Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 10/01/2025

Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII thống nhất cho rằng, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội mà trụ cột là Bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, vì thế, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (CCCSBHXH) hiện đang là yêu cầu bức thiết.

Thể hiện tính nhân văn và bản chất tốt đẹp của chế độ ta

BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ các mức đóng góp của người tham gia, thường là sự chia sẻ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ, với một phần tham gia của Nhà nước và các nguồn khác như tiền phạt đối với chủ lao động chậm nộp BHXH, tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH và các khoản thu khác có liên quan.

Trên thế giới, BHXH đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm nay và BHXH đã trở thành một trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, vấn đề BHXH đã được Đảng ta quan tâm từ rất sớm. Tại Hội nghị Trung ương tháng 11/1940, Đảng đã ra nghị quyết “sẽ đặt ra Luật BHXH” khi thiết lập được chính quyền cách mạng và tạo lập quỹ hưu bổng cho người già. Trong những năm tháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gian khổ, các chính sách BHXH ở Việt Nam tuy ban hành không được nhiều, thực hiện chủ yếu dưới dạng phụ cấp, trên tinh thần “đồng cam, cộng khổ”… song đã kịp thời giải quyết một phần khó khăn trong đời sống cho người tham gia cách mạng, công nhân, viên chức Nhà nước và trở thành động lực khiến họ hăng hái, dũng cảm chiến đấu, phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, công tác.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh và nguồn lực tài chính có hạn, nên mãi đến cuối năm 1961, Chính phủ mới có Nghị định số 218/CP ban hành tạm thời Điều lệ BHXH, quy định về các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức Nhà nước (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-1962). Đến năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/CP ngày 26-01 quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với công chức, công nhân viên chức Nhà nước và NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp và Nghị định số 19/CP ngày 16-02 thành lập BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý Quỹ BHXH và thực hiện thống nhất các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật.

23 năm qua, kể từ ngày BHXH Việt Nam được thành lập, hệ thống luật pháp, chính sách về BHXH đã được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện, ngày càng đồng bộ, phù hợp hơn với thực tế đất nước và thông lệ quốc tế; đã bao quát được cả loại hình bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động. CSBHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống, khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm cũng như khi đến tuổi già không còn khả năng lao động. Công tác giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ có nhiều tiến bộ, tạo thuận lợi cho người thụ hưởng.

CSBHXH đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Đảng ta đã có nhiều quyết sách về vấn đề này. Ngày 07-9-2009, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TƯ về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới; ngày 01-6-2012, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020; ngày 22-11-2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020. Tại Đại hội XII (năm 2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phát triển và thực hiện tốt các chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động…”.

CSBHXH ở Việt Nam đã thể hiện được tính nhân văn và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Theo đồng chí Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến thời điểm hết năm 2017, so với năm 2012, đối tượng tham gia BHXH tăng mới 3,25 triệu người, bằng 30,8 %; đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng nhanh qua các năm, tăng mới 3,5 triệu người, bằng 42,4 %. Trong 5 năm, ngành BHXH đã giải quyết chế độ cho 762.460 người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp hằng tháng, đưa tổng số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng tại thời điểm ngày 31-12-2017 lên trên 3,1 triệu người (tăng 18,7 % so với năm 2012); giải quyết cho hơn 3,78 triệu người hưởng trợ cấp một lần; hơn 38,49 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và 3,93 triệu lượt người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

BHXH
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người tham gia bảo hiểm xã hội/ Ảnh minh họa/ TTXVN.

Vẫn còn nhiều vấn đề bất cập

Tuy liên tục được đổi mới, bổ sung, nhưng chính sách BHXH của chúng ta vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Diện bao phủ còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực; quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn; các chế độ BHXH còn chưa đa dạng, linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục còn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, NLĐ… Hiện còn hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà không tham gia BHXH. Đặc biệt là việc nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là gánh nặng lớn cho quỹ BHXH.

Theo ý kiến của các chuyên gia bảo hiểm và nhiều đại biểu tham luận tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, việc thiết kế chính sách bảo hiểm hưu trí, trong đó có vấn đề về tuổi nghỉ hưu còn nhiều điểm chưa phù hợp, còn nặng về nguyên tắc "đóng - hưởng" mà chưa chú ý thỏa đáng đến nguyên tắc "chia sẻ". Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về các giải pháp giải quyết hậu quả thất nghiệp mà chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều điểm chưa phù hợp.

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế. Tính tuân thủ pháp luật chưa cao; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Nhận thức của một bộ phận NLĐ và người sử dụng lao động về vai trò, tác dụng của BHXH chưa đầy đủ và toàn diện; công tác thông tin, tuyên truyền chưa có những đổi mới mạnh mẽ để mang lại hiệu quả tốt hơn về phát triển đối tượng, tạo niềm tin vững chắc để thu hút NLĐ tham gia BHXH.

Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để BHXH thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng", "công bằng", "bình đẳng", "chia sẻ" và "bền vững".

(Còn nữa)

TS. KIM HÀ - PHÚ THỌ
Theo Báo Quân đội nhân dân
Lệ Minh (st)

Bài viết khác: