cũng có mặt tại khách sạn khi lời tuyên chiến được đưa ra. Văn Ba đã rất phấn chấn. Anh âm thầm hy vọng cuộc chiến này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Ở London, anh lặng lẽ chờ cơ hội để bộc lộ. Escoffier tiếp tục phụ trách công việc bếp núc của khách sạn Carlton cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ I (8/1914 -11/1918).

Khi Văn Ba bắt đầu công việc của mình vào mùa Xuân năm 1913, anh chỉ là một chân trong nhóm rửa bát ở khu bếp của Escoffier. Với nhân viên này, không có gì hay ho khi chứng kiến những khách hàng giàu có và nổi tiếng để lại nhiều thức ăn trên đĩa sau mỗi bữa. Bất kỳ khi nào nhìn thấy một khoanh bít tết lớn hay miếng thịt gà to còn chưa được đụng đến, anh lại chuyển chúng sang một chiếc đĩa sạch và gửi trở lại nhà bếp. Một lần, Escoffier hỏi Ba “Tại sao anh không vứt những thức đó vào thùng rác như những người khác? Ba trả lời “Những thứ này không nên vứt đi. Ông có thể mang chúng cho người nghèo”.

Escoffier lấy làm thích thú và tỏ ý rất hài lòng với câu trả lời này. “Chàng trai trẻ thân mến ơi, hãy nghe ta. Giờ thì gạt ý tưởng mang tính cách mạng đấy của anh sang một bên và ta sẽ dạy cho anh nghệ thuật nấu nướng. Nó sẽ mang đến cho anh rất nhiều tiền”.

chuyen ve Bac Ho voi 3
Tấm bảng treo trên tòa nhà mới. Không có tài liệu nào của Khách sạn Carlton thoát khỏi cuộc chiến tranh. Các nhà sử học Nga và Việt Nam cùng những nguồn khác cho rằng chàng thanh niên Văn Ba đã làm việc ở Khách sạn Carlton từ năm 1913 đến 1917

 

Ngay sau cuộc đối thoại này, Văn Ba được đưa lên khu vực làm bánh và Escoffier đã truyền cho anh nghệ thuật làm món tráng miệng của Pháp. Anh làm theo những hướng dẫn của vị vua bếp một cách siêng năng và với niềm thích thú thực sự. Ba học rất nhanh công thức làm các loại bánh ngọt của Pháp. Escoffier là người tiên phong trong kỹ thuật trộn các thành phần bánh, xử lý bột nhào và bí kíp nướng bánh sao cho ra lò được những chiếc bánh với lớp vỏ giòn và bóng mịn.

Ngay từ đầu, người thày thông thái của Ba đã chú ý đến sự thông minh nổi trội của cậu học trò và ông luôn đánh giá cao tính chín chắn, thái độ lịch thiệp của Ba. Năm 1917, Escoffier chuẩn bị cho sinh nhật lần thứ 71 của mình, ông đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi sau khi tìm được người sẽ kế thừa tài sản vô giá là những công thức làm món ăn của ông. Văn Ba đã theo học ông được 4 năm và là một trong những đầu bếp được ông quý mến nhất. Escoffier không nghi ngờ về việc Ba có được một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong thế giới của các đầu bếp Pháp.

Tuy nhiên, một buổi tối, Ba đã nói chuyện với Escoffier. Tin tức về phong trào Duy Tân bị Pháp đàn áp đã đến với Ba và anh cảm thấy rất bồn chồn. Anh thông báo với Escoffier tin sẽ rời London và bắt tay vào một sứ mệnh mới. Có thể quyết định này bắt nguồn từ sự kiện ở Đông Dương, mà cũng có thể là do cuộc Cách mạng Nga bất ngờ nổ ra. Escoffier biết hoài bão chính trị của Ba rất tốt. Nhưng ông cũng cảm thấy buồn bã khi chàng thanh niên có vẻ ngoài thư sinh kia lại từ bỏ bộ đồ trắng để bắt đầu một cuộc sống mà khi ấy, ông cho là đầy những nguy cơ và không có gì chắc chắn.

Khách sạn Carlton bị Đức Quốc xã phá hủy hoàn toàn trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng vào London, thường được gọi là cuộc chiến London Blitz, trong những năm đầu 1940, sau 57 đêm Hitler ra lệnh không kích liên tục thành phố này. Đây là giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh thế giới thứ II (tháng 9/1939-tháng 8/1945).”

Theo Laura Lam (Việt Hà dịch)

Dantri.com.vn

Huyền Trang (st)

 

Bài viết khác: