Sinh thời, trái tim người con vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh không đứng cao vời vợi tách khỏi cuộc sống bình thường của mọi tầng lớp nhân dân mà ngược lại luôn tỏa sáng ấm áp, bình dị mà vô cùng cao quý. Con người ấy, tình yêu ấy được hun đúc từ chính bản sắc, tình yêu quê hương đất nước và sự gắn bó với cuộc sống của chính nhân dân mình, luôn gắn quyện với nhịp đập của cuộc sống đất nước, nơi mà người ấy gửi gắm một "ham muốn, ham muốn đến tộc bậc” là làm sao đem lại cuộc sống ấm no cho con người, đem lại tự do và hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Tình yêu ấy còn là niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh lớn lao, sức sáng tạo vô cùng của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hơn ai hết, Người khẳng định mọi nguồn lực cách mạng là ở nơi quần chúng, sức mạnh kiến thiết cũng là nơi quần chúng, trong đó có thế hệ trẻ. Người luôn dành muôn vàn tình thương yêu và gửi gắm niềm tin khi đặt trọn tương lai của cách mạng, của dân tộc vào họ.

tuoitre1
Bác Hồ với thiếu nhi Liên Xô khi Bác thăm đất nước Lênin - 1957.

Bác của chúng ta là con người sống có lí tưởng cao cả, giàu tình nhân ái, ân nghĩa, sống khiêm tốn, giản dị và quên mình. Tình yêu bao la đó trong trái tim một con người vĩ đại không chỉ dành riêng cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam mà còn là tình hữu nghị quốc tế trong sáng dành cho bạn bè bốn biển năm châu bởi “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Và như một lẽ tất nhiên, trong đó tình cảm dành cho thế hệ trẻ các nước luôn trong nhịp đập trái tim bao la tình thương yêu của Hồ Chí Minh và để lại cho thanh niên Việt Nam, thanh niên thế giới những tình cảm quí báu và những lời dạy thiết thực.

 Tháng 3 năm 1961, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam - nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bác đã đến thăm và nói chuyện. Bác nói:

“ Nhà thơ Pháp, Vay-ăng Cu-tu-ri-ê viết: “ Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của loài người”

Nhà thơ Xô-viết, Mai-a-cốp-xki viết: “Chủ nghĩa cộng sản là tuổi trẻ của thế giới do những người trẻ tuổi xây dựng nên”.

Bác thì nói một cách mộc mạc: Thanh niên Việt Nam, thanh niên thế giới! Hãy hăng hái tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa cộng sản!”

tuoi tre 2
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Tát-gi-ki-xtan, ngày 27/7/1959

Lới nói “mộc mạc” ấy chính là lới kêu gọi nóng bỏng từ tấm lòng của một nhà hoạt động quốc tế sôi nổi, suốt đời phấn đấu không chỉ vì nền độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của dân tộc mình mà còn vì tương lai tươi sáng của toàn nhân loại. Bởi vậy, trải qua bao gian khổ, mất mắt và hy sinh, khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đã đánh dấu chặng đường mới của đất nước, dân tộc ta. Cũng ngay sau đó là 30 năm gian khổ “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Tuy nhiên, trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp, Mỹ và các thế lực tay sai, Người lại có những cuộc hành trình đầy tình hữu nghị tại nhiều nước anh em, bầu bạn, từng gắn bó với bao nhiêu con người thuộc mọi chủng tộc, màu da, tôn giáo, lứa tuổi với tư tưởng nhân văn“Giang sơn muôn dặm một nhà/Bốn phương vô sản đều là anh em”. Các bạn quốc tế cũng thân mật gọi Người là Cha, là Bác, là Anh. Năm 1946, khi sang thăm Pháp trên cương vị thượng khách của Chính phủ nước này, Bác có nhiều dịp tiếp xúc với đủ các giới chính khách, báo chí, văn nghệ, đảng phái, đoàn thể, quần chúng. Trên đất Pháp, Người đã trải qua cả một thời tuổi trẻ và kết bạn với nhiều chiến sĩ cách mạng cùng lứa tuổi. Sau này, chính Người tự nhận: “Tôi đã nhiều năm từng là dân Pa-ri”.

Bac ho voi thieu nhi bulgaryjpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi Bungari trong dịp
 Người
 sang thăm Bungari năm 1957.

Có lẽ, mỗi chúng ta đa từng được nghe câu nói nổi tiếng của Người “Tất cả trẻ em trên thế giới là con tôi!”. Đó là câu nói của Người khi tiếp bố mẹ của cô bé Irina Đimitơriépna Đênia, là con của nhà báo X. Côlôxốp (X. Côlôxốp từng là phóng viên của Thông tấn xã Liên Xô APN) và vợ là bác sĩ Anna Xtaxia Vaxilépna, ở thành phố Giucốpxki, ngoại ô Mátxcơva được Bác Hồ nhận làm con đỡ đầu. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra vào tháng 11 năm 1960, Irasơca và bố mẹ đã được gặp Bác Hồ tại một ngôi nhà trên phố Alếchxây Tônxtôi, nhân dịp Người cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang Mátxcơva dự lễ kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra rất tình cảm và thân mật. Bác mời gia đình Irasơca cùng ăn trưa với Người. Trước đó, em bé có tên là Êlidabét, con gái ông Raymông Ôbrắc - cựu Ủy viên Cộng hoà ở Mácxây, nghị sĩ Quốc hội Pháp, được Bác Hồ đã đến bệnh viện thăm, tặng quà và nhận làm con đỡ đầu. Vào những dịp sinh nhật Êlidabét, Người thường gửi thư và quà tới và con gái đỡ đầu của mình. Quà của Bác là quả cầu nhỏ hay một con trâu bằng ngà, có khi là một bức ảnh chân dung của Người, hoặc một đồng tiền vàng có mang hình Bác và đặc biệt là tấm lụa vàng để may áo cưới. Hay em bé Knuth Wolfgang Walther Hartmann ở miền Nam nước Đức thì lại có vinh dự được làm con đỡ đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi có ngày sinh trùng với ngày sinh của Người: 19 tháng 5 năm 1951. Chính vì sự trùng hợp ngẫu nhiên này mà ông bà Walter R. Harlmann, cha mẹ của Knuth, đã gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ cảm tình ủng hộ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam và xin Người nhận Knuth Wolfgang Walther Hartmann làm con đỡ đầu. Việc Bác Hồ nhận những cháu bé người Pháp, Đức và Liên Xô làm con đỡ đầu đã thể hiện tấm lòng nhân ái và sự quan tâm của Bác dành cho thiếu nhi quốc tế, và cũng qua đó càng làm tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp, nhân dân Cộng hoà dân chủ Đức và nhân dân Liên Xô anh em.

Bac ho voi thieu nhi rumani
Các cháu thiếu nhi Ru-ma-ni vui mừng chào đón Bác Hồ sang thăm hữu nghị, 
ngày 17/8/1957

Còn ở Trung Quốc, khi nói chuyện với nhân dân Trung Quốc qua Đài Phát thanh Bắc Kinh, Người bộc lộ: “Tính tôi rất yêu trẻ con cho nên vừa đến Bắc Kinh, tôi vội đi thăm nhà giữ trẻ và Trường Tiểu học, thấy cháu nào cũng ngoan, cũng xinh đẹp, vui vẻ, mạnh khỏe, tôi rất sung sướng và thầm nghĩ rằng các cháu ấy sẽ là những công dân của xã hội cộng sản mà chúng ta đang phấn đấu để xây dựng cho tương lai”.

Bac ho voi thieu nhi trung quoc
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi tỉnh Giang Tô, CHND Trung Hoa, ngày 19/5/1961

Đi thăm các nước ở Châu Âu cũng vậy. Đến trại hè “Hen-nút Giút”, tới thành phố Ai-den-huýt-then-xlát, thăm thành phố cảng Rô-xtốc, vào vườn thú Béc-lin,..Bác đã vui cười nắm tay và dạo chơi cùng các cháu thanh niên, nhi đồng. Ở Nam Tư (cũ), Bác đã mời nhiều cháu nhỏ vào thăm nơi Bác ở, cho ăn bánh và uống sữa. Một cháu bé lên 3 được Bác xúc bánh cho. Các phóng viên ảnh đi theo, chụp hình ảnh ấy gửi đăng báo đã gây xúc động trong lòng nhân dân Nam Tư và các nước Châu Âu. Năm 1959, trong một chuyến đi nghỉ ở Liên Xô (cũ), Người đã vượt ngót trăm cây số xe hơi đến dự cuộc liên hoan của trại hè thiếu nhi Lếch-cút. Có nhà báo cùng đi trong đêm ấy đã tả lại: “Giữa trời đêm, vầng trăng tha thẩn soi bong trên mặt hồ Bai-can cách không xa ngọn lửa trại rực hồng. Chung quanh đó, các em thiếu nhi đàn, hát, múa và biểu diễn vở ba-lê “Hồ Thiên Nga”. Các em ríu rít, quấn quít bên Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người cha hiền từ giản dị như môt ông tiên đem lại cho các em muôn vàn tình thân yêu…”

Có lẽ không có nhà hoạt động chính trị nào trên thế giới này đã đi hầu khắp thế giới như Bác kính yêu của chúng ta. Và ở đâu Người cùng chiến đấu cho nhân dân lao động, cũng yêu quý thế hệ trẻ như chính nhân dân và thanh, thiếu niên nước mình. Và, Người tiếp xúc, chuyện trò với mọi tầng lớp nhân dân ở những nơi Người có mặt, nhất là với thanh niên và thiếu niên, nhi đồng - những người đặc biệt kính yêu Bác và được Bác dành cho sự trìu mến vô bờ bến. Người vui mừng trước các thành tựu của tuổi trẻ các nước, luôn nêu những tấm gương sáng trong chiến đấu và xây dựng đất nước của họ để tuổi trẻ Việt Nam noi theo, từ chị thợ dệt Nga Gaganôva, người thiếu niên dũng cảm Trung Quốc Lưu Hồ Lan đến những thanh niên Pháp anh hùng, như Hăngri Máctanh, Rây mông Điêng, những anh hùng vũ trụ trẻ tuổi Liên Xô như Gagarin, Titốp… Người xúc động trước những đau thương, mất mát do chiến tranh, thiên tai, áp bức gây ra cho các dân tộc và thanh niên ở một nơi nào đó trên trái đất.

Và như thế, Bác của chúng ta đã suốt đời mưu cầu hạnh phúc cho tất cả các dân tộc trên trái đất, và vì thế Người càng yêu quí thế hệ trẻ của mọi đất nước, lớp người giàu sức sống, giàu niền tin trong sự nghiệp xây dựng tương lai của đất nước họ, cùng vun đắp cho tình hữu nghị trên toàn thế giới cho đến khi Người đi về cõi vĩnh hằng./.

Tâm Trang

 

Bài viết khác: