Đúng dịp tỉnh Tuyên Quang long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, tôi tình cờ được nghe kể về một loài cây có tên “cây hoa Bác Hồ” ở Lũng Trò, xã Trung Trực (Yên Sơn) - nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ 19-12-1948 đến 10-1-1949. Vậy là thực hiện ngay chuyến đi đến nơi có câu chuyện kể và được biết thêm nhiều điều thú vị mà thiêng liêng.

Cây hoa Bác Hồ

Từ trung tâm xã Trung Trực, chúng tôi đi chừng hơn cây số đến Thôn 5, Đồng Hon. Leo hết con dốc phía bên phải tỉnh lộ 185 rồi xuống đến Lũng Trò. Đây là thung lũng nhỏ, xanh mát cây rừng, lọt giữa núi Lũng Trò, đồi Mỏ Noọng, đồi Trai Ảnh. Một dòng suối nhỏ, nước róc rách, len lỏi lộ cả những viên cuội dưới đáy như lời reo chào khách lạ. Ngôi nhà sàn ngay bên suối của vợ chồng chị Triệu Thị Hòa và anh Nguyễn Văn Hùng nằm đúng trên mảnh đất năm xưa dựng lán Bác Hồ. Chị Hòa bảo, cả thung lũng hiện có 2 hộ đồng bào Tày sinh sống, chứ ngày đó (ngày Bác Hồ và bộ đội về làm lán ở để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp) tuyệt nhiên không có người ở, cây cối rậm rạp, rất nhiều cây Trò. Bà con gọi Lũng Trò là vì vậy. 

Theo sách  “Di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang” (Sở VHTT&DL tỉnh phát hành năm 2010), lán Bác ở Lũng Trò được làm theo kiểu nhà sàn, tầng trên để ngủ ban đêm, tầng dưới làm việc ban ngày, vừa tránh được thú dữ, vừa tránh không khí ẩm thấp của núi rừng. Lán quay hướng Nam, nhìn xuống suối. Sáng sáng Bác thường xuống suối rửa mặt, tay cầm theo ống bương đựng nước để khi trở lên đến thềm nhà thì rửa chân. Trước cửa lán, Bác trồng khóm hoa vừa để ngụy trang, vừa có hoa đẹp để ngắm. Từ căn lán này, ngày 19-12-1948, Bác Hồ đã viết Lời kêu gọi nhân ngày kỷ niệm hai năm kháng chiến toàn quốc, Điện gửi nhân dân Pháp, gửi thư cho đồng bào Công giáo toàn quốc nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh... Cũng tại đây, Bác gửi thư chúc mừng năm mới đến toàn thể đồng bào chiến sỹ nhân Tết Dương lịch 1949, ký Sắc lệnh thành lập một Hội đồng giáo dục có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục ấn định chính sách và kế hoạch giáo dục, nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà. Bác thường xuyên truyền tinh thần lạc quan cách mạng đến cán bộ và nhân dân, chú trọng công tác tư tưởng, nhắc nhở các đồng chí cảnh vệ, phục vụ, bộ đội phải làm tốt công tác dân vận, tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho dân, hướng dẫn bà con ăn ở hợp vệ sinh, tham dự các buổi sinh hoạt với nhân dân. 

cay hoa bh 1
Anh Nguyễn Văn Hùng (ngoài cùng bên phải) đang
 giới thiệu về cây hoa Bác Hồ ở Lũng Trò.

 Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, Lũng Trò không còn rậm rạp, hoang vu như ngày ấy. Theo chân anh chị chủ nhà và anh cán bộ văn hóa xã, chúng tôi đến khu vực năm xưa là lán Bác. Căn lán Bác ở và các lán của bộ đội, của cán bộ phục vụ từ lâu đã không còn dấu vết. Nhưng thật kỳ diệu, khóm hoa Bác trồng nơi cửa lán năm xưa giờ vẫn xanh tươi, dù khu vườn đã qua biết bao mùa phát cỏ, gieo trồng. Đây là loại cây dây leo, rễ cọc cắm rất sâu vào đất, lá to hơn lá hoa nhài, thường nở hoa màu đỏ vào những tháng cuối năm âm lịch. Hết mùa hoa cũng là mùa gieo trồng vụ mới, người dân phát dọn cả khu vườn, nhưng chồi cây lại nhú lên từ sâu trong lòng đất, lại nảy lộc, đơm hoa. Người già, người trẻ ở Trung Trực đều khẳng định vùng này không hề có loại cây nào như thế. Không một ai biết tên cây. Chỉ biết cây do Bác trồng, nên bà con đã đặt tên cây là cây hoa Bác Hồ. “Trông cây lại nhớ đến Người”, trước vạt cây lạ, đặc biệt xanh tốt giữa đám dong giềng đang nở hoa đỏ ối bên dòng suối Lũng Trò, tôi bỗng như thấy hình ảnh Bác tại Lũng Trò, lúc suy tư làm việc trong lán, lúc ân cần trìu mến chăm sóc khóm hoa. Xin phép đưa một nhánh hoa về trồng, tôi muốn được chăm sóc hoa như lưu giữ một kỷ vật thiêng liêng về Bác. Được biết, gần đây xã Trung Trực đã giao nhiệm vụ cho anh chị Hùng - Hòa trông coi, chăm sóc khóm hoa. Vợ chồng anh đã coi đó là vinh dự của gia đình. Khung ảnh trong nhà hiện treo những tấm hình chụp các đoàn khách đến Lũng Trò thăm cây hoa Bác Hồ nở đỏ rực rỡ.   

Khắc ghi lời Bác

Ông Ma Phúc Quý, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trung Trực năm nay đã gần bảy mươi tuổi. Ông là con trai của Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Ma Phúc Nghiêm ngày ấy. Trong căn nhà đơn sơ ngay cửa ngõ vào Lũng Trò, ông kể cho chúng tôi nghe chuyện cây hoa Bác Hồ, chuyện những ngày cha mẹ ông vinh dự được phục vụ Bác Hồ, phục vụ bộ đội. Hồi ấy ông còn nhỏ, nên những chuyện về Lũng Trò chủ yếu được biết qua lời kể của cha mẹ. Nào chuyện mỗi tuần, bộ đội trong lũng lại ra thôn dạy dân tập võ, vui văn nghệ; chuyện bà con trong thôn đóng góp tre nứa, lá cọ làm lán, đóng góp gà, gạo và các loại thực phẩm khác nuôi bộ đội. 

cay hoa BH 2
Trường THCS Trung Trực (Yên Sơn) mới được đầu tư xây dựng
 thu hút con em học sinh trong xã đến trường.    

Có gia đình đóng góp nhiều bạc trắng, có nhà đem đến con lợn 65 kg. Mẹ ông, bà Đào Thị Hồng vốn không biết chữ, nhưng được tổ chức phân công tiếp nhận đồ bà con ủng hộ Việt Minh, có cân đong cẩn thận, báo cáo Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã viết giấy biên nhận, ký tên hẳn hoi. Những ngày Ban Việt Minh xã và bộ đội làm lán đón Bác Hồ, mẹ ông ngày ngày nấu cơm, cha ông đưa cơm vào trạm gác, đánh kẻng cho bộ đội ra lấy. Có một chuyện cha kể làm ông nhớ mãi. Ấy là một lần đưa cơm vào lán, được gặp cụ già dáng cao, râu dài ở một căn lán bên kia suối. Cụ già dặn dò: Chú là người đứng đầu phải gương mẫu vận động, giác ngộ cách mạng cho bà con để kháng chiến sớm thắng lợi. Lời dặn dò ôn tồn, giản dị mà sâu sắc. Sau này, khi mọi người trong các lán ở Lũng Trò đã rút đi nơi khác, ông mới biết cụ già hôm ấy chính là Bác Hồ. Luôn đinh ninh lời Bác, vị Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã đã lãnh đạo Trung Trực thành căn cứ cách mạng thủy chung, giữ bí mật, bảo vệ cán bộ. Cậu bé Ma Phúc Quý mới ra đời năm ấy được nuôi dưỡng và trưởng thành  trong truyền thống cách mạng của gia đình, thôn xóm, sau này thành bộ đội tận chiến trường nước bạn Lào, rồi đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng ủy xã (1996 - 2000), Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã (2000 - 2004). 

Trong số những người cao tuổi nhất ở Trung Trực hiện nay có cụ Đàm Văn Xuyên, cũng nguyên là Bí thư Đảng ủy xã, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, ở thôn Đồng Quảng. Cụ Xuyên năm nay đã ngoài chín mươi tuổi, dáng vẻ chậm chạp, nhưng đôi mắt còn tinh anh và tai nghe vẫn rõ. Cụ rành rọt kể cho chúng tôi về những ngày Bác Hồ và bộ đội về Lũng Trò. Ngày ngày tập luyện, tối lại sinh hoạt nghe cán bộ nói chuyện, vui văn nghệ, học chữ quốc ngữ. Nhắc đến Di tích lán Bác ở Lũng Trò và cây hoa Bác Hồ, cụ Xuyên tỏ ý day dứt vì lúc còn công tác chưa đề nghị cho Lũng Trò được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Nay cụ đã ở tuổi gần đất xa trời, chỉ mong các thế hệ sau giúp tháo bỏ niềm day dứt bấy lâu. 

Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Sáu không giấu niềm tự hào vì Trung Trực vinh dự được Bác Hồ từng ở và làm việc, vì Trung Trực hiện vẫn lưu giữ được cây hoa Bác Hồ là kỷ vật thiêng liêng của Bác. Anh cho biết xã đã làm hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Lũng Trò là Di tích lịch sử quốc gia. Cây hoa Bác Hồ ở Lũng Trò đã được nhân gốc đem trồng trước cột cờ trụ sở xã để mỗi cán bộ, đảng viên ngày ngày chăm sóc như một lời tự nhắc nhở học tập và làm theo Bác. Đảng bộ Trung Trực nhiều năm liền trong sạch vững mạnh, được Tỉnh ủy tặng Bằng khen Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu (2009 - 2011). Trong Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Trung Trực được huyện Yên Sơn chọn là xã điểm và được khen thưởng. Nhưng quan trọng hơn, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đều nhận rõ những ưu khuyết điểm của mình để đề ra phương hướng khắc phục và đăng ký những việc làm theo Bác cụ thể, sát thực trong từng thời kỳ.

Năm 2012 này, mỗi tập thể, cá nhân ở Trung Trực đều chọn được nội dung làm theo Bác Hồ gắn với nhiệm vụ được giao. Đảng ủy xã chọn việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, quan tâm phát triển đảng viên. Ủy ban nhân dân xã đề cao thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gần dân, lắng nghe dân. Chi bộ Trường Trung học cơ sở xã giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp đồng nghiệp sử dụng phần mềm tin học trong soạn giảng. Cá nhân đồng Chí chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chọn thực hiện nội dung “nâng cao trình độ năng lực, nghiên cứu kỹ văn bản trước khi triển khai thực hiện, kiểm tra chặt giấy tờ trước khi ký”... 

Nhớ lời Bác trong thư chúc mừng năm mới viết năm 1949 tại Lũng Trò “đồng bào sẽ xung phong thi đua tăng gia sản xuất về mọi nghề, mọi ngành, diệt giặc đói, giặc dốt...”, Trung Trực đã tìm được hướng phát triển từ chính đồng đất của xã. Cùng với cây lúa, xã đang phát triển hơn 200 ha cây dong giềng và cây chuối làm hàng hóa. Đã có những hộ đầu tư máy móc, nhà xưởng để thu mua dong củ, chế biến bột tại chỗ, giải quyết đầu ra cho cây dong. Dẫu đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng bà con vẫn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, đóng góp làm đường bê tông đến các thôn được 2 km năm 2011, đóng góp xây dựng Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang được 10 triệu đồng, giải phóng mặt bằng xây dựng Trường Trung học cơ sở xã theo hướng chuẩn quốc gia, xây dựng hồ Khuôn Lù và các tuyến mương phục vụ sản xuất. Xã đã chỉ đạo việc củng cố các lớp học thôn bản, tạo mọi điều kiện để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho 38 trẻ trong độ tuổi. Mức lương thực bình quân đạt 720 kg/người/năm  và 1,1 triệu đồng/người/tháng là kết quả đáng trân trọng đối với một xã vùng sâu, vùng xa. 

Tạm biệt Trung Trực, trong tôi vẫn in đậm hình ảnh cây hoa Bác Hồ và những tâm sự của các đồng chí lãnh đạo xã về thực hiện lời dạy của Bác để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Và mãnh liệt một niềm tin không lâu nữa, hồ sơ đề nghị Lũng Trò là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (đã được Bảo tàng tỉnh trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) sẽ được phê duyệt, để nơi này là điểm đến giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Rồi đây, cây hoa Bác Hồ ở Lũng Trò với sức sống diệu kỳ từ hơn nửa thế kỷ qua sẽ được nhiều người biết đến, được nhân giống và chăm sóc ở nhiều nơi như giữ gìn một kỷ vật quý giá về Bác, như một cách để mỗi người tự nhắc mình thường xuyên học tập và làm theo Bác Hồ.  

Theo baotuyenquang.com.vn
Thúy Hằng (st)

Bài viết khác: